Trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều tương tác giữa các nhóm dân tộc xa xôi
cách trở với các tác nhân bên ngoài, thì một trong những vấn đề đáng được quan
tâm và bàn luận là quyền về đất rừng của họ chưa được khẳng định. Liệu việc
chiếm giữ đất bởi các chủ thể bên ngoài và việc bảo trợ quản lý rừng theo mệnh
lệnh có đáp ứng được nguyện vọng của người dân bị mất đất? Cộng đồng địa
phương cần được tham gia quản lý đất rừng và có vai trò quyết định đối với tương
lai của mình ra sao và đến mức độ nào? Để trả lời các câu hỏi trên, nghiên cứu
này dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu tập trung vào truyền thống, tín ngưỡng, luật
tục, tri thức địa phương, những bình luận và kiến nghị của người Thái và một số
người ngoài sống ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Bên cạnh đó là việc tổng hợp và phân tích các nghiên cứu và báo cáo trước đây
trong hệ thống dữ liệu của SPERI (Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội).
Các phát hiện và tranh luận trong Luận văn này gồm có: đặc điểm văn hóa của
người Thái ở địa phương, lược sử các can thiệp từ bên ngoài, phản hồi từ địa
phương, và các phương pháp luận tiếp cận và nhận thức để nghiên cứu văn hóa và
đất rừng bản địa. Một trong những nhận định là: người dân địa phương đã và đang
giữ gìn cách hiểu, niềm tin, luật tục và thực hành các thể chế và tổ chức truyền
thống một cách toàn diện và đặc thù, và những giá trị cùng với sức mạnh vốn có
đó có thể đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế của người
dân địa phương. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng cách tiếp cận chính thống
và ngày càng lấn lướt từ trên xuống đã không nhận diện hoặc khuyến khích, thậm
chí làm tổn hại đến sức mạnh và giá trị của địa phương. Bên cạnh đó, cách nhìn vị
chủng (tự cho dân tộc mình là hơn tất cả) và cách hiểu hời hợt về giá trị của người
dân tộc ít người đang tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt
Nam. Trước hiện tượng này, cần gióng lên một hồi chuông thức tỉnh về quyền văn
hóa, nhân quyền và chất lượng của quá trình lập định chính sách và thực thi pháp
luật, bởi vì tất cả đều không tránh được ảnh hưởng của quan điểm và tiếp cận vị
chủng.
130 trang |
Chia sẻ: truongthanhsp | Lượt xem: 1246 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương: Nghiên cứu cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và
phản hồi địa phương: Nghiên cứu cộng đồng người Thái ở
xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam
Luận văn
để hoàn thành
Cao học Khoa học Xã hội
tại
Trường Đại học Waikato
của
PHẠM VĂN DŨNG
2014
ii
Bản tóm tắt
Trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều tương tác giữa các nhóm dân tộc xa xôi
cách trở với các tác nhân bên ngoài, thì một trong những vấn đề đáng được quan
tâm và bàn luận là quyền về đất rừng của họ chưa được khẳng định. Liệu việc
chiếm giữ đất bởi các chủ thể bên ngoài và việc bảo trợ quản lý rừng theo mệnh
lệnh có đáp ứng được nguyện vọng của người dân bị mất đất? Cộng đồng địa
phương cần được tham gia quản lý đất rừng và có vai trò quyết định đối với tương
lai của mình ra sao và đến mức độ nào? Để trả lời các câu hỏi trên, nghiên cứu
này dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu tập trung vào truyền thống, tín ngưỡng, luật
tục, tri thức địa phương, những bình luận và kiến nghị của người Thái và một số
người ngoài sống ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Bên cạnh đó là việc tổng hợp và phân tích các nghiên cứu và báo cáo trước đây
trong hệ thống dữ liệu của SPERI (Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội).
