Tiểu luận Quan hệ giao tiếp giữa nhân viên với khách hàng trong kinh doanh du lịch
Tâm lý của con người được hình thành và phát triển thông qua hoạt động và giao tiếp của cá nhân với người khác. Giao tiếp đã trở thành một phương tiện quan trọng không thể thiếu được trong hoạt động kinh doanh du lịch thể hiện trong trao đổi thông tin, hiểu biết, tác động qua lại với nhau giữa du khách và nhà cung ứng dịch vụ du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều như hiện nay, thì việc nghiên cứu hoạt động giao tiếp trong du lịch nói chung và kỹ năng giao tiếp trong hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng có ý nghĩa thiết thực. Trong hoạt động kinh doanh du lịch, người nhân viên phục vụ (hướng dẫn viên, lái xe, nhân viên lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ bàn, bảo vệ, người bán hàng lưu niệm.) là những người tiếp xúc và giao tiếp trực tiếp với khách hàng, có thể là khách tham quan du lịch, khách lưu trú, thực khách trong nhà hàng ăn uống. Đây là hai chủ thể gặp nhau, quan hệ giao tiếp với nhau tạo ra hoạt động mua bán trong các doanh nghiệp du lịch nói chung. Mối quan hệ giao tiếp này đóng vai trò quan trọng trong việc làm thoả mãn hay không nhu cầu của khách hàng đồng thời quyết định tới chất lượng sản phẩm dịch vụ trong kinh doanh du lịch.