Sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc hầu như diễn ra trong suốt thế kỷ XX. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài của “trăm sông dồn về một biển”, của tinh hoa văn hoá được truyền bá rộng khắp cho quảng đại quần chúng. Trong quá trình lịch sử này, khởi đầu của sự truyền bá, nội dung và phương thức truyền bá, phạm vi và đối tượng truyền bá đều có sự đặc sắc.
28 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1449 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Triết học mác ở Trung Quốc, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRIẾT HỌC MÁC Ở TRUNG QUỐC (Sự truyền bá, vận dụng, hình thái
biến hoá và viễn cảnh phát triển)(*)
TỪ TỐ HOA(**)
Bài viết đã dựng lên bức tranh khái quát về sự phát triển của triết
học Mác ở Trung Quốc. Trong đó, tác giả tập trung vào một số nội
dung chính: 1/ Phân tích tiến trình truyền bá triết học Mác ở Trung
Quốc; 2/ Phân tích sự vận dụng triết học Mác ở Trung Quốc qua các
giai đoạn lịch sử, chỉ ra một số thiếu sót trong quá trình đó; 3/ Luận
giải sự biến đổi hình thái tồn tại của triết học Mác; 4/ Đề cập đến
triển vọng phát triển của triết học Mác ở Trung Quốc trên các khía
cạnh: đối với bản thân triết học Mác, quan hệ giữa triết học Mác với
các trào lưu triết học khác và khả năng của nó trong việc giải quyết
các vấn đề lý luận, thực tiễn mới nảy sinh.
I. Sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc
Sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc hầu như diễn ra trong suốt
thế kỷ XX. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài của “trăm sông dồn
về một biển”, của tinh hoa văn hoá được truyền bá rộng khắp cho
quảng đại quần chúng. Trong quá trình lịch sử này, khởi đầu của sự
truyền bá, nội dung và phương thức truyền bá, phạm vi và đối tượng
truyền bá đều có sự đặc sắc.
Từ khởi đầu của sự truyền bá mà xem xét, đầu thế kỷ XX, dựa vào
tình hình phát triển mạnh mẽ chưa từng có của chủ nghĩa xã hội lúc
đó, đồng thời phù hợp với nhu cầu khách quan của việc cải cách xã
hội Trung Quốc, trước sau từ 3 hướng khác nhau là Nhật Bản, châu
Âu và Liên Xô, triết học Mác được du nhập vào Trung Quốc thông
qua nhiều con đường và phương thức.
Đầu tiên, việc truyền bá triết học Mác vào Trung Quốc được xuất
phát từ Nhật Bản - quốc gia tư bản chủ nghĩa gần Trung Quốc nhất.
Ở đó, hầu hết các trào lưu tư tưởng mới, bao gồm cả chủ nghĩa Mác,
đều rất thịnh hành. Do thuận tiện về giao thông và chi phí không
cao, nên Nhật Bản đã thu hút được một số lượng lớn những người
trẻ tuổi có tham vọng mở rộng kiến thức đến học tập, đồng thời mở
ra một con đường du nhập triết học Mác vào Trung Quốc. Những
người đầu tiên chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác rồi truyền bá vào
Trung Quốc là Trần Bác Hiền, Lý Đại Chiêu, Lý Đạt, Lý Hán Tuấn,
Hồ Hán Dân, v.v.. Họ đều du học ở Nhật Bản và trong quá trình học
tập đã tiếp thu, chịu ảnh hưởng của triết học Mác; sau đó, họ đã dịch
các tác phẩm của chủ nghĩa Mác rồi giới thiệu ở Trung Quốc. Về
mặt thời gian, trước năm 1927, triết học Mác được truyền vào Trung
Quốc chủ yếu từ con đường Nhật Bản, sau đó, vị trí chủ đạo được
chuyển cho con đường từ Liên Xô.
Thông qua việc truyền bá bằng con đường Nhật Bản, người dân
Trung Quốc đã có được sự nhận thức ban đầu đối với triết học Mác,
sự nhận thức ban đầu này chứa đựng dấu ấn của người Nhật Bản.
