Kinh tế tư bản chủ nghĩa – nền kinh tế mà đặc trưng là dựa trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân và bóc lột giá trị thặng dư, từ khi ra đời đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Trong nền kinh tế ấy, có hai giai cấp cơ bản: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản là những người sở hữu tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư; giai cấp vô sản là những người không có tư liệu sản xuất buộc phải bán sức lao động của mình và bị bóc lột.
8 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 2092 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Từ những hiểu biết của anh chị về kinh tế tư bản chủ nghĩa hãy nêu nguồn gốc phát triển và xu hướng vận động của nó, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÂU HỎI:
Từ những hiểu biết của anh chị về kinh tế tư bản chủ nghĩa hãy nêu nguồn gốc phát triển và xu hướng vận động của nó.
BÀI LÀM:
1. Nguồn gốc phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa
Kinh tế tư bản chủ nghĩa – nền kinh tế mà đặc trưng là dựa trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân và bóc lột giá trị thặng dư, từ khi ra đời đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Trong nền kinh tế ấy, có hai giai cấp cơ bản: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản là những người sở hữu tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư; giai cấp vô sản là những người không có tư liệu sản xuất buộc phải bán sức lao động của mình và bị bóc lột.
Ngay từ khi nghiên cứu về kinh tế tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã bắt đầu từ hàng hóa, bởi ông cho rằng: "Sản xuất hàng hóa và một nền lưu thông hàng hóa phát triển, thương mại, đó là những tiền đề lịch sử của sự xuất hiện tư bản" (C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 1993, t.23, tr. 221). Vì vậy, để hiểu được tư bản cũng như phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hay nói cách khác là kinh tế tư bản chủ nghĩa phải bắt đầu từ hàng hóa, lịch sử vận động của nó.
Thực chất thì sản xuất hàng hóa và gắn liền với nó là các phạm trù: giá trị, hàng hóa, tiền tệ đã từng có trước chủ nghĩa tư bản. Nó là những điều kiện tiền đề để cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển.
Hàng hóa là sản phẩm của lao động, thỏa mãn được nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán. Hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Sở dĩ, hàng hóa có hai thuộc tính đó là do lao động sản xuất hàng hóa có tính hai mặt: lao động cụ thể và lao động trừu tượng.
Lao động cụ thể là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của những
nghề nghiệp chuyên môn nhất định; và tạo ra một loại giá trị sử dụng nhất định. Lao động của người sản xuất hàng hóa, nếu coi đó là sự hao phí sức óc, sức thần kinh và sức cơ bắp nói chung của con người, chứ không kể đến hình thức cụ thể của nó như thế nào thì gọi là lao động trừu tượng; giá trị của mọi hàng hóa chỉ là sự kết tinh của lao động trừu tượng. Tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa, phản ánh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của người sản xuất hàng hóa.
Trong nền kinh tế hàng hóa, sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào là việc riêng của mỗi người. Họ là người sản xuất độc lập, lao động của họ, vì vậy có tính chất tư nhân và lao động cụ thể của họ sẽ là biểu hiện của lao động tư nhân.
Bắt đầu từ đây, khi mà mỗi người sản xuất một loại hàng hóa khác nhau, bằng những phương thức sản xuất khác, từ đó sở hữu tư nhân được thể hiện ngày càng rõ dần trong từng mối quan hệ trao đổi hàng hóa giữa những người sản xuất ra hàng hóa. Theo đó, mỗi người sản xuất tự quyết định hao phí lao động cá biệt của mình, nhưng giá trị của hàng hóa không phải được quyết định bởi hao phí lao động cá biệt của từng người sản xuất hàng hóa, mà bởi hao phí lao động xã hội cần thiết. Vì thế, muốn có lãi, người sản xuất lại điều chỉnh làm sao cho hao phí lao động cá biệt của mình phù hợp với mức chi phí mà xã hội chấp nhận được. Kéo theo đó là sự biến động giá cả hàng hóa trên thị trường dưới tác động của quy luật cung cầu và thông qua sự vận động của giá cả hàng hóa là sự vận động của quy luật giá trị. Như vậy, tất yếu sẽ xuất hiện ranh giới giữa “kẻ giàu, người nghèo”, hay nói cách khác, quy luật giá trị chi phối sự lựa chọn tự nhiên, đào thải các yếu kém, kích thích các nhân tố tích cực phát triển.
