Tóm tắt. Bài viết phân tích khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của
người dân ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu tiến hành điều tra hộ gia đình
ở 3 xã đại diện cho các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế gồm Vinh Hải (huyện Phú
Lộc), Hải Dương (huyện Hương Trà) và Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền). Kết quả
nghiên cứu cho thấy trong những năm qua các địa phương ven biển Thừa Thiên Huế
đã chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH. Kết quả so sánh về tình hình
thiên tai giữa 3 xã cho thấy, Vinh Hải là xã chịu tác động nhiều nhất của bão. Trong
khi đó, Hải Dương và Quảng Ngạn lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt hơn.
Các chỉ báo đánh giá khả năng thích ứng với thiên tai và BĐKH của Vinh Hải là
thấp nhất trong 3 xã nghiên cứu. Kết quả điều tra về những biện pháp ứng phó với
thiên tai và BĐKH mà người dân ở 3 xã thực hiện trong thời gian qua cho thấy,
hiện tại họ chỉ tập trung vào các biện pháp tức thời, ngắn hạn, mang tính ứng phó
mà thiếu các biện pháp thích nghi dài hạn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một
số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người dân vùng
ven biển Thừa Thiên Huế
8 trang |
Chia sẻ: thuylinhqn23 | Ngày: 07/06/2022 | Lượt xem: 536 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
379
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72B, số 3, năm 2012
NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO NGƯỜI
DÂN VEN BIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Trần Hữu Tuấn
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế
Tóm tắt. Bài viết phân tích khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của
người dân ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu tiến hành điều tra hộ gia đình
ở 3 xã đại diện cho các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế gồm Vinh Hải (huyện Phú
Lộc), Hải Dương (huyện Hương Trà) và Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền). Kết quả
nghiên cứu cho thấy trong những năm qua các địa phương ven biển Thừa Thiên Huế
đã chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH. Kết quả so sánh về tình hình
thiên tai giữa 3 xã cho thấy, Vinh Hải là xã chịu tác động nhiều nhất của bão. Trong
khi đó, Hải Dương và Quảng Ngạn lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt hơn.
Các chỉ báo đánh giá khả năng thích ứng với thiên tai và BĐKH của Vinh Hải là
thấp nhất trong 3 xã nghiên cứu. Kết quả điều tra về những biện pháp ứng phó với
thiên tai và BĐKH mà người dân ở 3 xã thực hiện trong thời gian qua cho thấy,
hiện tại họ chỉ tập trung vào các biện pháp tức thời, ngắn hạn, mang tính ứng phó
mà thiếu các biện pháp thích nghi dài hạn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một
số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người dân vùng
ven biển Thừa Thiên Huế.
1. Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại
trong thế kỷ 21. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng tới sản xuất đời sống và môi trường
trên toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, và sự gia tăng về
tầng suất và cường độ của các loại thiên tai ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế
xã hội của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển [1]. Kết quả nghiên cứu
gần đây[2, 3]của các cơ quan quốc tế về BĐKH cho thấy các nước đang phát triển
thường thiếu nguồn lực để thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH. Cộng đồng dân
cư thường có nhận thức thấp về các nguy cơ và rủi ro của BĐKH. Do vậy, hàng năm các
quốc gia này chịu nhiều thiệt hại do BĐKH.
BĐKH có nguyên nhân chủ yếu từ khí thải nhà kính. Tuy nhiên các thương
lượng quốc tế trong những năm vừa qua đã bị thất bại trong việc đạt được một sự đồng
thuận về việc giảm thiểu khí nhà kính. Hơn nửa, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng
ngay cả khi dừng lại việc phát thải khí nhà kính (hướng tiếp cận giảm thiểu) thì BĐKH
vẫn tiếp tục xẩy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước đang phát triển [2]. Vì thế
380
đối với các nước đang phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung vào
việc thích ứng với BĐKH (hướng tiếp cận thích nghi).
