VAT is a modern consumption tax, applied in many countries worldwide including Vietnam. It has many advantages, especially it can overcome double taxation. However, the taxable items in Vietnam are still limited, which can affect both consumers and producers behavior, and also the demand and supply of taxable goods. In some cases, this may have negative effects on the economy. Therefore, in order to realise the VAT advantages, tax exemption should be narrowed, while taxable items should be widened. Tax exemption should be used only as a regulator tool and applied limitedly only in certain cases. The two tax rates of 5% and 10% are reasonable in the current contexts of Vietnam.
7 trang |
Chia sẻ: candy98 | Lượt xem: 553 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 19, 2003
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG
THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG Ở VIỆT NAM
Phan Thị Minh Lý, Lại Xuân Thủy
Trường Đại học Kinh tế,Đại học Huế
Lần đầu tiên được áp dụng tại Pháp năm 1954, đến nay thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được 118 nước trên thế giới sử dụng thay cho thuế doanh thu (DT) Theo nguồn số liệu của Ngân hàng Thế giới
, trong đó có Việt Nam kể từ năm 1999. Điều đó cho thấy sự phát triển rất nhanh chóng và rộng rãi của hình thức thuế này trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, nó đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Ở Việt Nam thuế GTGT đã áp dụng được gần 5 năm và được nhiều chuyên gia quan tâm tìm hiểu trên nhiều góc độ khác nhau ngay từ khi Luật thuế GTGT mới được ban hành. Ông Bùi Đường Nghiêu với bài viết về «Thuế GTGT ở Việt Nam - Những bất cập và ảnh hưởng khi áp dụng » đã dự báo không ít những khó khăn có thể gặp phải về mặt kỹ thuật và ảnh hưởng tiêu cực của thuế GTGT khi mới triển khai áp dụng đối với doanh nhgiệp, Nhà nước và cả nền kinh tế. Trong bài viết về «Cần hiểu đúng về thuế VAT. Miễn thuế và thuế suất 0% có giống nhau không ? » của Nguyễn Khắc Thành & Richard Irwin, bài «Người sản xuất và người tiêu dùng ai là đối tượng chịu thuế ? » của TS. Vũ Công Ty, các tác giả đã bàn về những vấn đề cơ bản của thuế GTGT: thuế suất và đối tượng chịu thuế GTGT. Sau một thời gian thực hiện, Luật thuế GTGT đã thu được những thành công to lớn nhưng cũng bộc lộ những bất cập. Nhiều bài viết, báo cáo, đánh giá của các nhà nghiên cứu cũng như quản lý thuế đã đề cập đến vấn đề này, chẳng hạn bài tham luận của GS.TSKH. Tào Hữu Phùng về «Một số ý kiến bổ sung, điều chỉnh Luật thuế GTGT » tại Diễn đàn doanh nghiệp năm 2000, bài của TS. Vũ Công Ty về «Thuế GTGT. Cần xử lý kịp thời những bất cập » v.v.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khẳng định lại một lần nữa tính ưu việt của thuế GTGT so với thuế DT, những ảnh hưởng kinh tế khi đối tượng áp dụng thuế bị hạn chế và vấn đề thuế suất thuế GTGT. Đây là ba điểm mà theo chúng tôi là cần đặc biệt quan tâm khi nghiên cứu về thuế GTGT.
