Luận văn Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy

Trong những năm chiến đấu chống Mỹxuất hiện lớp nhà thơmặc áo lính, tuổi đời còn rất trẻ. Nhưnhiều thanh niên thời bấy giờ, theo tiếng gọi của Tổquốc, họlên đường nhập ngũ. Trong số đó có Nguyễn Duy. Ông tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại Đông Vệ, Thanh Hóa. Nguyễn Duy từng tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường Khe Sanh, Đường Chín, Nam Lào, rồi sau này là mặt trận phía Nam, mặt trận phía Bắc (1979). Nguyễn Duy làm thơkhá sớm nhưng đến năm 1973, ông mới được độc giảbiết đến với chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơcủa tuần báo Văn nghệ: “Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Hơi ấm ổrơm”. Từ đó Nguyễn Duy đã xuất bản nhiều tập thơsáng giá trong tiến trình thơ đương đại Việt Nam: Cát trắng(1973), Phóng sự30-4-1975(1981), Ánh trăng(1984) .đã đưa ông lên vịtrí là một trong những nhà thơ“đem lại vinh quang cho cảthếhệthơtrẻthời kỳchống Mỹ” (Trần Đăng Suyền) [117, tr.92], góp phần “in đậm dấu ấn của thời đại” (Lưu Khánh Thơ) [5, tr.4]. Sau 1975, thơViệt Nam trải qua một giai đoạn chững lại, tìm đường. Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Duy vẫn “bền bỉkiên trì trong quá trình sáng tạo, cốgắng đi sâu vào mọi khía cạnh của hiện thực đời sống, hiện thực tâm trạng” (Lưu Khánh Thơ)[5, tr.4]. Với các tập thơ: Mẹvà em(1987), Đãi cát tìm vàng(1987), Đường xa (1989), Quà tặng(1990), Về (1994), Vợ ơi(1995). cùng tuyển tập ThơNguyễn Duy Sáu & Tám, Nguyễn Duy đã thuộc “lực lượng đi tiên phong” (Trần Nhuận Minh) [4, tr.4] trong thời kì Đổi Mới với nhiều “chuyển đổi trong phương thức chiếm lĩnh hiện thực, trong các quan niệm mới vềnghệthuật, trong thếgiới nghệthuật có phần mới mẻ, khác lạvềcon người, trong ý thức mới đối với tưcách chủthểcủa nhà văn”(Phong Lê) [71, tr.344].

pdf134 trang | Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 5510 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH _________________ Mai Thị Thủy Tiên THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN DUY Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số : 60 22 32 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. PHÙNG QUÝ NHÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, tập thể Thầy cô khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, phòng Khoa học- Công nghệ sau đại học đã tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS-TS.Phùng Quý Nhâm, người Thầy đã tận tâm, chu đáo trong hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp này. Tôi cũng xin được cảm ơn nhà thơ Nguyễn Duy và gia đình, đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý giá cho luận văn. Và tôi cũng xin cảm ơn những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã khích lệ, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập. Xin trân trọng cảm ơn. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2009 Người thực hiện luận văn Mai Thị Thủy Tiên DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Trong những năm chiến đấu chống Mỹ xuất hiện lớp nhà thơ mặc áo lính, tuổi đời còn rất trẻ. Như nhiều thanh niên thời bấy giờ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ lên đường nhập ngũ. Trong số đó có Nguyễn Duy. Ông tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại Đông Vệ, Thanh Hóa. Nguyễn Duy từng tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường Khe Sanh, Đường Chín, Nam Lào, rồi sau này là mặt trận phía Nam, mặt trận phía Bắc (1979). Nguyễn Duy làm thơ khá sớm nhưng đến năm 1973, ông mới được độc giả biết đến với chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ: “Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Hơi ấm ổ rơm”. Từ đó Nguyễn Duy đã xuất bản nhiều tập thơ sáng giá trong tiến trình thơ đương đại Việt Nam: Cát trắng (1973), Phóng sự 30-4-1975 (1981), Ánh trăng (1984) ...đã đưa ông lên vị trí là một trong những nhà thơ “đem lại vinh quang cho cả thế hệ thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ” (Trần Đăng Suyền) [117, tr.92], góp phần “in đậm dấu ấn của thời đại” (Lưu Khánh Thơ) [5, tr.4]. Sau 1975, thơ Việt Nam trải qua một giai đoạn chững lại, tìm đường. Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Duy vẫn “bền bỉ kiên trì trong quá trình sáng tạo, cố gắng đi sâu vào mọi khía cạnh của hiện thực đời sống, hiện thực tâm trạng” (Lưu Khánh Thơ)[5, tr.4]. Với các tập thơ: Mẹ và em (1987), Đãi cát tìm vàng(1987), Đường xa (1989), Quà tặng (1990), Về (1994), Vợ ơi (1995)... cùng tuyển tập Thơ Nguyễn Duy Sáu & Tám, Nguyễn Duy đã thuộc “lực lượng đi tiên phong” (Trần Nhuận Minh) [4, tr.4] trong thời kì Đổi Mới với nhiều “chuyển đổi trong phương thức chiếm lĩnh hiện thực, trong các quan niệm mới về nghệ thuật, trong thế giới nghệ thuật có phần mới mẻ, khác lạ về con người, trong ý thức mới đối với tư cách chủ thể của nhà văn”(Phong Lê) [71, tr.344]. Thơ Nguyễn Duy đã được chọn đưa vào chương trình giảng văn ở bậc phổ thông, giới thiệu ra nước ngoài, đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá, công bố trên các báo chuyên ngành, được công chúng yêu thơ đọc và bình phẩm. Tuy nhiên, ngoài những bài viết đó và một vài luận văn cử nhân, vẫn chưa có những công trình nghiên cứu toàn diện về thơ ông. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc công trình nghiên cứu của những người đi trước để nhằm góp thêm một cái nhìn khái quát về sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Nguyễn Duy. 2. Giới hạn đề tài 2.1. Mục đích nghiên cứu Đặt Nguyễn Duy trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại, từ việc khảo sát nghiên cứu văn bản thơ, tìm hiểu hành trình sáng tạo của nhà thơ, chúng tôi hướng tới xác định cảm hứng chủ đạo và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Duy về: ngôn ngữ, giọng điệu, đặc biệt là thể thơ lục bát. Từ đó khẳng định những đóng góp của ông - một tác giả có vị trí đáng kể trong đời sống thơ ca Việt Nam từ năm 1970 đến nay. “Đánh giá một tác giả văn học, cần xem tác giả ấy đã kế thừa được những gì trong truyền thống văn học quá khứ, của những người đi trước. Và phải xem họ đã đem lại một cái gì mới: một mảng hiện thực, một cách nhìn cuộc sống, một giọng văn, những đổi mới về thể loại” [74,tr.717]. Vì vậy, trong điều kiện và chừng mực nhất định, chúng tôi đối sánh thơ Nguyễn Duy với thơ của một số tác giả trước hoặc cùng thời như: Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Hữu Thỉnh...