Martin Heidegger(26/11/1889 -26/5/1976) là một triết gia Đức, người triển khai hiện tượng luận hiện sinh, đặt nền tảng cho triết học hiện sinh và được thừa nhận rộng rãi với tư cách một triết gia độc đáo, có ảnh hưởng vào bậc nhất của thế kỷ XX. Với những đóng trong triết học của ông, có người đã nhận xét: Tầm vóc lỗi lạc của ông chỉ có triết gia Đức Wittgenstein mới sánh được(1).
10 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1423 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu M.heidegger với “tồn tại và thời gian”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
M.HEIDEGGER VỚI “TỒN TẠI VÀ THỜI GIAN”
NGUYỄN LÊ THẠCH (*)
Martin Heidegger (26/11/1889 - 26/5/1976) là một triết gia Đức, người triển
khai hiện tượng luận hiện sinh, đặt nền tảng cho triết học hiện sinh và được thừa
nhận rộng rãi với tư cách một triết gia độc đáo, có ảnh hưởng vào bậc nhất của
thế kỷ XX. Với những đóng trong triết học của ông, có người đã nhận xét: Tầm
vóc lỗi lạc của ông chỉ có triết gia Đức Wittgenstein mới sánh được(1).
M.Heidegger sinh tại Messkirche, Baden và từng là học trò của Rickert. Ông
nghiên cứu thần học Công giáo La Mã và sau đó là triết học tại Đại học
Freiburg, nơi ông là trợ giảng cho triết gia Edmund Husserl - người sáng lập
hiện tượng luận. Năm 1914, ông bảo vệ luận án tiến sĩ triết học "Học thuyết về
phán đoán trong chủ nghĩa duy lý"; sau đó, ông lại tiếp tục bảo vệ luận án "Học
thuyết Duns Scotus về phạm trù và nghĩa" (một triết gia tôn giáo và đạo đức thế
kỷ XIV). M.Heidegger bắt đầu giảng dạy triết học tại Đại học Freiburg từ năm
1915 với tư cách trợ giảng cho Husserl. Từ năm 1923 đến năm 1928, ông giảng
dạy tại Đại học Marburg. Vào khoảng năm 1928 - 1929, khi Husserl qua đời,
M.Heidegger đã trở về Đại học Freiburg để thay thế cho Husserl với tư cách
giáo sư Trưởng Khoa Triết học. Ủng hộ công khai đối với Adolf Hitler và Đảng
Quốc xã, ngày 1 tháng 5 năm 1933, M.Heidegger (cùng với nhà khoa học và trí
thức Đức Carl Schmitt) gia nhập Đảng Quốc xã(2). Năm 1934, ông đã được bổ
nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Freiburg, nhưng sau đó, những hoạt
động hàn lâm của ông bị hạn chế vào năm 1945 và người ta không ngừng tranh
cãi về tư cách giáo sư đại học của ông mãi cho đến khi ông về hưu năm 1959.
Trong cuộc đời nghiên cứu lý luận của mình, M.Heidegger đã công bố nhiều
công trình nghiên cứu có giá trị, như Sein und Zeit - Tồn tại và thời gian (1927);
Die Grundprobleme der Phaenomenologie - Những vấn đề căn bản của hiện
tượng luận (1927); Kant und das Problem der Metaphysik - Cantơ và vấn đề
siêu hình học (1929); Was ist Metaphysik? - Siêu hình học là gì? (1929); Vom
Wesen der Wahrheit - Về bản chất của chân lý (1930); Was ist das - die
Philosophie? - Triết lý là gì? (1956); Nietzsche (1961)...