1. Tính ưu việt của thuế GTGT: Theo các nhà nghiên cứu, một loại thuế được coi là lý tưởng khi nó thỏa mãn bốn tiêu chuẩn: (1) đơn giản về mặt kỹ thuật, tức là không tạo ra cơ hội trốn thuế; (2) hiệu quả về mặt tài chính, tức là có năng suất cao; (3) công bằng về mặt xã hội, tức là đưa lại kết quả phân phối lại của cải xã hội và (4) có tác dụng khuyến khích về mặt kinh tế, tức là có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển LIGER. Quản lý thuế các doanh nhgiệp vừa và nhỏ : một sự huyền bí. Luận văn tiến sỹ năm 1987. Đại học Rennes 1, Pháp
. Xét theo bốn tiêu chuẩn này, thuế GTGT thể hiện tính hơn hẳn của nó so với thuế DT. Thứ nhất, về kỹ thuật thuế GTGT đơn giản hơn thuế DT. Nếu thuế DT bao gồm 11 mức thay đổi từ 0% đến 40% thì thuế GTGT chỉ bao gồm 3 mức (không kể thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu) thay đổi từ 5% đến 20%. Điều này giúp giảm đáng kể hiện tượng trốn thuế. Thứ hai, thuế GTGT hiệu quả hơn về tài chính thể hiện ở cơ sở tính thuế của nó rộng hơn. Về nguyên tắc, thuế GTGT đánh trên tất cả mọi hàng hóa, dịch vụ (HHDV) tiêu dùng cuối cùng (trừ những trường hợp miễn thuế). Thứ ba, về mặt xã hội thuế GTGT công bằng hơn nhờ vào cơ chế đánh thuế của nó với mức thuế suất thấp đánh vào các mặt hàng tiêu dùng thông thường và mức cao đánh vào các mặt hàng xa xỉ, nhờ đó nó góp phần vào phân phối lại thu nhập. Thứ tư, thuế GTGT có tác dụng khuyến khích hơn về mặt kinh tế nhờ vào cơ chế khấu trừ thuế đầu vào và miễn thuế đối với hàng xuất khẩu.
Đặc biệt ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh một ưu thế quan trọng nổi bật của thuế GTGT, đó là thuế GTGT giải quyết được vấn đề đánh thuế trùng lặp của thuế DT, bởi vì nó chỉ đánh một lần duy nhất trên giá trị của HHDV tiêu dùng cuối cùng không phụ thuộc vào độ dài của chu kỳ sản xuất và tiêu thụ các HHDV này.
Để minh họa cho tính trung lập này của thuế GTGT, một cách khái quát và để đơn giản, chúng ta giả sử rằng trong nền kinh tế :
- chỉ có 2 giai đoạn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với n bước;
- A, B, ..., M, N là giá trị chưa bao gồm thuế của sản phẩm ở các bước từ 1 đến n;
- t là thuế suất đánh trên giá trị chưa bao gồm thuế, để đơn giản thuế suất bằng nhau đối với tất cả các bước;
- T là tổng thuế DT thu được;
- T’ là tổng thuế GTGT thu được.
Theo nguyên tắc đánh thuế DT, tổng số thuế thu được là:
T = At+Bt +...+ Mt + Nt + A(t2 + t3 + ... + tn) + B(t2 + t3 +...+ tn-1) +...+ Mt2 + Nt
Theo nguyên tắc đánh thuế GTGT, tổng số thuế thu được là:
T’ = Nt
Chúng ta thấy rõ sự chênh lệch rất lớn về số thu giữa hai loại thuế nếu áp dụng cùng một thuế suất (T – T’). Sự khác nhau này là do thuế DT đánh lặp đi lặp lại nhiều lần cùng những thành phần trong giá và thuế DT của giai đoạn trước được tính gộp vào cơ sở tính thuế của giai đoạn sau. Như vậy chu kỳ sản xuất càng dài thì thuế DT đánh trùng lặp càng nhiều lần. Ngược lại thuế GTGT chỉ đánh một lần trên giá trị cuối cùng của sản phẩm tiêu dùng, nó thể hiện tính trung lập không làm tổn hại đến các hoạt động kinh tế.
2. Ảnh hưởng kinh tế khi phạm vi áp dụng thuế GTGT bị hạn chế: Đây là vấn đề thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này. Điều 2 trong Luật thuế GTGT quy định: «Hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại điều 4 của Luật này ». Điều 4 lại quy định tới 26 loại HHDV không chịu thuế GTGT Luật thuế GTGT. Thông qua Quốc hội ngày 10 tháng 5 năm 1997. Điều 2 và 4.
