Tóm tắt:
Sự phát triển của tin học và hệ thống mạng toàn cầu (Internet) đã kéo theo sự ra đời
của hàng loạt các trang mạng xã hội. Hiện nay, trang mạng xã hội có tên “Facebook”
được ưa chuộng hơn cả. Trên mỗi trang mạng xã hội, chủ nhân của những “tài khoản cá
nhân” có thể tự do thực hiện hành động giao tiếp và tự do thể hiện những cảm xúc, tâm
trạng của mình.
Tình thái từ đóng một vai trò rất quan trọng trong phát ngôn. Nó giúp chủ thể thể
hiện cảm xúc, tâm tư, tình cảm của mình với người tiếp nhận, với hiện thực khách quan,
và xây dựng các quan hệ giao tiếp. Trên trang mạng xã hội Facebook, tình thái từ được sử
dụng với tần số cao, phân bố ở hầu hết các tiểu loại.
Qua khảo sát trên 100 trang mạng Facebook, bài viết đã chỉ ra những đặc điểm cơ
bản của hệ thống tình thái từ và các tiểu loại của nó, mức độ sử dụng và ý thức sử dụng
nhóm từ này của các chủ thể phát ngôn. Ngoài ra, bài viết còn góp thêm những minh
chứng cho thấy sáng tạo từ theo những sở thích cá nhân có thể làm cho tiếng Việt mất đi
sự trong sáng. Vì vậy, cần phải có những quy ước nhất định cho việc sử dụng tình thái từ
nói riêng và sử dụng ngôn ngữ nói chung trên các trang mạng xã hội.
10 trang |
Chia sẻ: anhquan78 | Lượt xem: 827 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình thái từ trên trang mạng xã hội Facebook, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1
TÌNH THÁI TỪ TRÊN TRANG MẠNG XÃ HỘI FACEBOOK
ThS. Nguyễn Thị Trà My, Trương Thị Hoa1
Tóm tắt:
Sự phát triển của tin học và hệ thống mạng toàn cầu (Internet) đã kéo theo sự ra đời
của hàng loạt các trang mạng xã hội. Hiện nay, trang mạng xã hội có tên “Facebook”
được ưa chuộng hơn cả. Trên mỗi trang mạng xã hội, chủ nhân của những “tài khoản cá
nhân” có thể tự do thực hiện hành động giao tiếp và tự do thể hiện những cảm xúc, tâm
trạng của mình.
Tình thái từ đóng một vai trò rất quan trọng trong phát ngôn. Nó giúp chủ thể thể
hiện cảm xúc, tâm tư, tình cảm của mình với người tiếp nhận, với hiện thực khách quan,
và xây dựng các quan hệ giao tiếp. Trên trang mạng xã hội Facebook, tình thái từ được sử
dụng với tần số cao, phân bố ở hầu hết các tiểu loại.
Qua khảo sát trên 100 trang mạng Facebook, bài viết đã chỉ ra những đặc điểm cơ
bản của hệ thống tình thái từ và các tiểu loại của nó, mức độ sử dụng và ý thức sử dụng
nhóm từ này của các chủ thể phát ngôn. Ngoài ra, bài viết còn góp thêm những minh
chứng cho thấy sáng tạo từ theo những sở thích cá nhân có thể làm cho tiếng Việt mất đi
sự trong sáng. Vì vậy, cần phải có những quy ước nhất định cho việc sử dụng tình thái từ
nói riêng và sử dụng ngôn ngữ nói chung trên các trang mạng xã hội.
Từ khóa: Tình thái từ, ngôn ngữ, Facebook.
1 Khoa Văn- Xã hội, Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên
Email: tramy.vnnn@gmail.com, doublebear0710@gmail.com
ĐT: 0983. 732. 638
2
Dẫn nhập
Xã hội ngày càng phát triển, ngôn từ không chỉ là phương tiện quan trọng được sử
dụng trong giao tiếp, mà nó còn là phương tiện đặc biệt quan trọng để biểu đạt suy nghĩ,
tâm trạng, cảm xúc của con người. Tình thái từ là một phương tiện ngôn từ đắc lực thực
hiện chức năng đó.