Như chúng ta đã biết, M.Heidegger là học trò lớn nhất của Husserl (khởi đầu
nghiên cứu của ông là một nhà hiện tượng luận dưới sự hướng dẫn của Husserl),
nhưng, điều thú vị là chính ông đã trở thành "đối thủ" lớn nhất của Husserl trong
triết học(3). M.Heidegger đã xuất phát từ hiện tượng học Husserl; hơn nữa, cả
hai ông luôn phê phán lẫn nhau và điều quan trọng là sự phê phán đó đóng một
vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển tư tưởng của cả hai nhà
triết học. M.Heidegger đặc biệt quan tâm tới vấn đề tồn tại (being) và tác phẩm
mang lại tên tuổi cho ông là Tồn tại và thời gian (1927). Trong lần đầu tiên xuất
bản, tác phẩm này mới chỉ trình bày được một phần ba toàn bộ “dự phóng triết học”
đã vạch ra trong lời dẫn nhập, song nó vẫn được coi là một bản thể luận về hiện
tượng(4) và tạo ra một bước ngoặt trong triết học châu Âu, gây nên sự bàn luận
nhiều nhất trong thế kỷ XX.
Ý niệm về tồn tại là chủ đề nghiên cứu chủ yếu trong suốt chiều dài lịch sử triết
học phương Tây từ thời Parmenides. Theo M.Heidegger, tồn tại hay cái thường
hằng không thấy được đằng sau mọi biến thể đã bị lãng quên trong thời đại Ánh
sáng và công việc cần thiết bây giờ là phải phục sinh nó đúng với ý nghĩa vốn có
của nó. M.Heidegger đã cố gắng đưa tồn tại vào trong lịch sử, tức thời gian để từ
đó, khám phá ra bản chất thực sự của nó. Rõ ràng, đây là điều hoàn toàn trái
ngược với lôgíc, bởi tồn tại - nếu nó tồn tại - theo như định nghĩa, không bị ảnh
hưởng bởi thời gian hay lịch sử. Thuộc tính thực của nó chống lại lịch sử, trái
ngược với những gì đang diễn ra. Đi từ chỗ bắt đầu của tồn tại, khởi nguồn trong
tư tưởng triết học Hy Lạp cổ đại và bằng việc kế thừa tư tưởng tinh tuý của
Nietzsche, M.Heidegger đã đánh giá lại Platôn một cách nghiêm túc, đồng thời
gạt bỏ toàn bộ thế giới quan duy tâm trong học thuyết Platôn. Ông coi tồn tại
như một đối tượng của thời gian và lịch sử để khôi phục lại một vấn đề đã bị
lãng quên và bị coi nhẹ trong triết học đương đại.
M.Heidegger đã từng bộc bạch trong Tồn tại và thời gian là phải nghiên cứu cụ
thể, làm rõ mục đích của tồn tại và để làm rõ được mục đích này thì cần phải
hiểu ai hỏi về mục đích của tồn tại. Tư tưởng này đã được ông thể hiện trên một
số phương diện sau:
1. Tồn tại ở đây và phương pháp phân tích hiện sinh. Việc giải quyết vấn đề tồn
tại có nghĩa là làm sáng tỏ một cái hiện hữu cụ thể, xác định và chính con người
đang tìm kiếm mục đích của tồn tại. Điều này có nghĩa là, chỉ có thể hiểu được
vấn đề mục đích của tồn tại nếu chúng ta biết rõ có thể đạt tới mục đích của tồn
tại thông qua cái hiện hữu(5). M.Heidegger viết: "Để lý giải vấn đề tồn tại một
cách hoàn toàn rõ ràng thì đầu tiên cần phải giải thích rõ phương thức thâm nhập
vào tồn tại, phương thức thấu hiểu và nắm bắt mục đích của nó bằng khái niệm,
cũng như cần phải giải thích rõ khả năng của một cái hiện hữu xác định với tư
cách khuôn mẫu và khả năng chỉ ra con đường tiếp cận thật sự với nó"(6). Theo
ông, con người ở đây không phải chỉ là sự tồn tại giản đơn, mà còn là chủ thể
hỏi về mục đích tồn tại của mình, thậm chí còn muốn làm sáng tỏ cái thực tồn
đang hỏi đó là gì? Chính M.Heidegger đã trả lời: "Cái thực tồn này là bản thân
chúng ta, trong số nhiều khả năng tồn tại khác thì chúng ta còn có một khả năng
bắt buộc chúng ta tìm kiếm một cái được biểu thị như là Dasein, tồn tại - hiện
hữu - ở đây"(7). Với ý nghĩa này, có thể thấy mọi sự vật dù có khác nhau đến
đâu đi chăng nữa thì chúng cũng đều là những khách thể (ob-jecta) được đem lại
trước cho Tôi và con người là cái hiện hữu: đối với nó thì các sự vật thể hiện
như những cái hiện diện và nó tồn tại là sự hiện sinh. Theo ông, tính chất của sự
hiện sinh không phải là sự hiện diện đơn giản mà trái lại, Dasein là tồn tại trong
khả năng, là cái có thể tồn tại, cho nên Dasein ở đây không phải là khả năng
lôgíc thuần tuý và càng không phải là những điều ngẫu nhiên, kinh nghiệm.
