Vận dụng dạy học phân hóa trong môn Sinh học 8

Dạy học phân hóa là một phương pháp dạy học trong đó người học được phân hóa thành các nhóm học tập khác nhau phù hợp với năng lực nhận thức và phong cách học tập của bản thân. Để áp vận dụng dạy học phân hóa vào trong giảng dạy, giáo viên cần thiết kế các hoạt động học tập khác nhau phù hợp với mỗi nhóm phong cách học tập để giúp người phát huy tối đa khả năng của bản thân. Trong bài viết này, chúng tôi khái quát một số định nghĩa về dạy học phân hóa và đề xuất quy trình vận dụng tổ chức dạy học phân hóa, trình bày bằng một minh họa cụ thể trong giảng dạy một chủ đề của chương Tuần hoàn - Sinh học lớp 8.

pdf9 trang | Chia sẻ: thuyduongbt11 | Ngày: 18/06/2022 | Lượt xem: 117 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vận dụng dạy học phân hóa trong môn Sinh học 8, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 4 DOI: 10.15625/vap.2020.000147 VẬN DỤNG DẠY HỌC PHÂN HÓA TRONG MÔN SINH HỌC 8 *Phan Thị Thu Dung Tóm tắt: Dạy học phân hóa là một phương pháp dạy học trong đó người học được phân hóa thành các nhóm học tập khác nhau phù hợp với năng lực nhận thức và phong cách học tập của bản thân. Để áp vận dụng dạy học phân hóa vào trong giảng dạy, giáo viên cần thiết kế các hoạt động học tập khác nhau phù hợp với mỗi nhóm phong cách học tập để giúp người phát huy tối đa khả năng của bản thân. Trong bài viết này, chúng tôi khái quát một số định nghĩa về dạy học phân hóa và đề xuất quy trình vận dụng tổ chức dạy học phân hóa, trình bày bằng một minh họa cụ thể trong giảng dạy một chủ đề của chương Tuần hoàn - Sinh học lớp 8. Từ khóa: Dạy học phân hóa, năng lực nhận thức, phong cách học tập. 1. MỞ ĐẦU Dạy học phân hóa (DHPH) đã được nghiên cứu bởi các nhà giáo dục học ở rất nhiều nước trên thế giới và trong đó có Việt Nam. Song song với dạy học học tích cực, DHPH được coi là cách thức dạy học hiệu quả. Khi thiết kế các hoạt động theo hướng DHPH cần phải xây dựng và tổ chức các hoạt động học tập khác nhau, đảm bảo tính phù hợp về năng lực nhận thức (NLNT), phong cách học tập (PCHT) của mỗi HS trong lớp học. DHPH trong môn Sinh học cho phép GV lập kế hoạch giảng dạy một cách có chủ đích và hệ thống nhằm phát huy tối đa tiềm năng năng lực có sẵn của mỗi cá nhân HS về từng kiểu trí tuệ, năng lực nhận thức, phong cách học tập và mức độ hứng thú học tập. Trong công tác tổ chức DHPH giúp GV hướng tới việc điều chỉnh PPDH, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh giúp người học hứng thú, phát triển tối đa năng lực của bản thân và tiến bộ đi lên trong quá trình học tập. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - Phương pháp nghiên cứu lí thuyết: Nghiên cứu các tài liệu liên quan để làm cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn cho đề tài. + Các tài liệu xây dựng cơ sở lí luận bao gồm: Tài liệu dạy học môn Sinh học, tài liệu hướng dẫn dạy học và cách thức tổ chức các hoạt động học tập theo hướng tích cực, các công trình nghiên cứu khoa học liên quan, + Nghiên cứu chương trình Sinh học 8 - THCS, xác định mục tiêu, nội dung của từng chủ đề để định hướng cho việc tìm kiếm, phân tích