Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phức tạp của nó đã và đang cho
thấy, dường như quyền được lựa chọn - một tiêu chí mang ý nghĩa nhân văn, được diễn
giải theo nhiều cách thức khác nhau. Tình trạng “nhiều cách thức” của sự lựa chọn có
căn nguyên sâu xa từ khuynh hướng tinh thần, từ mục tiêu chính trị - kinh tế, từ lợi ích
mỗi quốc gia theo đuổi. Và không có ý nghĩa nào khác, tình trạng phức tạp của sự lựa
chọn đã hình thành nên một thế giới mà ở đó, từ việc khẳng định hệ thống giá trị văn
hóa riêng của mỗi quốc gia trong khi vừa cố gắng giữ gìn bản sắc riêng của mình, vừa
cố gắng học hỏi để không mất phương hướng giữa sự quay cuồng đầy hấp dẫn của xu
thế toàn cầu hóa, đã dẫn đến các chuyển dịch văn hóa đa dạng, sinh động nhưng không
kém phần phức tạp. Như câu chuyện nhà thơ Anh Ngọc từng kể: Mấy năm nay ông sinh
sống ở Hà Nội nhưng hàng ngày vẫn trông nhà cho con trai ở nước Anh. Chẳng là gia
đình con trai nhà thơ đang sống ở Anh, nhà thơ thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với
con cháu qua integrated camera. Hàng ngày, trước khi đi làm và đưa con đến trường,
con trai ông đặt sẵn camera và kết nối internet. Nhà thơ Anh Ngọc ở Hà Nội, thi thoảng
lại ngó vào màn hình “trông nhà” giúp con!
8 trang |
Chia sẻ: anhquan78 | Lượt xem: 928 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một góc nhìn về tính văn hóa của hệ thống truyền thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT GÓC NHÌN VỀ TÍNH VĂN HÓA
CỦA HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG
Nhà báo Nguyễn Hoà∗
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phức tạp của nó đã và đang cho
thấy, dường như quyền được lựa chọn - một tiêu chí mang ý nghĩa nhân văn, được diễn
giải theo nhiều cách thức khác nhau. Tình trạng “nhiều cách thức” của sự lựa chọn có
căn nguyên sâu xa từ khuynh hướng tinh thần, từ mục tiêu chính trị - kinh tế, từ lợi ích
mỗi quốc gia theo đuổi... Và không có ý nghĩa nào khác, tình trạng phức tạp của sự lựa
chọn đã hình thành nên một thế giới mà ở đó, từ việc khẳng định hệ thống giá trị văn
hóa riêng của mỗi quốc gia trong khi vừa cố gắng giữ gìn bản sắc riêng của mình, vừa
cố gắng học hỏi để không mất phương hướng giữa sự quay cuồng đầy hấp dẫn của xu
thế toàn cầu hóa, đã dẫn đến các chuyển dịch văn hóa đa dạng, sinh động nhưng không
kém phần phức tạp. Như câu chuyện nhà thơ Anh Ngọc từng kể: Mấy năm nay ông sinh
sống ở Hà Nội nhưng hàng ngày vẫn trông nhà cho con trai ở nước Anh. Chẳng là gia
đình con trai nhà thơ đang sống ở Anh, nhà thơ thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với
con cháu qua integrated camera. Hàng ngày, trước khi đi làm và đưa con đến trường,
con trai ông đặt sẵn camera và kết nối internet. Nhà thơ Anh Ngọc ở Hà Nội, thi thoảng
lại ngó vào màn hình “trông nhà” giúp con!
