Trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, bên cạnh nhân vật Kiên, nhà văn, nổi bật lên hai khuôn mặt nữ, Phương và người đàn bà câm. Cả hai đều giữ vai trò quan trọng trong thế giới tình cảm của Kiên và trong sự nghiệp văn chương của anh. Đặc biệt, cả hai cùng người Hà Nội. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi đề nghị một cách đọc mới cho Nỗi buồn chiến tranh, bằng cách tìm hiểu mối quan hệ giữa Hà Nội - Phụ nữ - Văn học.
Nỗi buồn chiến tranh tràn ngập "những khuôn mặt đàn bà mến thương"[1]. Bảo Ninh, thật vậy, là một trong những nhà văn dành cho phụ nữ một vị trí trang trọng trong tác phẩm của mình. Từ Hơ-bia, Mây, Thơm, ba người con gái trong căn nhà nhỏ giữa rừng khơi dậy tình yêu của toàn tiểu đội, đến Hòa, gốc Hải Hậu - "con gái miền biển làm giao liên đường rừng" - hy sinh năm 1968. Từ Hiền, cô gái phế binh quê Nam Định Chợ Rồng Kiên gặp trong chuyến tàu ngày trở về, đến Lan, người goá phụ trẻ của Đồi Mơ. Tất cả đều dịu dàng như tên gọi của mình - "Hiền", "Hoà" - đều đau thương và đáng mến. Nhưng có lẽ nhân vật nữ đẹp nhất trong Nỗi buồn chiến tranh vẫn là Phương, người con gái Hà Nội. Hà Nội, bởi thành phố của tuổi thơ và tình yêu tuổi mười bảy không thể tồn tại mà không có Phương. Hình ảnh của Phương gắn liền với mọi kỷ niệm của Kiên về Hà Nội. Kỷ niệm lần đầu đi tàu điện ra ngoại ô thành phố, trong một toa tàu bỏ không, "hai cánh tay trần của cô bé quàng lên cổ thằng bạn trai cùng tuổi mười ba, và tới tấp cô hôn lên má " (tr.180). Kỷ niệm buổi chiều mùa hạ 1965, sau sân trường Bưởi, "hai đứa bơi sóng đôi mỗi lúc một xa bờ" (tr.129). Phương, đối với Kiên, vừa là bạn, vừa là người yêu, nhưng cũng vừa là mẹ. Mẹ, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì Kiên, không những mất mẹ từ sớm, mà còn không yêu thương gì người phụ nữ đã sinh ra mình - "về mẹ thì Kiên lại càng biết ít hơn", "bóng hình của mẹ chỉ còn sơ sài ở vài tấm ảnh" (tr.61) - đã tìm thấy trong Phương một cái gì đó tương tự như tình mẫu tử. Phương và Kiên, mẹ và con. Đoạn tả Phương và Kiên bên hồ Tây của tuổi mười bảy mang đậm thứ tình cảm này: "Kiên gối đầu lên tay cô, áp chặt mình vào cô. Như một cậu bé con ( ) cô như một người chị, một người mẹ trẻ, cô lùa tay vào tóc anh vuốt nhè nhẹ và thì thầm kể chuyện về người cha của anh ( ) Kiên không nhận thấy là miệng mình đã ngậm chặt vào đầu vú Phương còn thành thạo hơn một chú bé con. Anh mút nhè nhẹ thoạt tiên là như thế, như thuở mới ra đời người ta bú" (tr.152).