các thông tin liên quan. Trường THCS Huy Văn, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội Email: Dungduc1203@gmail.com PHẦN III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 1217 - Phương pháp tham vấn chuyên gia: Trong suốt quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi thường xuyên tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục, đồng thời trao đổi với giảng viên chuyên môn để đưa ra được kết luận chính xác và khách quan nhất. 3. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Khái niệm dạy học phân hóa (DHPH) Theo tác giả Nguyễn Thị Thu Anh (2017): “DHPH là quan điểm dạy học trong đó GV lập kế hoạch và tổ chức tiến trình dạy học phù hợp với NLNT, PCHT, đặc điểm trí tuệ của HS để phát triển tối đa năng lực và phẩm chất của mỗi em”. Các tác giả Phan Thị Thanh Hội và Võ Thị Thúy Loan (2019) cũng nhấn mạnh: “DHPH là một cách tiếp cận dạy học, trong đó GV phân hóa HS, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, phương tiện dạy học sao cho phù hợp với nhu cầu, NLNT, sự hứng thú và PCHT khác nhau của HS nhằm tạo cơ hội học tập tốt nhất cho mỗi HS trong lớp”. Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong đó có nêu: “DHPH là định hướng dạy học phù hợp với các đối tượng HS khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi HS dựa vào đặc điểm tâm - sinh lí, khả năng, nhu cầu, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của HS”. Ngoài ra định nghĩa cũng được một số tác giả khác đề cập như tác giả Lê Thị Thu Hương (2016), Đặng Thành Hưng (2008), Dựa trên những khái niệm trên về kết của nghiên cứu cá nhân, tác giả đưa ra khái niệm về DHPH như sau: “DHPH là hình thức dạy học trong đó GV là người lập kế hoạch và định hướng các hoạt động học tập phù hợp với NLNT, PCHT của cá nhân HS nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động học tập khác nhau của mỗi em trong lớp học”. 3.2. Quy trình thiết kế các hoạt động dạy học vận dụng DHPH Theo nghiên cứu của các tác giả Phan Thị Thanh Hội và Võ Thị Thúy Loan (2019), quy trình tổ chức dạy học phân hóa gồm 4 bước như sau: 1) Nhận diện, phân loại HS theo NLNT và PCHT của HS. 2) Thiết kế các hoạt động dạy học vận dụng DHPH. 3) Tổ chức tiến trình dạy học. 4) Đánh giá kết quả dạy học và điều chỉnh. Trong nội dung bài báo này, chúng tôi vẫn giữ nguyên 4 bước và tập trung vào bước 2 của quy trình là thiết kế các hoạt động dạy học vận dụng dạy học phân hóa. 3.2.1. Nguyên tắc thiết kế các hoạt động dạy học Vận dụng tổ chức DHPH môn Sinh học ngoài việc phải tuân thủ theo những nguyên tắc dạy học nói chung thì cũng cần đặc biệt quan tâm tới một số nguyên tắc sau: - Nguyên tắc đảm bảo tính phù hợp giữa PCHT với NLNT của HS. - Nguyên tắc đảm bảo phát triển NLNT của HS. - Nguyên tắc đảm bảo đáp ứng được tính đa dạng trong PCHT của mỗi HS. 1218 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 3.2.2. Quy trình thiết kế các hoạt động học tập Dựa trên các nguyên tắc nêu trên và nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thu Anh (2017) chúng tôi xác định quy trình thiết kế các hoạt động học tập vận dụng DHPH được tiến hành theo các bước sau: * Bước 