Các phát hiện và tranh luận trong Luận văn này gồm có: đặc điểm văn hóa của
người Thái ở địa phương, lược sử các can thiệp từ bên ngoài, phản hồi từ địa
phương, và các phương pháp luận tiếp cận và nhận thức để nghiên cứu văn hóa và
đất rừng bản địa. Một trong những nhận định là: người dân địa phương đã và đang
giữ gìn cách hiểu, niềm tin, luật tục và thực hành các thể chế và tổ chức truyền
thống một cách toàn diện và đặc thù, và những giá trị cùng với sức mạnh vốn có
đó có thể đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế của người
dân địa phương. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng cách tiếp cận chính thống
và ngày càng lấn lướt từ trên xuống đã không nhận diện hoặc khuyến khích, thậm
chí làm tổn hại đến sức mạnh và giá trị của địa phương. Bên cạnh đó, cách nhìn vị
chủng (tự cho dân tộc mình là hơn tất cả) và cách hiểu hời hợt về giá trị của người
dân tộc ít người đang tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt
Nam. Trước hiện tượng này, cần gióng lên một hồi chuông thức tỉnh về quyền văn
hóa, nhân quyền và chất lượng của quá trình lập định chính sách và thực thi pháp
luật, bởi vì tất cả đều không tránh được ảnh hưởng của quan điểm và tiếp cận vị
chủng.
Trước những tổn thương do những can thiệp chính thống, người dân địa phương
phản ứng một cách dè dặt và không trực diện. Do hệ quả của những can thiệp từ
iii
ngoài, người dân phải tìm cách điều chỉnh hệ thống canh tác và đặc điểm văn hóa
của mình. Tuy nhiên người dân, đặc biệt là các cụ già vẫn mong mỏi hồi phục lại
những giá trị văn hóa. Với cách tiếp cận thay thế từ dưới lên do SPERI khởi
xướng, người dân được khuyến khích phát huy sức mạnh thể chế và tổ chức
truyền thống để hướng tới tương lai tươi đẹp hơn. Trong tiến trình dân chủ hóa và
phi tập trung hóa, thì quyền đất đai và quyền luật tục của cộng đồng cần được
chính thức nhận diện và khẳng định. Nhưng không nên nhìn nhận việc chứng thực
bởi chính quyền là mục tiêu cuối cùng, mà chỉ là yếu tố hỗ trợ, trong khi đó sức
mạnh của cộng đồng địa phương để tự thực thi các quyền của mình phải là yếu tố
quyết định. Để nhắm tới đích đó, người bản địa cần thêm cơ hội liên kết mạng
lưới, tăng cường năng lực và tham gia vào các nghiên cứu kỹ lưỡng về văn hóa-xã
hội để bảo đảm rằng tính đại diện của họ ngày càng thực chất và công bằng.
iv
LỜI CẢM ƠN
Trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới người dân và cán bộ xã Hạnh
Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam, những người đã tạo điều kiện
và cung cấp cho tôi những thông tin quí báu về phong tục tập quán, quản lý đất
rừng, cùng những suy nghĩ, trăn trở của mình. Tôi đặc biệt ghi nhận vai trò của
ông Sầm Quốc Việt, ông Lô Khánh Xuyên, bà Lương Thị Văn và ông Vi Đình
Văn cùng nhiều già làng, những người có nhiều kinh nghiệm trong cộng đồng khi
họ đã nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ và tư vấn để tôi hoàn thành tốt nghiên cứu tại
thực địa.
Tôi có được kết quả nghiên cứu và học tập ngày hôm nay là nhờ những tư vấn,
giúp đỡ rất lớn của bà Trần Thị Lành, người sáng lập và dẫn dắt các Trung tâm
TEW, CIRD và CHESH cùng với viện SPERI ngày nay, những nơi tôi đã công tác
suốt 18 năm qua. Kết quả nghiên cứu trong Luận văn này không phải là của riêng
tôi, mà là kết quả từ những nỗ lực chung của nhiều cán bộ các tổ chức trên.