Nằm ở rốn bão của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong
năm quốc gia chịu tác động lớn nhất của BĐKH và các loại thiên tai liên hàng năm trên
thế giới: bão, lụt, lũ quét, lốc tố, rét đậm rét hại, hạn hán, triều cường [6]. Hậu quả
của BĐKH ở Việt Nam là rất nghiêm trọng và là một nguy cơ cho mục tiêu xóa đói
giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, và sự phát triển bền vững
của đất nước [1].
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực để phòng tránh và
giảm nhẹ tác động của BĐKH, nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai, một số hoạt
động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH cũng được chính quyền
các cấp thực hiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn mà biểu hiện cụ thể là
tổn thất về người và của hàng năm do thiên tai gây ra cho các địa phương là rất nghiêm
trọng [1, 5]. Để hạn chế một cách thấp nhất các tổn thất do thiên tai gây ra cũng như
giảm thiểu các tác động bất lợi của BĐKH, với một nước đang phát triển như Việt Nam,
không còn con đường nào khác ngoài việc nâng cao nhận thức về BĐKH và nâng cao
năng lực thích ứng với BĐKH cho các bên có liên quan, đặc biệt các cộng đồng dân cư
có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi BĐKH.
Các địa phương ven biển Thừa Thiên Huế là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng
trực tiếp bởi các thiên tai do BĐKH như lụt, bão, hạn hán, triều cường,... Đời sống của
người dân địa phương chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nông
nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và rất dễ bị tổn thương bởi các thiên tai do BĐKH
[5]. Xuất phát từ thực tế đó, việc đánh giá khả năng thích ứng và đề xuất các biện pháp
nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho các hộ gia đình ở vùng ven biển tỉnh
Thừa Thiên Huế là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng được sử dụng trong bài viết này.
Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng bằng cách thảo luận với các chuyên
gia về những vấn đề liên quan đến BĐKH và ảnh hưởng của BĐKH đến đời sống kinh
tế xã hội của người dân vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, những vấn đề liên quan
đến việc chọn các xã để điều tra hộ gia đình, những thông tin ban đầu về diễn biến của
thiên tai và BĐKH, và khả năng thích ứng với BĐKH của người dân ven biển tỉnh Thừa
Thiên Huế.
Phương pháp nghiên cứu định lượng được vận dụng để phân tích, so sánh số liệu
về số lượng và tần suất của các loại thiên tai, các chỉ báo về khả năng thích ứng với
BĐKH, và các biện pháp ứng phó với thiên tai được các hộ gia đình sử dụng ở các xã
khác nhau.
381
Nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ các các hội nghị, diễn đàn liên quan đến
BĐKH, các tạp chí chuyên ngành, niên giám thống kê, số liệu từ các sở, ban ngành ở
Thừa Thiên Huế và các xã điều tra.
Nguồn số liệu sơ cấp được thu thập từ điều tra hộ gia đình ở địa bàn nghiên cứu.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, có 5 huyện gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà,
Phú Vang và Phú Lộc có xã thuộc vùng ven biển. Do nguồn kinh phí hạn hẹp đề tài
không thể tiến hành điều tra ở tất cả các xã ven biển, mà chỉ tiến hành điều tra một số xã
mang tính đại diện cho toàn vùng. Dựa trên kết quả thảo luận nhóm các chuyên gia cấp
tỉnh gồm đại diện đến từ các sở, ban ngành liên quan đề tài chọn 3 xã đại diện cho các
địa phương ven biển ở Thừa Thiên Huế để điều tra gồm: Phong Hải (huyện Phú Lộc),
Hải Dương (huyện Hương Trà), và Quảng Ngạn ( huyện Quảng Điền). Đây là các xã có
phần đông người dân có sinh kế phụ thuộc biển, đồng thời là các xã được đánh giá là dễ
bị tổn thương do BĐKH nhất trong các xã ven biển ở Thừa Thiên Huế. Ở mỗi xã 70 hộ
được chọn ngẫu nhiên để điều tra sử dụng bảng hỏi đã được chuẩn bị trước.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1 Tình hình thiên tai ở các xã điều tra
Kết quả điều tra cho thấy, có 194 số mẫu hợp lệ trong tổng số 210 mẫu điều tra
(đạt tỷ lệ 92%). Có 64% người trả lời là nam giới, độ tuổi trung bình của người trả lời
khoảng 52 tuổi, số năm đến trường của người trả lời là 5,4 năm, và trung bình mỗi hộ có
xấp xỉ 5 thành viên. Nhìn chung, không có sự khác biệt lớn về các đặc điểm của hộ điều
tra giữa 3 xã.