Trên vũ đài kinh tế, bây giờ xuất hiện một loại hàng hóa mới đó là hàng hóa sức lao động. Khi sức lao động trở thành hàng hóa thì tiền tệ mang hình thái là tư bản và gắn liền với nó là một quan hệ sản xuất mới xuất hiện: quan hệ giữa nhà tư bản và lao động làm thuê. Thực chất của mối quan hệ này là nhà tư bản chiếm đoạt giá trị thặng dư của công nhân làm thuê. Giá trị thặng dư là nguồn gốc hình thành nên thu nhập của các nhà tư bản và giai cấp bóc lột trong chủ nghĩa tư bản.
Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa có nguồn gốc lịch sử từ nền kinh tế hàng hóa giản đơn trước đó, nhưng lại có sự khác biệt lớn: Kinh tế hàng hóa giản đơn vận động theo công thức H - T - H (bán hàng lấy tiền để mua hàng), còn nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa vận động theo công thức mà C. Mác đã nêu là T - H - T (lấy tiền mua hàng, bán hàng lấy được tiền nhiều hơn số tiền đã mua). Công thức này phản ánh bản chất của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là bóc lột giá trị thặng dư của lao động làm thuê. Giá trị thặng dư biểu hiện trên bề mặt xã hội dưới hình thức lợi nhuận. Kinh tế hàng hóa giản đơn dưới sự tác động của quy luật giá trị dẫn đến phân hóa những người sản xuất hàng hóa nhỏ, hình thành mầm mống của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Kinh tế tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ sở hữu lớn của chủ nghĩa tư bản không chỉ chịu tác động của quy luật giá trị mà còn chịu tác động của quy luật giá trị thặng dư, là quy luật kinh tế cơ bản, hay tuyệt đối (theo C. Mác) và tồn tại trong hệ thống các quy luật kinh tế khác của chủ nghĩa tư bản.
Thật vậy, giá trị thặng dư - một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không, phản ánh mối quan hệ kinh tế bản chất nhất của chủ nghĩa tư bản – quan hệ tư bản bóc lột lao động làm thuê. Giá trị thặng dư do lao động không công của công nhân tạo ra là nguồn gốc làm giàu của các nhà tư bản.
Để hiểu rõ quá trình sản xuất giá trị thặng dư, chúng ta có thể lấy việc sản xuất của một nhà tư bản sau làm ví dụ: Để biến 10m vải thành 8 cái áo, một công nhân phải lao động trong 5 giờ; với giả định, trong một giờ, một người công nhân tạo ra một lượng giá trị là 9000đ; và giả định trong quá trình may áo đã hao phí theo thời gian lao động xã hội cần thiết.
Chi phí sản xuất Giá trị sản phẩm mới
(16 cái áo)
- Tiền mua vải (20m): 180.000đ - Giá trị của áo được chuyển vào
áo: 180.000đ
- Tiền hao mòn máy móc: 50.000đ - Giá trị của máy móc được chuyển
vào áo: 50.000đ
Tiền mua sức lao động trong 1
ngày: 45.000đ - Giá trị mới do lao động của công
nhân tạo ra trong 10 giờ lao động:
90.000đ
Tổng cộng: 275.000đ Tổng cộng: 320.000đ
Như vậy, toàn bộ chi phí mà nhà sản xuất bỏ ra là 275.000đồng, còn giá trị của sản phẩm mới (20m vải) do công nhân may ra trong 10 giờ lao động là 320.000 đồng. Vậy 275.000 đồng ứng trước đã chuyển thành 320.000đồng, đã đem lại một giá trị thặng dư là 45.000 đồng. Do đó tiền tệ ứng ra ban đầu đã chuyển thành tư bản. Từ đó cho thấy rõ bản chất bóc lột của các nhà tư bản.
Theo đuổi giá trị thặng dư tối đa là mục đích và động cơ thúc đẩy sự hoạt động của mỗi nhà tư bản, cũng như của toàn bộ xã hội tư bản. Khát vọng không có giới hạn về giá trị thặng dư đã buộc các nhà tư bản phải không ngừng mở rộng quy mô sản xuất để tăng quy mô giá trị thặng dư. Vì vậy, nét điển hình của chủ nghĩa tư bản là tái sản xuất mở rộng. Tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa là sự lặp lại quá trình sản xuất với quy mô lớn hơn trước, với một tư bản lớn hơn trước. Sự chuyển hóa trở lại của giá trị thặng dư thành tư bản gọi là tích lũy tư bản. Như vậy, thực chất của tích lũy tư bản là sự chuyển hóa một phần giá trị thặng dư thành tư bản, hay quá trình tư bản hóa giá trị thặng dư.