1: Xác định mục tiêu chủ đề GV xác định mục tiêu bài học, bao gồm mục tiêu: kiến thức, kĩ năng, thái độ, NL hướng tới. Sau đó phân hóa mục tiêu bài học theo các mức độ nhận thức khác nhau phù hợp với PCHT và NLNT của mỗi HS hoặc nhóm HS trong lớp học. GV có thể xác định mục tiêu KN tùy thuộc và PCHT (Bảng 1). GV cũng có thể phân hóa mục tiêu dạy học về kiến thức ở mỗi chủ đề theo Thang mức độ nhận thức với bốn bậc: Bậc 1 - Nhận biết; Bậc 2 - Thông hiểu; Bậc 3 - Vận dụng; Bậc 4 - Vận dụng cao. Mục tiêu bài học được phân hóa cũng là cơ sở cho GV chọn lựa nội dung và cách thức dạy học phù hợp với từng đối tượng HS. Bảng 1. Các kĩ năng tương ứng với các PCHT của HS TT Phong cách học tập (PCHT) Rèn luyện các kĩ năng 1 PCHT kiểu thị giác - Visual Quan sát, phân tích tranh hình, mô hình, video,... 2 PCHT kiểu đọc/viết - Reading/Writing Đọc, khai thác tài liệu giáo khoa, viết báo cáo, kịch bản,... 3 PCHT kiểu thính giác - Auditory Nghe, làm việc theo cặp, làm việc nhóm,... 4 PCHT kiểu vận động - Kinesthetic Thực hành thí nghiệm; thu thập, xử lí thông tin, vận dụng kiến thức vào thực tiễn,... * Bước 2. Xác định mạch nội dung của chủ đề GV nghiên cứu phân chia chủ đề thành các mạch nội dung kiến thức. Trên cơ sở các mạch nội dung này GV tiến hành thiết kế các hoạt động học tập phù hợp với từng nhóm HS. Tùy thuộc mạch nội dung mà GV có thể tổ chức các hoạt động DHPH hay không. Những mạch nội dung có thể sử dụng tổ chức dạy học theo nhiều hình thức, vận dụng đa dạng các phương pháp, kĩ thuật dạy học khác nhau, GV có thể tổ chức DHPH. * Bước 3. Thiết kế các hoạt động học tập theo PCHT và NLNT Trên cơ sở đã xác định được PCHT và NLNT của mỗi HS trong lớp, GV tiến hành lựa chọn nội dung dạy học và thiết kế nhiệm vụ, hình thức học tập phù hợp với các nhóm PCHT hoặc NLNT khác nhau của HS. - Thiết kế nhiệm vụ học tập phù hợp với mỗi nhóm PCHT: + Trên cơ sở lựa chọn được mạch nội dung để tổ chức DHPH, GV tiến hành thiết kế nhiệm vụ học tập phù hợp với các nhóm PCHT. + Thiết kế hoạt động DHPH theo PCHT của HS, yêu cầu đặt ra là các nhiệm vụ GV thiết kế và giao cho HS phải phù hợp với PCHT của mỗi HS, nhằm kích thích hứng thú và tính chủ động tích cực của HS. Chúng tôi xác định nhiệm vụ học tập cho HS phù hợp với PCHT như Bảng 2. PHẦN III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 1219 - Thiết kế nhiệm vụ học tập phù hợp với mỗi nhóm NLNT: GV thiết kế các nhiệm vụ học tập, điều chỉnh độ khó phù hợp nhất với từng nhóm NLNT. + Nhóm HS có năng lực yếu cần thiết kế các câu hỏi, bài tập ở mức độ biết và hiểu. + Nhóm HS trung bình thích hợp với câu hỏi, bài tập ở mức hiểu và vận dụng. + Những nội dung khó, trừu tượng cần mức độ tư duy cao, nội dung gắn liền thực tiễn, có tính vận dụng cao sẽ áp dụng cho đối tượng HS khá, giỏi. Khi thiết kế các hoạt động học tập cũng cần chú ý đến phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bảng 2. Các nhiệm vụ học tập phù hợp với các PCHT TT Phong cách học tập Nhiệm vụ học tập 1 PCHT kiểu thị giác (Visual) Quan sát, phân tích tranh hình, mô hình, video,... 2 PCHT kiểu đọc/viết (Reading/Writing) Đọc, khai thác tài liệu giáo khoa, viết báo cáo, kịch bản,... 