Tình hình thiên tai liên quan đến BĐKH trên địa bàn 3 xã trong 3 năm qua được
thể hiện ở bảng 1.
Bảng 1. Tình hình thiên tai trong 3 năm qua (2008-2010)
Các đặc điểm Đơn vị
tính
Vinh
Hải
Quảng
Ngạn
Hải
Dương
BQC
Bình quân số cơn bão đã trải qua Cơn 9,2 6,7 6,7 7,6
Bình quân số trận lụt đã trải qua Trận 0,4 2,9 1,7 1,7
Mức ngập lụt cao nhất trong nhà Mét 0,8 0,7 0,4 0,6
Số ngày bị ngập lụt dài nhất Ngày 3,0 4,0 2,6 3,5
Bình quân số đợt hạn hán đã trải qua Đợt 1,3 0,8 1,3 1,1
Bình quân số lần sạt lở đất Lần 0,8 1,1 1,4 1,0
Bình quân số đợt rét đậm, rét hại Đợt 2,3 2,8 2,5 2,5
(Nguồn: số liệu điều tra năm 2011).
382
Nhìn chung, người dân ở các xã nghiên cứu trong thời gian qua chịu ảnh hưởng
của rất nhiều loại thiên tai khác nhau như bão, lụt, hạn hán, sạt lở đất, rét đậm,... Trong
gia đoạn 2008-2010, Vinh Hải chịu ảnh hưởng của nhiều đợt bão hơn so với Hải Dương
và Quảng Ngạn. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do Vinh Hải có địa hình là một
dãy đất hẹp lồi hẵn ra phía biển đông, với chiều dài bờ biển gần 6 km, nên hằng năm
chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão hơn cả. Trong khi đó, với hai xã Quảng Ngạn và Hải
Dương có một số thôn nằm tiếp giáp với đầm phá nên hàng năm hai xã này chịu ảnh
hưởng của nhiều trận lũ lụt hơn so với Vinh Hải. Không có sự khác biệt đáng kể giữa 3
xã về một số loại hình thiên tai như hạn hán, sạt lở đất và rét đậm, rét hại.
3.2 Khả năng thích ứng của hộ gia đình đối với thiên tai
Để đánh giá khả năng thích ứng cấp hộ gia đình với thiên tai, người ta có thể sử
dụng phương pháp chỉ số với các nhóm chỉ số như: Nhóm chỉ số cơ sở hạ tầng (mức độ
kiên cố của nhà ở, khoảng cách từ nhà đến các trung tâm y tế; bệnh viện, diện tích đất
sản xuất nông nghiệp bình quân hộ); nhóm chỉ số kinh tế (thu nhập bình quân hộ; tỷ
trọng thu nhập phi nông nghiệp); Nhóm chỉ số công nghệ, kỹ thuật (khả năng tiếp cận
thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng; các loại tài sản mà hộ sở hữu như tivi,
xe máy, tàu thuyền); nhóm chỉ số vốn xã hội (khả năng tiếp cận các nguồn vốn; là thành
viên của các tổ chức, đoàn thể); nhóm chỉ số kiến thức, kỹ năng (tham gia các lớp tập
huấn phòng chóng thiên tai) [4].
Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng một số chỉ số sau: chỉ số cơ sở hạ tầng
(phần trăm nhà kiên cố); chỉ số kinh tế (thu nhập bình quân hộ năm 2010); chỉ số công
nghệ (phần trăm nhà có tivi); chỉ số kỹ thuật (phần trăm nhà có xe máy); chỉ số vốn xã
hội (phần trăm số hộ đã từng vay vốn); chỉ số kiến thức, kỹ năng (phần trăm số hộ đã
qua tập huấn phòng chống thiên tai trong 5 năm qua). Kết quả đo lường các chỉ số này
được thể hiện ở bảng 2.
Bảng 2. Chỉ số khả năng thích ứng của hộ gia đình
Các chỉ báo Vinh
Hải
Quảng
Ngạn
Hải
Dương
BQC
Cơ sở hạ tầng: % nhà kiên cố 91,2 90,6 90,3 90,7
Kinh tế: thu nhập BQ năm 2010 (tr.đ) 19,3 31,1 37,4 28,9
Công nghệ: % hộ tiếp cận thông tin từ tivi 92,6 100 100 97,4
Kỹ thuật: % hộ có xe máy 66,2 82,8 83,9 77,3
Vốn xã hội: % hộ đã từng vay vốn 69,1 65,6 64,5 66,5
Kiến thức, kỹ năng: % hộ đã qua tập huấn 27,9 31,3 37,1 32,0
(Nguồn: số liệu điều tra năm 2011).
383
Kết quả bảng 2 cho thấy, các chỉ số đánh giá khả năng thích ứng của Vinh Hải
như kinh tế, kỹ thuật và kiến thức, kỹ năng là thấp nhất trong 3 xã nghiên cứu; không có
sự khác biệt đáng kể về các chỉ số này giữa hai xã Quảng Ngạn và Hải Dương.
3.3 Các biện pháp ứng phó với thiên tai được các hộ gia đình thực hiện
Số liệu bảng 3 cho thấy, kết quả điều tra của 3 xã về các biện pháp ứng phó của
hộ gia đình đã thực hiện đối với từng loại thiên tai khác nhau.
Bảng 3. Những biện pháp ứng phó với lụt, bão của các hộ điều tra (ĐVT:%)
Các biện pháp ứng phó Vinh
Hải
Quảng
Ngạn
Hải
Dương
BQC
Ứng phó với lụt, bão
Sữa chữa, kiên cố lại nhà cửa 77,9 78,1 64,5 73,3
Dự trữ thức ăn, uống và nhu yếu phẩm 61,8 78,1 72,6 70,6
Di tản các thành viên đến nơi an toàn 32,4 43,8 38,7 38,1
Cập nhật thông tin cảnh báo thiên tai 27,9 15,6 21,0 21,6
Cắt tỉa cây gần nhà để ngăn cành cây gãy 23,5 4,7 6,5 11,9
Ứng phó với rét đậm, rét hại
Bón phân giữ ấm cho cây trồng 73,5 40,6 64,5 59,8
Dự trữ thức ăn cho vật nuôi trước mùa rét 21,5 48,4 54,8 51,5
Giữ ấm cho người và vật nuôi 20,6 7,8 24,2 17,5
Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn
Nạo vét kênh mương, lòng hồ 16,2 12,5 8,1 12,4
Đầu tư, trang bị máy bơm 0 6,3 14,5 6,7
Đào giếng, đào hồ lấy nước 7,4 1,6 1,6 3,6
Ứng phó với sạt lở đất
Trồng cây dọc sông, suối và ven bờ 8,8 10,9 14,5 11,3
Xây dựng, gia cố bờ đê, kè chống sạt lở 2,9 9,4 9,7 7,2
Di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở 0 1,6 1,6 1,0
(Nguồn: số liệu điều tra năm 2011).