Về đại thể, trên thế giới hôm nay, không gian sinh tồn văn hóa của con người đã
mở rộng hơn trước, một mặt do tính tất yếu của sự phát triển, một mặt do con người có
khả năng thực hiện. Tới đầu thế kỷ XXI, hầu như trên thế giới không còn những nền
văn hóa lựa chọn “bế quan tỏa cảng” làm nguyên tắc sinh tồn. Quốc tế hóa đã giúp các
nền văn hóa tăng cường chiều kích riêng, mở ra cơ hội để tiếp xúc, học hỏi và mở
mang. Tính chất thực dụng (theo ý nghĩa nghiêm túc của khái niệm này, đôi khi được
hiểu như sự thích nghi) của văn hóa trong thời đại mới đã đưa tới một số chuyển dịch
∗
Báo Nhân dân
trong văn hóa dân tộc, nhất là ở một số nước ở châu Á, châu Phi. Trong khi các dân tộc
có chí hướng lành mạnh đang hướng đến nhau để học hỏi, phát triển, thì những con
người có ý chí vươn lên để hoàn thiện mình, sống có ích hơn, cũng hòa nhập với xu
hướng đó, họ tìm kiếm, nâng cao hiểu biết... Và để đáp ứng các nhu cầu ấy, trong cuộc
sống nhân loại đã hình thành một công cụ quan trọng có khả năng hỗ trợ, cung cấp, phổ
biến thông tin và tri thức, đó là hệ thống báo chí, với tư cách là tập hợp những phương
tiện hiện đại khác nhau, từ báo viết, báo nói đến báo hình, báo điện tử. Hệ thống đó có
khả năng hoạt động 24h/24h hàng ngày, cập nhật và soi rọi vào mọi lĩnh vực, mọi sự
vật - hiện tượng, mọi ngóc ngách của cuộc sống xã hội - con người. Đến mức có lẽ, ở
các quốc gia có hệ thống truyền thông phát triển, một người dù cố gắng đến thế nào
cũng khó có thể theo dõi, nắm bắt, khái quát toàn bộ thông tin mới được công bố trong
ngày ngay tại nước mình.
Ở Việt Nam cũng vậy, chỉ sau khoảng mười năm, chúng ta đã được chứng kiến sự
phát triển vượt bậc, nếu không nói là phi thường, của hệ thống truyền thông. Sự phát
triển ấy không chỉ thể hiện qua hàng trăm tờ báo có kích cỡ khác nhau và luôn được
chăm chút sao cho thật bắt mắt hay qua năm bảy chục “kênh” truyền hình kỹ thuật số
hay truyền hình cáp, mà còn thể hiện qua vô số báo điện tử có khả năng đưa tin nhanh
chóng tới từng phút về mọi sự kiện, thậm chí công chúng có thể tiếp xúc với tin tức qua
video-clip của các website, vô tuyến truyền hình internet... Như vậy, sự phát triển hệ
thống truyền thông đã giúp công chúng mở rộng không gian thu nhận tin tức và tri thức,
làm phong phú phương tiện giải trí, được tiếp xúc một cách đa diện, đa dạng với mọi
biến chuyển trong đời sống xã hội của dân tộc mình, của nhân loại. Và sẽ không có gì
phải bàn nếu sự phát triển đó không sớm bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm; trong đó
có vấn đề liên quan tới quan niệm và hành vi văn hóa mà nếu không chấn chỉnh kịp
thời, có thể tác động tiêu cực tới quan niệm và hoạt động sống của con người.
Trước hết, có một thực tế là truyền thông hiện đại không thuần túy đưa tin hay
bình luận mà còn là hoạt động kinh doanh, trên hai phương diện: kinh doanh báo chí và
là phương tiện quảng bá của giới kinh doanh. Về bản chất, muốn kinh doanh có lãi,
người ta phải làm thế nào để có thể bán được nhiều hàng, cụ thể là làm sao bán được
nhiều báo, làm sao có nhiều người bật TV, truy cập internet. Vì thế, người làm truyền
thông phải tìm mọi cách cung cấp thật nhiều thông tin, chế tạo ra nhiều “chiêu, trò”
nhằm tăng sự hấp dẫn, “đánh” vào tâm lý tiếp nhận của công chúng và kích thích họ.
Rốt cuộc, muốn hay không thì hệ thống truyền thông hiện đại cũng trở thành “cái thùng
không đáy”, hàng ngày luôn luôn cần và ngốn không biết bao nhiêu kiểu loại thông tin.