Sự phát triển của tin học và hệ thống mạng toàn cầu (Internet) đã kéo theo sự ra đời
của hàng loạt các trang mạng xã hội. Hiện nay, trang mạng xã hội “Facebook” được ưa
chuộng hơn cả. Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi nhận thấy ở phương diện ngôn từ, tình
thái từ được sử dụng một cách khá phổ biến và hiệu quả. Trong khuôn khổ bài viết,
chúng tôi muốn làm rõ hơn về các loại tình thái từ (ba tiểu loại: tiểu từ tình thái, trợ từ
nhấn mạnh và thán từ) trong ngôn ngữ mạng xã hội. Từ đó làm rõ phần nào tình hình sử
dụng tình thái từ trên mạng xã hội Facebook của bộ phận giới trẻ hiện nay.
Nội dung
Tình thái từ là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến,
câu cảm thán và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người nói. Theo tác giả Bùi Minh
Toán, tình thái từ được chia làm ba loại là trợ từ nhấn mạnh, tiểu từ tình thái và thán từ.
Chúng tôi tiến hành khảo sát các tình thái từ thuộc các tiểu loại nói trên ở 100 trang mạng
xã hội Facebook và thu được kết quả sau:
1. Các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái
Bảng 1: Bảng khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trên trang mạng xã
hội Facebook
STT Các phương tiện biểu thị ý
nghĩa tình thái
Số từ Số lần xuất
hiện
Tỉ lệ
(%)
1 Trợ từ nhấn mạnh 11 584 17,85 %
2 Tiểu từ tình thái 52 1713 52,37 %
3 Thán từ 28 974 29,78 %
Tổng 91 3271 100 %
3
Qua bảng khảo sát, có thể thấy:
- Tiểu từ tình thái được các chủ thể phát ngôn sử dụng nhiều nhất. Có 52 tiểu từ
tình thái khác nhau với tổng số lượt xuất hiện là 1713 lượt, chiếm 52, 37% tổng số từ tình
thái được sử dụng. Đó là các tiểu từ tình thái như: chà, thế là, vậy thôi, a, à, đi, đó, chứ,
nha, nhá, này, nhé, nhỉ(bao gồm cả các tiểu từ tình thái đứng đầu và đứng cuối phát
ngôn). Tiểu từ tình thái là thành phần quan trọng nhất để tạo các hành vi ngôn ngữ khác
nhau. Tiểu từ tình thái đồng thời cũng là phương tiện đắc lực nhất để phân biệt các kiểu
phát ngôn khác nhau.
- Thán từ có mức độ sử dụng cao thứ hai với 28 từ khác nhau, tương đương 974
lượt trong phát ngôn, chiếm khoảng 29, 78% tổng số từ tình thái. Ví dụ: ờ, thưa, vâng, ừ,
ơi, ối giời ơi, chết rồi, trời ơi, chao ôi, eo ôi, ối, ôi dào, hi hi, he he, hu hu
- Trợ từ nhấn mạnh gồm 11 từ được sử dụng khoảng 584 lần và chiếm khoảng 17,
85% tổng số tình thái từ. Ví dụ: đã, mới, ngay cả, cả, định, chắc, chỉ, cả thảy,
Các loại từ tình thái có sự chênh lệch khá lớn: loại tiểu từ tình thái chiếm số lượng
cao vượt trội hơn hẳn so với nhóm trợ từ nhấn mạnh và thán từ. Sở dĩ có sự chênh lệch
này bởi lẽ trong ba loại từ tình thái, tiểu từ tình thái bao giờ cũng là thành phần quan
trọng để tạo nên các phát ngôn khác nhau. Trong các phát ngôn phần lớn thường là
những câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu mệnh lệnhmà tiểu từ tình thái là
một phương tiện đắc lực để tạo nên các câu đó.