Điều này trước tiên biểu hiện ở nội dung của sự truyền bá, khi đó sự
nhận thức và lý giải của các học giả Nhật Bản đối với triết học Mác
nghiêng về quan điểm duy vật lịch sử. Chịu ảnh hưởng bởi điều đó,
ban đầu sự truyền bá triết học Mác vào Trung Quốc cũng lấy quan
điểm duy vật lịch sử làm nội dung cơ bản. Tiếp theo, về mặt hình
thức, người Trung Quốc dựa theo cách dịch và cách dùng của các
học giả Nhật Bản đối với hầu hết các khái niệm cơ bản của triết học
Mác (như chủ nghĩa duy vật, phép biện chứng) và dùng chúng cho
đến ngày nay. Có thể nói, người Nhật là “người thầy khai sáng triết
học Mác” của người Trung Quốc.
Sự truyền bá triết học Mác từ châu Âu là do một nhóm thanh niên
Trung Quốc tiến bộ (như Chu Ân Lai, Thái Hoà Sâm, v.v.) tiếp thu
rồi truyền bá về. Thông qua học tập và tiếp thu kinh nghiệm thực tế
ở các nước châu Âu, như Pháp, Đức, v.v., nhóm này không chỉ hiểu
rõ hình thái ban đầu của triết học Mác, mà còn nắm rất rõ bối cảnh
văn hoá, xã hội, v.v. dẫn đến sự ra đời của triết học Mác. Họ thông
qua thư từ, bài viết, v.v. để trình bày sự hiểu biết của mình rồi giới
thiệu về trong nước. Sau khi về nước, họ tiếp tục là đội ngũ chủ lực
giới thiệu, truyền bá triết học Mác ở châu Âu cho đông đảo nhân
dân.
Sự du nhập triết học Mác từ Liên Xô chủ yếu là thông qua hình thức
tài liệu, giáo trình, sách giáo khoa. Hình thức này có ưu điểm là có
tính hệ thống, tính chính thống; do đó, tuy xuất hiện sau nhưng đã
chiếm thế thượng phong và giữ địa vị “chính thống” ở Trung Quốc
suốt gần 50 năm. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình này
mới bắt đầu có sự biến đổi.
Tổng quan ngọn nguồn du nhập triết học Mác vào Trung Quốc, có
thể nhận thấy khi đó triết học Mác đã hoà quyện với phong trào cách
mạng đang nở rộ trên toàn thế giới như thế nào. Triết học Mác từ ba
hướng khác nhau, hợp thành một dòng chảy đổ về Trung Quốc, tạo
nên một trào lưu mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng, với khí thế hừng
hực - điều hiếm thấy trong lịch sử triết học Trung Quốc. Đây chính
là đặc trưng trong giai đoạn đầu tiên của triết học Mác ở Trung
Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng, xuất
phát điểm của sự phát triển triết học Mác ở Trung Quốc là không
cao, chủ yếu lấy “đồ cũ” (nghĩa là thông qua sự nhận thức, lý giải và
phát triển của người khác) để làm xuất phát điểm, không tiếp xúc
nhiều và chưa nghiên cứu sâu đối với hình thái ban đầu của triết học
Mác (các nguyên tác của C.Mác và Ph.Ăngghen). Đây có thể coi là
một thiếu sót của sự phát triển triết học Mác ở Trung Quốc.
Sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc chủ yếu trải qua các hình
thức và giai đoạn sau: một là, từ sự giới thiệu thông qua dịch tài liệu
đến sự giới thiệu mang tính truyền đạt (như giảng dạy, tập huấn,
v.v.); hai là, từ sự giới thiệu mang tính truyền đạt đến sự giới thiệu
mang tính đại chúng; ba là, từ sự giới thiệu mang tính đại chúng đến
sự giới thiệu mang đặc trưng Trung Quốc. Đây là một quá trình
chuyển dần từ bị động sang chủ động, chuyển từ dựa vào người khác
đến tự mình chủ động sáng tạo.
Sự giới thiệu thông qua việc dịch các tài liệu là bước khởi đầu của
việc truyền bá triết học Mác vào Trung Quốc. Một dân tộc muốn tiếp
thu văn hoá tư tưởng của một dân tộc khác, trước hết phải xuất phát
từ việc hiểu rõ nội dung cơ bản của nó, có nghĩa là tất yếu phải
thông qua dịch thuật. Giới thiệu thông qua dịch thuật luôn là bước
đầu tiên. Sự truyền bá triết học Mác vào Trung Quốc cũng khởi đầu
bằng việc dịch thuật, bao gồm dịch các nguyên tác của triết học Mác
(từ việc trích dịch đến dịch toàn bộ các tác phẩm) và dịch các tác
phẩm, bài viết, v.v. của các học giả nước ngoài (từ các bài viết riêng
lẻ đến giáo trình mang tính hệ thống).