Có thể minh họa về tích lũy và tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa bằng ví dụ sau: Nhà tư bản A, để kinh doanh, ông ta tích lũy được 1 triệu USD. Ông ta dùng 800.000 USD để mua tư liệu sản xuất, dùng 200.000USD để mua sức lao động. Giả sử tỷ suất giá trị thặng dư là M’ = 100%. Vậy quá trình sản xuất thứ nhất, A sẽ có được:
800.000 C + 200.000 V + 200.000 M (trong đó 200.000 M là giá trị thặng dư)
Giả định 200.000 M không bị A tiêu hết, mà tích lũy lại 100.000 M. Phần 100.000 M được tích lũy được phân thành 80.000 C + 20.000 V, khi đó quy mô sản xuất năm sau sẽ là: 880.000 C + 220.000 V + 220.000 M.
Nghiên cứu tích lũy và tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa cho phép rút ra những kết luận vạch rõ hơn bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và chế độ sở hữu tư nhân của các nhà tư bản.
Không dừng lại ở đó, để chiếm đoạt, trong quá trình tái xản xuất tư bản chủ nghĩa, quy mô của tư bản cá biệt đã tăng lên thông qua quá trình tích tụ và tập trung tư bản, nói cách khác, các nhà tư bản đã làm cho tổng giá trị thặng dư lớn dần lên thông qua tích lũy tư bản. Quá trình tích lũy tư bản gắn với quá trình tập trung tư bản ngày càng tăng, do đó nền sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành nền sản xuất xã hội hóa cao độ, làm cho mâu thuẫn kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản càng sâu sắc thêm.
Tóm lại, hình thành từ hàng hóa, chế độ sở hữu tư nhân xuất hiện, kéo theo đó là sự theo đuổi giá trị thặng dư một cách tối đa của các nhà tư bản (bóc lột giá trị thặng dư của công nhân làm thuê), và từ khát vọng chiếm đoạt, họ đã thực hiện tái sản xuất mở rộng để nâng tổng giá trị thặng dư lên thông qua quá trình tích lũy tư bản, tất cả đã hình thành nên một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với những thành công về năng suất lao động, phát triển lực lượng sản xuất,… tuy nhiên nó vẫn mang trong mình không ít những hạn chế như đã tạo ra hố ngăn cách giữa các nước giàu và các nước nghèo, tạo cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của quan hệ bóc lột của các nhà tư bản đối với công nhân làn thuê,…
2. Xu hướng vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa
Kinh tế tư bản chủ nghĩa ra đời từ thế kỉ 17, từ tư bản thương nghiệp trở thành tư bản công nghiệp (thế kỉ 18); chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh trở thành chủ nghĩa tư bản độc quyền, bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản và xuất hiện chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, trong đó nhà nước can thiệp vào kinh tế và giúp đỡ cho tư bản tư nhân duy trì và nâng cao lợi nhuận tối đa. So với chế độ phong kiến, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tiến bộ hơn nhiều, vì nó làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, năng suất lao động cao, thực hiện việc xã hội hoá lao động và sản xuất trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản càng phát triển, trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao thì quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng trở nên chật hẹp hơn so với nội dung vật chất ngày càng lớn lên của nó. Theo sự phân tích của C.Mác và V.I.Leenin, đến một chừng mực nhất định, quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa sẽ bị phá vỡ và thay vào đó là một quan hệ sở hữu mới – sở hữu xã hội (sở hữu công cộng) về tư liệu sản xuất được xác lập để đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó cũng có ý nghĩa là phương thức sản xuất mới – phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa sẽ ra đời và phủ định phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Dù vậy, thì những thay đổi của chủ nghĩa tư bản hiện nay đã nói lên rằng, chủ nghĩa tư bản vẫn đang tiếp tục điều chỉnh để thích ứng với những biến động, mâu thuẫn bên trong và ngoài nước. Những điều chỉnh mới của tư bản chủ nghĩa đã cho chúng ta thấy, chủ nghĩa tư bản trước mắt vẫn tiếp tự tồn tại và phát triển, mặc dù sự phát triển này không phải là vĩnh hằng và không phải là vô hạn. Do vậy, cần chuẩn bị kỹ càng khả năng cùng chung sống, vừa có hợp tác vừa đấu tranh với chủ nghĩa tư bản, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của chủ nghĩa tư bản để