Các phương tiện biểu thị tình thái không chỉ có chức năng tạo kiểu câu hay bộc lộ
thái độ của người nói đối với hiện thực hoặc người nghe mà chúng còn có chức năng
đánh dấu các hành vi ngôn ngữ, một cách thức biểu hiện có thể ảnh hưởng đến những
sắc thái khác nhau về giao tiếp.
1.1 Trợ từ nhấn mạnh
Bảng 2: Bảng khảo sát các trợ từ nhấn mạnh
STT Trợ từ nhấn mạnh Số lần xuất hiện Tỉ lệ (%)
1 Mới 70 11,99 %
4
2 Ngay 45 7,71 %
3 Chắc 77 13,18 %
4 Đã 90 15,41 %
5 Chính 41 7,02 %
6 Ngay cả 26 4,45 %
7 Cả 49 8,40 %
8 Định 34 5,82 %
9 Chỉ 73 12,50 %
10 Cả thảy 20 3,42 %
11 Mà 59 10,10 %
Tổng 584 100 %
Ngoài việc đảm nhiệm vai trò nhấn mạnh vào một nội dung cần được nhắc đến, trợ
từ nhấn mạnh còn là một phương tiện đắc lực để biểu thị ý nghĩa tình thái, thể hiện thái
độ, tình cảm, tâm trạng của chủ thể phát ngôn đối với sự việc, hiện tượng.
Qua khảo sát trên 100 trang Facebook, chúng tôi thấy chỉ có 11 trợ từ nhấn mạnh
được sử dụng. Tuy chỉ có 11 trợ từ nhưng chúng được sử dụng với tần số rất cao (584
lượt). Sở dĩ các trợ từ nhấn mạnh được sử dụng với tần số cao vì mỗi một trang cá nhân
thuộc quyền sở hữu của một người và họ có thể dùng trợ từ đó để diễn đạt nhiều trạng
thái cảm xúc, tâm trạng, tình cảm,khác nhau. Hay nói cách khác, các trợ từ được sử
dụng với mật độ dày đặc bởi chúng phù hợp để diễn tả tâm trạng, tình cảm, cảm
xúccủa người sử dụng trong nhiều trường hợp. Các trợ từ nhấn mạnh chủ yếu là các từ
đơn như mới, ngay, chắc, đã, chính, cả
Trợ từ nhấn mạnh đã được sử dụng nhiều nhất với 90 lần xuất hiện và chiếm khoảng
15, 41% tổng số các trợ từ nhấn mạnh. Ví dụ: (1) Thế là mọi việc đã xong. (2) Nó đã lấy
chồng. Còn mình thì chưa có người yêu. Trợ từ đã khi được sử dụng thường để nhấn
mạnh, biểu đạt những sự việc hay hiện tượng chắc chắn sẽ xảy ra và trên thực tế là đã xảy
ra trước đó. Ở ví dụ (2), từ đã nhấn mạnh sự việc xảy ra trước đó rằng “nó” lấy chồng.
5
Trợ từ chắc được sử dụng với tần số lớn thứ hai, với 77 lượt xuất hiện và chiếm
khoảng 13, 18% các trợ từ nhấn mạnh. Ví dụ: (1) Chắc cô ấy đang rất buồn. (2) Mình
chắc bị điên mất rồi. Trợ từ chắc thể hiện sự phỏng đoán, nghi ngờ có căn cứ xuất phát từ
sự tò mò, muốn khám phá của chủ thể phát ngôn. Ví dụ (3) là một sự phỏng đoán rằng
“cô ấy” hình như đang rất buồn; ví dụ (4) thể hiện một sự phán đoán mơ hồ rằng “mình”
“bị điên”.