. Điều này cho thấy đối tượng chịu thuế theo luật định ở nước ta còn rất hạn chế. Tình trạng này cũng tương tự như ở Pháp khi thuế GTGT mới được thực hiện năm 1954, phạm vi áp dụng của nó cũng còn rất hẹp, lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng đều không chịu thuế GTGT. 14 năm sau, với cải cách thuế ngày 1 tháng 1 năm 1968, phạm vi áp dụng của thuế GTGT mới được mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Việt Nam cũng đang thực hiện cải cách thuế GTGT theo hướng này, bởi đây là một xu hướng phù hợp và cần thiết. Ông Nguyễn Xuân Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã khẳng định điều này trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Tài chính số tháng 8 và tháng 9 năm 2002. Trong Hội thảo về thuế GTGT do Vụ Chính sách tài chính Việt Nam tổ chức vào tháng 1 năm 2000 với sự tham gia của Vụ chính sách tài chính - Bộ Tài chính Nhật Bản cũng như Hội thảo do Trường Đại học Kế toán – Tài chính Hà Nội tổ chức vào tháng 7 năm 2000 với sự tham gia của các chuyên gia Thụy Điển đã nhận định rằng phạm vi áp dụng thuế GTGT hiện nay ở Việt Nam còn rất hạn chế, một trong những hướng hoàn thiện là mở rộng diện chịu thuế. Đây là đánh giá của chuyên gia các nước mà thuế GTGT đã được áp dụng từ rất lâu, ở Nhật Bản từ năm 1989 và ở Thụy Điển từ năm 1969.
Vậy nếu như phạm vi áp dụng thuế GTGT bị hạn chế thì sẽ có những ảnh hưởng kinh tế nào? Chúng ta xem xét ví dụ đơn giản hóa sau đây với 4 trường hợp: (1) đánh thuế tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; (2) đánh thuế 0% ở khâu bán lẻ; (3) miễn thuế ở khâu bán lẻ; (4) miễn thuế ở khâu bán buôn.
Với số liệu ở bảng 1 chúng ta nhận thấy:
- Trường hợp (1) thực hiện cơ chế đánh thuế GTGT một cách hoàn chỉnh. Lúc này người tiêu dùng phải chịu giá 330, trong đó thuế GTGT là 30, tức là thuế suất thực tế đúng bằng thuế suất luật định (10%).
- Trường hợp (2) đánh thuế 0% ở khâu bán lẻ thì GTGT hoàn toàn không chịu thuế, người tiêu dùng được lợi nhất, chỉ phải trả 300.
- Trường hợp (3) miễn thuế ở khâu bán lẻ, tức là không đánh thuế trên GTGT ở khâu này mà chỉ đánh thuế trên GTGT của 2 khâu trước đó, khâu sản xuất và bán buôn, thuế GTGT mà người tiêu dùng phải chịu là 20, tương ứng mức thuế suất thực tế là 6.7%.
- Trường hợp (4) miễn thuế ở khâu bán buôn, người tiêu dùng phải chịu giá 341, trong đó thuế GTGT là 41, cao hơn trường hợp đánh thuế hoàn chỉnh là 11. Có kết quả này là do chuỗi khấu trừ thuế GTGT bị gián đoạn ở khâu bán buôn dẫn đến tình trạng đánh thuế trùng lặp. Thuế suất thực tế trong trường hợp này là 13.7%.
Như vậy, nếu muốn khuyến khích tiêu dùng một loại sản phẩm nào thì việc miễn thuế GTGT chỉ nên áp dụng cho khâu bán lẻ, nếu là khâu trung gian trước đó thì tác dụng sẽ ngược lại, người tiêu dùng sẽ phải chịu thuế cao hơn. Qua ví dụ trên, chúng ta thấy miễn thuế là một hiện tượng rất nhạy cảm và có thể tác động làm cho cơ cấu thuế trở nên khó hiểu. Tỷ lệ đánh thuế thực tế có thể thay đổi rất lớn (từ 6.7% đến 13.7% trong ví dụ trên) có thể bóp méo hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng, gây tác động xấu đến nền kinh tế.