xây dựng thành công nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Kinh tế tư bản chủ nghĩa có những biến đổi trong thời đại ngày nay, trên cơ sở vật chất - kĩ thuật mới và trong mối quan hệ giữa kinh tế tư bản chủ nghĩa với kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa và các nước dân tộc chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước không khắc phục được mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, dù có lực lượng sản xuất, khoa học - kĩ thuật rất cao và có những sự điều chỉnh nhằm chống và tránh khủng hoảng. Từ sau Chiến tranh thế giới II, kinh tế tư bản chủ nghĩa đã trải qua những giai đoạn điều chỉnh sau: 1) giai đoạn khôi phục (1946 - 1952); 2) giai đoạn tăng trưởng nhanh (1953 - 1972); 3) giai đoạn khủng hoảng trì trệ (1973 - 1982); 4) giai đoạn tăng trưởng chậm. Kinh tế tư bản chủ nghĩa trên phạm vi thế giới đã lâm vào khủng hoảng cơ cấu do cách mạng khoa học - công nghệ và do mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc. Để giảm bớt mâu thuẫn nội tại và khủng hoảng của kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại, nhà nước tư bản chủ nghĩa có những điều chỉnh quan trọng, thực hiện chức năng người tổ chức, điều hành, trung tâm điều tiết vĩ mô nền kinh tế quốc dân; phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng - tiền tệ để hỗ trợ cho các nhà tư bản; phát triển mạnh các tổ chức độc quyền quy mô lớn vượt quá giới hạn ngành nghề, quốc gia. Trên cơ sở những biến đổi kinh tế - kĩ thuật, có những biến đổi về chính trị - xã hội (kết cấu giai cấp, vai trò nhà nước và cơ cấu quyền lực chính trị, quy mô và tính chất của đấu tranh giai cấp, các xu hướng chính trị - tư tưởng cách mạng và cải lương...). Kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển cao đi đến tư bản độc quyền hiện đại, tất yếu dẫn đến xu thế toàn cầu hoá và hình thành những tổ chức kinh tế đa quốc gia, xuyên quốc gia chi phối kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế của các nước đang phát triển.
Mặt khác, cũng phải nhận thức rằng, chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển của nó vẫn luôn luôn hàm chứa một nhân tố: tự hạn chế và tự phủ định do chính mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sinh ra. Mặc dù kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày nay đã có những điều chỉnh nhất định trong quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối; ở một chừng mực nhất định, sự điều chỉnh đó cũng đã phần nào làm giảm bớt tính gay gắt của mâu thuẫn này. Song tất cả những điều chỉnh ấy vẫn chưa vượt khỏi khuôn khổ của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, mâu thuẫn vẫn không bị thủ tiêu, đối kháng về lợi ích trong quá trình sản xuất vẫn còn đó, mâu thuẫn giai cấp vẫn tồn tại… Bên cạnh mâu thuẫn cơ bản vốn chưa giải quyết được lại xuất hiện thêm nhiều mâu thuẫn mới phát sinh, đẩy kinh tế tư bản chủ nghĩa nói riêng và chủ nghĩa tư bản nói chung vào những khó khăn mới, dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Đó là mâu thuẫn giữa năng lực sản xuất vô hạn với tiêu dùng và khả năng thanh toán hạn chế; mâu thuẫn giữa khả năng sản xuất vô hạn với nguồn tài nguyên hạn chế; mâu thuẫn giữa nhu cầu nhất thể hóa kinh tế quốc tế và lợi ích quốc gia;… Những mâu thuẫn này diễn ra đồng thời, vẫn là thách thức và đe dọa tới sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản mà kéo theo đó là sự tồn vong của chính nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, như C.Mác và V.I.Lênin đã nhận định: phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không tự tiêu vong và phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa cũng không tự phát hình thành mà phải được thực hiện thông qua các cuộc cách mạng xã hội, trong đó giai cấp có sứ mệnh lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội này chính là giai cấp công nhân.
Tóm lại, qua sự phân tích trên cho thấy, vô luận như thế nào, kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại vẫn mang những mâu thuẫn cơ bản, và tất yếu dẫn đến cách mạng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, dẫn đến chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị tạo ra những tiền đề. Đó là địa vị lịch sử của chủ nghĩa tư bản hiện đại.