Trợ từ chỉ với 73 lượt xuất hiện và chiếm khoảng 12, 50% các trợ từ nhấn mạnh. Ví
dụ: (1) Từ giờ, tao chỉ có mày là bạn thân. (2) Chỉ anh hiểu em. Hi hi. Từ “chỉ” trong hai
ví dụ (5) và (6) là hai từ diễn tả giới hạn nhất định. “Chỉ” không có nghĩa là nhiều, mà
thậm chí là rất ít, hoặc là một.
Ngoài ba trợ từ nhấn mạnh trên, các trợ từ còn lại được sử dụng với mức độ vừa
phải (mới, ngay, chính, cả, định, mà) và một số trợ từ được sử dụng với mức độ hạn
chế (ngay cả, cả thảy). Nhưng tất cả đều nhằm nhấn mạnh vào một sự việc, hiện tượng
nào đó trong phát ngôn. Những trợ từ nhấn mạnh được sử dụng với tần số cao là những từ
phù hợp để diễn tả tâm lí của chủ thể phát ngôn.
1.2 Tiểu từ tình thái
Tiểu từ tình thái là đơn vị từ vựng không biểu thị nội dung, tính chất của sự vật, hiện
tượng được nói đến mà chỉ biểu thị thái độ của người nói với hiện thực được nói đến
trong câu và người nghe. Tiểu từ tình thái phần lớn có cấu tạo là một âm tiết. Qua khảo
sát, có thể thấy các tiểu từ tình thái được sử dụng nhiều hơn so với các phương tiện biểu
thị ý nghĩa tình thái khác: 52 tiểu từ tình thái với 1713 lượt xuất hiện, chiếm 52, 37%
tổng số các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái .Tiểu từ tình thái có thể đứng ở nhiều vị
trí trong câu. Nó thường đứng ở đầu câu (phát ngôn) và cuối câu (phát ngôn). Thực hiện
đề tài, chúng tôi đã chia tiểu từ tình thái làm hai tiểu loại nhỏ hơn:
- Tiểu từ tình thái đứng đầu phát ngôn
- Tiểu từ tình thái đứng cuối phát ngôn.
1.2.1. Tiểu từ tình thái đứng đầu phát ngôn
Nhóm tiểu từ này tuy số lượng hạn chế nhưng lại được sử dụng với tần số cao trên
trang mạng xã hội Facebook. Chúng tôi khảo sát được 9 từ với 302 lần xuất hiện. Nhóm
6
từ này được tách biệt với các thành phần khác trong phát ngôn bằng dấu phẩy. Ví dụ: (1)
Chà, hôm nay với mình có lẽ là một ngày mệt mỏi. (2) Ơ, tao đâu có chửi mày?
Cũng có những trường hợp, các tiểu từ tình thái này không tách ra khỏi các thành
phần khác trong câu. Ví dụ: (1) Thôi thì chúng ta đành chia tay nhau từ đây. (2) Sao mà
mày ngu thế không biết!
Về mặt ngữ nghĩa, những tiểu từ tình thái đứng đầu câu biểu hiện khá phong phú.
Có thể là biểu thị thái độ ngạc nhiên, có thể biểu thị thái độ nghi vấn; cũng có thể biểu thị
thái độ của người nói đới với hiện thực khách quan. Ví dụ: (1) Ơ, mình bị làm sao ý. Cứ
râm ran trong lòng. (2) A, chị đây rồi! Em thấy chị qua danh sách bạn bè của một người
bạn nữa. (3) Sao không thấy anh buồn bao giờ nhỉ?