Tôi xin cảm ơn Tiến sĩ Keith Barber, giảng viên Chương trình Nhân học trường
Đại học Waikato, người đã chỉ dẫn nhiệt tình, kịp thời, cụ thể cho tôi trong suốt
quá trình chuẩn bị nghiên cứu thực địa và hoàn thiện Luận văn này. Tôi cũng cảm
ơn Tiến sĩ Thomas Rayan cùng các giảng viên Chương trình nhân học vì những
động viên về tinh thần đối với tôi. Tôi ghi nhận công lao của bà Sheeba Devan-
Rolls khi kiên trì giúp tôi cải thiện ngữ pháp trong bản nháp Luận văn tiếng Anh.
Nói đến những hỗ trợ về ngân sách cho khóa học này, tôi không thể không nhắc
đến Học bổng Học thuật New Zealand-ASEAN (New Zealand ASEAN Scholars
Awards) thông qua Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam. Xin chân thành cảm
ơn các cán bộ Đại sứ quán đã tin tưởng và lựa chọn tôi, và tôi nghĩ là mình đã cố
gắng để không phụ lòng tin đó.
Những người được nhắc đến cuối, nhưng không kém phần quan trọng là cha mẹ,
vợ và các con tôi cùng những người thân khác đã luôn sát cánh và động viên về
tinh thần, giúp tôi vượt qua một giai đoạn khó khăn khi xa nhà để hoàn thành
Luận văn này.
Những tranh luận trong Luận văn này không nhất thiết là những ý kiến của những
người đã được nhắc đến, và tôi hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước những thông
tin đó.
v
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
Bộ NN&PTNT Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Bộ TN&MT Bộ Tài nguyên và Môi trường
BQL Ban quản lý
BTTN Bảo tồn Thiên nhiên
CHESH Centre for Human Ecology Studies in Highlands (Trung
tâm Sinh thái Nhân văn Vùng cao)
CIRD Centre for Indigenous Knowledge Research and
Development (Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và
Phát triển)
CSQP Cao su Quế Phong
HĐND Hội đồng nhân dân
ICCO Interchurch Organization for Cooperation Development, the
Netherlands (Tổ chức Liên giáo hội vì Hợp tác và Phát
triển, Hà Lan),
MECO-ECOTRA Mekong Community Networking and Ecological Trading
(Mạng lưới Thương mại Sinh thái vùng Mê-công)
QHVN Quốc hội Việt Nam
SPERI Social Policy Ecology Research Institute (Viện Nghiên cứu
Sinh thái Chính sách Xã hội),
TEW Towards Ethnic Women (Trung tâm Hướng tới Phụ nữ Dân
tộc)
TK&TD Tiết kiệm & Tín dụng
TNTN Tài nguyên thiên nhiên
TNXP7 Thanh niên Xung phong Xây dựng Kinh tế 7
UBND Ủy ban nhân dân
vi
MỤC LỤC
Bản tóm tắt ......................................................................................................................... ii
LỜI CẢM ƠN ........................................................................................................................iv
CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU ...................................................................................................... 1
CHƯƠNG 2. TỔNG LƯỢC CÁC NGHIÊN CỨU ĐÃ CÓ ........................................................... 6
2.1. Tóm lược về người Thái và dân tộc ít người ở Việt Nam ......................................... 6
2.2. Bàn luận về kiến thức bản địa và quyền về văn hóa ................................................ 8
2.3. Tranh luận về đất rừng cộng đồng và sinh kế ........................................................ 11
CHƯƠNG 3. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU.................................................................................. 15
3.1. Lựa chọn tài liệu ..................................................................................................... 15
3.2. Sử dụng các dữ liệu phù hợp của SPERI ................................................................. 15
3.3. Phương pháp nghiên cứu tại thực địa ................................................................... 17
CHƯƠNG 4. NHỮNG PHÁT HIỆN ....................................................................................... 21
4.1. Sơ lược về người Thái ở xã Hạnh Dịch ................................................................... 21
4.2. Văn hóa dân gian của người Thái ở xã Hạnh Dịch ................................................. 25
4.2.1. Niềm tin, thế giới quan và hệ giá trị về con người và thiên nhiên .................. 25