Bảng 1: Ví dụ về phạm vi áp dụng của thuế GTGT
Sản xuất
Bán buôn
Bán lẻ
Thuế GTGT phải nộp
Giá có thuế GTGT
(1) Đánh thuế tất cả các khâu
1. Giá bán (chưa có thuế)
100
200
300
2. Mua vào (chưa có thuế)
0
100
200
3. Thuế GTGT đầu ra (10% của 1)
10
20
30
4. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (10% của 2)
0
10
20
5. Thuế GTGT phải nộp (3-4)
10
10
10
30
330
(2) Đánh thuế 0% ở khâu bán lẻ
1. Giá bán (chưa có thuế)
100
200
300
2. Mua vào (chưa có thuế)
0
100
200
3. Thuế GTGT đầu ra (10% của 1, trừ bán lẻ)
10
20
0
4. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (10% của 2)
0
10
20
5. Thuế GTGT phải nộp (3-4)
10
10
- 20
0
300
(3) Miễn thuế ở khâu bán lẻ
1. Giá bán (chưa có thuế)
100
200
300
2. Mua vào (chưa có thuế)
0
100
200
3. Thuế GTGT đầu ra (10% của 1)
10
20
0
4. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (10% của 2)
0
10
0
5. Thuế GTGT phải nộp (3-4)
10
10
0
20
320
(4) Miễn thuế ở khâu bán buôn
1. Giá bán (chưa có thuế)
100
210
310
2. Mua vào (chưa có thuế)
0
100
210
3. Thuế GTGT đầu ra (10% của 1)
10
0
31
4. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (10% của 2)
0
0
0
5. Thuế GTGT phải nộp (3-4)
10
0
31
41
341
Nguồn : Trích ví dụ của Ngân hàng Thế giới. 1995. Thuế suất thuế GTGT là 10%
3. Thuế suất thuế GTGT: Đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng tôi muốn đề cập đến, vì thuế suất là linh hồn của mỗi sắc thuế, thể hiện mục đích điều chỉnh của mỗi sắc thuế.
Nếu xem xét thuế suất thuế GTGT áp dụng trong các nước thuộc Cộng đồng chung Châu Âu (Bảng 2), chúng ta nhận thấy có sự khác biệt rất lớn về thuế suất thông dụng giữa các nước này. Nó thay đổi từ 15% đến 25%, trong đó mức cao nhất áp dụng ở Đan Mạch và Thụy Điển, mức thấp nhất ở Lucxembua, mức trung bình là 19.4%. Mức thuế suất ưu đãi cũng chênh lệch rất lớn giữa các nước, thay đổi từ 5% đến 12.5%. Mức thuế suất ưu đãi có 6 nước áp dụng thay đổi từ 2.1% đến 4.2% và mức thuế suất 0% có 7 nước áp dụng. Nếu không kể mức 0%, đa số các nước áp dụng 2 - 3 mức thuế suất, trong đó một mức phổ thông và 1 – 2 mức ưu đãi hoặc đặc biệt ưu đãi.
Bảng 2: Thuế suất thuế GTGT ở các nước Cộng đồng chung Châu Âu năm 2000
Tên nước
Thuế suất thuế GTGT
Thuế suất phổ thông
Thuế suất ưu đãi
Thuế suất ưu đãi đặc biệt
Thuế suất 0%
Đức
16
7
Áo
20
10; 12
Bỉ
21
6
X
Đan Mạch
25
X
Tây Ban Nha
16
7
4
Phần Lan
22
8; 17
X
Pháp
19.6
5.5
2.1
Hy Lạp
18
8
4
Ái Nhĩ Lan
21
12.5
4.2
X
Ý
20
10
4
X
Lucxembua
15
6
3
Hà Lan
17.5
6
Bồ đào Nha
17
5; 12
Anh
17.5
5
X
Thụy Điển
25
6; 12
X
Nguồn: Hội đồng Thuế. Thuế GTGT - Báo cáo thứ 19 gửi Tổng thống Pháp. 2001
Bao nhiêu mức thuế và những mức thuế nào là phù hợp? Điều này phụ thuộc vào mục đích của chính sách thuế và khả năng của đối tượng chịu thuế trong từng quốc gia vào từng giai đoạn phát triển của nó. Đối với thuế GTGT, mức thuế suất cần phù hợp với khả năng chịu thuế của người tiêu dùng. Ở Việt Nam, đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đề xuất 2 mức thuế suất là 5% và 10% (không kể mức 0%). Trước hết chúng ta có thể trích dẫn nhận định quan trọng của GS.TSKH. Tào Hữu Phùng. Theo Ông, mức thuế suất 10% hiện nay là quá cao so với mức thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam, do vậy nên áp dụng thuế suất phổ thông là 5% cho HHDV thông dụng và mức 10% cho các đối tượng khác GS.TSKH. Tào Hữu Phùng. Một số ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT. Diễn dàn doanh nghiệp. Hà Nội, tháng 7 năm 2000.
