Niên luận Các chương trình của bảo tàng dân tộc học với hoạt động du lịch
Tôi chọn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam làm đề tài niên luận của mình bởi bảo tàng dân tộc học sau một thời gian đi vào hoạt động đã có được những thành công đáng kể, không chỉ là những đóng góp cho du lịch, mà đặc biệt đã có những đóng góp to lớn cho văn hoá, xã hội. Trước hết tôi xin được nói về vai trò của bảo tàng dân tộc học trong khía cạnh văn hóa, xã hội. Bảo tàng dân tộc học là nơi trưng bày những hiện vật về 54 dân tộc của Việt Nam, bao gồm chủ yếu là những hiện vật về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của họ. Bên cạnh các hiện vật, bảo tàng dân tộc học còn có những tài liệu, thông tin cụ thể và đầy đủ bằng tiếng Việt, Anh và tiếng Pháp. Đặc biệt là hệ thống các video quay rất sinh động để mô tả thêm về hiện vật. Như vậy, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chỉ là một cơ sở khoa học mà còn là một trung tâm văn hoá, được thể hiện qua chức năng của bảo tàng là nghiên cứu khoa học về các dân tộc của nước ta, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu và khai thác những giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc, đồng thời cung cấp các tư liệu dân tộc học và đào tạo cán bộ cho loại hình bảo tàng dân tộc học. Với những chức năng như trên, bảo tàng dân tộc học thu hút không chỉ nhân dân từ khắp các mọi miền đất nước, du khách nước ngoài mà cả sinh viên, học sinh đến các nhà khoa học đều tìm thấy sự thích thú ở đây. Bảo tàng cũng đóng góp vai trò to lớn trong việc gìn giữ các phong tục, tập quán truyền thống của các dân tộc, cũng như bảo tồn các nghệ thuật biểu diễn dân gian. Bởi qua các chương trình tìm hiểu và giao lưu với những người dân tộc thiểu số đã giúp họ có cái nhìn đúng đắn về việc gìn giữ , bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Bên cạnh đó bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn ca nhạc dân gian, biểu diễn múa rối nước. Qua đó, đã giúp các phường rối dân gian tiếp tục duy trì và giới thiệu rộng rãi về rối nước tới du khách trong và ngoài nước.