Luận văn Tính vị chủng trong hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đối với hàng hóa Nhật Bản và Trung Quốc
“Hãy mua hàng Việt Nam!” là tiêu đề của chuyên mục Thời sự & Suy nghĩ của báo Tuổi Trẻ ngày 15-08-2003, kêu gọi người Việt Nam hãy mua hàng của nước mình. Bài báo cho rằng, hành động này không chỉ đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng mà còn thể hiện ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân đối với đất nước. Điều đáng nói ở đây tác giả bài báo, Virginia Greasley, là một tình nguyện viên người Anh tại Việt Nam. Với sự mở cửa hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, trên thị trường Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm hiểu và chọn lựa hàng hóa với nhiều phẩm cấp chất lượng, giá cả, chủng loại, mẫu mã khác nhau, được sản xuất từ nhiều nước khác nhau. Chọn hàng nội hay hàng ngoại? Có lẽ đây là câu hỏi thường đặt ra cho người tiêu dùng khi chọn mua. Là một quốc gia kém phát triển có nền sản xuất hàng hóa nhỏ về quy mô, thấp về chất lượng, rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện trước thách thức to lớn từ sức mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài. Để tăng sức cạnh tranh cho hàng nội, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, các hoạt động tiếp thị cổ động cho hàng nội cũng được các doanh nghiệp quan tâm bằng việc khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng. Có thể lấy ví dụ như quảng cáo “nâng niu bàn chân Việt của Bitis”, tôi yêu Việt Nam” của Honda Việt Nam . Các nỗ lực tiếp thị này đã đựa trên một yếu tố tâm lý xã hội phổ biến trên thế giới ở các cộng đồng khác nhau: tính vị chủng.