để từ đó rút ra những nét riêng biệt ở thơ ông. 2.2. Đối tượng nghiên cứu Nguyễn Duy sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như: thơ, tiểu thuyết, bút kí, phóng sự, kịch thơ và sáng tác các loại lịch thơ, tranh thơ...nhưng với đề tài này, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu thơ trữ tình của Nguyễn Duy. Cụ thể ở các tập thơ: Cát trắng (1973), Phóng sự 30-4-1975 (1981), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đãi cát tìm vàng (1987), Đường xa (1989), Về (1994), Thơ Nguyễn Duy Sáu & Tám (1994), Vợ ơi (1995), Bụi (1997), Tuyển tập thơ Nguyễn Duy (bản thảo do tác giả cung cấp). Bên cạnh việc khảo sát các tác phẩm trên, chúng tôi còn tiếp thu một cách chọn lọc những nhận định đánh giá của các công trình nghiên cứu đã có và những ý kiến của chính tác giả để đảm bảo tính khoa học, tính khách quan cho luận văn. 3. Lịch sử vấn đề Xuất hiện trên thi đàn Việt Nam từ những năm bảy mươi, Nguyễn Duy đã tạo ấn tượng nơi người đọc về một giọng thơ nhiều triển vọng. Có thể nói người có công phát hiện và giới thiệu thơ Nguyễn Duy đầu tiên là Hoài Thanh. Trải qua hơn một phần tư thế kỷ, đã có nhiều nhà phê bình, nghiên cứu nhận xét, đánh giá thơ Nguyễn Duy, có thể chia làm bốn nhóm: Một là loại bài tìm hiểu những bài thơ, tập thơ tiêu biểu. Hai là, loại bài nghiên cứu khái quát thơ Nguyễn Duy. Ba là, những bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của chính nhà thơ về tác phẩm của mình. Bốn là, một số luận văn cử nhân nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy. Nhìn chung, các bài nghiên cứu đã đi vào tìm hiểu nội dung và nghệ thuật thơ Nguyễn Duy ở những phương diện và mức độ khác nhau. Trong phạm vi giới hạn của đề tài, chúng tôi sẽ hệ thống những ý kiến nổi bật, những nhận định quan trọng liên quan đến cảm hứng chủ đạo và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Duy. Để hình dung cụ thể, trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi phân chia ra các nhóm ý kiến sau: 3.1. Hướng tiếp cận về nội dung Trong những bài nghiên cứu đánh giá, thẩm bình về thơ Nguyễn Duy, nhiều tác giả đã có những phát hiện về nét riêng độc đáo đối với từng tác phẩm của ông. Cụ thể trong Hơi ấm ổ rơm, Vũ Quần Phương cho là “tấm lòng thơm thảo, nhường cơm xẻ áo của nhân dân ta” [99, tr.154]. Trong Đò Lèn, Trịnh Thanh Sơn cho là “những thước phim quay chậm” về nỗi gian truân của người bà, khiến độc giả “chỉ đọc thôi đã muốn trào nước mắt”)[112, tr.14]; Đỗ Lai Thúy thì cho là sự “giải cổ tích hóa”, là “cốt cách hiện đại” [138 ,tr 379-384]. Trong Ánh trăng, Nguyễn Bùi Vợi đã cảm “nỗi ăn năn nhân bản, thức tỉnh tâm linh, làm đẹp con người” [148, tr.7]. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đặng Hiển cho là “đã động thấu đến những tình cảm thiêng liêng nhất, sâu xa nhất và thân thương nhất của chúng ta - tình cảm đối với mẹ” [49, tr.34]. Còn Lê Trí Viễn khi nói về bài Tre Việt Nam đã khẳng định đó là những biểu hiện của “phẩm chất con người” [147, tr.289]. Những bài nghiên cứu ấy đã chỉ ra cảm hứng trong thơ Nguyễn Duy xuất phát từ sự trân trọng, yêu thương, phát hiện ra vẻ đẹp của con người Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ đặc biệt là những gian khổ thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt của người dân. Tập thơ của Nguyễn Duy được nhiều nhà phê bình chú ý là Ánh trăng- tác phẩm được nhận giải thưởng của Hội nhà văn 1984. Nhận xét về nội dung tập thơ này, Từ Sơn viết: “Tám mươi bài thơ chọn in trong hai tập Cát trắng và Ánh trăng chiếm số lượng lớn vẫn là những bài thơ viết về người lính, về những điều đã cảm nhận trên các nẻo đường chiến tranh...Nguyễn Duy đã đi nhiều nơi, đã tiếp xúc với nhiều người. Bao giờ anh cũng dành những tình cảm tốt đẹp nhất của mình cho đồng đội và cho những người dân bình thường” [116, tr.2]. Cùng ý kiến đó, Lê Quang Hưng cũng rất sâu sắc khi nhận định: Tiếng nói của Nguyễn Duy trong Ánh trăng “trước tiên vẫn là tiếng nói của một người lính, tiếng nói tìm đến những người lính- những đồng đội để sẻ chia, trò chuyện...Đúng như Nguyễn Duy tâm sự: anh luôn cảm thấy mình mắc nợ cuộc sống, mắc nợ những đồng đội. Các cảm giác đáng quí cũng là cái ý thức trách nhiệm ấy đã thôi thúc anh, nâng giúp anh viết ngày một nhiều, ngày một hay hơn về những người chiến sĩ” [58, tr.156]. Trên cơ sở đó, Lê Quang Hưng rút ra sự hấp dẫn của tập thơ: “Ánh trăng được nhiều bạn đọc yêu thích trước hết vì nó thực sự là một phần của một cuộc đời, là tiếng nói của một cây bút có trách nhiệm trước cuộc sống xây dựng và chiến đấu sôi động trên đất nước ta những năm qua” [58, tr.158]. Tế Hanh cũng thể hiện sự trân trọng của mình khi nhận xét về tập thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. Trong bài “Hoa trên đá và Ánh trăng” đăng trên báo Văn nghệ số 15/1986, ông viết: “Đọc thơ Nguyễn Duy trước hết ta thấy anh là một người lính đã chiến đấu ở nhiều mặt trận. Hiện nay anh không phải là quân nhân nhưng những câu thơ anh viết về bộ đội, về cuộc đời quân nhân vẫn là những câu thơ thấm thía nhất” [40, tr.3]. Dù mỗi người nhìn nhận, đánh giá tập thơ này ở những góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung các ý kiến trên đều thống nhất ở một điểm: cảm hứng để Nguyễn Duy viết là từ những tâm sự và trải nghiệm của chính bản thân nhà thơ- một người lính đã từng trải qua những địa danh trận mạc cũng là những địa danh của thi ca, một công dân có trách nhiệm sâu sắc đối với cuộc đời. Trong các bài nghiên cứu khái quát thơ Nguyễn Duy của Hoài Thanh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thụy Kha, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Sáng, Chu Văn Sơn, Vũ Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tạo, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Thu Yến, các tác giả đều có khuynh hướng đi sâu tìm hiểu những nội dung cơ bản trong thơ Nguyễn Duy. Các bài viết này đã khẳng định thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy ngay từ khi mới xuất hiện là những cảnh vật, sự việc, con người bình thường trong cuộc sống, gần gũi với nhà thơ và với mọi người. Có thể nói, bài phê bình sớm nhất về thơ Nguyễn Duy là “Đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy” của Hoài Thanh, đăng trên Báo Văn nghệ số 444/1972. Bài viết khẳng định: “Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc... Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên... Đọc thơ Nguyễn Duy, thấy anh thường hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình...” [129, tr.5]. Cùng ý kiến đó, Lại Nguyên Ân trong bài “Tìm giọng mới thích hợp với người thời mình” cho rằng thơ Nguyễn Duy “nhạy cảm với cái gì ít ỏi, còm nhom, queo quắt, cộc cằn , đơn lẻ” [2, tr.11]. Trong bài “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy”, in trong phụ lục tập thơ Mẹ và em, Nguyễn Quang Sáng nêu ý kiến: “Ngoài mảng thơ về đề tài chiến trận, thơ Nguyễn Duy chủ yếu dành cho những đề tài muôn thuở: tình yêu, con người và đất nước quê hương...Trong thơ Duy có hầu hết gương mặt các miền đất với những cảnh sắc, thần thái riêng” [111, tr.91]. Cũng bình về những đặc điểm này Vũ Văn Sỹ có những nhận xét khá tinh tế: “Nguyễn Duy thường nắm bắt những cái mong manh nhưng vững chắc trong đời: chút rưng rưng của ánh trăng, một tiếng tắc kè lạc về giữa phố, một dấu chân cua lấm tấm ruộng bùn, một kỉ niệm chập chờn nguồn cội, một mùi thơm của huệ trắng trong đền, thoáng hư thực giữa người và tiên phật...Và rồi hồn thơ Nguyễn Duy neo đậu được ở đó” [124, tr.69]. Sau khi nêu những cảm nhận chung, Vũ Văn Sỹ đã mượn ngay câu thơ của Nguyễn Duy để kết luận về cảm hứng chủ đạo trong thơ ông: “Nguyễn Duy- người thương mến đến tận cùng chân thật” [124]. Và nếu như Nguyễn Đức Thọ chỉ chú ý một khía cạnh trong thơ Nguyễn Duy: “Có lẽ sau cụ Tú Xương, tôi chưa thấy ai ca ngợi vợ tài như Nguyễn Duy” [135, tr.82-90] thì Nguyễn Quang Sáng, một người bạn thân thiết với Nguyễn Duy, nêu nhận xét cụ thể hơn: “Nguyễn Duy gắn bó máu thịt với đất nước mình bằng tình cảm rất cụ thể với người dân...Thơ Nguyễn Duy có niềm tự hào chính đáng về nhân dân mình, cùng với nỗi buồn thương chính đáng” [111, tr.97]. Còn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đưa ra một nhận xét có ý nghĩa khái quát: “Bao dung nên giàu có” [83, tr.280]. Nhìn chung các ý kiến đánh giá trên đã chỉ ra được nét riêng và độc đáo của thơ Nguyễn Duy là ông thường cảm xúc - suy nghĩ về những điều bình dị, cụ thể của đời thường. Đặc điểm này thể hiện trong thơ ông như một mạch thống nhất, xuyên suốt cả trong hoàn cảnh chiến tranh và hòa bình. Cùng tìm hiểu về nội dung thơ Nguyễn Duy, năm 2008, trong luận văn tốt nghiệp, sinh viên Nguyễn Thị Thu Hiền với đề tài “Cái tôi nội cảm tìm về cội nguồn trong thơ trữ tình Nguyễn Duy” đã đi sâu làm rõ một trong những khía cạnh nổi bật của thơ trữ tình Nguyễn Duy: cảm xúc về quê hương xứ sở, điệu hồn của dân tộc, về đạo đức truyền thống và những giá trị thiêng liêng cùng nghệ thuật thể hiện cái tôi trữ tình. Tuy nhiên những vấn đề trên chưa được nghiên cứu sâu. 3.2. Hướng tiếp cận về nghệ thuật Phương diện được các tác giả quan tâm nhiều nhất và có ý kiến tương đối thống nhất là thể loại. Bài “Tre Việt Nam” được nhiều nhà phê bình phân tích, đánh giá; có thể xem đây là một trong những bài thơ lục bát tiêu biểu của Nguyễn Duy. Văn Giá trong “Một lục bát về tre” nhận xét: “ Lựa chọn thể thơ 6-8, một thể thơ thuần chất Việt Nam, tác giả xử lý thật nhuần nhuyễn, trôi chảy, trau chuốt, không non ép, gượng gạo, vấp váp một chỗ nào. Trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ, phần các bài viết theo thể lục bát không phải là nhiều nhất nhưng anh vẫn được coi là một trong những nhà thơ hiện đại viết lục bát thành công nhất. Với tất cả những gì đạt được, anh đã góp phần đem lại một sắc điệu hiện đại cho thể thơ lục bát của dân tộc” [9, tr.93]. Và chính Nguyễn Duy, khi trả lời phỏng vấn trên báo Đại đoàn kết đã bộc bạch: “Những bài thơ lục bát là phần quý giá nhất của mình” [12, tr.14]. Lê Quang Trang khẳng định “Anh vốn là người sở trường về sử dụng thơ lục bát” [141, tr.200]. Nguyễn Quang Sáng cũng cùng ý kiến đó khi cho rằng: “Nguyễn Duy vốn có ưu thế và trội hẳn lên trong thể thơ lục bát” [111, tr.91]. Nguyễn Thụy Kha: “Sẵn cái chất hóm hỉnh, dân dã, sâu sắc hơi chua cay chút chút, Duy quả là thiện nghệ trong cái trò “ 6&8” này” [61, tr.204]. Và nếu năm 1986, Lại Nguyên Ân còn e dè khi cho rằng: “Ngay cả những bài lục bát, ta cũng thấy có cái gì bên trong như muốn cãi lại vẻ êm nhẹ mượt mà vốn có của câu hát ru truyền thống” [2, tr.11] thì đến năm 1999, Vũ Văn Sỹ đã mạnh mẽ khẳng định: “Nguyễn Duy đã sử dụng lục bát để thuần hoá chất liệu cập nhật của đời sống. Lục bát trong tay Nguyễn Duy trở nên vừa êm ái vừa ngang ngạnh, vừa quen thuộc vừa biến hoá, “cựa quậy”. Làm thơ lục bát đến như Nguyễn Duy có thể xếp vào bậc tài tình” [124,tr.74]. Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong lời giới thiệu in ở đầu tập thơ “Nguyễn Duy- thơ với tuổi thơ” cũng đã chỉ ra sự đổi mới cách tân của Nguyễn Duy khi sử dụng thể thơ dân tộc: “Lục bát của Nguyễn Duy rất hiện đại. Câu thơ vừa phóng túng ngang tàng lại vừa uyển chuyển, chặt chẽ với một bút pháp khá điêu luyện. Nguyễn Duy là người có công trong việc làm mới thể thơ truyền thống này” [63]. Nguyễn Thị Thúy Hằng trong luận văn tốt nghiệp đại học năm 1999, với đề tài “Thơ lục bát của Nguyễn Duy” đã khảo sát Câu lục bát trong ca dao truyền thống và thơ lục bát của Nguyễn Duy. Từ đó, chỉ ra sự kế thừa những đặc điểm của ca dao và thơ truyền thống trong câu thơ Nguyễn Duy, nêu một vài điểm đổi mới trong thơ ông như: Quan niệm về thế giới và con người, hình thức trình bày thơ, cấu tứ và kết cấu ở một bài thơ lục bát...Có thể thấy, mỗi tác giả đánh giá thơ lục bát của Nguyễn Duy ở một khía cạnh khác nhau nhưng nhìn chung các ý kiến này đều thống nhất cho rằng thơ lục bát Nguyễn Duy thực sự có vị trí cao trong các sáng tác lục bát đương thời. Ngôn ngữ - vốn là một phương diện rất quan trọng trong việc tìm hiểu nghệ thuật thơ Nguyễn Duy nhưng lại chưa có sự thống nhất cao. Theo Nguyễn Quang Sáng: “Thơ Nguyễn Duy đượm tính dân tộc và nhuần nhuyễn ngôn ngữ dân gian.” [111, tr.96], Phạm Thu Yến lại có ý kiến khác: thơ Nguyễn Duy là sự kết hợp giữa “ngôn ngữ đời thường” và ngôn ngữ “đậm màu sắc hiện đại” [152, tr.79 ]. Còn với Vương Trí Nhàn, thơ Nguyễn Duy là “bản hợp xướng của những chữ lạ” [83, tr.283]. Hồ Văn Hải thì khẳng định: “Sáng tạo từ láy là điểm nổi bật nhất trong lục bát Nguyễn Duy” [44, tr.6 ]. Phương diện được nhiều nhà nhiên cứu, phê bình quan tâm là giọng điệu. Khi bình bài “Tre Việt Nam”, GS.Lê Trí Viễn cho rằng: “Giọng điệu bài thơ là kể chuyện như kể chuyện