Tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên sư phạm

Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của một trường đại học (ĐH), trong đó NCKH – một hình thức giáo dục (GD) ở đại học – là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đại học với chức năng “là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống” [3] không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc truyền thụ tri thức khoa học cơ bản, khoa học chuyên ngành, rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên (SV), nhà trường ĐH còn có nhiệm vụ tổ chức NCKH cho SV ở những hình thức và mức độ phù hợp. Như vậy, trong quá trình học tập của sinh viên nói chung, SV sư phạm – những thầy cô giáo tương lai nói riêng thì việc trang bị và hoàn thiện năng lực NCKH bên cạnh những năng lực cơ bản khác là rất quan trọng.

doc4 trang | Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1831 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên sư phạm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TĂNG CƯỜNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM ENHANCING THE RESEARCH CAPABILITIES FOR PEDAGOGY STUDENTS NGUYỄN QUANG GIAO Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Nghiên cứu khoa học là bản chất của đào tạo đại học, là một trong những biện pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng đào tạo. Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên sư phạm là yêu cầu khách quan nhằm trang bị cho họ phương pháp học tập, nghiên cứu chủ động, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách của người giáo viên tương lai. ABSTRACT Doing research is the essence of higher education, and is one of the major tools for increasing the quality of training. Enhancing the research capability for students of pedagogy is essential since it helps equip students with an active approach to learning and researching, contributing to the entire personality development of the future teachers. Đặt vấn đề Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của một trường đại học (ĐH), trong đó NCKH – một hình thức giáo dục (GD) ở đại học – là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đại học với chức năng “là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống” [3] không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc truyền thụ tri thức khoa học cơ bản, khoa học chuyên ngành, rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên (SV), nhà trường ĐH còn có nhiệm vụ tổ chức NCKH cho SV ở những hình thức và mức độ phù hợp. Như vậy, trong quá trình học tập của sinh viên nói chung, SV sư phạm – những thầy cô giáo tương lai nói riêng thì việc trang bị và hoàn thiện năng lực NCKH bên cạnh những năng lực cơ bản khác là rất quan trọng. 1. Tầm quan trọng của NCKH đối với sinh viên sư phạm NCKH là một hình thức tổ chức dạy học bắt buộc ở bậc ĐH, là một hình thức không thể thiếu đối với SV trong quá trình học tập. Là những thầy cô giáo giảng dạy tương lai, SV sư phạm phải vừa hội đủ nhân cách của người giáo viên và các phẩm chất cần thiết của người chuyên gia. Muốn vậy, việc tham gia NCKH phải là hoạt động đặc trưng, là phương pháp hiệu quả đối với SV sư phạm. Đối với SV sư phạm, trước hết, NCKH không chỉ là phương pháp học tập mà còn là điều kiện, phương tiện hành nghề của nhà sư phạm tương lai. Thiếu ý thức và kĩ năng NCKH, người giáo viên sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học và GD cho học sinh trong điều kiện lao động sư phạm đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm, đổi mới phương pháp cho phù hợp với đối tượng và thực tiễn GD. Hơn thế nữa, việc tham gia NCKH giúp cho SV sư phạm hình thành và bồi dưỡng những phẩm chất cần thiết cho người giáo viên tương lai: đó là tính kiên trì, nhẫn nại, khắc phục khó khăn, tìm tòi sáng tạo, khách quan, chính xác... giúp người giáo viên có các quyết định kịp thời, các biện pháp xử lý hiệu quả trong những tình huống sư phạm bất thường. Bên cạnh đó, tham gia NCKH giúp SV sư phạm vũ trang cho mình năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học đồng thời hình thành ở SV những phẩm chất của nhà nghiên cứu. Từ đó cho phép thực hiện việc đào tạo những chuyên gia năng động, tư duy sắc bén, có năng lực nghiên cứu và sáng tạo. Hơn thế nữa, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là NCKH GD giúp SV sư phạm tiếp cận với thực tiễn GD phổ thông, hiểu biết về nghề, hình thành và bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp. Vì vậy, việc tổ chức cho SV sư phạm tham gia NCKH là hết sức cần thiết nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên có khả năng sư phạm và năng lực nghiên cứu góp phần xứng đáng vào sự nghiệp trồng người. 