Thành phần cơ giới đất là đặc điểm quan trọng chi phối độ thoáng khí
của môi trường đất từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ngập mặn nói
chung hay hệ rễ của cây nói riêng. Trong nghiên cứu này chúng tôi đánh giá mối
tương quan giữa ba thành phần cơ giới chính của đất là cát (kích thước hạt 0,02 -
2 mm); limon (0,002 - 0,02 mm); sét (< 0,002 mm) với rễ hô hấp của loài mắm
biển (Avicennia marina) và với độ ngập triều. Kết quả cho thấy, tỉ lệ cát tương
quan nghịch với mức độ ngập triều R2 = 0,89, limon và sét tương quan thuận với
R2 lần lượt là 0,71 và 0,91. Cả ba chỉ tiêu đều có tương quan chặt với mật độ,
chiều cao, số lượng lỗ vỏ trên bề mặt rễ thở trong đó tỉ lệ cát là tương quan
nghịch còn limon và sét là tương quan thuận.
8 trang |
Chia sẻ: thuyduongbt11 | Ngày: 18/06/2022 | Lượt xem: 260 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu mối tương quan giữa thành phần cơ giới đất với rễ thở của loài mắm biển (Avicennia marina (Forsk.) Vierth.) mọc tự nhiên ven biển Giao Lạc, Giao Thủy, Nam Định, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 4
DOI: 10.15625/vap.2020.00041
NGHIÊN CỨU MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THÀNH PHẦN CƠ GIỚI ĐẤT
VỚI RỄ THỞ CỦA LOÀI MẮM BIỂN (Avicennia marina (Forsk.)
Vierth.) MỌC TỰ NHIÊN VEN BIỂN GIAO LẠC, GIAO THỦY, NAM ĐỊNH
Lưu Hồng Nhung1, Nguyễn Thị Hồng Liên2,*, Ngô Văn Tùng2,
Vũ Thị Dung2, Trần Xuân Tình3
Tóm tắt: Thành phần cơ giới đất là đặc điểm quan trọng chi phối độ thoáng khí
của môi trường đất từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ngập mặn nói
chung hay hệ rễ của cây nói riêng. Trong nghiên cứu này chúng tôi đánh giá mối
tương quan giữa ba thành phần cơ giới chính của đất là cát (kích thước hạt 0,02 -
2 mm); limon (0,002 - 0,02 mm); sét (< 0,002 mm) với rễ hô hấp của loài mắm
biển (Avicennia marina) và với độ ngập triều. Kết quả cho thấy, tỉ lệ cát tương
quan nghịch với mức độ ngập triều R2 = 0,89, limon và sét tương quan thuận với
R2 lần lượt là 0,71 và 0,91. Cả ba chỉ tiêu đều có tương quan chặt với mật độ,
chiều cao, số lượng lỗ vỏ trên bề mặt rễ thở trong đó tỉ lệ cát là tương quan
nghịch còn limon và sét là tương quan thuận.
Từ khóa: Cát, limon, rễ hô hấp, sét, thành phần cơ giới đất, tương quan.
1. MỞ ĐẦU
Đặc trưng của rừng ngập mặn là nền rừng thường xuyên chịu tác động của thủy triều
nên đất thường xuyên thiếu khí. Mức độ và thời gian ngập triều có ảnh hưởng sâu sắc đến
thành phần cơ giới đất - tỉ lệ các cấp hạt của đất (Nguyễn Thị Hồng Liên và nnk., 2019).