Dasein ở đây chính là việc con người có khả năng hiện thực hoá và có thể quyết
định vận mệnh của bản thân mình mà không phải một Ai - cái Tôi khác có
quyền quyết định bản thân Tôi. Như vậy, Dasein ở đây có hai mặt. Thứ nhất, trên
phương diện chủ thể, Dasein là chính con người, vì con người hiện hữu như một
hiện diện. Thứ hai, xét về phương diện đối tượng, Dasein là thế giới mà con người
đã nhờ tri giác để khai minh và làm cho nó xuất hiện. Đến đây, chúng ta đã phần
nào hiểu được ý nghĩa chữ Dasein và mối tương quan hiện hữu giữa con người và
cái thế giới mà sự giao tiếp đã cho phép con người làm xuất hiện môi trường sinh
hoạt của mình.
2. Con người với tư cách Tồn tại - trong - Thế giới (In - der - Welt - sein).
M.Heidegger đã gọi sự hiện ra của tồn tại là "chân lý" - cái ông định nghĩa là sự
hiển lộ chứ không phải là sự chính xác. Sự phơi bày của tồn tại ấy với các thuộc
tính được bộc lộ và thông qua sự bộc lộ ấy đã được M.Heidegger sử dụng để
định nghĩa về sự tồn tại của con người. Ông đã gọi con người là Dasein (tồn tại
người) và con người thực sự là một In - der - Welt - sein và đó cũng chính là bản
chất con người. Việc làm rõ In - der - Welt - sein cũng chính là làm sáng tỏ
Dasein (từ sein trong mệnh đề In - der - Welt - sein của tiếng Đức cũng là một
động từ trong danh từ Dasein ở bên trên). Ở đây, con người chỉ là sự tồn tại
trong thế giới và thế giới ở đây không phải là sự chứa đựng con người một cách
đơn thuần. Để làm rõ hơn, M.Heidegger đã giải thích rằng, con người không
sống trong không gian và cũng không sinh hoạt trong không gian mà chính đời
sống sinh hoạt của Dasein đã phát sinh ra không gian và thời gian. Nó phát sinh
ra không gian, bởi những ý niệm căn bản nhất của không gian, như trước - sau,
trong - ngoài, v.v. đều xuất phát từ con người và nếu không có con người là
trung tâm với những ý niệm thì tất cả những khái niệm không gian và thời gian
đều mơ hồ, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Tóm lại, theo M.Heidegger, dù là
không gian sinh hoạt hay không gian trừu tượng của hình học thì cũng đều xuất
phát từ con người, lệ thuộc vào cái nhìn của con người. Tuy nhiên, thời gian mới
là cái nói lên sự lệ thuộc về sinh hoạt của con người với từ existieren (ek -
sister). Để nói lên sự hiện hữu của con người, ông đã định nghĩa như sau: "Hiện
hữu là tự vượt qua mình để đạt tới cái khả hữu của mình. Tự vượt mình là bỏ cái
mình hiện nay để đi tới một hiện hữu đang ẩn hiện trước mắt mình. Cái hiện hữu
ẩn hiện trước mắt con người - đó là khả hữu (sein - koennen, pouvoir - être)"(8).
Đây chính là chỗ phát sinh dự phóng (project), tức là khả năng phóng mình về
phía trước của con người và đó là cái bản chất sắp thành của Tôi. Tóm lại, xét
trong In - der - Welt - sein thì hiện hữu là dự phóng, còn dự phóng là thời gian
tính và đó là ba cơ cấu hiện hữu của con người.
