Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đã đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá về thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cần thiết, từ đó, bài viết bước đầu đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra động lực phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.

pdf7 trang | Chia sẻ: hadohap | Lượt xem: 592 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
374 THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY TS. Bùi Thanh Tuấn Bộ Công an ThS. Nguyễn Cảnh Dương Bộ Công an Tóm tắt Thời gian qua, Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đã đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá về thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cần thiết, từ đó, bài viết bước đầu đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra động lực phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Từ khóa: Doanh nghiệp; khởi nghiệp; sáng tạo. 1. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sự hỗ trợ của nhà nước Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là khởi nghiệp để thực hiện ý tưởng mới, thực hiện kết quả nghiên cứu; có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc triệt để sử dụng, khai thác kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý mới hay mô hình kinh doanh mới để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hay tạo sản phẩm mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cơ sở tạo nên lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, góp phần tạo công ăn việc làm, làm năng động nền kinh tế trong cơ chế thị trường hay thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sau khi thành công sẽ phát triển nhanh chóng trở thành các doanh nghiệp lớn đem lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Các start-up thường hoạt động dựa trên mô hình kinh doanh có thể “lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng”, hoặc còn gọi là “có tiềm năng tăng trưởng nhanh” về quy mô người dùng, khách hàng hoặc doanh thu, lợi nhuận. Với những doanh nghiệp thành công, quy mô của doanh nghiệp sẽ được mở rộng, dần trở thành các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng nhanh và bền vững của bất cứ nền kinh tế nào. Do đó, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường để một quốc gia phát triển kinh tế nhanh và bền vững. 375 Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường cạnh tranh, khuyến khích sáng tạo và phát triển khoa học - công nghệ, tạo thêm công ăn việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách, từ nhiều thập kỷ trước, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tập trung ưu tiên cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh có yếu tố sáng tạo, sử dụng công nghệ, có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự định hướng tương lai kinh tế số và nhu cầu đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế; đồng thời yêu cầu cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chính phủ các nước trên thế giới đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp, xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã bắt đầu từ hơn 10 năm nay, với việc hình thành một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến Theo đó, cùng với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp và mạng lưới nhà đầu tư cho công ty khởi nghiệp (bao gồm không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà còn các nhà đầu tư nước ngoài) cũng hình thành và phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả, trong đó, nổi bật là vai trò của các cố vấn khởi nghiệp (vốn có từ lâu ở nước ngoài), hoạt động ngày càng chuyên nghiệp ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam xác định, doanh nghiệp trong đó gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Việt Nam đang lỗ lực phấn đấu đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào năm 2020 - điều không hề dễ dàng đòi hỏi sự quyết tâm mạnh mẽ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, Chính phủ đã dành ngày càng nhiều sự quan tâm hơn đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Năm 2016 được xem là năm Khởi nghiệp Quốc gia, mang tính bản lề cho các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp lớn hơn trong tương lai. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, điển hình như: (i) Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm các giải pháp, hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đề án được xem như dấu ấn quan trọng trong chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. (ii) Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được ban 376 hành. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định các nội dung chính về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và có cơ chế cho phép địa phương đối ứng đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo với các quỹ đầu tư tư nhân. Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 cũng đã quy định nội dung cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động, ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, quy định về các hoạt động hỗ trợ từ phía Nhà nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (iii) Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định như: Nghị định số 34/2018/NĐ- CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngoài ra, Chính phủ còn đưa ra các chính sách, thực hiện nhiều chương trình và giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như: Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan; Dự án đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ; Dự án xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức thường xuyên các sự kiện cho khởi nghiệp Techfest, Demoday, HatchFair. 2. Một số nét cơ bản về thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ở Việt Nam đã có sự gia tăng cả về chất và lượng; trong đó số lượng vốn đầu tư cho các start-up đã có sự phát triển liên tục, năm 2016 là 205 triệu USD, tăng 46% so với năm 2015 (137 triệu USD) [3]; năm 2018 đạt 890 triệu USD (gấp 3 lần so với năm 2017). Sự phát triển này cho thấy, hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước, khu vực và trên thế giới, hiện có khoảng hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Các “gã khổng lồ” khởi nghiệp sáng tạo thế giới đều lần lượt tham gia hoặc đang nghiên cứu để tham gia vào thị trường Việt Nam. Điều này đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ mới, kéo theo sự đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước như: đổi mới về dịch vụ của các doanh nghiệp taxi truyền thống, sự ra đời của các sản phẩm nội địa cạnh tranh: GoViet, FastGo Số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tăng, cả nước; theo thống kê của tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (phần đông doanh 377 nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và có công nghệ mới); gần 70 khu không gian làm việc chung; khoảng 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner Nhiều vườn ươm tiêu biểu đã được hình thành như Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội Theo đó, trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp có những thành công ban đầu, dần có kinh nghiệm trong các dự án lớn, phát triển cả trong và ngoài nước. Một số doanh nhân từng làm việc tại các hãng như: FPT, CMC, VSW, Microsoft Vietnam sau khi tích lũy được kinh nghiệm, có nguồn lực đã tách ra, mở công ty, hoạt động có kết quả. Ở nhiều đại học đã hình thành việc hợp tác với doanh nghiệp để phát triển hoạt động khởi nghiệp, như BKHoldings - một công ty thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác với UP - Coworking Space để phát triển không gian làm việc chung