4.2.2. Luật tục, lễ hội và bảo vệ rừng ........................................................................ 27
4.2.3. Tổ chức truyền thống và quản lý đất rừng ..................................................... 30
4.2.4. Tri thức địa phương và quy hoạch cảnh quan ................................................ 33
4.2.5. Kiến thức địa phương trong canh tác truyền thống ....................................... 34
4.3. Các can thiệp từ bên ngoài và hệ quả .................................................................... 36
4.3.1. Thời phong kiến và thực dân (trước 1945) ..................................................... 36
4.3.2. Luật và chính sách về đất và rừng ở địa phương (từ năm 1945) .................... 37
4.3.3. Thời kỳ hợp tác xã (1960 đến giữa những năm 1980) .................................... 39
4.3.4. Ngành lâm nghiệp quốc doanh (từ 1970) ....................................................... 41
vii
4.3.5. Tư nhân hóa (từ năm 2000) ............................................................................ 44
4.3.6. Các dự án phát triển (từ những năm 1970) .................................................... 45
4.4. Phản hồi từ địa phương ......................................................................................... 48
4.4.1. Thay đổi và điều chỉnh của địa phương .......................................................... 48
4.4.2. Bình luận của người dân về các can thiệp từ bên ngoài ................................. 51
4.4.3. Các câu ca, câu nói về các yếu tố bên ngoài ................................................... 53
4.4.4. Mong muốn và kiến nghị từ địa phương ........................................................ 56
4.5. Tiếp cận thay thế của TEW và SPERI (2001-2014) ................................................. 59
4.5.1. Quá trình học hỏi: giá trị văn hóa, nội lực và nhu cầu của cộng đồng ............ 59
4.5.2. Giao đất giao rừng ở xã Hạnh Dịch năm 2003 ................................................ 62
4.5.3. Chia sẻ kiến thức và liên kết mạng lưới .......................................................... 67
4.5.4. Giao đất kết hợp giao rừng ở bản Pỏm Om và bốn bản khác năm 2012 và
2013 .......................................................................................................................... 75
4.5.5. Hậu giao đất giao rừng: thách thức và những việc cần làm ........................... 79
CHƯƠNG 5. THẢO LUẬN ................................................................................................... 82
5.1. Lạc hậu và mê tín hay là bản sắc và sức mạnh? ..................................................... 82
5.2. Luật pháp hay luật tục? .......................................................................................... 88
5.3. Áp đặt hay từ dưới lên? ......................................................................................... 93
5.4. Hướng đi tương lai ................................................................................................. 98
5.4.1. Khung pháp lý về rừng cộng đồng tại Việt Nam ............................................. 98
5.4.2. Thực thi pháp luật ......................................................................................... 101
5.4.3. Vận dụng cho xã Hạnh Dịch .......................................................................... 102
CHƯƠNG 6. KẾT LUẬN .................................................................................................... 105
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................................... 109
PHỤ LỤC .......................................................................................................................... 114
Phụ lục 1. Bản đồ vùng nghiên cứu và vùng dự án của LISO ...................................... 114
viii
Phụ lục 2. Những thuật ngữ có ích trong nghiên cứu người Thái ở xã Hạnh Dịch, Quế
Phong, Nghệ An .......................................................................................................... 115
Phụ lục 3. Tình hình sử dụng đất tại xã Hạnh Dịch (2002) .......................................... 117