3. Tồn tại dẫn tới cái chết, sự hiện sinh không đích thực và hiện sinh đích thực.
Theo M.Heidegger, trong quá trình sinh tồn và phát triển của mình, con người
với những môi trường sống khác nhau tất yếu sẽ nhận ra vị trí của mình trong
bối cảnh sống đó và vì vậy, con người sẽ chống lại bối cảnh ấy nhờ thiết kế sinh
tồn của mình. Nhưng, vì con người cần phải biểu thị sự quan tâm của mình về
mặt bản thể, tức là về mặt hiện hữu và tính thực tại của cái hiện hữu, nên nó
không vượt qua được khuôn khổ của sự hiện sinh không đích thực(9). Con
người, bằng những hành vi của mình, đã tạo lập cho mình những mối quan hệ xã
hội trong môi trường sống của mình và điều này, vô hình trung, đã ràng buộc
con người ở cấp độ sự kiện. Chính quá trình này đã thâm nhập vào đời sống lao
động và ngôn ngữ của con người và làm cho thứ ngôn ngữ ấy không còn đúng
với bản chất con người nữa, trở nên vô vị, trở thành lời nói trống rỗng của sự
hiện sinh hư ảo cùng với tiền đề của nó: "Điều đó là như vậy vì người ta nói như
vậy"(10). Ngoài sự vô vị của lời nói trống rỗng thì hành vi thiếu lành mạnh, lời
nói úp mở cũng là biểu hiện của của hiện sinh không lành mạnh. Điều này được
biểu hiện ở tính hư ảo với những mệnh đề đại loại, như "người ta nói như vậy",
"người ta làm như thế",… Tất cả những câu nói tương tự như vậy đều là dấu
hiệu đáng chú ý của hiện sinh không đích thực. Con người trong hiện sinh không
đích thực không phải là một cái Tôi có ý nghĩa hay nói cách khác, nó không phải
là một con người cụ thể bằng xương, bằng thịt mà thường là con người đại
chúng, con người không rõ ràng (con người đại chúng ở Ortecga y Gasset).
Khi làm rõ hiện sinh là gì, M.Heidegger đã cho thấy hiện sinh không đích thực
là một bộ phận cấu thành khả năng sinh tồn của con người, mà cơ sở của nó là
những tàn dư hay sự xuống cấp độ vật của tồn tại người. Cũng chính trong hiện
sinh không đích thực ấy, con người với sự thức tỉnh của lương tâm, sự mách bảo
của trái tim đã kêu gọi chúng ta hiện sinh đích thực và đi tìm lại những giá trị
của hiện sinh đích thực để nhờ đó, xa rời những gì vô nghĩa, vô ích và làm cho
tâm hồn ngày càng trong sáng hơn, tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn.
Như vậy, theo M.Heidegger, tồn tại trong khả năng có thể chính là sự hiện sinh.
Sự hiện sinh này là cơ sở cho những siêu vượt hoá của con người. Vì vậy, con
người có thể làm được nhiều việc khác nhau, dẫu đó là việc có ích hay không có
ích. Song, có một điều mà con người không bao giờ chạy trốn được là phải chết.
Cái chết này, theo M.Heidegger, là sự hiện sinh lớn nhất. Do đó, khi con người
đang sống, tức cái Tôi đang tồn tại, thì đó cũng có nghĩa là cái chết đang hiện
diện trên tư cách của một khả năng và nó có thể biến tất cả khả năng khác của
con người trở thành vô nghĩa khi đi tới cái chết. Chính cái chết đã làm cho mọi
bối cảnh cá biệt trở nên giống nhau, mọi khả năng không còn nữa và chính ý
thức về cái chết, tiến gần tới cái chết, con người mới tìm thấy tồn tại đích thực
cho bản thân. Con người trở lại với cái Tôi đích thực của bản thân mình như
những gì vốn có của tôi, trở thành tự do để tiến tới cái chết của riêng mình.
