Phân loại các loài thuộc chi Thoa la (Reevesia Lindl.) ở Việt Nam

Chi Thoa la (Reevesia Lindl.) thuộc họ Trôm (Sterculiaceae) có 25 loài, phân bố chủ yếu ở phía Nam Châu Á, có 2 loài ở miền Trung Châu Mỹ (Tang Y., G. G. Michael & J. D. Laurence, 2008). Ở Việt Nam, chi này hiện biết có 6 loài trong đó 3 loài cho đến nay được coi là loài đặc hữu. Trong công trình này, chúng tôi tiến hành xây dựng bản mô tả cho chi Thoa la, khóa định loại đến loài và đặc điểm phân loại các loài thuộc chi Thoa la ở Việt Nam.

pdf8 trang | Chia sẻ: thuyduongbt11 | Ngày: 18/06/2022 | Lượt xem: 233 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân loại các loài thuộc chi Thoa la (Reevesia Lindl.) ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 4 DOI: 10.15625/vap.2020.00047 PHÂN LOẠI CÁC LOÀI THUỘC CHI THOA LA (Reevesia Lindl.) Ở VIỆT NAM Kiều Cẩm Nhung1,2,*, Nguyễn Thị Phương Anh3, Đỗ Thị Xuyến4 Tóm tắt: Chi Thoa la (Reevesia Lindl.) thuộc họ Trôm (Sterculiaceae) có 25 loài, phân bố chủ yếu ở phía Nam Châu Á, có 2 loài ở miền Trung Châu Mỹ (Tang Y., G. G. Michael & J. D. Laurence, 2008). Ở Việt Nam, chi này hiện biết có 6 loài trong đó 3 loài cho đến nay được coi là loài đặc hữu. Trong công trình này, chúng tôi tiến hành xây dựng bản mô tả cho chi Thoa la, khóa định loại đến loài và đặc điểm phân loại các loài thuộc chi Thoa la ở Việt Nam. Từ khóa: Reevesia, Sterculiaceae, chi Thoa la, họ Trôm, hình thái, phân loại, Việt Nam. 1. MỞ ĐẦU Chi Thoa la hay còn gọi là Trường hùng (Reevesia Lindl.) thuộc họ Trôm (Sterculiaceae) trên thế giới có 25 loài. Các loài chủ yếu phân bố ở phía Nam Châu Á, có 2 loài ở miền Trung Châu Mỹ (Tang Y., G. G. Michael & J. D. Laurence, 2008). Ở Việt Nam, chi này hiện biết có 6 loài, chủ yếu đều là cây gỗ lớn có khả năng cho gỗ trong xây dựng, 1 loài có khả năng làm thuốc, 1 loài cho dầu, 2 loài cho sợi hay làm giấy, đặc biệt 3 loài hiện được coi là đặc hữu của Việt Nam (Lê Khả Kế, 1974; Nguyễn Tiến Bân, 2003). Các loài thuộc chi Thoa la khá gần nhau về đặc điểm hình thái vì vậy việc nhận dạng đến loài khá khó khăn. Cho đến nay, có rất ít công trình đề cập đến chi Thoa la ở Việt Nam đặc biệt là các nghiên cứu về phân loại học. Do vậy, cần thiết có một công trình nghiên cứu phân loại chuyên sâu và đầy đủ để phục vụ trực tiếp việc phân loại các loài thuộc chi Thoa la, cũng như biên soạn bộ sách Thực vật chí Việt Nam về họ Trôm (Sterculiaceae) và cho những nghiên cứu có liên quan. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Đối tượng nghiên cứu: Gồm các taxon thuộc chi Thoa la (Reevesia Lindl.) ở Việt Nam, dựa trên cơ sở là tư liệu và mẫu nghiên cứu được lưu giữ tại các phòng tiêu bản thực vật như Phòng Tiêu bản thuộc Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN (HNU), Viện Sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh (VNM). Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo thêm mẫu vật ở trạng thái sống trong quá trình điều tra thực địa và các mẫu vật của Việt Nam được lưu trữ tại các phòng tiêu bản khác ở nước ngoài. 1Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2Bộ Khoa học và Công nghệ 3Trường THCS Phúc Diễn 4Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội *Email: kieucamnhung@gmail.com PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 377 Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện các nội dung nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng phương pháp hình thái so sánh, theo Nguyễn Nghĩa Thìn (2007). Phương pháp này dựa trên đặc điểm hình thái và cấu tạo các cơ quan của thực vật, quan trọng nhất là cơ quan sinh sản vì ít biến đổi bởi tác động của môi trường. Việc thu thập mẫu vật được tiến hành trên phạm vi khắp cả nước. Công tác định loại được tiến hành tại Phòng thực vật, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ môn Khoa học Thực vật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Đặc điểm hình thái chi Thoa la (Reevesia Lindl.) ở Việt Nam Các loài thuộc chi này thường là cây gỗ trung bình hay gỗ lớn, cao khoảng từ 10-25 m, hiếm khi là gỗ nhỏ (R. orbicularis). Cành non không lông (R. pubescens, R. yersinii) hoặc có lông dày đặc (R. gagnepainiana, R. orbicularis, R. thyrsoidea). Lá đơn, mọc cách, cuống lá phình lên ở hai đầu. Phiến lá hình bầu dục thon (R. thyrsoidea, R. yersinii), gần tròn (R. pubescens, R. orbicularis) hay hình trứng (R. thyrsoidea, R. gagnepainiana, R. macrocarpa, R. yersinii), chóp lá nhọn (R. gagnepainiana, R. macrocarpa, R. thyrsoidea, R. yersinii), có thể có mũi nhọn (R. thyrsoidea) hay tù (R. pubescens, R. orbicularis), mép lá nguyên, phiến lá có lông (R. orbicularis, R. pubescens, R. thyrsoidea, R. yersinii) hoặc không có lông (R. gagnepainiana, R. macrocarpa), gân hình lông chim thường có từ 4-8 cặp gân phụ; cuống lá có lông (R. thyrsoidea, R. yersinii, R. pubescens) hay không (R. gagnepainiana, R. macrocarpa, R. orbicularis). Cụm hoa dạng chùm kép mà mỗi đơn vị là một dạng cụm hoa xim mọc ở đỉnh cành, thường mang nhiều hoa, cuống cụm hoa ngắn. Lá bắc rụng sớm. Hoa lưỡng tính; cuống hoa ngắn, luôn có đốt. Đài hợp thành hình chuông; phía trên mang 3 thùy (R. orbicularis, R. gagnepainiana) hoặc 5 thùy không đều nhau (R. pubescens, R. thyrsoidea, R. yersinii), thường có lông ở mặt ngoài, đặc biệt là ở mép (R. gagnepainiana) hay không (R. yersinii). Tràng hoa màu trắng, gồm 5 cánh hoa hình hình thìa với gốc thót lại rất nhỏ, có gân, mép thường nhăn nheo, có hai tai ở hai bên (R. yersinii) hay không có, cánh hoa có lông trên toàn bề mặt (R. orbicularis) hay chỉ có lông ở gốc (R. gagnepainiana, R. pubescens) hay nhẵn (R. yersinii, R. thyrsoidea). Trục nhị nhụy hình cột, dài 2-3,5 cm, có lông hay không (R. pubescens, R. thyrsoidea,). Bộ nhị thường có (10)15 nhị, 3 cái dính lại thành một nhóm, bao xung quanh bầu, chỉ nhị gần như không có. Bộ nhụy gồm 5 lá noãn hợp thành bầu thượng, 5 