Nhìn vào thực trạng của nó có thể thấy, hệ thống truyền thông hiện đại ở Việt Nam
cũng không nằm ngoài đặc điểm này. Bên một số tòa soạn có yêu cầu nghiêm ngặt
trong đưa tin, phát ngôn đại diện, dường như đa số tòa soạn đều cố khai thác, công bố
tin tức theo nguyên tắc: “càng cập nhật càng tốt, càng giật gân càng hay”. Bởi thế, việc
khai thác sự kiện - hiện tượng bất thường, khai thác thông tin quảng cáo, tranh đua chớp
thời gian để đưa tin, cùng vai trò là phương tiện giúp giới kinh doanh quảng bá hàng
hóa, đã biến hệ thống truyền thông hiện đại thành một “thế lực” trong sinh hoạt xã hội
mà ở đó, sự lành mạnh đã và đang tồn tại cùng vô số hỉ nộ ái ố. Và từ góc độ văn hóa,
có thể nhận diện tình trạng này trên hai bình diện:
1. Tính văn hóa trong việc đưa tin, đề cập các vấn đề xã hội - con người
Phải nói rằng, việc đua tranh đưa tin và bình luận về sự kiện - hiện tượng bất
thường đã đưa tới một hệ quả là tình trạng “chụp giật”, nổi lên là “chụp giật” thông tin
vụ án, tin tức liên quan đến người nổi tiếng, hoặc các sự - vụ có thể tác động đến sự
hiếu kỳ và lôi cuốn số đông. Như vẫn thấy lâu nay, sau khi một vụ án nghiêm trọng xảy
ra là hầu hết các báo đều cố gắng khai thác thông tin, và tin tức về vụ án chễm trệ trên
trang nhất của một số tờ báo với những chapeau giật gân. Có lẽ do không bằng lòng với
thông tin về diễn biến vụ án, người ta còn cố khai thác cả các thông tin hết sức tế nhị
đối với người trong cuộc. Việc một tờ báo lùng sục khai thác tin tức liên quan tới đời tư
nạn nhân của vụ án rồi đưa lên mặt báo một cách chi tiết nếu không nói là xúc phạm
người trong cuộc thì cũng hết sức phản cảm, rất cần phê phán. Không rõ do muốn thể
hiện tinh thần làm báo xông xáo, hay do muốn tăng số lượng phát hành mà có trường
hợp một số tờ báo và phóng viên như vô cảm, không quan tâm đến nỗi đau của người
khác?
Ví dụ điển hình cho tình trạng “chụp giật” là sự kiện xảy ra tháng 6.2011, sau khi
tin “Tỷ phú dolla Phạm Nhật Hoàng, con trai ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất
Thị trường chứng khoán”, và “Người yêu của anh (tức Phạm Nhật Hoàng) là “hot girl”
nổi tiếng Sài Thành “Whitebear” được post lên internet, một số báo điện tử đã vội vàng
khai thác, thậm chí dựa theo thông tin này để viết bài điều tra. Từ đó bài Con trai người
giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc được đưa lên một số báo điện tử, diễn đàn.
Chỉ đến khi ông Phạm Nhật Vượng khẳng định tin đó sai sự thật, cơ quan chức năng
vào cuộc, thì mới phát hiện đây là “tác phẩm” của một cô bé 13 tuổi đã hư cấu để... trêu
đùa! Tương tự như thế, năm 2008, một tờ báo lớn của Việt Nam đăng tiểu phẩm hài
hước hóa tình trạng nhiều muỗi ở khu vực cầu Băng Ky, tác giả tiểu phẩm hư cấu
chuyện nữ hoàng quần vợt Maria Sharapova đi qua vùng này, thấy mọi người vung vợt
bắt muỗi chị lại ngỡ là đang chơi quần vợt; thế là vì cảm phục tinh thần thể thao, Maria
Sharapova đề nghị thành lập tại đây một Học viện quần vợt mang tên mình! Vớ được
tin nóng sốt, Hãng UPI mau mắn chộp vội để loan tin. Ngay sau đó, một tờ báo lớn
khác ở Việt Nam khai thác tin từ UPI để viết bài Khi các siêu sao bí mật đến Việt Nam
rất hoành tráng, kèm ảnh và giới thiệu về Maria Sharapova, thậm chí để thông tin thêm
phần xác thực, bài báo còn bịa: “Một quan chức của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam
cũng đã xác nhận thông tin này nhưng cho biết rằng đó mới chỉ là nguyện vọng của
Sharapova và phải cần rất nhiều thủ tục nữa nhưng hy vọng sẽ được các cơ quan chức
năng tạo điều kiện”!