Từ sự giới thiệu mang tính dịch thuật đến sự giới thiệu mang tính
truyền đạt là hình thức chuyển biến đầu tiên của sự truyền bá triết
học Mác ở Trung Quốc. Điều đó thể hiện người Trung Quốc bắt đầu
chú ý đến việc khắc phục tính hạn chế của việc chuyển dịch từ ngôn
ngữ này sang ngôn ngữ khác, đồng thời thử nghiệm thói quen biểu
đạt bằng ngôn ngữ của mình để truyền đạt lại sự nhận thức và lý giải
của các học giả nước ngoài đối với triết học Mác (ví dụ, các tác
phẩm của Lý Đại Chiêu, Lý Đạt trong những năm 20 của thế kỷ
XX). So với sự giới thiệu mang tính dịch thuật, thì sự giới thiệu
mang tính truyền đạt là một bước tiến của hình thức truyền bá triết
học Mác ở Trung Quốc.
Từ sự giới thiệu mang tính truyền đạt đến sự giới thiệu mang tính đại
chúng là sự thay đổi hình thức truyền bá lần thứ hai (như “Triết học
đại chúng” của Ngãi Tư Kỳ trong thập niên 30 của thế kỷ XX). Điều
này phản ánh việc truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc đã tiến
thêm một bước gắn liền với đời sống xã hội của người dân Trung
Quốc, đồng thời cũng biểu hiện việc truyền bá triết học Mác ở Trung
Quốc bắt đầu có tính chủ động và sáng tạo, các học giả nước ngoài
đã không còn địa vị độc tôn như trước đây.
Từ sự giới thiệu mang tính đại chúng đến sự giới thiệu mang tính
“Trung Quốc hoá” là sự thay đổi hình thức truyền bá triết học Mác
vào Trung Quốc lần thứ 3. Hai tác phẩm của Mao Trạch Đông: Bàn
về thực tiễn và Bàn về mâu thuẫn có thể coi là tiêu biểu cho quá
trình Trung Quốc hoá sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc. Lúc
này, nội dung của triết học Mác đã gắn chặt với công cuộc tổng kết
kinh nghiệm cách mạng cũng như dung hoà với tinh hoa văn hoá
truyền thống Trung Quốc. Kết cấu và biểu đạt của triết học Mác
cũng trở nên gần gũi với người Trung Quốc hơn; đồng thời, trong
quá trình truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc, người Trung Quốc
cũng đã có những cống hiến riêng của mình.
Việc truyền bá triết học Mác vào Trung Quốc trải qua 3 lần thay đổi
hình thức đã thể hiện tính thống nhất cao độ của sự phát triển lịch sử,
sự phát triển nhận thức con người và sự phát triển lôgíc lý luận; nó
phù hợp với quy luật chung của sự phát triển, dung hoà và giao lưu
văn hoá tư tưởng giữa các dân tộc khác nhau.
Việc truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc được thực hiện bởi hai
nhóm người, đó là những người làm cách mạng và những người làm
công tác triết học. Trước năm 1927, sự phân biệt này không rõ ràng.
Nhóm người đầu tiên tiếp thu triết học Mác, như Trần Độc Tú, Lý
Đại Chiêu, v.v. vừa là những người có khả năng sáng tạo lý luận,
vừa là những người lãnh đạo của các phong trào cách mạng. Sau
năm 1927, do có sự thay đổi nhiệm vụ và tình thế cách mạng Trung
Quốc, bắt đầu xuất hiện các nhóm người truyền bá khác nhau: một
nhóm là những trí thức làm công tác triết học, một nhóm là những
người trực tiếp lãnh đạo các phong trào cách mạng. Bản thân họ có
nhiều điểm khác nhau: quan điểm khác nhau, đối tượng và phạm vi
truyền bá khác nhau, nội dung và phương thức truyền bá cũng muôn
hình muôn vẻ.