ô, mỗi ô của bầu có 2 noãn; bầu luôn hình cầu, có lông tơ bao phủ; vòi nhụy gần như không có; núm nhụy hình điểm. a. Cấu tạo hoa của Reevesia b. Bầu c. Cắt ngang bầu 378 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM Hình 1. Cấu tạo một số cơ quan sinh sản của Reevesia Người vẽ: Đỗ Thị Xuyến; a.Vẽ từ mẫu VH 761 (HN); b-c.Vẽ từ mẫu Chavalive 38866 (HN) Quả nang, hình trứng ngược, thường có lông, kích thước thường lớn, dài khoảng 2,0-6,0 cm; vỏ hóa gỗ, khi chín mở thành 5 mảnh vỏ riêng biệt. Hạt 2 trong một ô, hạt hình bầu dục, màu nâu-vàng, luôn có cánh. 3.2. Khóa định loại các loài thuộc chi Thoa la (Reevesia Lindl.) ở Việt Nam 1A. Đài 3 thùy 2A. Lá hình trứng, chóp lá nhọn, chiều rộng phiến lá 6-7 cm, cánh hoa chỉ có lông ở gốc .............................................................................. R. gagnepainiana 2B. Lá hình gần tròn, chóp lá tù hay tròn, chiều rộng phiến lá 7-13 cm, cánh hoa có lông trên toàn bộ bề mặt .................................................... R. orbicularis 1B. Đài 4-5 thùy. 3A. Lá không có lông hay chỉ có lông trên gân, có mũi nhọn. 4A. Cuống lá không có lông; lá nhẵn; đài không lông; quả có kích thước kích thước 4,5-6×2-2,5 cm. ........................................................... R. Macrocarpa 4B. Cuống lá có lông; lá có lông trên gân; đài có lông; quả có kích thước 2,0- 4,5×1,5-2 cm .................................................................... R. thyrsoidea 3A. Lá có lông, không có mũi nhọn. 5A. Cánh hoa có lông ở gốc, không có tai hai bên; trục nhị nhụy cao 3-3,5 cm; lá gần tròn, bầu dục, trứng. ........................................................ R. pubescens 5B. Cánh hoa không có lông, có hai tai hai bên; trục nhị nhụy cao 1,7-2 cm; lá hình bầu dục thuôn hay hình trứng hẹp. ................................ R. yersinii 3.3. Đặc điểm phân loại của các loài thuộc chi Thoa la (Reevesia Lindl.) ở Việt Nam 3.3.1. Reevesia gagnepainiana Tardieu, - Trường hùng gagnepain, Chú bạch mã, Chú lá thuôn. Tardieu, 1942. Notul. Syst. (Paris). 10: 237; id. 1945. Suppl. Fl. Gen. Indoch. 4: 413; Phamh. 2000. Fl. Illustr. Vietn. 1: 503; N. T. Ban, 2003, Check. Pl. Sp. Vietn, 2:547. - Mô tả: Cây gỗ trung bình, cao từ 10-20 m, nhánh non có lông dày đặc. Phiến lá hình trứng, kích thước 7-10 × 6-7 cm, gốc lá tròn, chóp lá nhọn, hơi có mũi, nhẵn cả hai mặt. Cuống lá không có lông. Cụm hoa dạng chùm kép ở đỉnh cành, cuống cụm hoa ngắn, có lông, cuống hoa có lông. Đài hình chuông, mang 3 thùy hình tam giác, đều nhau; không có lông ở mặt trong nhưng có lông ở mép, có lông dày đặc ở mặt ngoài. Cánh hoa 5, màu trắng, kích thước 0,8-1 x 2-3 cm, gốc thót lại như có cuống, có lông ở viền gốc, 3-4 sọc gân chạy dài từ gốc tới đỉnh cánh. Trục nhụy nhị dài từ 2,2-2,5 cm. Nhị 15, 3 cái dính lại thành một nhóm, chỉ nhị gần như không có. Bầu thượng, hình cầu, có 5 ô, mỗi ô có 2 noãn, có lông tơ bao phủ; vòi nhụy gần như không có; núm nhụy hình điểm. Quả nang, kích thước 2,5-3 x 2-2,5 cm, tự mở khi chín, hình trứng ngược, khi chín tách thành 5 mảnh, hạt có cánh dài. PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 379 - Loc. class: Vietnam, Annam, Bachma, 1450m, 14/4/1939; Typus: Poilane 29.648- P02286050 (P!Photo) - Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa tháng 2-6, có quả chín tháng 5-8. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, cây thường là tầng tán, ở độ cao đến 1000 m. - Phân bố: Mới tìm thấy ở Thừa Thiên Huế (núi Bạch Mã), Kon Tum (Ngọc Linh). Khả năng đây là loài đặc hữu của Việt Nam. - Mẫu nghiên cứu: Kon Tum M, L. Averyanov, N. T. Bân, A. Budantzev, Budantzev, N. T. Hiệp, D. D. Huyến, P. K. Lộc, X . Tám, G.Yakovlev VH 761 (HN). - Giá trị sử dụng: Gỗ nhẹ làm cốp pha, làm cuốc, đóng đồ mộc thông thường. 3.3.2. Reevesia macrocarpa H. L. Li. - Trường hùng trái to, Chú quả to, Chú lá mác. Li, 1943. J. Arnold Arbor. 24(3): 366; Phamh. 1999. Fl. Illustr. Vietn. 1: 503; N.T.Ban, 2003, Check. Pl. Sp. Vietn, 2:547. - Mô tả: Cây gỗ trung bình hay gỗ lớn, cao khoảng 10-25 m, cành non có nhiều bì khổng, có lông. Lá thường hình trứng hiếm khi hình bầu dục thon, kích thước 8-12×3-4,5 cm, gốc lá tròn hay hơi nhọn, chóp lá nhọn, có mũi nhọn, mép nguyên, nhẵn cả hai mặt; gân hình lông chim, 4-6 cặp gân phụ. Cuống lá dài từ 1-1,5cm, không có lông. Cụm hoa dạng chùm kép mà mỗi đơn vị là một dạng cụm hoa xim mọc ở đỉnh cành, thường mang nhiều hoa, cuống cụm hoa ngắn, nhẵn, cuống hoa ngắn, nhẵn. Lá bắc rụng sớm. Đài 5 thùy, đều nhau, nhẵn; cánh hoa 5, màu trắng, kích thước 10-15 x 2-4 mm, có lông tơ rải rác trên toàn bộ bề mặt. Trục nhị nhụy cao 3-4,5 cm, nhẵn. Nhị 15 cái. Quả nang, hình trứng, kích thước 4,5-6×2-2,5 cm, khi chín tách thành 5 mảnh quả, vỏ mảnh quả cứng dày, hóa gỗ. Hạt hình trứng, có cánh mỏng, kích thước từ 2-2,2 mm (cả cánh), màu vàng-nâu. - Loc. class: Vietnam, Tonkin, Dam-ha, Sai Wong Mo Shan, Lomg Ngong- Village, 18 July-9 Sept. 1940; Typus: W.T. Tsang 30473 (A). - Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa tháng 2-6, có quả chín tháng 5-8. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, cây thường là tầng tán, ở độ cao đến 1000 m. - Phân bố: Được ghi nhận có ở Quảng Ninh (Đầm Hà: Lomg Ngong), Hà Tĩnh, Quảng Bình. Khả năng đây là loài đặc hữu của Việt Nam. - Mẫu nghiên cứu: Quảng Ninh, W. T. Tsang 30473 (Iso. K! Photo). - Giá trị sử dụng: Gỗ mền làm cốp pha, làm chuồng trại, làm củi. 3.3.3. Reevesia orbicularis Tardieu, - Thoa la lá tròn, Trường hùng lá tròn, Trường hùng tròn, Chú lá tròn, Chú lá ba đa ̣u. Tardieu, 1945. Suppl. Fl. Gen. Indoch.4: 413; Phamh. 1999. Fl. Illustr. Vietn. 