Tỉ lệ các cấp hạt khác nhau dẫn đến sự khác nhau về đặc điểm tính chất như: tỉ trọng, dung
trọng, khả năng giữ nước, tính bền, kết cấu của đất, là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá
độ phì của đất (Nguyễn Thế Đặng và nnk. (2007)) từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của
rễ cây nói riêng và thực vật nói chung. Mắm biển (Avicennia marina) là loài cây ngập mặn
thực thụ, tiên phong trong quá trình diễn thế sinh thái ở các bãi triều ven biển (Chapman
(1975); Tomlinson (1986); Phan Nguyên Hồng (1991)). Cây sinh trưởng tốt trong điều
kiện bùn lầy, thiếu oxy nhờ hệ thống rễ hô hấp phát triển. Thành phần cơ giới đất thay đổi
do sự thay đổi của mức độ ngập triều có ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống rễ hô hấp
của cây? Trong bài báo này chúng tôi phân tích mối quan hệ giữa đặc điểm thành phần cơ
giới đất với mật độ rễ thở, chiều cao và mật độ lỗ vỏ trên rễ thở của loài mắm biển làm cơ
sở cho các nghiên cứu tiếp theo đánh giá khả năng thích ứng của các loài cây ngập mặn
trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1Trường THCS Nguyễn Quý Đức, Hà Nội
2Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
3Trường Sỹ quan đặc công
*Email: liennth@hnue.edu.vn
PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 327
2.1. Vật liệu: Loài mắm biển (Avicennia marina) mọc tự nhiên ven biển xã Giao Lạc,
huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp nghiên cứu rễ hô hấp
Thiết lập 3 ô tiêu chuẩn có diện tích 20 m x 20 m ở các mức độ ngập triều khác nhau
(Nguyễn Thị Hồng Liên và nnk., 2019), trong mỗi ô tiêu chuẩn thiết lập 5 ô nghiên cứu có
diện tích 1 m x 1 m theo nguyên tắc đường chéo để thu mẫu đất, đếm số lượng, đo kích
thước rễ thở. Để đảm bảo số liệu có ý nghĩa, các ô nghiên cứu được chọn có số lượng cá
thể, đường kính, chiều cao tương đối đồng đều.
Mật độ lỗ vỏ được tính bằng cách đếm số lượng lỗ vỏ trên đoạn rễ cây, áp dụng
công thức tính diện tích xung quanh của hình trụ do phần đỉnh rễ hầu như không có lỗ vỏ.
S = 2πrh trong đó (π = 3,14; r: bán kính rễ; h: chiều cao đoạn rễ nghiên cứu)
2.2.2. Nghiên cứu thành phần cơ giới đất
Ở các ô nghiên cứu, chúng tôi tiến hành lấy mẫu đất ở 5 điểm phân bố đều trên toàn
diện tích nghiên cứu theo quy tắc đường chéo và thu mẫu theo độ sâu (FAO (1998, 2015);
USDA (2017)).
Mẫu được phân tích tại phòng thí nghiệm bộ môn Thực vật học, Khoa Sinh học,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phân tích các cấp hạt của đất dựa trên tiêu chuẩn của FAO, 1998; USDA, 2017: 2 -
0,2 mm: cát thô; 0,2 - 0,02 mm: cát mịn; 0,02 - 0,002 mm: limon; < 0,002 mm: sét.
Sau khi thu được tỉ lệ các loại hạt, dựa vào tam giác phân loại (FAO, 1998, 2015;
USDA, 2017) xác định được thành phần cơ giới đất.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Thành phần cơ giới, phân loại đất
Thành phần cơ giới đất có liên quan chặt chẽ với mức ngập triều. Trong điều tra
thực địa chúng tôi nhận thấy, ở khu vực nghiên cứu có 3 mức độ ngập triều khác nhau;
khu vực nghiên cứu ven biển thuộc phân lớp 2 với số ngày ngập triều trung bình mỗi
tháng từ 10 đến 19 ngày, đất ngập triều trung bình thấp (ô 1). Vùng gần chân đê biển
thuộc phân lớp 4 với số ngày ngập triều trung bình trong mỗi tháng từ 2 đến 4 ngày, đất
chỉ ngập khi triều cao (ô 3) (Nguyễn Thị Hồng Liên và nnk., 2019). Vườn thực nghiệm,
trạm nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc
phân lớp 3, đất ngập triều trung bình, số ngày ngập triều trung bình trong mỗi tháng 4 đến
10 ngày (ô 2) (Dehan, 1931; Lê Tấn Lợi, 2011).
Trên đất ngập triều thấp (ô 1), thành phần chủ yếu là cát mịn (0,02 - 0,2 mm) chiếm
tới 73,1% còn ở đất ngập triều trung bình tới cao tỉ lệ cát mịn có xu hướng giảm dần còn
62,1% và 49,0%. Tỉ lệ cát thô có xu hướng ngược với tỉ lệ cát mịn, ở đất ngập triều thấp
cát thô chiếm 0,27%, trung bình 0,57% và ở đất chỉ ngập khi ngập triều cao là 0,83%. Tỉ
328 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM
lệ sét lần lượt giảm từ 43,5 - 38,2 - 22,5% còn limon giảm từ 6,17 - 4,7 - 4,17%. Như vậy,
đất càng ít ngập triều thì thành phần cát thô càng cao, tỉ lệ sét và limon giảm do đó có ảnh
hưởng đến hàm lượng khí và các chất dinh dưỡng.