Các loại thiên tai khác nhau thì các biện pháp ứng phó mà người dân thực hiện
cũng không giống nhau. Kết quả ở bảng 3 cho thấy, tỷ lệ hộ thực hiện các biện pháp ứng
phó với lụt; bão, rét đậm; rét hại là khá cao, trong khi đó tỷ lệ hộ thực hiện các biện
pháp ứng phó với hạn hán; xâm nhập mặn và sạt lở đất là khá thấp. Điều này phản ánh
một thực tế là các hộ gia đình ven biển Thừa Thiên Huế khá quen thuộc với các loại
384
hình thiên tai như lụt, bão, rét đậm, rét hại và vì thế họ thường có các biện pháp ứng phó
phù hợp. Còn với các loại thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở đất ít phổ biến
hơn nên họ chưa có các biện pháp ứng phó phù hợp. Kết quả này còn cho thấy một thực
tế rằng các biện pháp mà người dân hiện đang thực hiện hầu hết đều mang tính ứng phó,
tức thì, ngắn hạn, mà thiếu các giải pháp thích nghi mang tính dài hạn.
4. Một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người dân
ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho
người dân ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp cụ
thể sau.
+ Nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐKH cho người
dân nhằm giúp họ có thể tự xây dựng các giải pháp thích ứng với BĐKH một cách có
hiệu quả.
- Phối hợp với các ban ngành đoàn thể xã, thôn tăng cường tuyên truyền nâng
cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chóng, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ địa phương, các tổ chức đóng
trên địa bàn, cũng như người dân về các kỹ năng phòng chống, ứng phó với thiên tai,
các kỹ năng về theo dõi thông tin dự báo tời tiết,...
+ Nhóm giải pháp nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý
- Không ngừng nâng cao trình độ và cập nhật kịp thời những kiến thức cơ bản về
quản lý rủi ro thiên tai và BĐKH cho cán bộ quản lý các cấp, các ngành đảm bảo lồng
ghép tốt các yêu cầu về thích ứng với BĐKH trong công tác xây dựng quy hoạch, chiến
lược phát triển KTXH của địa phương nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do
BĐKH gây ra.
- Nâng cao năng lực dự báo của các cơ quan chuyên môn nhằm dự báo một cách
chính xác và kịp thời các thiên tai, hiểm họa như bão, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại...
- Xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai từ tỉnh đến huyện, xã, thôn theo các cấp
báo động. Từng bước trang bị thông tin liên lạc hiện đại (đặc biệt là ở các thôn, xã)
nhằm đảm bảo liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
+ Nhóm giải pháp công trình
- Tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai và BĐKH thông qua việc kiên cố
hóa các công trình xây dựng của các xã. Các công trình xây dựng của xã như nhà ủy ban,
trường học, trạm xá, nhà cộng đồng, vừa là nơi làm việc, vừa có chức năng là nơi trú
ẩn an toàn để người dân di dời khi bão, lũ xảy ra.
385
- Quy hoạch và phát triển hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống tưới tiêu nhằm bảo
vệ và khai thác hiệu quả diện tích canh tác. Xây dựng và kiên cố hóa hệ thống cơ sở hạ
tầng, nhà cửa, công trình để chống chịu với thiên tai hàng năm.
- Hoàn thiện công tác tái định cư cho các hộ ở vùng dễ bị tổn thương, nhất là cho
các hộ ở ven đầm phá, gần sông, cửa biển, vùng có nguy cơ ngập lụt, lở nhằm giảm
thiểu thiệt hại về người và của khi có thiên tai xẩy ra.
- Xây dựng và kiên cố hóa nhà cửa, công trình: đối với những hộ ở vùng dễ ngập
lụt cần xây móng nhà cao hơn hoặc xây thêm gác lững, gia cố nhà cửa nhằm tăng cường
khả năng phòng chóng bão trong mùa mưa bão.
+ Các giải pháp nhằm đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân
- Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay đổi lịch mùa vụ một
cách hợp lý nhằm tránh những tác động bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan
như bão, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại.
- Tạo cơ hội giúp người dân cải thiện thu nhập thông qua nhiều biện pháp như đa
dạng hóa sinh kế, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, đưa người đi lao động nước ngoài,...
5. Kết luận
Các địa phương ven biển nói chung, các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên
Huế nói riêng là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các thiên tai và BĐKH.