Đọc trên diện rộng, phải nói là lâu nay hệ thống truyền thông ở Việt Nam đã và
đang có một số biểu hiện có thể dẫn tới nghi ngờ ý nghĩa văn hóa đối với người đọc,
nếu nhìn vào tên bài cùng các bức ảnh bắt mắt và thông tin đi cùng, nhất là trên báo
điện tử. Vào trang Văn hóa của baomoi.com - một website tổng hợp, có thể sẽ gặp vô
số tin tức, đại loại như: Phi Thanh Vân sợ bị coi là giả tạo nếu mặc kín, Phát ngốt vì
Trà Ngọc Hằng dạo phố “kín trên hở dưới”, Hà Hồ “nghiến răng” sexy trong giá lạnh,
Bất ngờ với ảnh bán nude của Lưu Hương Giang, Thúy Ngân nóng bỏng trong trang
phục truyền thống, “Siêu vòng một” Liễu Nham lộ bụng ngấn mỡ, Bỏng mắt với nữ
hoàng nội y, Dương Yến Ngọc sẽ không còn “lộ hàng”?, Cho bạn trai sờ ngực là... hư?
Nguyễn Kinh Thiên nude trong phim mới, Xuân Thụ sáng tác thơ như làm tình, viết tiểu
thuyết như kết hôn, Những màn tụt quần hết hồn của sao Hoa ngữ, Hoàng Thùy Linh
không thể không sexy trên sân khấu... và cùng với vô số bài vở vô bổ, ít tính văn hóa
như thế, là tâm sự và tuyên ngôn đôi khi có vẻ ngông ngạo của một số nhân vật được
gọi là “ngôi sao” đã làm nhiễu loạn một số chuẩn mực văn hóa lành mạnh. Khó có thể
coi là có văn hóa khi báo chí trở thành nơi ca sĩ, người mẫu uốn éo khoe mông khoe
ngực; tạo điều kiện cho một số người phát ngôn kiểu như: “Đàn ông được khoe ngực,
tại sao đàn bà lại không?”, “Nhìn váy tôi, bạn đừng quá tự ti về túi tiền của mình!”,
“Thằng Sơn không bao giờ là điếm hay rẻ tiền cả”. Khi các sự cố trong trình diễn nghệ
thuật, các phô bày vô tình (cố ý?) và các cuốn sách vi phạm Luật Xuất bản, các sự kiện
- hiện tượng khác thường... trở thành đề tài cho báo chí lùng sục, soi chiếu, làm rùm
beng một cách thô thiển thì dường như sự “phản tác dụng” lại có ý nghĩa nhiều hơn?
Trên thực tế, việc làm này chỉ giúp sự kiện và người trong cuộc trở nên “nổi tiếng”,
công chúng thêm tò mò, kết quả chỉ là thỏa mãn những thị hiếu không coi văn hóa như
là lẽ sinh tồn.
2. Năng lực văn hóa của người làm báo
Như đã nói, hệ thống truyền thông hiện đại là “cái thùng không đáy” hàng ngày
ngốn không biết bao nhiêu thông tin, vì thế nó cần một đội ngũ người làm báo đông
đảo, luôn có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm... Và căn cứ vào tình trạng, không là quá lời
nếu nói rằng, năng lực văn hóa của một số người làm báo (đặc biệt là người làm báo
trẻ) còn thiếu hụt. Điều này không có gì là ngạc nhiên, nếu căn cứ vào lộ trình đi từ
trường phổ thông, qua trường đại học đến một tòa soạn.