Áp dụng cách phân loại của FAO, 1998; 2015; USDA, 2017 có thể xác định vùng
ven biển xã Giao Lạc, Giao Thủy, Nam Định nơi có loài mắm biển phân bố có 2 loại đất
chính: đất thịt pha cát, đất sét pha cát. Điều này cho thấy, ở nơi ít ngập triều đất rừng thô,
nghèo mùn, thoáng khí, thấm nước nhanh nhưng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng
kém nên hệ rễ hô hấp của của cây có đặc điểm không giống với các ô nghiên cứu khác.
Trong khi đó, đất rừng ở nơi ngập triều trung bình thấp thì khả năng tích lũy mùn tốt hơn
đất ở nơi ít ngập triều, trên bề mặt đất thu được các mùn bã hữu cơ. Tuy nhiên, bên cạnh
đặc điểm giữ nước, giữ mùn tốt, loại đất này có đặc điểm kém thông thoáng và thoát nước
chậm, cứng chặt qua đó tác động tới hệ thống rễ hô hấp (Hình 1).
Hình 1. Tương quan tỉ lệ mỗi cấp hạt với mức độ ngập triều
Hình 1 cho thấy mức độ ngập triều và thành phần cơ giới của đất có quan hệ rất chặt
chẽ. Khi nền đáy càng cao, mức độ ngập triều càng giảm thì tỉ lệ cát lại càng tăng và
ngược lại. Điều đó thể hiện mối tương quan nghịch với hệ số tương quan chặt R2 = 0,89.
Như vậy, không có thủy triều mang tới phù sa bổ sung, tỉ lệ sét và limon sẽ giảm nên tỉ lệ
cát trong đất tăng lên. Kết quả này của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị
Thu Trang (2012) khi phân tích thành phần cơ giới đất ở vùng cửa sông Ba Lạt: Tỉ lệ cát
có thể tăng lên hơn 90%, hàm lượng cát cao nên đất có màu xám, xám kết cấu yếu, khả
năng giữ nước và các chất dinh dưỡng kém. Tuy nhiên, loại đất này xốp, thoáng khí thuận
lợi hơn cho sinh trưởng của cây ngập mặn. Tỉ lệ sét và limon lại tương quan chặt với mức
độ ngập triều, mức độ ngập triều lớn, thời gian ngập triều cao hàm lượng sét và limon
trong đất sẽ tăng lên do phù sa thường xuyên đưa tới, hệ số tương quan lần lượt là R2 =
0,91 và R2 = 0,71.
3.2. Mối tương quan giữa rễ thở và thành phần cơ giới đất
Một đặc điểm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh lí, sinh hóa của thực vật rừng
ngập mặn là sự thiếu oxy do đất ngập nước, rễ cây ngập mặn chịu ảnh hưởng trực tiếp của
việc thiếu oxy. Trải qua quá trình thích nghi lâu dài, loài mắm biển đã hình thành rễ hô
PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 329
hấp thông khí và chứa khí cho cây. Sự hình thành phát triển hệ rễ trên mặt đất là cơ quan
sinh dưỡng đặc trưng tiêu biểu cho sự thích nghi cao độ của thực vật ngập mặn, giúp
chúng có đủ nguồn oxy cho các hoạt động sống (Scholander (1995)). Đặc trưng của cây
mắm biển là hệ rễ hô hấp mọc dày đặc và xếp thành hình các tia phóng xạ quanh thân cây.
Các rễ hô hấp mọc từ rễ bên nằm ngang ở gần mặt đất và đâm thẳng lên trên mặt đất
thành hình các mũi chông quanh thân cây.
3.2.1. Mật độ rễ hô hấp
Các rễ hô hấp có thể ăn lan rất xa so với gốc cây
của nó. Sự hình thành và phát triển hệ rễ hô hấp để thực
hiện chức năng trao đổi khí và chứa khí cho cây, do đó
trong các điều kiện môi trường khác nhau thì số lượng
rễ hô hấp cũng có sự khác nhau. Số lượng rễ hô hấp ở
mỗi cây mắm biển là rất lớn, tại 3 vị trí nghiên cứu
chúng tôi ghi nhận mật độ trung bình của rễ hô hấp
được thể hiện qua hình 2.