Nhóm những phần tử trí thức làm công tác triết học chủ yếu hoạt
động ở Thượng Hải, Bắc Bình (Bắc Kinh), vốn là khu vực thống trị
của Quốc dân Đảng. Những người này dựa vào các điều kiện văn
hoá - xã hội thuận lợi ở thành phố và sự nhận thức của bản thân cũng
như các phương thức quen thuộc (như dịch thuật, nghiên cứu lý luận,
trước tác lý luận, giảng dạy, v.v.) để tiến hành truyền bá. Đối tượng
truyền bá của họ là học sinh, sinh viên, nhân viên và công nhân ở
thành phố; mục đích là mở rộng ảnh hưởng của triết học Mác, thu hút
ngày càng nhiều người tham gia cách mạng. Thông qua nỗ lực của
một nhóm người làm công tác triết học ưu tú, như Lý Đạt, Ngãi Tư
Kỳ, Trần Duy Thực, Thẩm Chí Viễn, Hồ Thằng, v.v. triết học Mác từ
chỗ không có địa vị gì đã trở thành một học thuyết có sức ảnh hưởng
lớn nhất ở Trung Quốc.
Nhóm thứ hai bao gồm những người tham gia lãnh đạo các phong
trào cách mạng, tiêu biểu là Mao Trạch Đông. Nhóm này hoạt động
chủ yếu ở những vùng căn cứ địa cách mạng rộng lớn. Phương thức
truyền bá của họ trước hết là áp dụng phương pháp, lập trường, quan
điểm, v.v. của triết học Mác để phân tích tình hình và nhiệm vụ cách
mạng, lựa chọn con đường cách mạng phù hợp với thực tế cách
mạng Trung Quốc, vạch ra chiến lược cũng như đường lối, phương
châm, chính sách của cách mạng; bước tiếp theo là phương pháp hoá
triết học Mác, nhằm cung cấp cho các cấp cán bộ và đội ngũ lãnh
đạo quân đội ở những vùng căn cứ địa cách mạng các phương pháp
tư tưởng để có thể áp dụng trong thực tế tác chiến. Sự nỗ lực của
nhóm này đã giúp cho việc truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc
vượt ra khỏi phạm vi hạn hẹp của lý luận học thuật, giúp triết học
Mác thâm nhập một cách sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội và cách mạng xã hội, phát huy những chức năng xã hội
của triết học Mác.
Sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc vốn có đặc trưng riêng và
có thể đúc rút ra những bài học kinh nghiệm.
Ban đầu, sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc lấy quan điểm
duy vật lịch sử làm xuất phát điểm, dần dần tiến đến phát triển phép
biện chứng duy vật, cuối cùng dựa vào các giáo trình triết học của
Liên Xô những năm 30 của thế kỷ XX để thực hiện sự thống nhất
giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Có
thể coi việc lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật
lịch sử làm nội dung và khuôn mẫu cơ bản là một sự đóng góp của
Trung Quốc trong quá trình truyền bá triết học Mác. Tuy nhiên, việc
tôn sùng triết học Mác là chính thống, tuyệt đối hoá và thậm chí,
thần thánh hoá nó trong một thời gian dài đã cản trở sức sống của
triết học Mác, làm cho tư duy con người trở nên cứng nhắc, cố định.
Bài học kinh nghiệm của vấn đề này đã được đúc rút một cách toàn
diện và hệ thống sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XI.
Từ đó, triết học Mác bắt đầu thoát khỏi sự trói buộc của các mô thức
truyền thống và bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Tiếp theo, khi triết học Mác được du nhập vào Trung Quốc, nó chỉ là
một trong vô số các trào lưu tư tưởng mới của thời kỳ “Ngũ Tứ”.
Nhờ có tính thực tiễn và tính giai cấp rất rõ ràng, nên ngay từ lúc
mới được du nhập, triết học Mác đã gắn bó chặt chẽ với việc giải
quyết những vấn đề bức thiết nhất trong sự phát triển xã hội của
Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng lấy việc phù hợp và đáp ứng nhu
cầu phát triển thực tế cách mạng của giai cấp vô sản làm mục tiêu và
tôn chỉ, điều này là vô cùng có lợi cho sự phát triển của cách mạng
Trung Quốc. Nhưng, sự vật bao giờ cũng có tính hai mặt. Triết học
Mác ngay từ khi mới du nhập vào Trung Quốc đã kết hợp chặt chẽ
với thực tiễn cách mạng, nhanh chóng được ứng dụng trong thực tế.