Về lý thuyết, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công tăng trưởng nhanh gấp nhiều lần so với doanh nghiệp truyền thống khác. Theo đó, đây sẽ là lực lượng doanh nghiệp tiên phong, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do một số yếu tố: - Nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Theo Tech in Asia3, năm 2017, khu vực Đông Nam Á đã thu hút 7,86 tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp, như vậy số vốn đầu tư Việt Nam thu hút được chiếm tỷ phần rất nhỏ, chưa đến 5%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thấp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kém hiệu quả. Theo thống kê, có khoảng 90% dự án khởi nghiệp thất bại trong những giai đoạn đầu tiên, sau khi hoàn thành nghiên cứu về công nghệ và có những sản phẩm demo (thử nghiệm), do không đủ vốn để tiếp tục phát triển sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường. Các start-up rất khó gọi vốn vì không có tài sản đảm bảo, chưa có sản phẩm - Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong những năm qua không ổn định, thiếu bền vững và phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài; khung pháp lý và chính sách cho việc thành lập cũng như cơ chế vận hành của các vườm ươm vẫn còn những bất cập về nguồn tài chính, phương thức quản lý, các dịch vụ tư vấn hay khó khăn trong tiếp cận đất đai 378 - Các start-up thường có rất ít các kinh nghiệm trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh), bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật), tài chính (tiêu chuẩn kế toán, hóa đơn, kê khai thuế, ưu đãi thuế) [3]. - Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thiếu tính đồng bộ và hệ thống, đan xen trong các chính sách chung hoặc chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngay cả với hoạt động hỗ trợ, triển khai Đề án 844 thì cũng chỉ đang vận dụng theo những quy định hỗ trợ với nội dung và định mức chi còn khoảng cách khá lớn so với thực tiễn triển khai. Nhiều chính sách mới hiện nay chỉ mang tính khuyến khích chung chung. 3. Giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam thời gian tới Thời gian tới, để bắt nhịp với sự chuyển biến nhanh chóng của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, cũng như khắc phục những hạn chế, vượt qua những trở ngại nhằm tiếp tục tạo môi trường phát triển hơn nữa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhất là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam cần phải có lực lượng doanh nghiệp đông và mạnh hơn nữa, phải thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng quốc gia khởi nghiệp; tạo thêm nội dung và động lực mới cho công cuộc đổi mới đất nước. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra động lực phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, cần tập trung vào một số giải pháp sau: Thứ nhất, triển khai có hiệu quả chiến lược khởi nghiệp doanh nghiệp ở cấp quốc gia, cấp ngành và từng địa phương. Đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung về các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh; thông tin thị trường trong và ngoài nước; cập nhật chính sách pháp luật; đào tạo người quản trị, điều hành theo các chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ về chính sách thuế, chính sách đất đai Cụ thể hóa chính sách ưu đãi sản xuất đầu tư sản xuất kinh doanh theo ngành, địa phương phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia. Các chính sách phải thể hiện rõ những ưu đãi cao với lĩnh vực sản xuất, với đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa công nghệ, với hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ các nông sản chủ lực, với hình thành các cụm liên kết công nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp 379 đổi mới sáng tạo. Trong đó, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản bất cập, không còn phù hợp; xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, có trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Tạo môi trường để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên kết, xây dựng nền tảng cho việc tìm kiếm đối tác, nền tảng giao kết và các sự kiện, cổng thông tin ảo Nhà nước tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý thị trường; tiếp tục chú trọng hoàn thiện cơ chế đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hoá dịch vụ và đầu tư vào các nước đã ký các hiệp định thương mại. Từng bước hạn chế, loại bỏ những rào cản gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị toàn cầu, kể cả việc xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thứ ba, đảm bảo duy trì thường xuyên nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng cơ chế kết hợp tài chính từ các ngân hàng với tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có phần góp vốn từ ngân sách nhà nước; hay thành lập các quỹ hỗ trợ thuộc sở hữu của Nhà nước cho giai đoạn đầu khởi nghiệp, vì giai đoạn này mang tính rủi ro cao, các nhà đầu tư bên ngoài ít đầu tư. Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Xây dựng các biện pháp hỗ trợ mang tính miễn trừ, tài trợ bên cạnh biện pháp trợ cấp nhằm cân bằng tài chính, tạo ra nguồn lực dài hạn tiến đến hỗ trợ bền vững cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Miễn thuế thu nhập từ 3 - 5 năm đầu kể từ khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sau đó áp dụng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế suất phổ thông hiện hành đang áp dụng đối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy vườn ươm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tăng tính độc lập và tự chủ tài chính cho các vườn ươm. Phát triển các cơ sở hỗ trợ bằng việc ưu đãi vốn, mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thuế, công nghệ cho các vườn ươm, khu làm việc chung. Thứ tư, quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới không dựa trên giá rẻ mà dựa trên tính sáng tạo, tài sản trí tuệ, công nghệ mới. Do đó, cần quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bảo đảm khả năng phát triển bền vững. Bài học từ Israel, Singapore và các nước khác cho thấy, chính phủ đều quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức độ phạm vi bảo hộ mang tính toàn cầu. Thứ năm, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Với việc xây dựng, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động đối với các ngành thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật, cơ khí và các ngành liên quan đến toán học (STEM) ngày càng lớn. Theo đó, cần thực 380 hiện tổng thể các biện pháp để đổi mới căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo, trong đó gắn giáo dục và đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp; có định hướng rõ rệt ưu tiên về chính sách và các nguồn lực cho các ngành thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật, cơ khí và STEM. Kinh nghiệm của các quốc gia, nhất là Israel, Singapore cho thấy, cần tạo dựng văn hóa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ ngày từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình thành, hun đúc ý chí tự thân lập nghiệp, xây dựng tương lai cho chính mình và vì quốc gia hùng cường./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (số 04/2017/QH14). 2. Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. 3. Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Báo cáo Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội. 4. Võ Trí Thành (2015), Tư duy mới về phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới, sách tham khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 5. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2017), Báo cáo Kinh tế thế giới và Việt Nam 2016 - 2017, Hà Nội.
Tài liệu liên quan