Tương quan giữa mức độ ngập triều và mật độ rễ
hô hấp là tương quan thuận (Nguyễn Thị Hồng Liên và
nnk., 2019), nghĩa là mật độ rễ hô hấp tăng dần theo
mức độ ngập triều tăng. Ở nền đất thấp (ô 1), tỉ lệ sét và
limon cao mật độ rễ hô hấp dày đặc, trung bình trên 300
rễ/m2, trong khi đó tại ô 3 nơi chỉ ngập khi ngập cường, tỉ lệ cát cao chỉ có trung bình
khoảng 29 rễ/m2. Như vậy, đặc điểm thành phần cơ giới đất chi phối độ thoáng khí qua đó
ảnh hưởng mạnh mẽ tới số lượng rễ thở tại các khu vực nghiên cứu (hình 3).
Tương quan giữa tỉ lệ cát với mật độ rễ thở là tương quan nghịch với hệ số tương
quan là R2 = 9,5 Tỉ lệ cát trong đất càng tăng chứng tỏ đất càng thông thoáng khiến mật độ
rễ thở thấp và ngược lại. Tỉ lệ limon và sét liên quan đến độ chặt của đất có tương quan
thuận với mật độ rễ thở, hệ số tương quan lần lượt là 0,99 và hệ số tương quan giữa tỉ lệ
Hình 2. Mật độ rễ thở trung
bình tại ba vị trí nghiên cứu
Hình 3. Tương quan giữa thành phần cơ giới đất với mật độ rễ thở
330 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM
sét với mật độ rễ thở là R2 = 0,94. Tỉ lệ limon và sét càng cao, đất càng chặt, kém thông
thoáng thì mật độ rễ hô hấp tăng.
3.2.2. Chiều cao rễ hô hấp
Đặc điểm cơ giới đất không chỉ ảnh hưởng tới mật độ
rễ hô hấp mà còn tác động tới cả chiều cao trung bình của rễ.
Hình 4 cho thấy được sự khác biệt về chiều cao trung bình
của rễ hô hấp tại 3 khu vực nghiên cứu. Nhìn chung, chiều
cao rễ hô hấp giảm dần theo mức độ ngập triều từ ô 1 đến ô 3,
nhưng sự chênh lệch không nhiều và rõ rệt như mật độ rễ.
Cây sinh trưởng trên nền đất cao (ô 3), tỉ lệ cát lớn, thoáng
khí chiều cao rễ hô hấp giảm khoảng một nửa so với cây sinh
trưởng trên nền đất thấp, thời gian ngập triều dài. Ở những
nơi có nền đất thấp, thời gian ngập triều dài như ô 1, rễ hô
hấp cao trung bình tính từ mặt bùn khoảng 13 cm, trong đó có
cả những rễ cao tới 28 - 30 cm; đây là thay đổi có ý nghĩa
tăng khả năng hấp thu, dự trữ khí cho các phần rễ nằm trong
bùn lầy thiếu oxy, giúp cây thích nghi với môi trường đất
ngập mặn, thường xuyên chịu tác động của thủy triều.
Tỉ lệ các cấp hạt cũng có mối tương quan chặt với chiều cao rễ hô hấp (hình 5)
nhưng có thể là tương quan thuận hoặc nghịch. Tỉ lệ cát với chiều cao rễ hô hấp tương
quan nghịch với hệ số tương quan là R2 = 0,92. Tỉ lệ cát (0,02 - 2 mm) càng tăng thì chiều
cao rễ hô hấp càng giảm. Ngược lại, tương quan giữa tỉ lệ limon và sét với chiều cao rễ hô
hấp là tương quan thuận. Tỉ lệ limon tăng thì chiều cao rễ hô hấp cũng tăng với hệ số
tương quan chặt chẽ là R2 = 0,76. Tương tự, tỉ lệ sét tăng thì chiều cao rễ hô hấp tăng theo
với hệ số tương quan là R2 = 0,94.