Bảng 3: Bảng khảo sát các tiểu từ tình thái đứng đầu phát ngôn
STT Tiểu từ tình thái đứng
đầu phát ngôn
Số lần xuất hiện Tỉ lệ xuật hiện (%)
1 Chà 5 1,66 %
2 Ơ 36 11,92 %
3 Sao 59 19,54 %
4 Thế 20 6,62 %
5 Thế là 43 14,24 %
6 Vậy 20 6,62 %
7 Thôi 39 12,91 %
8 A 61 20,20 %
9 À 19 6,29 %
Tổng 302 100 %
Trong nhóm tiểu từ tình thái đứng đầu phát ngôn, những từ được sử dụng với mức
độ nhiều nhất là các từ như: a, sao, thế là; những từ được sử dụng với mức độ vừa phải
như: ơ, thôi, thế, vậy; những từ được sử dụng ít như: chà, à. Mục đích sử dụng của những
từ này như đã nói: khá phong phú. Nó biểu thị được nhiều sắc thái khác nhau trong các
phát ngôn.
7
1.2.2. Tiểu từ tính thái đứng cuối phát ngôn
Nhóm tiểu từ tình thái đứng cuối phát ngôn chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số
các tình thái từ khảo sát được. Nhóm này có 43 từ với 1411 lần xuất hiện. Trong đó, có
thể xếp chúng vào các nhóm khác nhau có mức độ sử dụng dao động trong các tỉ lệ từ 0 –
5 %. Cụ thể:
- Nhóm các tiểu từ có mức độ sử dụng dao động từ 0 – 1 % gồm các từ: lên, đây rồi,
ấy mà, bỏ xừ, chứ bộ, coi, đó thôi;
- Nhóm các tiểu từ có mức độ sử dụng dao động từ 1 – 2% gồm các từ: thật mà, thế
này, hoài, nào, đấy nhé, đấy hả, đấy à, chưa;
- Nhóm các tiểu từ có mức độ sử dụng dao động từ 2 – 3% gồm các từ: vậy hả, đây,
hết, rồi, quá, này, nhá, nha, kìa, kia, sao, ghê, chứ;
- Nhóm các tiểu từ có mức độ sử dụng dao động từ 3 - 4% gồm các từ: hả, nữa, nhỉ,
hở, với, vậy, đó, đi;
- Nhóm các tiểu từ có mức độ sử dụng dao động từ 4 – 5% gồm các từ: nhé, à, ạ.
Những tiểu từ tình thái đứng cuối phát ngôn chiếm số lượng lớn hơn cả và được sử
dụng nhiều hơn cả bởi lẽ chúng đóng vai trò quan trọng trong việc biểu thị sắc thái tình
cảm của người phát ngôn. Xét về mặt ngữ nghĩa, các tiểu từ tình thái đứng cuối phát ngôn
cũng góp phần thể hiện những sắc thái ngữ nghĩa khác nhau. Đó có thể là sự thắc mắc,
nghi ngờ, là sự phủ định, cũng có thể là sự đồng tình, hoặc phản đốiVí dụ: (1) Tao nói
vậy chẳng lẽ không phải sao? (thể hiện sự thắc mắc, nghi ngờ). (2) Là nó làm mình bực
trước đấy chứ! (khẳng định vấn đề). (3) Em có phải là trẻ con nữa đâu! (phủ định vấn đề).
1.3 Thán từ
Thán từ là lớp từ có chức năng dẫn xuất biểu hiện cảm xúc, biểu lộ trực tiếp thái độ,
tình cảm chủ quan của chủ thể phát ngôn do tác động khách quan. Thán từ có thể là từ có
một âm tiết, cũng có thể là từ có nhiều âm tiết. Cũng giống như tiểu từ tình thái, thán từ
cũng có thể đứng ở vị trí đầu hoặc vị trí cuối của phát ngôn. Tuy nhiên, thán từ đảm
nhiệm nhiều chức năng hơn so với tiểu từ tình thái, nên người ta không phân chi thán từ
thành các tiểu loại thán từ đứng ở đầu phát ngôn hay cuối phát ngôn. Thán từ cũng được
chia làm hai dạng. Cụ thể:
8
- Thán từ gọi đáp
- Thán từ cảm xúc.