Phụ lục 4. Phân tích chủ thể trong giao đất giao rừng 2003 ...................................... 118
Phụ lục 5. Kết quả giao đất giao rừng tại xã Hạnh Dịch năm 2003 ............................. 120
Phụ lục 6. Tình hình sử dụng đất tại huyện Quế Phong (2012) .................................. 121
Phụ lục 7. Phân loại đất rừng bởi cộng đồng bản Pỏm Om (2012) ............................ 122
1
CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU
Cùng với những tác động từ bên ngoài vào các cộng đồng dân tộc ít người và bản
địa trong suốt mấy chục năm qua, những thuật ngữ như “phát triển”, hay “hiện đại
hóa”, hoặc “xóa đói giảm nghèo” đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế
giới. Tuy nhiên, người ta thường không làm rõ và hiểu sâu hàm nghĩa chính xác
của các thuật ngữ nêu trên. Những tác nhân bên ngoài các cộng đồng, như báo
giới, quan chức, và thậm chí cả các “tổ chức phát triển” hoặc các phi chính phủ
thường sử dụng các thống kê chung chung với cách hiểu hời hợt để phán xét và áp
đặt phương pháp can thiệp vào các vùng dân tộc ít người. Vì cách nhìn nông cạn
và định kiến của người ngoài, nên người ta thường bị bóp méo và hiểu sai lệch
thực tế của người dân tộc ít người, bản địa. Trong nhiều trường hợp các tác nhân
ngoài cộng đồng (như nhà nước, báo chí và các tổ chức ‘phát triển’) cứ mặc nhiên
đơn giản hóa một cách bất công khi gán cho người thiểu số các từ ‘lạc hậu’, ‘kém
phát triển’. Vẫn còn thiếu những nghiên cứu kỹ lưỡng và sự tôn trọng đối với các
đặc tính văn hóa, luật tục, thể chế truyền thống và sức mạnh nội tại của các cộng
đồng. Mặc cho những thuật ngữ rối rắm và dữ liệu nhằng nhịt trong các ‘chỉ sổ
phát triển con người’ của các tổ chức tầm quốc tế và quốc gia được tung ra, người
dân tộc ở các địa phương đang nhọc nhằn gồng mình giữ gìn các quyền cộng
đồng, lối sống và an toàn sinh kế của mình. Trở ngại đối với việc cải thiện cuộc
sống của người dân tộc ít người và bản địa không phải là do thực trạng xã hội hay
phong tục của họ, mà thực sự là do những tranh chấp về đất rừng và xung đột
trong nhận thức và quan điểm giữa người dân địa phương với các tác nhân bên
ngoài.
Trong 50 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hợp tác hóa, tập
trung hóa, thiết lập nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng
hộ cùng với các lâm trường, nông trường. Nguồn tài nguyên rừng và đất vốn được
các cộng đồng sử dụng theo truyền thống đã được luật hóa và chuyển sang các cơ
quan nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn từ thập niên 60 đến 80 của thế kỷ XX.
Do quá trình tư nhân hóa và ảnh hưởng ngày càng mạnh của thị trường tự do kể từ
những năm 90 của thế kỷ XX, việc giao đất giao rừng thường thiên vị cho các
doanh nghiệp bên ngoài mà không phải các cộng đồng và người dân địa phương.
2
Luật Đất đai đầu tiên được ban hành năm 1987, rồi sau đó được sửa đổi, bổ sung 3
lần vào các năm 1993, 2003 và 2013. Tuy nhiên cộng đồng vẫn chưa được thừa
nhận là một chủ thể sử dụng đất cho đến tận khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực.
Mặc dù cộng đồng đã được công nhận là một chủ thể sử dụng đất theo Luật Đất
đai 2003, nhưng đến nay số cộng đồng được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất rừng vẫn còn quá ít so với mong đợi. Những quy định và việc thực thi chính
sách như trên đã đưa đến hậu quả là các cộng đồng thiếu đất và rừng, nguồn tài
nguyên sống còn để duy trì an toàn sinh kế và giữ gìn bản sắc văn hóa của họ.
Nếu không có sự tham gia rộng rãi của người dân địa phương, thì khó có thể nói
đến phương án các bên cùng có lợi khi giải quyết các vấn đề an toàn sinh kế và
môi trường (cụ thể là bảo vệ rừng). Các vấn đề lớn, ngày càng bức thiết đang đặt
ra trước các nhà hoạch định chính sách, quan chức thực thi chính sách, các tác
nhân về văn hóa và môi trường, đó là làm sao tiếp cận thật phù hợp và hiệu quả ở
từng địa phương trong khi đóng góp giải quyết được những vấn đề lớn toàn cầu
như an toàn sinh kế, bảo tồn đa dạng sinh thái và văn hóa khi có biến đổi khí hậu
và trái đất đang nóng lên.