Đơn cử như phóng viên văn hóa - văn nghệ, những người làm việc tại các tòa soạn
đang phải đảm nhiệm một công việc phức hợp, đa số thiếu chuyên sâu. Họ có thể viết
về văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, thậm chí cả về tuồng, chèo, cải
lương, múa rối,... mà hầu như đều bàng bạc, chưa vượt qua tri thức sơ sài thu nạp ở
trường đại học. Như với văn học, thường thì sau khi một cuốn sách mới xuất bản, nơi
phát hành liền sản xuất một bài giới thiệu với danh nghĩa thông cáo báo chí. Và sau
buổi họp báo, không cần đọc tác phẩm, một số phóng viên “mông má” thông cáo báo
chí kia rồi in la liệt trên mặt báo. Phóng viên khác thì cố lùng sục điện thoại để phỏng
vấn tác giả. Tác giả nói gì ghi nấy, vẫn có bài vở nộp tòa soạn. Còn khi một hoạt động
văn học được tổ chức, một số phóng viên đến dự chỉ nhằm soi mói xem có sự cố gì
không, ai phát biểu “có vấn đề”, thậm chí cả mấy chuyện ngoài văn học như đại biểu ăn
nghỉ ra sao, ai được mời, ai không được mời,... cũng được làm rình rang trên mặt báo.
Cho nên, nếu hỏi nhà báo viết về sân khấu thế nào là sân khấu hiện thực tâm lý,
sân khấu tự sự biện chứng, thế nào là nghệ thuật đạo diễn, và nghệ thuật biên kịch, nghệ
thuật diễn viên... chắc không ít người khó đưa ra vài chấm phá cơ bản; nếu có hỏi nhà
báo viết về âm nhạc thế nào là khúc thức, là hòa âm, phối khí,... chắc không ít người
khó có thể phác họa dăm ba điều; và nếu hỏi nhà báo viết về nghệ thuật tạo hình thế nào
là bố cục, hòa sắc, ấn tượng, trừu tượng, chắc không ít người sẽ không biết trả lời ra
sao... Vậy mà các nhà báo đó vẫn xông vào sinh hoạt nghệ thuật để viết, viết theo
những gì tác giả nói lại hơn là viết từ những gì mình hiểu. Thế nên, có nhà báo thấy
người ta ghi chú Paganini là nghệ sĩ nổi tiếng với giai thoại chơi violon một dây, cũng
ghi chú Paganini là nghệ sĩ nổi tiếng với giai thoại chơi violon một dây; khi được hỏi
giai thoại đó cụ thể là gì thì... lắc đầu. Thế nên, có nhà báo chuyên về âm nhạc xuất hiện
trong cuộc thi ca nhạc tường thuật trên vô tuyến truyền hình, trước sau chỉ loanh quanh
với vài nhận xét như: “Em hát hơi thấp”, “Em hát hơi cao”, “Hôm nay em mặc rất đẹp”,
“trông em rất nữ tính”, “Em hát mấy nốt ấy rất tốt”, “nhìn em rất nam tính”... - các nhận
xét không phải là nhà báo chuyên về âm nhạc cũng có thể đưa ra. Cũng tại các cuộc thi
nghệ thuật, nên nhắc tới một vài vị giám khảo trình diễn phong cách bỗ bã, cố ra vẻ
“bụi bặm”, nói cười hô hố,... đem lại hình ảnh rất khó coi. Thử hỏi, khi tạo điều kiện
cho những “thần tượng” như vậy xuất hiện trước công chúng để đánh giá thẩm mỹ của
thí sinh, thì người ta đã có ý định xây dựng thị hiếu của xã hội như thế nào?
Nhân đây cũng xin nhắc tới sự ra một đời hình thức mới của báo chí hiện đại, đó
là “phóng viên văn phòng” - những người suốt ngày “ôm máy tính lướt web” kiếm
thông tin, và thực hành các thao tác rất đáng phê phán. Đó là việc họ tùy tiện lấy bài vở
từ báo khác rồi đặt lại nhan đề, bừa bãi cắt xén, sửa sang theo ý mình để công bố. Một
số tác giả rất phẫn nộ khi thấy “đứa con tinh thần” tái xuất hiện trên báo chí với hình
hài không nguyên vẹn, ý tứ bị xuyên tạc, hành văn lủng củng, lập luận ngô nghê. Với
người viết tham luận này, một lần bị tòa soạn nọ tùy tiện cắt xén bài vở để đăng lại, khi
chất vấn thì nhận được trả lời: đó là “quyền biên tập của tòa soạn”! Và người ta chỉ rút
bài sau khi không trả lời được câu hỏi: “Tòa soạn có quyền gì khi tôi không gửi bài
đến?”. Bên cạnh đó, cần kể tới một số báo điện tử, trang điện tử của một số báo in
thường copy - paste bài vở từ báo khác mà quên ghi tên tác giả, quên dẫn nguồn cụ thể,
dưới bài ghi mấy chữ: “theo ND”, “theo TT”, “theo TN”... Với các hiện tượng trên,
phải nói rằng “cái thùng không đáy” của hệ thống truyền thông hiện đại đã đẩy một số
người làm báo và một số tòa soạn tới thao tác thiếu đạo đức nghề nghiệp.