Điều này đã làm cho quá trình thâm nhập của triết học Mác vào
Trung Quốc thiếu một giai đoạn chuẩn bị rất quan trọng là giai đoạn
nghiên cứu và tuyên truyền lý luận, làm cho việc truyền bá thiếu cơ
sở vững chắc và người truyền bá không được chuẩn bị đầy đủ về mặt
lý luận; do đó, khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát
triển về sau của lý luận và thực tiễn.
Thứ ba, việc căn cứ vào nhu cầu thực tế của sự phát triển xã hội
Trung Quốc để truyền bá triết học Mác có tính lịch sử hợp lý của nó.
Nhưng, trong các hành động cụ thể thì “nhu cầu thực tế” thường dễ
bị giải thích lệch lạc và tự ý thay đổi. Vấn đề giải thích lệch lạc mà
thông thường là căn cứ vào nhu cầu hiện thực để nhấn mạnh hoặc
nêu bật một số nội dung này mà bỏ qua các nội dung khác, đã làm
tách biệt mối liên hệ nội tại giữa các bộ phận của triết học, phá vỡ
tính chỉnh thể của lý luận. Ví dụ như việc lấy chủ nghĩa duy vật lịch
sử làm cơ sở cho lý luận đấu tranh giai cấp và học thuyết cách mạng
xã hội, do nhu cầu thực tế của công cuộc cách mạng xã hội Trung
Quốc đã được nhấn mạnh và đặt lên vị trí hàng đầu; còn học thuyết
về con người trong triết học Mác, đặc biệt là học thuyết về sự phát
triển tự do, toàn diện con người thì bị lãng quên trong một thời gian
dài. Vấn đề tự ý thay đổi biểu hiện chủ yếu ở việc biến nhu cầu
khách quan của sự phát triển xã hội thành nhu cầu chủ quan của con
người. Xuất phát từ nhu cầu chủ quan của cá nhân hoặc sự tốt xấu
của cá nhân để “gọt đẽo” triết học Mác, coi đó là “triết học chiến
đấu” - một tên gọi khác của triết học Mác, hoặc quan điểm “sùng bái
cá nhân” trong lý luận về vai trò của anh hùng trong lịch sử cũng
được cho là những quan điểm cần phải khẳng định.
II. Việc vận dụng triết học Mác ở Trung Quốc
Việc vận dụng triết học Mác ở Trung Quốc, một mặt, là quá trình
lịch sử phù hợp với nhu cầu vận động, phát triển của cách mạng
Trung Quốc mà không ngừng biến đổi trọng điểm tác dụng của nó;
mặt khác, là sự mở rộng không ngừng việc vận dụng, do cuộc đấu
tranh giữa các giai tầng trong xã hội luôn đòi hỏi công tác lý luận
phải đi sâu nghiên cứu, mở rộng ảnh hưởng và phạm vi tác động của
nó. V.I.Lênin từng nói: trong lý luận, việc tập trung chú ý vào
phương diện nào không phải được quyết định bởi ý muốn chủ quan,
mà được quyết định bởi điều kiện lịch sử(1). Căn cứ vào điều kiện
lịch sử, việc vận dụng triết học Mác ở Trung Quốc về đại thể được
phân thành thời kỳ tìm hiểu, thời kỳ chín muồi, thời kỳ khủng
khoảng và thời kỳ phồn vinh trở lại.
Từ phong trào “Ngũ Tứ” đến năm 1927 là thời kỳ tìm hiểu. Trong
thời kỳ này, chủ nghĩa duy vật lịch sử là trọng tâm của việc vận dụng
triết học Mác, nghĩa là vận dụng quan điểm duy vật lịch sử để lý giải
nguồn gốc xã hội của cách mạng Trung Quốc, luận chứng tính tất
yếu của việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản, xác định
phương hướng, đường lối chiến lược, đối tượng cách mạng, quyền
lãnh đạo cách mạng của cách mạng Trung Quốc, v.v.. Xét về tổng
thể, việc vận dụng triết học Mác trong giai đoạn này mang tính bước
đầu, mang tính tìm hiểu mà thôi.
Từ năm 1927 đến năm 1949 là thời kỳ mà việc vận dụng triết học
Mác ở Trung Quốc được triển khai từng bước và tiến tới chín muồi.
