Luận văn Nghiên cứu phát triển kinh tế - Xã hội huyện vị xuyên, Hà Giang thời kì đổi mới
Một trong những thành tựu đạt được trong thời kì đổi mới của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế đi đôi công bằng xã hội, đặc biệt đối với miền núi và vùng dân tộc. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là các dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển KTXH ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều mặt khó khăn, yếu kém. Đó là chất lượng tăng trưởng chưa thực sự ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, sự phân hóa giàu - nghèo, sự xuống cấp về môi trường sinh thái, thêm nữa, phải đối mặt tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi chúng ta phải thực hiện phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững và chất lượng cao hơn. Nội dung lý luận cũng như thực tiễn phát triển KTXH trong thời kỳ đổi mới có thể tìm thấy qua thực tiễn huyện miền núi biên giới, dân tộc như huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Việc nghiên cứu sâu sắc tình hình phát triển KTXH là một cơ sở quan trọng trong nhận thức địa lý địa phương cấp huyện cũng như trong hệ thống kiến thức địa lý học. Do đó, kết quả đề tài có thể sử dụng để nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy và học tập một số bài về địa lý địa phương huyện Vị Xuyên trong chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Đồng thời đưa ra những phương hướng cụ thể phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của một huyện miền núi, để từ đó có những giải pháp thiết thực góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển KTXH của huyện trong những năm tới. Với cách đặt vấn đề nêu trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu: "Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội huyện Vị Xuyên, Hà Giang thời kỳ đổi mới". 2 Đề tài trên được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS Vũ Như Vân, sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền huyện Vị Xuyên, Hà Giang, sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các thầy cô giáo khoa Địa lí trường Đại học sư phạm Thái Nguyên.