Hơn nửa, do đời sống của người dân địa phương chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên
thiên nhiên như trồng trọt, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên rất dễ bị tổn thương bởi
các thiên tai và BĐKH.
Nghiên cứu tiến hành điều tra hộ gia đình ở 3 xã đại diện cho các xã thuộc vùng
ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế gồm Vinh Hải, Hải Dương và Quảng Ngạn. Kết quả
nghiên cứu cho thấy trong những năm qua các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế
đã chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại thiên tai như lụt, bão, hạn hán, rét đậm, rét hại,...
Kết quả so sánh về tình hình thiên tai giữa 3 xã cho thấy, Vinh Hải là xã chịu tác động
nhiều nhất của bão. Trong khi đó, Hải Dương và Quảng Ngạn lại thường xuyên chịu ảnh
hưởng của lũ lụt hơn. Các chỉ báo đánh giá khả năng thích ứng với thiên tai và BĐKH
của Vinh Hải là thấp nhất trong 3 xã nghiên cứu. Kết quả điều tra về những biện pháp
ứng phó với thiên tai và BĐKH mà người dân ở 3 xã thực hiện trong thời gian qua cho
thấy, hiện tại họ chỉ tập trung vào các biện pháp tức thời, ngắn hạn, mang tính ứng phó
mà thiếu các biện pháp thích nghi dài hạn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một số
giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người dân vùng ven biển
Thừa Thiên Huế. Các nhóm giải pháp đề xuất bao gồm: nhóm giải pháp tuyên truyền,
nâng cao nhận thức; nhóm giải pháp nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý; nhóm
giải pháp công trình; và các giải pháp nhằm đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho
người dân.
386
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi
khí hậu. Hà Nội, tháng 7/2008.
2. Huq, S., A. Rahman, M. Konate, Y. Sokona and H. Reid, Mainstreaming Adaptation to
Climate Change in Least Developed Countries. IIED, London, 2003.
3. Intercooperation, Adaptation of forest ecosystems and the forest sector to climate
change. 1238 Wisconsin Ave NW, Suite 204, Washington DC, 2003.
4. Smit, B. et al., Adaptation to climate change in the context of sustainable development
and equity in Climate Change 2001: Impacts, Adaptation and Vulnerability, (ed.) J.J.
Mc Carthy, O.F. Canziani, N.A. Contribution of Working Group III to the 3rd IPCC
Assessment, 2001.
5. Tuan T.H. & B.D. The, “Natural Disasters In Vietnam: A Synthesis From A Socio-
Economic Perspective" in the edited book "The Economic Impact of Natural Disasters",
by Debarati Guha-Sapir & Indhira Santos, Oxford University Press, 2012.
6. UNFCCC, The United Nations Climate Change Conference in Bali, P.O. Box 260 124,
D-53153 Bonn, Germany, November, 2007.
ENHANCING CLIMATE CHANGE ADAPTATION FOR HOUSEHOLDS IN
COASTAL AREAS OF THUA THIEN HUE PROVINCE
Tran Huu Tuan
College of Economics, Hue University
Abstract. This study aims to identify the adaptation actions undertaken by local
households to deal with natural disasters and climate changes. We conducted
household surveys in three communes including Vinh Hai, Hai Duong and Quang
Ngan. Results show that in the last few years these communes have been badly
affected by different types of climate changes, induced disasters such as storms,
floods, droughts, cold weather... In comparison among three communes, we have
found that Vinh Hai is most seriously affected by storms while Hai Duong and
Quang Ngan communes are more likely to be affected by floods. Regarding
indicators for climate change adaptation, we have found that Vinh Hai has the
lowest indicator of the three studied communes. It is also found that current actions
that local households have undertaken to deal with disasters and climate changes
only include short-term responses to disasters without long-term adaptation actions.
Based on this situation, the study suggests some key measures to enhance climate
change adaptation for local households in coastal areas of Thua Thien Hue
province.