50 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 7037 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh - Tài liệu tham khảo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Mục lục
Về nhân vật Phương, người phụ nữ Hà Nội,
và chủ đề văn học trong Nỗi buồn chiến tranh 2
Nỗi buồn chiến tranh viết về chiến tranh thời hậu chiến,
Từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp 7
1. Từ những thách thức của lối viết. 9
2. Những mạch ngầm văn bản. 10
3. Thế giới nhân vật - biểu tượng và ý nghĩa. 12
4. Cái nhìn mới về hiện thực chiến tranh và con đường mới viết về chiến tranh trong thời hậu chiến. 17
Nỗi buồn chiến tranh: Tự truyện bất thành 20
1. Tự truyện là gì? 21
2. Nỗi buồn chiến tranh, từ ký ức đến sáng tạo 23
3. Số phận của một bản thảo 28
Bảo Ninh và nỗi ám ảnh về chiến tranh 30
2. Hàng loạt các vấn đề đổi mới trong văn học (sau 1986), chiến tranh và thân phận con người trong chiến tranh được nhìn nhận lại. 30
3. Chọn Kiên - hình tượng người lính 31
4. Đặt Kiên - nhân vật trung tâm trong cái nhìn đa chiều 33
5. Với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã vượt lên một số nhà văn cùng thời về kỹ thuật tiểu thuyết... 33
Nỗi buồn chiến tranh đến từ đâu 34
Nỗi buồn chiến tranh không phải chỉ là một tác phẩm viết về chiến tranh 36
Nỗi buồn chiến tranh là hòa âm tuyệt diệu của những giọng nói đa thanh, nhưng trên hết, là tác phẩm bỏ ngỏ của một nhà văn vô danh 39
Nỗi buồn chiến tranh không phải không chịu ảnh hưởng của một số tác phẩm khác 40
Vài nét về cái cao cả trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 41
Văn học đề tài chiến tranh, sự thiếu hụt về lực lượng và tác phẩm 47
1.Viết về chiến tranh sâu sắc, điềm tĩnh hơn. 47
2. Cảnh báo về thiếu hụt lực lượng và tác phẩm 48
Về nhân vật Phương, người phụ nữ Hà Nội, và chủ đề văn học trong Nỗi buồn chiến tranh
Đoàn Cầm Thi
«… Em vẫn đạp xe ra phố
Anh vẫn tìm âm thành mới"
Nhớ Hà Nội – Hoàng Hiệp
Trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, bên cạnh nhân vật Kiên, nhà văn, nổi bật lên hai khuôn mặt nữ, Phương và người đàn bà câm. Cả hai đều giữ vai trò quan trọng trong thế giới tình cảm của Kiên và trong sự nghiệp văn chương của anh. Đặc biệt, cả hai cùng người Hà Nội. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi đề nghị một cách đọc mới cho Nỗi buồn chiến tranh, bằng cách tìm hiểu mối quan hệ giữa Hà Nội - Phụ nữ - Văn học.
Nỗi buồn chiến tranh tràn ngập "những khuôn mặt đàn bà mến thương"[1]. Bảo Ninh, thật vậy, là một trong những nhà văn dành cho phụ nữ một vị trí trang trọng trong tác phẩm của mình. Từ Hơ-bia, Mây, Thơm, ba người con gái trong căn nhà nhỏ giữa rừng khơi dậy tình yêu của toàn tiểu đội, đến Hòa, gốc Hải Hậu - "con gái miền biển làm giao liên đường rừng" - hy sinh năm 1968. Từ Hiền, cô gái phế binh quê Nam Định Chợ Rồng Kiên gặp trong chuyến tàu ngày trở về, đến Lan, người goá phụ trẻ của Đồi Mơ. Tất cả đều dịu dàng như tên gọi của mình - "Hiền", "Hoà" - đều đau thương và đáng mến. Nhưng có lẽ nhân vật nữ đẹp nhất trong Nỗi buồn chiến tranh vẫn là Phương, người con gái Hà Nội. Hà Nội, bởi thành phố của tuổi thơ và tình yêu tuổi mười bảy không thể tồn tại mà không có Phương. Hình ảnh của Phương gắn liền với mọi kỷ niệm của Kiên về Hà Nội. Kỷ niệm lần đầu đi tàu điện ra ngoại ô thành phố, trong một toa tàu bỏ không, "hai cánh tay trần của cô bé quàng lên cổ thằng bạn trai cùng tuổi mười ba, và tới tấp cô hôn lên má…" (tr.180). Kỷ niệm buổi chiều mùa hạ 1965, sau sân trường Bưởi, "hai đứa bơi sóng đôi mỗi lúc một xa bờ" (tr.129). Phương, đối với Kiên, vừa là bạn, vừa là người yêu, nhưng cũng vừa là mẹ. Mẹ, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì Kiên, không những mất mẹ từ sớm, mà còn không yêu thương gì người phụ nữ đã sinh ra mình - "về mẹ thì Kiên lại càng biết ít hơn", "bóng hình của mẹ chỉ còn sơ sài ở vài tấm ảnh" (tr.61) - đã tìm thấy trong Phương một cái gì đó tương tự như tình mẫu tử. Phương và Kiên, mẹ và con. Đoạn tả Phương và Kiên bên hồ Tây của tuổi mười bảy mang đậm thứ tình cảm này: "Kiên gối đầu lên tay cô, áp chặt mình vào cô. Như một cậu bé con (…) cô như một người chị, một người mẹ trẻ, cô lùa tay vào tóc anh vuốt nhè nhẹ và thì thầm kể chuyện về người cha của anh (…) Kiên không nhận thấy là miệng mình đã ngậm chặt vào đầu vú Phương còn thành thạo hơn một chú bé con. Anh mút nhè nhẹ thoạt tiên là như thế, như thuở mới ra đời người ta bú" (tr.152).