2. Thực trạng công tác bồi dưỡng năng lực NCKH cho sinh viên sư phạm trong thời gian qua a. Về nội dung bồi dưỡng - Những vấn đề chung về NCKH: các trường chủ yếu tập trung trang bị cho SV những kiến thức ban đầu về NCKH như: khái niệm NCKH, tại sao phải NCKH, những yêu cầu cần chú ý đến trong quá trình tiến hành nghiên cứu, những phẩm chất cơ bản cần có của người nghiên cứu… - Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu: bên cạnh việc được trang bị các vấn đề cơ bản về phương pháp luận, SV được làm quen với các phương pháp cụ thể như: phân tích, tổng hợp tài liệu, quan sát, phỏng vấn, điều tra, thực nghiệm… - Các thủ thuật nghiên cứu: SV được hướng dẫn chu đáo cách thức xác định đề tài, xây dựng giải thuyết đến kỹ năng lập đề cương nghiên cứu, thu thập và xử lý số liệu khảo sát, biểu diễn bằng đồ thị, mô hình hoá… b. Về các hình thức bồi dưỡng - Thông qua giáo trình chuyên đề phương pháp NCKH giáo dục: được giảng dạy trong thời lượng 30 tiết chủ yếu cung cấp những tri thức lý thuyết và một phần liên quan đến thực tiễn thông qua việc phân tích các sản phẩm nghiên cứu thực tế. - Thông qua các sinh hoạt ngoại khoá: các trường đã cố gắng phổ biến phương pháp NCKH cũng như tư vấn cho SV thông qua việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, diễn đàn trao đổi phương pháp NCKH với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, giảng viên có kinh nghiệm trong NCKH và hướng dẫn SV NCKH. - Thông qua các hình thức NCKH của SV: có nhiều hình thức NCKH được áp dụng đối với SV sư phạm, trong đó, đáng chú ý là bài tập nghiên cứu và khoá luận, luận văn. + Bài tập nghiên cứu: thường được gọi là bài tập lớn hay niên luận, đó là một công trình nghiên cứu - học tập được SV hoàn thành để thay thế cho bài kiểm tra hoặc thi hết môn học, kết thúc học phần. Bài tập nghiên cứu của SV phản ánh trình độ vận dụng các phương pháp NCKH, trình độ vận dụng tri thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành của họ vào nghiên cứu và thể hiện bằng kết quả nghiên cứu. Niên luận là bài tập nghiên cứu thay thế cho một môn thi kết thúc học phần. Đối với SV sư phạm, bài tập NCKH GD thực hiện trong quá trình thực tập sư phạm (được tính bằng 2 đơn vị học trình) là một hình thức bài tập nghiên cứu đặc trưng. + Khoá luận, luận văn: đều là những công trình NCKH của SV được tiến hành vào năm cuối cùng của khoá học. Thực hiện khoá luận đòi hỏi người học phải vận dụng tổng hợp toàn bộ những hiểu biết chung trong khoá học, đặc biệt là toàn bộ những hiểu biết về một bộ môn nhất định để làm khoá luận. Cao hơn khoá luận, luận văn đòi hỏi người học cùng lúc phải vận dụng hiểu biết của nhiều bộ môn hơn; một mặt nó phải biểu hiện trình độ tổng hợp của người học; mặt khác, nó phải là công trình nghiên cứu cụ thể do thực tiễn đặt ra. Khoá luận có giá trị thay thế cho một môn thi tốt nghiệp, còn luận văn có giá trị thay thế cho tất cả các môn thi tốt nghiệp. 3. Các biện pháp tăng cường bồi dưỡng năng lực NCKH cho sinh viên sư phạm - Nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng của NCKH đối với SV: thông qua công tác tuyên truyền, thông tin, thông báo thường xuyên trên các bản tin của nhà trường, các diễn đàn, hội nghị NCKH SV ... làm cho SV thấy được tầm quan trọng của NCKH đối với việc nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển, hoàn thiện năng lực sư phạm của người giáo viên. - Tổ chức bồi dưỡng phương pháp NCKH cho SV: trang bị phương pháp NCKH (phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể) cho SV ngay từ năm thứ nhất một cách có hệ thống và xuyên suốt quá trình SV học tập ở ĐH. Hiểu và vận dụng thành thạo phương pháp NCKH sẽ giúp SV chủ động, tự tin, mạnh dạn tham gia NCKH với các hình thức và mức độ phù hợp, nâng cao chất lượng công trình NCKH của SV. - Đổi mới phương pháp giảng dạy với tiêu chí “lấy người học làm trung tâm”: giảng viên cần tích cực sử dụng các phần mềm, phương tiện dạy học tiên tiến cùng việc tăng cường các bài tập thực hành trong giờ học nhằm tạo điều kiện cho SV phát triển khả năng tư duy độc lập cũng như dần hình thành các kĩ năng tự học, tự nghiên cứu. - Xây dựng kế hoạch NCKH toàn khoá cho SV: quy định các hình thức nghiên cứu đối với SV trong toàn khoá học thông qua việc thực hiện các bài tập nghiên cứu từ đơn giản đến phức tạp (năm 1, 2 cần áp dụng các hình thức tiểu luận, niên luận. Từ năm thứ 3 trở đi, tăng cường các hình thức nghiên cứu độc lập...), liên tục từ năm thứ nhất đến năm cuối dưới sự hướng dẫn, tổ chức và kiểm soát của giảng viên sẽ dần hình thành ở SV phương pháp tự học, tự nghiên cứu để làm chủ tri thức khoa học. - Đề xuất các chế độ khen thưởng kịp thời đối với SV tham gia NCKH: cần có chế độ khen thưởng kịp thời đối với SV tham gia, đặc biệt là các SV đạt thành tích, cụ thể như: tặng giấy khen, tiền thưởng, cộng điểm thưởng vào điểm trung bình chung học tập của năm học, ưu tiên giữ lại trường những SV có thành tích cao trong NCKH cũng như chuyển tiếp ở các bậc học cao hơn. Kết luận NCKH là bản chất của đào tạo đại học. Bằng nhiều hình thức khác nhau, NCKH sẽ tạo ra những bước đi ban đầu để SV tiếp cận với những vấn đề của thực tế cuộc sống cần phải được lí giải, thông qua đó, rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, từng bước trau dồi phương pháp luận NCKH, biết sử dụng hệ thống lý thuyết, phương pháp nghiên cứu thích hợp để xem xét và giải quyết vấn đề có căn cứ khoa học. Vì vậy, để SV tự tin, chủ động, nhiệt tình tham gia NCKH, việc tăng cường bồi dưỡng năng lực NCKH đối với SV nói chung, SV sư phạm nói riêng là yêu cầu có tính chất khách quan trong công tác đào tạo của các trường đại học và cao đẳng. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế về Nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng, Hà Nội, 2000. Vũ Cao Đàm, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1999. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành TW khoá VIII, 1996. Lưu Xuân Mới, Lý luận dạy học đại học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.
Tài liệu liên quan