Hình 4. Chiều cao trung
bình của rễ thở tại ba khu
vực nghiên cứu
Hình 5. Tương quan giữa thành phần cơ giới đất với chiều cao rễ hô hấp
PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 331
3.2.3. Mật độ lỗ vỏ
Rễ hô hấp của mắm biển được hình thành từ các rễ nằm ngang và đã có sinh trưởng
thứ cấp. Đối với rễ hô hấp mới được hình thành, lớp chu bì mỏng và các tổ chức thông khí
trên bề mặt rễ có kích thước rất nhỏ gọi là lỗ vỏ. Lỗ vỏ phân bố không đồng đều, có xu
hướng giảm dần từ phần gần chóp rễ tới phần rễ sát mặt bùn.
Đối với cây sinh trưởng trên nền đất
thấp, thời gian ngập triều dài, tỉ lệ sét và
limon cao (ô 1) rễ hô hấp có mật độ cao
gấp hơn 2 lần so với những cây sinh trưởng
trên nền đất cao, tỉ lệ cát lớn (Hình 6).
Thành phần cơ giới của đất thể hiện
rõ mức độ thiếu oxy của đất. Do đó,
thành phần cơ giới của đất ảnh hưởng
mật thiết đến sự hình thành và phát triển
của lỗ vỏ trên rễ được thể hiện rõ qua
biểu đồ tương quan (Hình 7). Qua biểu
đồ, ta thấy rõ sự tương quan giữa tỉ lệ
từng loại cấp hạt với mật độ lỗ vỏ là rất
chặt chẽ. Trong đó, tương quan giữa tỉ lệ
limon và sét với mật độ lỗ vỏ trên rễ hô
hấp là tương quan dương. Khi tỉ lệ limon
và sét tăng thì mật độ lỗ vỏ cũng tăng lên
với hệ số tương quan lần lượt là r = 0,9894 và r = 0,992. Tỉ lệ các hạt limon (0,002 - 0,02
mm) và sét (< 0,002 mm) tăng đồng nghĩa với đất chặt hơn, độ thông thoáng của đất giảm
dẫn đến các rễ thở phát triển nhiều lỗ vỏ để làm nhiệm vụ thông khí và giữa khí cho cây.
Ngược lại, tỉ lệ cát lại tương quan nghịch với mật độ lỗ vỏ trên rễ hô hấp, hệ số tương
quan là r = - 0,9965. Tỉ lệ các hạt cát (0,02 - 2 mm) càng tăng thì đất càng thông thoáng
nên mật độ lỗ vỏ giảm và ngược lại.
Hình 7. Tương quan giữa thành phần cơ giới với mật độ lỗ vỏ
Cát (%)
Hình 6. Lỗ vỏ và mật độ lỗ vỏ/cm2 trung bình
của rễ hô hấp tại các ô nghiên cứu
332 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM
Như vậy, tỉ lệ cát, limon và sét trong đất có ảnh hưởng lớn đến mức độ thoáng khí
của đất từ đó ảnh hưởng tới mật độ, chiều cao, số lượng lỗ vỏ trên rễ thở của loài mắm
biển. Trong 3 thành phần cơ giới chính, cát và sét có mối tương quan chặt và ổn định với
mức độ ngập triều, mật độ, kích thước, mật độ lỗ vỏ trên rễ hô hấp; limon có mối tương
quan ít ổn định hơn. Cây sinh trưởng ở nơi có tỉ lệ cát cao, đất thoáng khí các chỉ tiêu
nghiên cứu đều có xu hướng giảm nên tương quan giữa các chỉ tiêu nghiên cứu với tỉ lệ
cát là tương quan nghịch. Tuy nhiên, mối tương quan giữa tỉ lệ sét, limon với các chỉ tiêu
nghiên cứu là mối tương quan thuận bởi cấp hạt nhỏ, đất mịn khả năng giữ nước cao nên
đất thiếu khí, cây phát triển hệ thống rễ hô hấp tăng cường khả năng hấp thu, dự trữ khí
cung cấp cho các phần rễ sinh trưởng trong bùn. Những thay đổi của hệ thống rễ hô hấp là
một trong những cơ sở có thể đánh giá loài mắm biển có thể thích ứng được với biến đổi
khí hậu và nước biển dâng.
4. KẾT LUẬN
Thành phần cơ giới đất chịu tác động mạnh mẽ của độ ngập triều từ đó tác động tới
mật độ, chiều cao và số lượng lỗ vỏ của rễ hô hấp của loài mắm biển (Avicennia marina).
Tỉ lệ cát tương quan nghịch còn tỉ lệ limon và sét tương quan thuận với độ ngập triều.