cổ tích” [147, tr.289]. Năm 1986, trong bài viết “Tìm giọng mới thích hợp với người thời mình”, Lại Nguyên Ân tập trung tìm hiểu sự cách tân giọng điệu trong thơ Nguyễn Duy: “Thật ra thơ Nguyễn Duy nhìn chung vẫn nằm trong điệu trữ tình...Thơ Nguyễn Duy gần đây thường có thêm sắc giọng thủng thẳng, hơi ngang ngạnh và ương bướng”. Với Lại Nguyên Ân, giọng điệu đó làm cho thơ tình “bớt đi cái tha thiết héo ruột héo gan vốn thường có ở những khí chất yếu, những tâm trạng u sầu lối cũ” “tăng thêm cái khoẻ khoắn mạnh mẽ vốn là đặc điểm của con người thời nay”[2, tr.11]. Ngô Thị Kim Cúc khi đọc tập thơ “Bụi” của Nguyễn Duy đã nhận xét: “Từ bài đầu đến bài cuối hầu hết vẫn giống nhau ở một cách viết, vẫn cái giọng cà tửng cà khịa khiến người ta lúc đầu bật cười rồi sau đó thấm thêm một tí lại trào nước mắt” [13, tr.5]. Phạm Thu Yến thì cho rằng: khuynh hướng hài hước, trào lộng là một trong những biểu hiện của thi pháp ca dao và đã nhẹ nhàng phê bình Nguyễn Duy đôi khi “quá đà”, khiến người đọc phải “ái ngại” [152, tr.76-82]. Trong các bài phê bình nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy, thì bài viết “Nguyễn Duy - thi sĩ thảo dân” của Chu Văn Sơn là một bài viết công phu, cung cấp cho người đọc một cái nhìn tương đối rõ về con đường sáng tác của Nguyễn Duy. Ông gọi thế giới thơ Nguyễn Duy là “cõi chúng sinh thì hiện tại”: binh lửa và bụi bặm, bùn nước và gió trăng, nghèo đói và tiềm năng, tàn phá và gây dựng, xơ xác và nhen nhóm, bần bách và phù hoa”; nhân vật là “thập loại chúng sinh”, là bà, mẹ, cha ,vợ, con...đặc biệt là những con người không may mắn xuất hiện trong đời sống như “chú bé đi bụi khoèo mái hiên lắng nghe pháo tết, em điếm ế đón giao thừa gốc cây, bà bới rác nằm co ro gầm cầu...”. Từ đó biện giải “Nguyễn Duy là thi sĩ thảo dân”, chỉ ra bản chất “thảo dân” ấy ở cảm hứng sáng tác, ngôn ngữ, giọng điệu, thể thơ lục bát của Nguyễn Duy [114, tr.38-53]. Như vậy, qua các bài nghiên cứu, phê bình thơ Nguyễn Duy nêu trên, chúng tôi nhận thấy các tác giả đã có những đóng góp nhất định trong việc phát hiện ra một số đặc điểm về nội dung, nghệ thuật nổi bật của thơ ông. Nhưng nhìn chung, các bài viết này chỉ mới đi vào tìm hiểu một bài thơ, tập thơ hoặc chỉ dừng lại nghiên cứu một khía cạnh, một mặt nào đó trong thơ Nguyễn Duy, chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu, khảo sát toàn diện và có hệ thống về thơ ông, để từ đó rút ra những đặc điểm khái quát về nội dung tư tưởng, nghệ thuật thơ Nguyễn Duy...Tuy nhiên đây là những nhận định hết sức đáng quý, gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề về cảm hứng, ngôn ngữ, giọng điệu, thể thơ lục bát của Nguyễn Duy trong việc thực hiện đề tài luận văn. 4. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trên, chúng tôi vận dụng các phương pháp chủ yếu sau đây: 4.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp Đây là phương pháp cơ bản và phổ biến trong nghiên cứu văn học nói chung. Chúng tôi sẽ vận dụng phương pháp này để phân tích câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ, bài thơ có tính chất tiêu biểu, điển hình để minh họa cho các luận điểm của luận văn. 4.2. Phương
Tài liệu liên quan