4. Nhìn thẳng vào thực tại để đối mặt với nỗi sợ hãi và thời gian. Khi luận giải
vấn đề này, M.Heidegger đã chỉ rõ, Dasein là tồn tại của con người và con người
như là một In - der - Welt - sein, chỉ con người mới có bản chất đó thôi, nên
cũng chỉ con người mới được coi là một tồn tại mà bản chất là mở ra để đón
chào ý nghĩa của sự vật và chính là thông qua Dasein ấy, vạn vật mới được nhận
thức và gọi tên. Nhưng, theo ông, Dasein ấy không phải là một sự vĩnh cửu và
cái chết chính là một điều mà Dasein phải đối mặt, cái chết hiện ra trước mắt để
làm rõ quan hệ của Dasein với những quan hệ khác. Cái chết là khả năng không
thể khắc phục được của con người; nó là tối hậu của hiện sinh, nó thủ tiêu hiện
sinh và tồn tại một cách vô điều kiện đối với mỗi cá thể - Dasein. Cái chết hiện
diện ở chừng mực nào thì đó cũng là cái chết của con người trong chính chừng
mực đó.
"Tồn tại dẫn tới cái chết" là điều vô cùng sợ hãi với bất cứ ai; nó khiến con
người phải đối mặt với hư vô (Nichts) và mọi thứ đều trở nên vô nghĩa, vớ vẩn
đối với Dasein, đối với sự hiện sinh. Chính sự đau khổ báo hiệu cảm giác về mối
hiểm hoạ đang gia tăng mạnh mẽ, đang chống lại sự hiện sinh là nguyên nhân
dẫn đến nỗi sợ hãi của Dasein. Do đó, "sống để dẫn tới cái chết", nắm bắt trước
cái chết, cảm nhận thấy nỗi sợ hãi đó ở chính mình và dám nhìn thẳng vào sự
thật đó, vào sự hư vô của bản thân, vào sự không tồn tại của tất cả không phải là
một điều dễ dàng gì với nhiều người và người nào làm được điều đó tức là đã có
sự hiện sinh đích thực. Cũng do vậy, con người, với tiếng nói của lương tâm,
cần phải chấp nhận tính hữu hạn của mỗi Dasein. Ngược lại, với những ai luôn
thể hiện sự sợ hãi trước cái chết, không dám nhìn thẳng vào sự thật, vào cái hữu
hạn của Dasein thì đó là kẻ hèn nhát, là sự hiện sinh tầm thường và người đó tất
sẽ bị chìm đắm trong bóng tối của cái das Man vô nhân cách. Sự sợ hãi này
được xem như là tồn tại không đích thực, tầm thường, thậm chí giống như vật.
Tại thời điểm mà Dasein phải đối mặt với bản thân mình trong việc thừa nhận tính
không thể khắc phục được của khả năng chết thì sự hiện sinh tầm thường được thể
hiện ra bằng việc tìm kiếm mưu mẹo để biến nỗi sợ hãi thành nỗi lo trước sự kiện
không thể đảo ngược được và tính không ngay thẳng, nỗi khiếp sợ, sự yếu đuối
được thể hiện trong Dasein.
Khi nói về vấn đề thời gian, M.Heidegger đã viết: "Thời gian là sự cảm thụ
thuần tuý về mình. Chính thời gian tạo thành cái đích để tung mình về phía trước
và do vậy, thời gian làm nên kết cấu căn bản của chủ thể tính"(11). Thời gian ở
đây, theo ông, là thời gian tính (Temporalitaet) và được coi là một kết cấu của
Dasein; còn Dasein là cái tạo nên thời gian, vì thời gian chỉ là sự hiện hữu của
con người, tức là thời gian chỉ có ý nghĩa khi có sự hiện diện của con người và
chính con người tạo nên thời gian khi luôn “tự ném mình về phía trước”. Như
vậy, quan niệm về thời gian bao giờ cũng phải giả định về sự cùng tồn tại của
thời điểm đã qua và thời điểm hiện tại, hoặc của quá khứ và tương lai, và chúng
chỉ cùng tồn tại trong bản chất của con người là "tự ném mình về phía trước",
tức là khi con người đang sống trong hiện tại nhưng đã ném mình về tương lai,
ném mình cả về phía sau mình. M.Heidegger đã gọi khả năng này của con người
là thời gian tính và nó chính là bản chất con người, khi bản chất này là hiện hữu
và chỉ hiện hữu như vậy do thời gian tính của mình, tức là con người hiện diện
với cái hiện thời, với cái đang có, với tương lai. Và, hiện tại chỉ là hiện tại, khi
nó có quan hệ với cả quá khứ lẫn tương lai. Vì vậy, M.Heidegger cho rằng,
"chúng ta chỉ là cái mà chúng ta đã là", "ta vẫn mang đứa trẻ và cậu thiếu niên ở
trong ta"(12).