1.3.1. Thán từ gọi đáp
Thán từ gọi đáp gồm 5 từ với 115 lần xuất hiện. Thán từ gọi đáp có thể đứng ở đầu
phát ngôn, hoặc cũng có thể là ở cuối phát ngôn. Những thán từ gọi đáp khi đã được sử
dụng luôn luôn mang bóng dáng của những phép lịch sự tối thiểu, hoặc không thì cũng
thể hiện được phần nào tính cách của chủ thể phát ngôn. Ví dụ: (1). Vâng ! Cuộc sống
của tôi là thế đấy. Chưa bao giờ có màu hồng. (2) Ờ. Cứ cho là như vậy đi, vì dù sao điểu
đó cũng chẳng còn quan trọng nữa. (3) Buồn quá mọi người ơi !
Bảng 4: Bảng khảo sát các thán từ gọi đáp
STT Thán từ gọi đáp Số lần xuất hiện Tỉ lệ (%)
1 Ờ 30 26,09 %
2 Thưa 10 8,70 %
3 Vâng 36 31,30 %
4 Ừ 24 20,87 %
5 Ơi 15 13,04 %
Tổng 115 100 %
Qua khảo sát, các thán từ gọi đáp chiếm số lượng ít, chỉ có 5 từ. Tuy nhiên, lượt
xuất hiện trên trang mạng xã hội Facebook của những thán từ này lại khá cao với 115
lượt . Trong số các thán từ gọi đáp trên, thán từ ơi là có mức độ sử dụng ít hơn cả, chỉ có
15 lượt xuất hiện và chiếm 13, 04% tổng số các thán từ gọi đáp. Các thán từ gọi đáp
thường sử dụng trong những trường hợp mà chủ thể phát ngôn cần dùng ngôn ngữ để
giao tiếp với những người khác trong cùng một mạng xã hội; có thể là trao đổi thông tin
với nhau, hoặc chia sẻ cảm xúc của mình với họ. Thán từ gọi đáp nhiều khi cũng đóng
một vai trò quan trọng trong việc tạo phát ngôn.
1.3.2. Thán từ cảm xúc
Những từ thuộc nhóm thán từ cảm xúc có số lượng từ nhiều hơn thán từ gọi đáp, có
23 từ: ôi giời ơi, ối giời ơi, chết rồi, ôi, ối, trời ơi, eo ơi, ôi dào, hi hi, he he, hê hê, ha ha,
hô hô, hơ hơ, híc híc, hức hức, hị hị, hé hé, hí hí, hu hu, hí, hú, hì hì với số lần xuất hiện
9
khá cao: 859 lần. Điều này cho thấy các chủ thể phát ngôn thường xuyên sử dụng thán từ
để thể hiện trực tiếp những cảm xúc, tâm trạng của mình. Những thán từ cảm xúc giúp
cho chủ thể phát ngôn trực tiếp thể hiện được những cảm xúc mãnh liệt nhất tồn tại trong
tâm trạng của họ ở một khoảng thời gian nhất định.
Thán từ cảm xúc cũng không bắt buộc về vị trí trong phát ngôn. Chúng có thể đứng
ở đầu phát ngôn, cuối phát ngôn; thậm chí là ở giữa phát ngôn. Ví dụ: (1) Trời ơi! Bao
nhiêu là bài tập. Biết giải quyết thế nào đây? Hu hu. (2) Eo ôi sợ quá đi mất. Hi hi. Cứ
làm như mình là cảnh sát không bằng. (3) Ha ha, đời mình lại tươi sáng trở lại nhờ có
money. (4) Ối giời ơi, xấu hổ không để đâu cho hết được! hức hức.