Tỉ lệ cát trong thành phần cơ giới đất có tương quan nghịch, chặt còn limon, sét có
tương quan thuận, chặt với mật độ, chiều cao và số lượng lỗ vỏ trên rễ hô hấp của loài
mắm biển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chapman V. J., 1976. Mangrove vegetation. Auckland University, New Zealand, pp. 35 - 69.
DeHaan, J. H. (1931), Het een en ander over de Tjilatjap’sche vloedbosschen. Tectona 24:39
Nguyễn Thế Đặng, Đặng Văn Minh, Nguyễn Thế Hùng, 2007. Vật lý đất. Nxb. Nông nghiệp. tr. 7- 25.
FAO. 1998. World Reference Base for Soil Resources, by ISSS-ISRIC-FAO. World Soil
Resources Report No. 84. Rome, pp. 100-125.
FAO, 2015. World reference base for soil resources 2014, International soil classification system
for naming soils and creating legends for soil maps; E-ISBN 978-92-5-108370-3 (PDF);
Rome, Italy, pp. 117-139.
Phan Nguyên Hồng, 1991. Sinh thái thảm thực vật rừng ngập mặn Việt Nam. Luận án tiến sỹ khoa
học sinh học, Đại học sư phạm Hà Nội, tr 33 - 45, 72 - 92, 109 - 12.
Nguyễn Thị Hồng Liên, Đặng Thị Nhật Lệ, Nguyễn Hà Linh, Trần Xuân Tình, 2019. Nghiên cứu
ảnh hưởng của mức độ ngập triều và thành phần cơ giới đất đến mật độ và cấu tạo rễ hô hấp
của loài mắm biển mọc tự nhiên ở xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. HNUE
Journal of Science, Natural Sciences, 2019, Volume 64, Issue 10A, pp. 105-111, DOI:
10.18173/2354-1059. 2019-0058.
Lê Tấn Lợi, 2011. Tính chất thủy văn theo màu và địa hình ở Khu Sinh quyển Cần giờ, Thành phố
Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ 2011 số 17a năm 2011; tr. 219-228
Scholander S. I. (1995), Gas exchange in roots of mangroves, Am. J. Bot Press., pp. 92 - 98
Tomlinson P. B., 1986. The botany of mangroves, Cambridge University Press, pp. 59 - 200.
PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 333
Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Hữu Thành, 2012. Nghiên cứu tính chất đất vùng cửa Ba lạt,
huyện Giao Thủy, Nam Định. Tạp chí Khoa học và Phát triển trường ĐH Nông nghiệp Hà
Nội, 2012: Tập 10, số 1: 173 - 181.
USDA, 2017. Soil survey manual, Soil science division staff. United States Department of
Agriculture Handbook No. 18; pp. 91-131; 145-163.
Nguyễn Cao Văn, Ngô Văn Thứ, Trần Thái Ninh, 2017. Lý thuyết xác suất và thống kê toán, Nxb. Đại
học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, tr. 539-568.
RESEARCH ON THE CORRELATION BETWEEN SOIL MECHANICAL
COMPOSITION AND PNEUMATOPHORES OF NATURAL (Avicennia
marinamarina (Forsk.) Vierth.) SPECIES, WHICH NATURALLY
GROW ALONG THE COASTAL AREA OF GIAO THUY DISTRICT,
NAM DINH PROVINCE
Luu Hong Nhung1, Nguyen Thi Hong Lien2,*, Ngo Van Tung2,
Vu Thi Dung2, Tran Xuan Tinh3
Abstract: Soil mechanical composition is vital to air permeability, therefore can
affect the growth of mangroves in general, or the root system in particular. In
this study, we assess the correlation between three main mechanical
components of the soil: sand (particle size 0.02 - 2 mm); limon (0.002 - 0.02
mm); clay (<0.002 mm) with pneumatophores of Avicennia marina and with
inundation. The results showed that, sand percentage inversely correlated with
the inundation level R2 = 0.89, while limon and clay correlated positively with
R2 at 0.71 and 0.91 respectively. All three indicators are strongly correlated with
density, height, number of holes on the surface of pneumatophores, in which the
sand percentage is inversely correlated, limon and clay percentage are positively
correlated.
Keywords: Clay, correlation, limon, mechanical composition, pneumatophores,
sand.
1Tran Quy Cap Secondary School
2Hanoi National University of Education
3Military College of Special Forces
*Email: liennth@hnue.edu.vn