Luận văn Tín dụng trung dài hạn đối với Doanh nghiệp nhà nước tại Ngân hàng công thương Ba đình. Thực trạng và giải pháp
Muốn duy trì hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp cần một lượng vốn vừa phải từ phía ngân hàng trong một thời gian ngắn. Nhưng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án mới thì doanh nghiệp cần một lượng vốn lớn và thời gian đủ dài theo tiến trình của dự án và thời hạn khấu hao. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và đang tiến hành quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Điều đó có nghĩa những cơ sở hạ tầng mới sẽ được xây dựng, các doanh nghiệp sẽ tích cực mở rộng sản xuất, mua sắm trang thiết bị máy móc, kéo theo đó là nhu cầu cấp thiết về một lượng vốn lớn, dài hạn. Trong khi đó, vốn tự có của các doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường vốn chưa phát triển Lúc này, các doanh nghiệp chỉ còn trông chờ chủ yếu vào các tổ chức tín dụng (đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại) và Ngân hàng Công thương Ba đình là một trong số đó. Kể từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây, khi hệ thống ngân hàng thương mại chỉ chuyên vào lĩnh vực kinh doanh thì Ngân hàng công thương Ba đình đã và đang có những đường lối, chính sách mới trong việc mở rộng tín dụng trung dài hạn đối với DNNN. Ban lãnh đạo ngân hàng nhận thấy rằng dù đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng tỷ lệ tín dụng trung dài dạn nói chung và đối với DNNN nói riêng còn thấp, hiệu quả chưa như ý. Để hiểu rõ hơn tình hình thực tế bức xúc này và qua đó có những giải pháp, kiến nghị cấp trên nhằm hoàn thiện, nâng cao tỷ lệ tín dụng trung dài hạn đối với DNNN, em chọn đề tài “ Tín dụng trung dài hạn đối với Doanh nghiệp nhà nước tại Ngân hàng công thương Ba đình. Thực trạng và giải pháp”. Trong luận văn, ngoài phần lý luận liên quan trực tiếp đến đề tài, em đi sâu vào tìm hiểu tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong vài năm trở lại đây. Qua đó, đưa ra những giải pháp, kiến nghị cho phương hướng hoạt động sắp tới của ngân hàng mà em cho là tốt nhất.