Nhưng rất nhanh, nhạt dần những đức tính mang Phương lại gần hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam trong văn học, nhường chỗ cho một Phương hoàn toàn khác. Như là một lời từ chối. Từ chối là người đàn bà truyền thống, nhút nhát, rụt rè, cam chịu. Phương của Nỗi buồn chiến tranh yêu và bầy tỏ tình yêu của mình. Các cô gái Hà Nội của Nỗi buồn chiến tranh có một vẻ đẹp riêng. Cả Phương và Hạnh đều có "dáng đi mềm mại đung đưa toàn thân". Một vẻ đẹp đánh thức tình yêu. Một vẻ đẹp đồng nghĩa với tình yêu. Phương, như Hà Nội của Kiên, chỉ đẹp vào buổi đêm. Khi Phương xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết, đó là một cảnh khuya, Kiên trở về sau bao năm chiến tranh: "căn nhà tối sẫm (…) Một phụ nữ bận chiếc áo ngủ sáng màu". Phương từ chối là người phụ nữ hiện đại, những gương mặt "điển hình" - "trung hậu đảm đang" - nhan nhản trong Nỗi buồn chiến tranh và văn học đương thời. Phương từ chối làm "người đàn bà đoan trang mẫu mực", làm người vợ thuỷ chung của Kiên sau chiến tranh, mà như một cái bẫy cuộc đời chăng ra để chờ cô. Phương từ chối trở thành người con gái "đẹp người đẹp nết" như người ta trông đợi – "cô gái của ông chẳng những đẹp người mà tính nết lại rất dễ thương" (tr.274), lời một người lính nói với Kiên về Phương sau bảy năm gặp gỡ. Phương từ chối theo hai con đường duy nhất mở ra cho các cô thanh nữ cùng thời: vào đại học hay đi thanh niên xung phong (như Hạnh, cô hàng xóm). Phương từ chối trở thành "một dạng thánh nhân", "một thiên tài âm nhạc" như mẹ cô tiên đoán.
Phương chối từ, Phương phản kháng. Nhưng phải chăng chất phản kháng không là điểm độc đáo nhất trong nhân vật nữ này của Bảo Ninh?
Người đọc luôn ngạc nhiên trước sự bướng bỉnh của Phương. Trong khi cả sân trường Bưởi nô nức bởi cuộc chiến mới bắt đầu, phản ứng của Phương là "kệ". Trong khi Kiên còn đang sững sờ trước những bất hạnh đã xảy ra với cô trong chuyến tàu đêm 1965, Phương "đàng hoàng thản nhiên". Phương bướng bỉnh không chỉ trong cá tính mà còn trong cách nhìn cuộc sống. Nét bướng bỉnh đó, theo tôi, là dấu hiệu của tính độc lập, hơn nữa, của sự sáng suốt. Thật thế, Phương luôn tỏ ra sáng suốt trong cách nhìn nhận về chiến tranh và nghệ thuật. Chẳng phải chính Phương đã báo trước Kiên, chàng trai mười bảy tuổi đang say mê cuộc chiến đến "đứng ngồi không yên": "Em nhìn thấy tương lai. Đây là sự đổ nát, sự thiêu huỷ"? Chẳng phải chính Phương là người gần gũi nhất với cha Kiên – người hoạ sĩ bị vợ con ruồng bỏ, cơ quan kỷ luật vì không muốn nghệ thuật của mình trở thành một thứ nô lệ cho lập trường giai cấp? Có lẽ Phương không hoàn toàn hiểu hết tranh ông, nhưng cô hiểu nghệ thuật của ông, yêu ông và đồng loã với ông. Trong đêm trước khi ông qua đời, chính Phương là người làm chứng duy nhất cho cảnh người hoạ sĩ tự đốt đi những bức tranh của mình, một "nghi lễ cuồng tín, man rợ, dấy loạn". Nhưng phải chăng không thể hiểu sự đồng loã này của Phương như một thái độ thụ động và bi quan đối với nghệ thuật?