Song, năng lực văn hóa của người làm báo mới chỉ là một mặt của vấn đề, mặt
còn lại là biên tập viên và người quyết định công bố bài báo. Đến một số tòa soạn ở
Việt Nam, có thể gặp những biên tập viên vừa tốt nghiệp đại học vài ba năm, chưa từng
viết một bài báo, chưa biết từ điển tiếng Việt mặt mũi ra sao, không biết một cuốn sách
chuyên ngành trong lĩnh vực họ có nhiệm vụ biên tập vuông tròn như thế nào,... nhưng
vẫn “thò bàn phím” sửa sang bài vở được gửi đến. Thế nên, một Giáo sư mới có thể viết
trên báo rằng, vì kiêng tên của Lý Bí nên người Việt gọi quả bí là... quả bầu (!), còn
một nhà nghiên cứu văn hóa khác thì gọi chuyến biểu diễn ở nước ngoài của rối nước
nước là “tiếp biến văn hóa” (!). Có thể còn nguyên nhân khác, nhưng tình trạng sai sót
tri thức, sử dụng từ ngữ tùy tiện, thiếu nhạy cảm trước nhiều vấn đề kinh tế - chính trị -
xã hội - văn hóa,... mà báo chí thể hiện lâu nay, có nguyên nhân trực tiếp từ năng lực
chuyên môn và quan niệm của biên tập viên cùng người duyệt đăng bài vở.
Từ các hiện tượng trên, hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Nếu thật sự quan tâm tới
sự phát triển văn hóa, thật sự quan tâm tới quá trình phát triển lành mạnh của xã hội và
con người thì báo chí có đăng tải các loại bài vở, cũng như có thực hành các thủ pháp
không phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp, như vậy hay không? Câu hỏi càng có ý nghĩa
hơn nếu biết rằng đến gần đây, tình trạng không những không được chấn chỉnh mà còn
có xu hướng trầm trọng!
Xét từ phương diện nào, hệ thống truyền thông vẫn là một trong các lĩnh vực hoạt
động văn hóa tinh thần của xã hội. Vì thế, cái gọi là “quyền lực thứ tư” sẽ giảm thiểu ý
nghĩa xã hội - con người nếu hệ thống truyền thông không phát huy được tính văn hóa
trong hoạt động của mình. Nói cách khác, “quyền lực thứ tư” chỉ thật sự là một “quyền
lực” khi hệ thống truyền thông đáp ứng được yêu cầu văn hóa của sự phát triển. Cho
nên, người làm báo và hệ thống báo chí đừng vội tự huyễn hoặc về “quyền lực thứ tư”
khi còn có những hành xử nghề nghiệp thiếu văn hóa. Thiết nghĩ, nếu coi việc đáp ứng
nhu cầu văn hóa và sự phát triển xã hội - con người là mục đích hoạt động của truyền
thông thì trước hết, tự thân truyền thông phải là một hệ thống mang tính văn hóa. Để
làm được điều đó, từ người có trách nhiệm tới phóng viên, biên tập viên của mọi đơn vị
truyền thông cần xây dựng nhận thức đúng đắn về vai trò truyền bá văn hóa, đáp ứng
nhu cầu văn hóa, hướng tới công chúng và xã hội với tinh thần lương thiện trí thức.
Tính khả thể của đòi hỏi này phụ thuộc vào sự tự ý thức, vào năng lực, sự hiểu biết và
nhãn quan văn hóa của mọi người làm báo. Còn kinh doanh ư? Cũng là điều khả thể,
nhưng cần phân biệt sự khác nhau giữa kinh doanh một cách có văn hóa với kinh doanh
bất chấp các chuẩn mực văn hóa để tìm kiếm lợi nhuận.