Sau năm 1927, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới cũng như
sự phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới, trọng tâm của việc
vận dụng triết học Mác chuyển từ chủ nghĩa duy vật lịch sử sang lý
luận nhận thức và phép biện chứng. Sự thay đổi trọng tâm của sự
vận dụng là đòi hỏi về mặt lý luận đối với sự phát triển cao hơn của
cách mạng Trung Quốc, là dấu hiệu của việc vận dụng triết học Mác
ở Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn chín muồi. Ph.Ăngghen đã từng
nói: “Quan điểm duy vật lịch sử và tác dụng đặc biệt của nó trong
cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản hiện nay chỉ có
dựa vào phép biện chứng mới có thể thực hiện được”(2). Cùng với
sự phát triển ngày càng cao của cách mạng Trung Quốc, các nhà
mácxít trên nhiều lĩnh vực khác nhau ngày càng lý giải một cách sâu
sắc hơn các luận điểm của C.Mác, đồng thời họ đều dựa vào cách
thức riêng của mình để tạo ra những nỗ lực thực tế. Trong tác phẩm
Phương pháp luận tư tưởng, Ngãi Tư Kỳ cho rằng, từ các phạm trù,
khái niệm, nguyên lý trừu tượng của phép biện chứng, lý luận nhận
thức mácxít phải làm thế nào để có thể xây dựng các phương pháp
công tác, phương pháp tư tưởng nhằm vận dụng vào thực tế công tác
cách mạng, tiến hành đi sâu tìm hiểu và đưa ra kiến giải sâu sắc của
mình. Trong việc vận dụng một cách cụ thể phép biện chứng và lý
luận nhận thức của triết học Mác vào thực tiễn cách mạng, Mao
Trạch Đông đã có những cống hiến quan trọng. Cống hiến tiêu biểu
nhất của ông là đưa ra một hệ thống các phương pháp công tác và
phương pháp tư tưởng phù hợp với đặc điểm và phong cách của người
cộng sản Trung Quốc, bao gồm các phương pháp và nguyên tắc
phương pháp luận cơ bản nhất, cũng như các phương pháp tư tưởng và
phương pháp công tác cụ thể. Đây là nội dung tiêu biểu, mang đậm
màu sắc Trung Quốc nhất trong tư tưởng triết học của Mao Trạch
Đông, cũng là sự phát triển và làm phong phú thêm triết học Mác.
Ba mươi năm sau khi Trung Quốc được thành lập là thời kỳ khủng
hoảng trong việc vận dụng triết học Mác ở Trung Quốc. Việc vận
dụng triết học Mác từng đạt được những thành tựu ban đầu trong
việc tìm tòi con đường xây dựng và cải tạo chủ nghĩa xã hội, nhưng
đồng thời nó cũng trải qua một khúc quanh, chủ yếu biểu hiện ở chỗ
ngày càng xa rời thực tế cụ thể của Trung Quốc, ngày càng trở nên
chủ quan tuỳ tiện. Đặc biệt, trong giai đoạn “Cách mạng văn hoá”,
việc vận dụng triết học Mác đã sa vào chủ nghĩa thực dụng và chủ
nghĩa giáo điều.
Hai mươi năm cuối của thế kỷ XX, là thời kỳ việc nghiên cứu và vận
dụng triết học Mác ở Trung Quốc bước vào một quỹ đạo phát triển
mới, bắt đầu từ cuối những năm 70, khi cả nước bị cuốn hút vào
cuộc đại thảo luận về tiêu chuẩn của chân lý. Cuộc đại thảo luận này
đã giúp cho việc nghiên cứu vận dụng triết học Mác quay trở lại với
quỹ đạo đúng đắn của nó, nhưng ở một tầm cao hơn. Đặng Tiểu
Bình đã nêu một tấm gương sáng trước toàn Đảng về phương diện
này. Ở bất cứ đâu, ông cũng đều nhấn mạnh: phải xuất phát từ thực
tiễn, giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, thực tiễn là tiêu chuẩn duy
nhất để kiểm nghiệm chân lý; đồng thời, vận dụng những nguyên tắc
và tinh thần cơ bản này để mạnh dạn đoạn tuyệt với quá khứ, tìm tòi
sự sáng tạo cho tương lai. Chính từ quá trình nghiên cứu tìm tòi
trong thực tiễn, lý luận chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc
đã định hình.