Luận văn Nghiên cứu cơ cấu dân số theo giới tính ở Việt Nam giai đoạn 1999-2009
Mọi mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội suy cho cùng đều là vì con người. Vấn đề con người luôn được quan tâm và đề cập trong hầu hết mọi lĩnh vực dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Nước ta là nước đang phát triển, dân số đông đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, quá trình phát triển dân số đang ở cuối giai đoạn đầu, giai đoạn dân số vàng và già hoá dân số chạy song song. Trong tương lai không xa nước ta sẽ đứng vào hàng ngũ các quốc gia 100 triệu dân. Chính vì thế dân số luôn được quan tâm trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững. Giống nhiều quốc gia khác ở phương Đông nhu cầu sinh con trai là rất lớn. Thực tế cho thấy bài học đắt giá về chênh lệch cơ cấu dân số theo giới tính của nước láng giềng Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia Đông Á khác, liệu Việt Nam có đi theo vết xe đó hay không vẫn là câu hỏi nhiều người quan tâm và đang đi t ìm lời giải đáp. Cũng thông qua Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009 đã “đánh động” về chênh lệch giới tính của nhóm tuổi thấp trong tương lai. Trong những năm đầu thế kỉ XXI tỷ số giới tính ở Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Xu hướng chung là có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đó tỷ số giới tính khi sinh cao hơn nhiều với mức tự nhiên và tồn tại trong thời gian dài, xu hướng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không có tác động đúng hướng. Vậy câu trả lời nào cho hiện tượng tỷ số giới tính của nước ta vẫn còn thấp? Tăng chậm? Cái gì khiến cho tỷ số giới tính khi sinh cao đến vậy? Liệu rằng có thể giảm tỷ số giới tính khi sinh và tỷ số giới tính nói chung đến mức cân bằng?