Như vậy, từ sự phân tích này của M.Heidegger về thời gian, chúng ta thấy: 1)
Với ông, thời gian là không đích thực và mang tính tương hợp. 2) Sự hiện sinh
đích thực đã chỉ ra những nhỏ mọn, ích kỷ của mọi dự định của con người. Và,
con người sống được là nhờ tiếp nhận những tri thức mà nhân loại đã tích lũy
được, song cái chết lại vạch ra tính hư vô của hiện sinh người. 3) Dasein luôn có
tính lịch sử và tìm hiểu nó sẽ thấy cội nguồn của "tồn tại - ở - đây" trong lịch sử
và từ đó, lịch sử và tồn tại là thống nhất về mặt cấu trúc(13).
5. Vấn đề siêu hình học phương Tây trong “Tồn tại và thời gian”. Bằng việc xác
định bản chất của tồn tại là gì khi chỉ rõ ý nghĩa của tồn tại người Dasein,
M.Heidegger đã vạch ra tính hư vô của sự hiện sinh để từ đó, phê phán siêu hình
học trước đó, kể từ Aristotle đến Hegel và Nietzsche trong Nhập môn siêu hình
học(1956). Ông cho rằng, những nhà triết học trước đó, bắt đầu từ Platôn, đã
làm cho sự phân tích hiện sinh không đi theo đúng hướng của nó và không thể
thực hiện được vì đã biến siêu hình học thành vật lý học. Do vậy, theo ông, cần
phải đưa vấn đề của triết học về đúng với ý nghĩa của nó. Đó là: Tồn tại khi tự
bộc lộ mình không cần phải thông qua hiện hữu, thậm chí cả khi đó là Dasein có
địa vị đặc quyền, mà chỉ cần theo sự chủ động của bản thân tồn tại.
Mặc dù còn nhiều sự bàn cãi về tư cách của M.Heidegger, nhưng có một điều
mà chúng ta không thể bác bỏ: Ông là một nhà triết học độc đáo của thế kỷ XX
và với những đóng góp của ông cho triết học, ông thực sự xứng đáng với những
gì mà mọi người đã tôn vinh ông. Tồn tại và thời gian đã nói rõ ý nghĩa tư tưởng
của ông là "nắm bắt đúng mục đích của tồn tại" và sự hiện sinh đã trở thành một
tính quy định quan trọng của tồn tại người. Vì vậy, việc tìm hiểu về tác giả và
tác phẩm luôn là cần thiết để làm sáng tỏ cuộc đời và tư tưởng của các nhà triết
học nói chung, của M.Heidegger nói riêng./.
(*) Giảng viên triết học, Học viện Chính trị – Hành chính khu vực I, Học viện
Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(1) Xem: Mai Sơn. 101 triết gia. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr.659.
(2) Mai Sơn. Sđd., tr. 668.
(3) Xem: Nguyễn Chí Hiếu, Đỗ Minh Hợp, Phạm Quỳnh Trang. Hiện tượng học
Husserl. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr.362.
(4) Mai Sơn. Sđd., tr. 660.
(5) Xem: Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh. Đại cương lịch sử
triết học phương Tây hiện đại cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX. Nxb Tổng
hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.147.
(6) M.Heidegger. Hữu thể và thời gian. Mátxcơva, 1994, tr.28.
(7) M.Heidegger. Hữu thể và thời gian. Sđd., tr.37.
(8) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Nxb Văn học, Hà Nội, 2005,
tr.357.
(9) Xem: Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh. Sđd., tr.151.
(10) Dẫn theo: Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh. Sđd., tr.151.
(11) M.Heidegger. Kant et le problème de la métaphysique. Paris, p.244.
(12) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Sđd., tr. 362.
(13) Xem: Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh. Sđd., tr.154.