Vì vậy tôi đề cập ở đây một nhân vật nữ khác của Nỗi buồn chiến tranh, ít được miêu tả bằng Phương, nhưng giữ một vai trò không kém phần quan trọng trong tác phẩm, đó là người phụ nữ câm. Phương giống chị ở chỗ cả hai cùng bị cuốn hút bởi nghệ thuật, Phương bởi những bức tranh của cha Kiên - "cô như thể bị thu mất hồn" (tr.142), chị bởi những câu chuyện của Kiên - "tất cả những lời lẽ rối mù ấy của anh đối với chị mỗi ngày một thêm quyến rũ, như là bùa ngải, như là phép chài ếm" (tr.120). Bên cạnh những người phụ nữ không có khả năng hiểu nghệ thuật như mẹ Kiên, một đảng viên "trí thức mới", hay ngay cả mẹ Phương, một giáo viên âm nhạc trong sạch nhưng yếu đuối, Phương và người phụ nữ tật nguyền này thật tuyệt vời, ở tình yêu đối với nghệ thuật và lòng can đảm bảo vệ nó. Nhưng nếu Phương là người nhóm lửa để đốt đi những bức tranh của cha Kiên, người đàn bà câm, ngược lại, ngăn hành động thiêu huỷ của Kiên. Chính chị cũng là người duy nhất nghĩ đến việc cất giữ bản thảo của anh và tìm cách đưa tác phẩm đến với độc giả. Nếu như chúng ta phải thấy trong hình ảnh Phương nằm bên bờ Hồ Tây kể cho Kiên nghe về cha anh - "giọng Phương đều đều ngái ngủ hệt như giọng một người mẹ kể chuyện cổ tích trong màn", một người đã tạo cho Kiên, nhà văn tương lai, niềm cảm xúc văn học đầu tiên, nếu như đối với Kiên, Phương là một nàng thơ - "tất cả những nhân vật nữ mà anh say mê trong sáng tác của mình rút cục vẫn chỉ là những giấc mơ về Phương", cô không bao giờ tồn tại với tư cách là "bạn thơ" của anh. Giữa Phương và Kiên vẫn tồn tại một khoảng cách. Khoảng cách đó là sự "tránh hàn huyên về mười năm chiến tranh của nhau". Không kể hay không thể kể? Theo tôi, vết nứt trong tình cảm của hai người, chúng ta phải tìm nó từ rất xa kia, từ trong mối gắn bó đặc biệt giữa Phương và cha Kiên. Nhưng có lẽ cũng không nên quên, để giải thích mối chia rẽ này, sự kiện xảy ra trong chuyến tàu tai họa năm 1965, đoàn tàu đưa Phương và Kiên cùng lúc vào hai cuộc chiến, của cả dân tộc và giữa hai cá nhân. Phương của cái đêm lạc Kiên, bị hiếp và cuối cùng bị Kiên bỏ rơi, nếu không hoàn toàn giải thích, thì cũng báo trước được Phương của ngày trở về. Đó là nét gạch nối giữa Phương ngây thơ trước chiến tranh và Phương lạnh lùng ngày hậu chiến.
Khoảng cách giữa Kiên nhà văn và Phương nàng thơ sẽ được lấp đầy bởi người đàn bà câm. Chỉ với người phụ nữ này Kiên mới có thể kể về cha anh, về thời thơ ấu, về cuộc chiến tranh mà anh đã trải qua, về cuốn sách mà anh đang viết. Hơn thế nữa, người kể người nghe "tay trong tay" (tr.119). Trong quan hệ bộ ba này, ngoài hình tam giác : Kiên (nhà văn), Phương (nàng thơ), người đàn bà câm (bạn thơ), dường như còn tồn tại một tam giác khác, xoay quanh mối ràng buộc của họ với quá khứ : Kiên (nhớ), Phương (quên), người đàn bà câm (sự im lặng).