1: 503; N.T. Ban, 2003, Check. Pl. Sp. Vietn, 2: 547; Y. Tang, G. G. Michael & J. D. Laurence, 2008. Fl. China, 12: 314. - Mô tả: Cây bụi hay cây gỗ nhỏ, cao (3)4-6 m, nhánh non không lông. Phiến lá hình gần tròn hay trứng, kích thước thường 10-18 × 7-13 cm, gốc lá tròn, chóp lá tròn hay tù, mặt trên có lông hình sao rải rác về sau nhẵn, mặt dưới có lông, nhất là trên gân. Cuống lá dài khoảng 5-7 cm, nhẵn. Cụm hoa hình chùm kép ở đỉnh cành, có lông hình sao, cuống hoa có lông. Đài hình ống, phía trên mang 3 thùy, có lông hình sao mặt ngoài, mặt trong 380 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM nhẵn. Cánh hoa 5, màu trắng, hình bầu dục thuôn hay gần hình thìa, gốc cánh hoa thót lại dạng cuống dài, có lông hình sao rải rác trên toàn bộ mặt ngoài, dày đặc nhất là ở gốc. Trục nhụy nhị dài 2,5-3 cm, có lông. Nhị 15 cái, chỉ nhị ngắn gần như không, thường xếp thành 3 nhóm. Bầu hình cầu, có lông. Quả nang, kích thước 2,5-3,5 x 1,5-2 cm, vỏ dày. Có hai hạt trong 1 ô, hạt có cánh, dài 2-2,2 (kể cả cánh). - Loc. class: Vietnam, Annam, Bana; Isotypus: Poilane 29279 (A). - Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa tháng 3-7, có quả chín tháng 5-10. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh, trảng cây bụi, cây thường là tầng dưới tán, ở độ cao đến 1200 m. - Phân bố: Đà Nẵng (Bà Nà), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Còn có ở Trung Quốc. - Mẫu nghiên cứu: ĐÀ NẴNG, VK 2660 (HN). - Giá trị sử dụng: Gỗ dùng làm cán cuốc, làm củi. 3.3.4. Reevesia pubescens Mast. - Thoa la lông, Trường hùng lông. Mast. 1874. Fl. Brit. India, 1: 364; Pierre. 1888. Fl. Forest. Cochinch. pl. 193; Tardieu, 1945. Suppl. Fl. Gen. Indo-Chine. 4: 415; K. M. Feng. 1984. Fl. Reip. Pop. Sin 49: 256; Phamh. 1999. Fl. Illustr. Vietn. 1: 503; Phengklai, 2001. Fl. Thail. 7: 619; N. T. Ban, 2003, Check. Pl. Sp. Vietn, 2: 547; Y. Tang, G. G. Michael & J. D. Laurence, 2008. Fl. China, 12: 315. - Mô tả: Cây gỗ, cao 15-20 m, cành non có lông mịn. Phiến lá gần tròn, hình bầu dục hoặc hình trứng, kích thước 10-18 × 4,5-7,5 cm, gốc lá tròn hoặc hình tim, chóp lá tù hay gần tròn, không có mũi nhọn, cả hai mặt có lông hình sao, nhất là mặt dưới; cuống lá có lông dày. Cụm hoa hình chùm kép ở đỉnh cành, cuống hoa có lông. Đài hình chuông hay chén, dài 5-6(9) mm, có lông ở mặt ngoài, mang 5 thùy bằng nhau. Cánh hoa 5, màu hồng nhạt, kích thước 12-20 × 2-3 mm, không có tai hai bên, cánh hoa có lông ở gốc. Nhị thường 10-15, và đính ở đỉnh trục nhị nhụy. Trục nhị nhụy dài 3-3,5 cm. Bầu hình thuôn hay gần cầu, có lông tơ, 5 ô, mỗi ô hai noãn, vòi nhụy gần như không, đầu nhụy dày lên với 5 gờ như 5 thùy. Quả nang, có kích thước 4 - 5,5 × 3 - 4cm, vỏ hóa gỗ, có lông dày đặc hình sao ở mặt ngoài, hạt có cánh, kích thước khoảng 2,3- 2,5 x 0,6- 0,8 cm (tính cả cánh). - Loc. class.: India, Sikkim, 18-5-1862; Typus: T. Anderson 276-K000671651 (K!, Photo). - Sinh học và sinh thái: Mùa ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 9- 12, mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, nơi có độ ẩm trung bình, ở độ cao từ 500- 1.300 (2.000) m. - Phân bố: Lào Cai (Sa Pa), Hòa Bình (Mai Châu: Pà Cò, Xà Lĩnh), Quảng Trị (Gio Linh), Thừa Thiên-Huế (núi Bạch Mã), Ninh Thuận (Phan Rang, Cà Ná). Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan. - Mẫu nghiên cứu: Lào Cai, Petelot 6026 (VNM), Petelot 3893 (VNM) - Hòa Bình, University of Illinoiss at Chicago and Institute of Evology and Biological Resources 9961 (HN); Trần Ngọc Ninh và V. Ponontet, 147 (HN). – Thừa Thiên – Huế, BM 64 (HN) - Kon Tum, Phan Kế Lộc & Bùi Đức Bình 3608 (HNU) - Giá trị sử dụng: Rễ dùng để trị phong thấp tê đau, đòn ngã tổn thương. Cho gỗ. 3.3.5. Reevesia thyrsoidea Lindl. – Thoa la dày, Trường hùng chùm. PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 381 Lindl. 1827. Bot. Reg. 2(2): 112; Tardieu, 1945. Suppl. Fl. Gen. Indoch. 4: 4154; K. M. Feng, 1984. Fl. Reip. Pop. Sin 49: 247; Phamh. 1999. Fl. Illustr. Vietn. 1: 504; N. T. Ban, 2003. Check. Pl. Sp. Vietn, 2:547; Y. Tang, G. G. Michael & J. D. Laurence, 2008. Fl. China, 12: 314. - Mô tả: Gỗ nhỏ đến trung bình, cao khoảng 12-18 m, đường kính 30- 35 cm, cành non nhẵn. Phiến lá có hình bầu dục thon hay hiếm khi trứng ngược, kích thước 11-20× 5- 9,5 cm, gốc lá tròn hoặc tù, chóp lá nhọn, có mũi nhọn, mép nguyên, nhẵn ở hai mặt; trên gân có lông; cuống lá có lông. Cụm hoa dạng chùm kép ở đỉnh cành, cuống hoa có lông hình sao. Đài hình chuông, 5 thùy, hình tam giác đầu hơi nhọn, mặt trong có lông ở phía trên thùy. Cánh hoa 5, màu trắng, hình bầu dục hơi thắt lại ở gốc. Trục nhị nhụy dài 2,5- 3 cm, có lông. Nhị thường 15, xếp 5 nhóm. Bầu hình cầu, có 5 gờ, phủ lông, 5 ô, mỗi ô có hai noãn, vòi nhụy chia 5 thùy. Quả nang, kích thước 2,0- 4,5×1,5- 2 cm, hình gần tròn hoặc bầu dục, đầu cắt ngang, khi chín tách thành 5 mảnh quả, vỏ hóa gỗ. Hạt hai trong mỗi ô, có cánh dạng màng, kích thước (tính cả cánh) 1,8- 2 x 0,1- 0,5 cm. - Loc.class.: China. Typus: John Reeves, #s.n. (BM 000645983) - Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa tháng 9-10, có quả chín tháng 1-2 (năm sau). Mọc rải rác trong rừng thường xanh ven suối, có độ cao đến 1500 m. - Phân bố: Lào Cai (Sa Pa),Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Thái Nguyên (Bắc Thái), Hòa Bình (Đà Bắc: Núi Biều), Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, (Đồng Cho, Đồng Co Pat), Thừa Thiên Huế (Bạch Mã), Đà Nẵng (Liên Chiểu), Kon Tum (Ngọc Linh), Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa (núi Hòn Hèo), Ninh Thuận (Phan Rang: Cà Ná). Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan. - Mẫu nghiên cứu: Lào Cai, Đoàn điều tra thực vật Việt- Trung 2644 (HN) - Vĩnh Phúc, Bùi Đức Bình 540 (HNU) – Thái Nguyên, Bùi Đức Bình 967 (HNU) – Thừa Thiên- Huế, Bách 2004 (HN). - KON TUM, L. Averyanov, N. T. Ban, N.Q.Bình, A.Budantze, N.T.Hiệp, D.D.Huyến, N.X.Tâm, Gyakovlev 147 (HN). - Giá trị sử dụng: Gỗ màu vàng, thớ thẳng và mịn, có thể dùng đóng đồ thông thường, làm thùng bao bì, vỏ cho sợi làm dây buộc hoặc dệt bao tải, nguyên liệu làm bột giấy. Dầu của hạt dùng để thắp sáng. 3.3.6. Reevesia yersinii A. Chev. - Thoa la yersin, Trường hùng yersin. A. Chev. 1936. Notul. Syst. Paris. 