Qua khảo sát, có thể thấy các thán từ như hu hu, hi hi, he he, ha ha, hức hức, hê hê,
hô hô, hị hị, hơ hơ, hì hì, hí híđược sử dụng phổ biến hơn cả (tỉ lệ xuất hiện dao động
trong khoảng 4 – 8%). Thực tế thì các thán từ này là sự lặp lại các âm tiết. Tuy nhiên,
chúng lại gây được sức biểu cảm cao cho phát ngôn. Và người sử dụng, đặc biệt là giới
trẻ, rất ưa chuộng kiểu biểu lộ tình cảm bằng các thán từ này. Ở mức độ sử dụng vừa phải
(tỉ lệ xuất hiện dao động trong khoảng 3 – 5%) có các thán từ: ôi, trời ơi; ở mức độ sử
dụng ít (tỉ lệ xuất hiện dao động trong khoảng 0 – 3%) có các thán từ: ôi giời ơi, ối giời
ơi, chết rồi, ối, ôi dào, hí, hú. Các thán từ này tuy là những thán từ tuân theo quy tắc
chính tả tiếng Việt về cả mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, không có sự pha trộn hay lặp lại các
âm tiết nhưng lại không được sử dụng phổ biến. Sở dĩ có sự chênh lệch vậy là do một
phần lớn những người sử dụng mạng xã hội là giới trẻ. Và đa phần trong số họ chỉ thích
sử dụng ngôn ngữ theo sự “sáng tạo” của riêng mình. Ví dụ: (1) Ôi dào, chắc gì mày đã
làm được như tao? (2) Ha ha, mình lợi hại thật, bộp phát chết hẳn hai con muỗi!
Tóm lại
Việc khảo sát, thống kê và phân loại nói trên phần nào đã cho thấy thực trạng sử
dụng tình thái từ trên trang mạng xã hội Facebook. Tình thái từ được sử dụng với mức độ
khá cao, phân bố ở hầu hết các tiểu loại mặc dù số lượng không nhiều. Điều này cho thấy
tầm quan trọng của tình thái từ trong việc tạo câu. Mạng xã hội là nơi có thể chia sẻ mọi
cảm xúc, và việc sử dụng tình thái từ để phục vụ cho nhu cầu ấy hoàn toàn không thể
thiếu. Mỗi tiểu loại lại tình thái từ tuy mang những đặc điểm cũng như chức năng, sắc
10
thái riêng nhưng chúng đều đảm nhiệm một chức năng chính là biểu thị sắc thái tình cảm
gắn với mục đích phát ngôn của chủ thể phát ngôn. Tình thái từ cũng có những biến thể
khác nhau góp phần làm phong phú thêm việc thể hiện sắc thái tình cảm của chủ thể phát
ngôn.
Qua việc khảo sát, chúng tôi nhận thấy các chủ thể phát ngôn sử dụng tình thái từ
khá phổ biến trên mạng xã hội Facebook; tuy nhiên, khi sử dụng tình thái từ, họ đều chưa
chú ý diễn đạt những từ đó theo quy tắc chuẩn tiếng Việt. Mặc dù sáng tạo từ theo những
sở thích của cá nhân có đem lại hiệu quả giao tiếp cao, nhưng bên cạnh đó cũng làm cho
tiếng Việt mất đi sự trong sáng. Cần phải có những quy ước nhất định cho việc sử dụng
tình thái từ nói riêng và sử dụng ngôn ngữ nói chung trên các trang mạng xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệp Quang Ban, Hoàng Văn Thung, 2007, Ngữ pháp tiếng Việt (tập I), NXB
Giáo dục
2. Diệp Quang Ban, 2006, Ngữ pháp tiếng Việt (tập II), NXB Giáo Dục
3. Đỗ Hữu Châu, 1986, Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, NXB KHXH HN
4. Đỗ Hữu Châu, 1999, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB GD
5. Nguyễn Văn Hiệp, 2008, Cơ sở phân tích ngữ nghĩa cú pháp tiếng Việt, NXB GD
6. Bùi Minh Toán (Chủ biên), Nguyễn Thị Lương, 2007, Giáo trình Ngữ pháp tiếng
Việt, Nxb ĐH Sư phạm
(Bài đã đăng trong Kỷ yếu Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Trưởng ĐH
SP Hà Nội vào tháng 10.2013. Nxb Đại học Sư phạm, tr 572 – 578)