Các cộng đồng gặp khó khăn đang cần phương pháp tiếp cận và những hỗ trợ phù
hợp để bảo đảm phúc lợi và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Theo đuổi
công việc này, SPERI (Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội) và các tổ
chức tiền thân của mình đã và đang làm việc với nhiều cộng đồng dân tộc ít người
khác nhau, đặc biệt ở Việt Nam và Lào để cải thiện tình hình. SPERI là một tổ
chức nghiên cứu độc lập do tư nhân thành lập tại Việt Nam năm 2006. Các tổ
chức tiền thân của SPERI là TEW (Trung tâm Hướng tới Phụ nữ Dân tộc Thiểu
số), CHESH (Trung tâm Sinh thái Nhân văn Vùng cao), và CIRD (Trung tâm
Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển), đều là các tổ chức phi chính phủ
(NGOs) được thành lập vào những năm 90 của thế kỷ XX1. SPERI ưu tiên các
hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên của các dân tộc
ít người bản địa ở Việt Nam và vùng Mê-công. Một mạng lưới của người dân có
tên MECO-ECOTRA (Mạng lưới Thương mại Sinh thái vùng Mê-công) được
hình thành trong quá trình này để chia sẻ các tri thức, luật tục, thuốc nam, thổ cẩm
và thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sinh thái liên thế hệ, liên cộng đồng, và tăng
1 Tác giả của luận văn này đã làm việc cho SPERI và các tổ chức tiền thân của SPERI từ năm 1996.
3
cường công bằng thương mại và thị trường ngách cho các sản phẩm sinh thái. Các
bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cũng đồng thời được rút ra để chia sẻ với các nhà
lập định chính sách, báo chí và công chúng, và trở thành đầu vào cho quá trình
vận động chính sách để cải thiện hiểu biết và sự công nhận các quyền của người
bản địa đối với đất đai, các giá trị văn hóa, chủ quyền sinh kế, và bản sắc sinh kế
(xem thêm các thuật ngữ này tại:
337.html).
Đối với trường hợp nghiên cứu cụ thể ở xã Hạnh Dịch, TEW đã bắt đầu chương
trình hỗ trợ bằng việc nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán, tri thức bản địa
của cộng đồng người Thái kể từ năm 2000. TEW, và sau đó là SPERI đã hỗ trợ
cộng đồng vận động chính sách để chính quyền địa phương giao đất và rừng cho
cộng đồng và hộ gia đình. Người dân có cùng sở thích đã cùng nhau lập ra các
nhóm như thuốc nam, thổ cẩm, làm vườn, chăn nuôi, tiết kiệm và tín dụng; về cơ
bản các nhóm này được lập trên cơ sở tổ chức truyền thống. Hoạt động mạng lưới
giúp cho các thành viên trong cộng đồng có thêm tự tin khi thực hành các tri thức
địa phương cũng như bảo vệ rừng. Vận động nội lực cộng đồng cùng với tiếp cận
và các nghiên cứu của SPERI/ TEW đã giúp xây dựng phương pháp tiếp cận văn
hóa dựa vào cộng đồng để thay thế cho cách làm áp đặt thường thấy ở các dự án
chính thống.
Cũng tương tự như các cộng đồng khác, người Thái ở xã Hạnh Dịch đã thích nghi
tốt với điều kiện tự nhiên qua nhiều thế hệ. Họ có được nhiều tri thức quy báu
trong tổ chức xã hội và ứng xử với thiên nhiên. Tuy nhiên các giá trị của họ vẫn
chưa được nhận diện, tôn trọng và phát huy bởi các nhà kỹ trị, những người muốn
chuyển đổi đất và rừng từ tay cộng đồng sang vườn quốc gia, các ban quản lý
rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, hoặc các công ty lâm nghiệp của nhà
nước