. Vụ Chính sách tài chính của Bộ Tài chính cũng cho rằng trước mắt nên áp dụng thuế suất phổ thông là 5%. Tác giả Bùi Văn Trịnh và Trương Đông Lộc trong bài viết của mình đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số tháng 3 năm 2001 cũng chia sẻ cùng quan điểm này Bùi Văn Trịnh & Trương Đông Lộc. Thuế GTGT - Những thành công và tồn tại qua hai năm thực hiện. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 274 – tháng 3 năm 2001. Trang 47-50.
. Chúng tôi cũng đồng tình với các ý kiến vừa nêu vì hai lý do sau đây:
- Thứ nhất, hai mức thuế là phù hợp vì nó đơn giản, rõ ràng, đảm bảo dễ thực hiện và tránh được hiện tượng trốn thuế. Đây cũng là xu hướng trong áp dụng thuế GTGT tại các nước trên thế giới.
- Thứ hai, thu nhập của đa số dân cư ở nước ta còn thấp, khả năng chịu thuế của họ thấp, hai mức thuế suất 5% và 10% mặc dù là tương đối thấp so với các nước khác nhưng là phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Tóm lại, thuế GTGT là một loại thuế tiêu dùng tiến bộ đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng do nó có nhiều ưu điểm mà đặc biệt quan trọng là nó khắc phục được vấn đề đánh thuế trùng lặp của thuế DT trước đây. Tuy nhiên, ở Việt Nam đối tượng chịu thuế theo luật định vẫn còn hạn chế. Điều này sẽ tác động lên hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất, lên cung và cầu trong nền kinh tế. Thậm trí, trong những trường hợp nhất định nó có thể gây ra những tác động tiêu cực. Do vậy, để có thể phát huy được những ưu điểm của thuế GTGT, nên thu hẹp diện miễn thuế, mở rộng phạm vi áp dụng thuế, chỉ nên sử dụng miễn thuế như một công cụ điều tiết tiêu dùng trong những trường hợp giới hạn. Hai mức thuế suất 5% và 10% (không kể mức 0%) là phù hợp trong điều kiện của người tiêu dùng hiện nay ở nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế. Hệ thống hóa các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi bổ sung. Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội (1-2001)
Bùi Đường Nghiêu. Thuế GTGT ở Việt Nam - Những bất cập và ảnh hưởng khi áp dụng. Tạp chí Tài chính (10/1998)14-16.
Nguyễn Khắc Thành & Richard Irwin. Cần hiểu đúng về thuế VAT. Miễn thuế và thuế suất 0% có giống nhau không?. Tạp chí Tài chính (5/1997) 34-35.
TS. Vũ Công Ty & Hoàng Thị Thúy Nguyệt. Người sản xuất và người tiêu dùng, ai là người chịu thuế ?. Tạp chí Tài chính (2/2000) 33 - 35.
GS.TSKH. Tào Hữu Phùng. Một số ý kiến bổ sung, sửa đổi Luật thuế GTGT. Diễn đàn doanh nghiệp. Hà Nội 27/7/2000.
TS. Vũ Công Ty. Thuế GTGT- Cần xử lý kịp thời những bất hợp lý. Tạp chí Tài chính (12/1999)30-31.
Bùi Văn Trịnh & Trương Đông Lộc. Thuế GTGT - những thành công và tồn tại qua hai năm thực hiện. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế 274 (3/2001) 47-50.
Huỳnh Huy Quế. Thuế trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Tài chính (3/2000)11-14.
Lý Phương Duyên & Lê Thanh Hà. Bàn về đối tượng và thuế suất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. Tạp chí Tài chính (3/2003). 29-31.
THEORETICAL AND PRACTICAL ASPECTS
OF VALUE - ADDED TAX IN VIETNAM
Phan Thi Minh Ly, Lai Xuan Thuy
College of Economics, Hue University
SUMMARY
VAT is a modern consumption tax, applied in many countries worldwide including Vietnam. It has many advantages, especially it can overcome double taxation. However, the taxable items in Vietnam are still limited, which can affect both consumers and producers behavior, and also the demand and supply of taxable goods. In some cases, this may have negative effects on the economy. Therefore, in order to realise the VAT advantages, tax exemption should be narrowed, while taxable items should be widened. Tax exemption should be used only as a regulator tool and applied limitedly only in certain cases. The two tax rates of 5% and 10% are reasonable in the current contexts of Vietnam.