Quá khứ, quên hay nhớ? Đó là câu hỏi của cả Kiên và Phương. Phương bỏ Kiên ra đi cũng chỉ vì muốn quên – "Em đi (…) chỉ xin anh một điều là hãy quên…", Phương viết cho Kiên trong bức thư cuối (tr.163). Và nhiều lần trước nữa, Phương đã bảo Kiên : "Quên hôm qua đi" (tr.263). Tuy nhiên, đằng sau niềm khao khát muốn quên, phải chăng không ẩn dấu một lời thú nhận: "Tôi chẳng thể quên"? Phương không nói đó sao: "Ký ức chẳng buông tha"? Còn sự im lặng của người đàn bà câm, lẽ nào đó là một sự im lặng thực sự, một sự im lặng có ý thức? Nếu đúng, thì làm sao giải thích được các hành động của chị: tham dự vào hành trình tìm về dĩ vãng của Kiên, ngăn cản anh đốt bản thảo, lưu giữ và tạo điều kiện cho tác phẩm ra đời? Và lại, nơi chị ở, tầng ba, trong một căn phòng áp mái, trước khi trở thành kho chứa những trang viết của Kiên, đã là nơi cha anh vẽ. Căn phòng đó, tự nó đã chẳng là một nơi đầy ắp kỷ niệm? Bởi vì chính Kiên đã từng nói: "Chị giúp tôi nhớ lại (…) nhớ lại tất cả (…) Bắt đầu từ căn tầng thượng này" (tr.119). Phải chăng sự im lặng nhiều khi không hiệu nghiệm hơn lời nói? Im lặng để hiểu nhau hơn. Hiểu nhau trong sự im lặng.
Đối với Kiên, câu trả lời ngày càng trở nên rõ ràng. Nếu như hồi đầu giải ngũ, khi nghe người lái xe trở hài cốt những người tử trận kể về ước mơ của mình: "Tôi sẽ vác đàn đi hát rong. Hát rong và kể chuyện (...) và sau đó tôi sẽ hát cho mọi người nghe bài ca kinh hoàng về thời đại chúng tôi" (tr.46), Kiên cười là "cải lương lắm (...) Phải kêu gọi mọi người hãy quên đi", Kiên của ngày hoà bình khẳng định : "Phải viết thôi. Viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống" (tr.165).
Viết để giúp con người không quên quá khứ và hiểu được tương lai. Viết để trần tình cho những kẻ không bao giờ còn nói được - cha, mẹ, dượng, những đồng đội đã vĩnh viễn ra đi. Viết để nói hộ những kẻ không thể nói thành lời: không phải ngẫu nhiên mà có tới hai người phụ nữ câm trong Nỗi buồn chiến tranh - người thiếu phụ hàng xóm và cô y tá năm nào. Phương cũng càng ngày càng chốn vào im lặng. Kiên chỉ nói sau khi đã phục rượu cho mình. Viết cho người khác và cho bản thân mình. Sự khao khát viết của Kiên bộc lộ một nhu cầu giao tiếp. Giao tiếp giữa tác giả và độc giả. Giao tiếp giữa tác giả và những cái "tôi" của mình. Phải chăng đó không phải là nhiệm vụ của văn học, nhiệm vụ mà nhiều lần trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh gọi là "mệnh trời" hay "thiên mệnh"?
Viết về chiến tranh, viết về lịch sử, không phải trong khung cảnh huy hoàng của nó, với những tình cảm "thiêng liêng", "lớn lao", hay "vui sướng của kẻ thắng trận", mà về những người bình thường với những nỗi niềm, nỗi đau của họ. Đó là quan niệm của Bảo Ninh về văn học. Nỗi buồn chiến tranh là một sự phủ nhận. Hay nói rõ hơn, cũng như các nhân vật của nó - những nhân vật phủ nhận : Phương đã đành, Kiên cũng không sẵn sàng theo con đường đã mở cho anh: vào đại học, sống những niềm vui nhạt nhẽo của đời hậu chiến - cả tiểu thuyết của Bảo Ninh là một sự phủ nhận. Về hình thức và nội dung. Về hình thức, Nỗi buồn chiến tranh được đánh dấu bởi "sự mất bố cục, sự thiếu mạch lạc, trang nào cũng hầu như trang đầu, trang nào cũng hầu như trang cuối" (tr.279), nó "buông lơi cốt truyện truyền thống" (tr.52). Còn về nội dung, từ chối kể một thời thơ ấu với "đại loại tôi sinh ra và lớn lên. Cha mẹ tôi lúc sinh thời..." (tr.60), như lúc đầu dự định, Nỗi buồn chiến tranh muốn kể "một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể đó là cuộc chiến tranh của riêng anh" (tr.53).