1936: 72; Tardieu, 1945. Suppl. Fl. Gen. Indoch. 4: 415; Phamh. 1999. Fl. Illustr. Vietn. 1: 504; N. T. Ban, 2003, Check. Pl. Sp. Vietn, 2: 547. - Mô tả: Cây gỗ trung bình, cao khoảng 10-20 m, cành non có lông hình sao mịn về sau nhẵn. Phiến lá có hình bầu dục thuôn hay hình trứng hẹp, kích thước 6-8×3,5-4cm, gốc lá thuôn, gần tròn, chóp lá nhọn nhưng không có mũi; mặt dưới có lông màu nâu; cuống lá có lông. Cụm hoa hình chùm kép ở nách các lá phía trên hay đỉnh cành. Hoa nhỏ, cuống hoa có lông. Đài hình chuông, kích thước 5- 6×2- 3 mm, mang 4 thùy không bằng nhau ở phía trên, có lông hình sao ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong trừ gốc đài. Cánh hoa 5, màu trắng, kích thước 0,8-1×0,2- 0,5 cm, gốc cánh hoa thót lại gần như cuống, nhẵn, có hai tai hai bên. Trục nhụy nhị dài 1,7-2 cm. Nhị 15, xếp thành 5 bó, chỉ nhị gần như không 382 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM cuống. Bầu hình cầu, đường kính 1,3-1,5 mm, có lông bao phủ, 5 ô, mỗi ô hai noãn. Quả nang, kích thước 2,5-3,5 x 2-2,5 cm. Hạt có cánh dài. - Loc. class.: Vietnam, Khanhhoa, Honba, 28/8/1918; - Typus: Chavalive 38866-P02286061 (P!Photo), iso: (HN!). - Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa tháng 6-9, có quả chín tháng 8 -10. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, thứ sinh, có độ cao đến 1500 m. - Phân bố: Mới thấy ở Phú Yên, Khánh Hòa (Hòn Bà). Khả năng đây là loài đặc hữu của Việt Nam. - Mẫu nghiên cứu: KHÁNH HÒA, Chavalive 38866 (HN). - Giá trị sử dụng: Gỗ mềm đóng đồ mộc thông thường, làm cốp pha, hòm đựng nông phẩm. 4. KẾT LUẬN Chi Thoa la (Reevesia Lindl.) ở Việt Nam hiện biết có 6 loài. Để nhận dạng được các loài này ngoài tự nhiên thường dựa vào đặc điểm cụm hoa ở đỉnh cành, hoa lưỡng tính, (10)15 nhị, chỉ nhị ngắn gần như không có, 2 noãn trong mỗi ô, quả nang và hạt có cánh. Trong tự nhiên, các loài thuộc chi Thoa la (Reevesia) ở Việt Nam phân bố rải rác từ Lào Cai đến Khánh Hòa, có 3 loài hiện mới chỉ ghi nhận có ở Việt Nam, khả năng đây là các loài đặc hữu (R. macrocarpa, R. yersinii, R. gagnepainiana), loài tương đối phổ biến là Thoa hoa dày (Reevesia thyrsoidea). Các loài thuộc chi này thường mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, nơi có độ ẩm trung bình, ở độ cao đến 1500 m (cá biệt đến độ cao 2000 m). Mùa hoa quả rải rác từ tháng 6 đến tháng 10 (cá biệt đến tháng 2 năm sau). Tất cả các loài chi Thoa la đều là cây có khả năng cho gỗ, một loài được dùng làm thuốc (R. pubescens), một loài lấy dầu từ hạt (R. thyrsoidea), 2 loài cho sợi hay làm giấy (R. pubescens, R. thyrsoidea). Lời cảm ơn: Tác giả xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu của các cán bộ thuộc các phòng tiêu bản thuộc Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN), Trường Đại học Khoa