Nhưng đó là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hay "thiên truyện đầu tay" của Kiên? Bảo Ninh có phải là Kiên?
Nỗi buồn chiến tranh được viết với một niềm say mê, đúng hơn là đam mê, và mạnh mẽ đến nỗi người đọc tự cho phép hiểu rằng đây, nếu như không phải là một tự truyện, thì ít nhất cũng chứa đựng nhiều chi tiết có tính chất tự truyện. Độc đáo hơn nữa, nhân vật chính của Nỗi buồn chiến tranh lại là một nhà văn, với những lo âu của cuộc sống và của nghiệp cầm bút. Vì vậy, theo tôi, bên cạnh hai chủ đề chính là tình yêu và chiến tranh, một chủ đề nữa, bao trùm lên tác phẩm, vẫn là văn học. Trong Nỗi buồn chiến tranh, những tứ văn đẹp nhất, đầy đắm say và khát vọng, thường dành cho tình yêu sáng tạo : “Kiên buông bút, đưa tay tắt ngọn đèn bàn khẽ ẩy ghế ra, đứng dậy, lặng lẽ đến bên cửa sổ. Trong phòng rất lạnh nhưng anh thấy tức thở, oi bức, khó chịu như thể đang trước một cơn giông giữa một đêm hè. Cảm giác không toại nguyện đắng ngắt (...) Anh viết ra dường như chỉ để mà huỷ (...) Anh viết, anh chờ đợi, rồi lại viết, lại chờ đợi, nôn nóng, căng thẳng, đầy những khích động thái quá của nội tâm (...) Tuy nhiên từ khi bắt tay vào tiểu thuyết tâm trạng Kiên như mấp mé bờ vực. Bên cạnh niềm hy vọng và lòng tin vào thiên chức của mình, anh như luôn ngờ vực sự sáng suốt của chính mình... ” (tr.51-52). Tiểu thuyết của Bảo Ninh là một dòng chảy không ngừng của trăn trở, kiếm tìm và niềm thôi thúc viết : “Phải viết thôi! Đời anh từ bấy lâu nay còn gì hơn là viết... ” (tr.164). “Đấy, cần phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho có thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng thì quá khứ và quá khứ của quá khứ” (tr.59).
Cũng như Các từ của Jean-Paul Sartre, Tuổi thơ của Nathalie Sarraute hay Người tình của Marguerite Duras, Nỗi buồn chiến tranh có thể được đọc như tự truyện của một nhà văn, tác phẩm trong đó văn học đi tìm lý do tồn tại của chính mình. Câu hỏi lớn nhất vẫn là: “Tại sao tôi viết?” hay đúng hơn : “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?”, “Đâu là con đường đã dẫn tôi đến văn học?”.
Cuối cùng, Nỗi buồn chiến tranh, theo tôi, nên được đọc như một tiểu thuyết mà khởi điểm là sự chia ly, sự chết chóc, của người mình yêu, của cha, của mẹ, của đồng đội, nhưng mục đích chính vẫn là niềm tin hàn gắn, với người con gái bị bỏ rơi, với người cha không được hiểu, người mẹ không được yêu, với người sống và người chết, với chiến tranh và hoà bình, với quá khứ và tương lai.
Với Hà Nội, thành phố quê hương nhiều lần buộc phải rời xa.
NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
VIẾT VỀ CHIẾN TRANH THỜI HÂU CHIẾN
TỪ CHỦ NGHĨA ANH HÙNG ĐẾN NHU CẦU ĐỔI MỚI BÚT PHÁP
Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn
Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo[1]
L'écrivain est au service de ceux qui subissent l'histoire[2]
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một tác phẩm có số phận đặc biệt. Xuất bản lần đầu tiên năm 1990 với tiêu đề do các biên tập viên nhà xuất bản Hội nhà văn lựa chọn - Thân phận của tình yêu - chỉ một năm sau đó, cuốn sách đầu tay của nhà văn cựu chiến binh thuộc thế hệ sinh viên đầu tiên của Trường viết văn Nguyễn Du được tái bản với tiêu đề của chính tác giả - Nỗi buồn chiến tranh. Cũng trong năm đó, cuốn sách được giải thưởng của Hội nhà văn, một trong những giải thưởng văn chương quan trọng nhất ở Việt Nam. Khác với những tiểu thuyết khác cùng được trao giải trong năm này (Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồngNỗi buồn chiến tranhIndependent, một trong những nhật báo có uy tín của nước Anh đã nhận xét về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh : "Vượt ra ngoài sức tuởng tượng của người Mỹ, Nỗi buồn chiến tranh đi ra từ chiến tranh Việt Nam đã đứng ngang hàng với cuốn tiểu thuyết chiến tranh vĩ đại của thế kỷ, Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque(...). Một cuốn sách viết về sự mất mát của tuổi trẻ, cái đẹp, một câu chuyện tình đau đớn...một thành quả lao động tuyệt đẹp". Hơn mười năm sau lần xuất bản đầu tiên, năm 2003, cuốn sách của Bảo Ninh lại lặng lẽ được tái bản và xuất hiện trong đời sống văn học ở Việt Nam : với tiêu đề Nỗi buồn chiến tranh (NXB Hội nhà văn, trong tuyển tập Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới - một sự thừa nhận ?) và Thân phận của tình yêu (NXB Phụ nữ). Lặng lẽ bởi ngoài các mục tin sách và thống kê doanh thu sách bán chạy của một vài tờ báo, cuốn sách hoàn toàn vắng bóng trong đời sống phê bình báo chí và đại học. Như vậy là gần mười lăm năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, những câu hỏi đặt ra từ chính tác phẩm dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ. Là một cuốn tiểu thuyết về tình yêu bi thảm trong chiến tranh - về Thân phận của tình yêu- hay là một tiểu thuyết về Nỗi buồn chiến tranh - những suy nghiệm của một cá nhân, một nhân vật có vấn đề (un héros problematique - khái niệm của Lukacs) về thực tại lịch sử? Là một cách tân nghệ thuật dẫn tới một độ chênh với "tầm đón nhận" của công chúng và giới phê bình hay là một cuốn sách suy đồi về chiến tranh? Những câu hỏi vẫn còn đó và trong tất cả mọi trường hợp, sự im lặng hay lảng tránh không phải là một câu trả lời lý tưởng. H.G. Gadamer từng khẳng định : "Chúng ta chỉ thực sự hiểu một văn bản nếu chúng ta thực sự đã hiểu câu hỏi mà văn bản đó trả lời"[3].
Trước một hiện tượng văn học phức tạp như Nỗi buồn chiến tranh, chúng tôi giả định một cách đọc của riêng mình, ngõ hầu có thể chạm được đến bản chất của tác phẩm, chạm đến "câu hỏi mà văn bản đó trả lời" cũng như những câu hỏi đặt ra từ chính tác phẩm. Sự bùng nổ của những trường phái phê bình trong thế kỷ XX, đặc biệt ở các nước phương Tây, mở ra cho người nghiên cứu muôn vàn những ngả đường dẫn đến tác phẩm văn học. Dẫu vậy, cũng chính sự bùng nổ đó cũng khẳng định một thực tế : không một phương pháp nào có đủ khả năng trả lời được đầy đủ các câu hỏi đặt ra từ văn bản. Trước thực tế đó, một mặt cách đọc của chúng tôi sẽ đi thẳng vào tháo dỡ cấu trúc hình thức và từ đó khôi phục lại trường ngữ nghĩa của văn bản tiểu thuyết.
Đồng thời, xuất phát từ một lối "đọc sâu" (close reading) cấu trúc văn bản chúng tôi đề xuất một thao tác đọc liên văn bản (intertextualité) tiểu thuyết của Bảo Ninh trong hệ thống sáng tác của chính anh và trong đời sống văn chưong giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới, đặc biệt, trong sự đối chiếu với những cây bút tiêu biểu của văn học chiến tranh thập niên 80 (Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu...). Với một cách đọc như vậy, chúng tôi