3 PCHT kiểu thính giác (Auditory) Nghe, làm việc theo cặp, hợp tác nhóm để thảo luận, tranh luận, giải quyết vấn đề,... 4 PCHT kiểu vận động (Kinesthetic) Thực hành thí nghiệm, thu thập, xử lí thông tin, vận dụng kiến thức trong thực tiễn,... * Bước 4. Dự kiến đánh giá HS Sau mỗi hoạt động dạy học, ngoài đánh giá về mức độ lĩnh hội tri thức, GV cần phải đánh giá cả sự thay đổi về kĩ năng, thái độ, ý thức học tập, tinh thần tự học và hứng thú học tập của từng HS để có giải pháp điều chỉnh kịp thời trong dạy học. Để đánh giá HS qua các hoạt động học tập, GV cần xây dựng các tiêu chí và lựa chọn các công cụ đánh giá (bảng hỏi, bảng kiểm, phiếu đánh giá,) phù hợp. 3.2.3. Minh họa quy trình thiết kế các hoạt động dạy học trong môn Sinh học 8 ❖ Phân tích sự phù hợp của dạy học Sinh học 8 với dạy học phân hóa Sinh học 8 là sinh học cơ thể người, nội dung Sinh học 8 chủ yếu trình bày về cấu tạo và chức năng của các cơ quan, hệ cơ quan của cơ thể con người và từ đó HS vận dụng kiến thức vào vệ sinh các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Nội dung kiến thức được phân chia theo các chương, mỗi chương phân tích về cấu tạo, chức năng và quá trình hoạt động của từng mỗi hệ cơ quan. Với các kiến thức của Sinh học 8, GV có thể sử dụng đa dạng các PPDH như dạy học trực quan, dạy học thực hành, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án, dạy học hợp tác,và các hình thức tổ chức dạy học đa dạng như học ở lớp, học ở nhà, học ở phòng thực hành,Do vậy, với kiến thức môn Sinh học 8 phù hợp cho vận dụng dạy học phân hóa HS. ❖ Ví dụ minh họa quy trình trình thiết kế các hoạt động dạy học Chủ đề “Tim và mạch máu - Sinh học 8” 1220 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM * Bước 1: Xác định mục tiêu chủ đề Xác định mục tiêu bài học theo các mức độ khác nhau tương ứng với các nhóm HS có NLNT khác nhau như sau: - Về kiến thức (Bảng 3 mô tả mức độ nhận thức của HS sau khi học chủ đề). Bảng 3. Mô tả các mức độ mục tiêu chủ đề “Tim - mạch máu” Các mức độ nhận thức Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Vận dụng cao - Trình bày được thành phần cấu tạo của tim. - Nêu được vai trò của các bộ phận cấu tạo của tim và hoạt động của tim. - Nêu được cấu tạo và các loại mạch máu. - Trình bày được chu kì co dãn của tim và sự vận chuyển máu qua hệ mạch. - Phân biệt được các thành phần cấu tạo của tim. - Phân biệt được các loại mạch máu. - Phân tích được các pha trong một chu kì co dãn của tim. - Phân tích được các nguyên nhân gây hại cho tim. - Giải thích được “Tim hoạt động suốt đời mà không mệt mỏi”. Từ đó đưa ra được các cách rèn luyện để có hệ tim - mạch khỏe mạnh. - Giải thích được tại sao phải rèn luyện hệ tim mạch. - Đề xuất được các biện pháp bảo vệ, vệ sinh hệ tim - mạch khỏi tác nhân có hại. - Vận dụng được hiểu biết về máu và tuần hoàn để bảo vệ bản thân, gia đình khỏi những tác nhân có hại. - Về kĩ năng: + Kỹ năng tư duy: So sánh, phân tích, tổng hợp. + Kỹ năng học tập: Tự học, hợp tác, thuyết trình, quan sát tranh hình, đọc tài liệu giáo khoa, nghe MP3 thu nhận kiến thức về tim và mạch máu. + Kỹ năng khoa học: Quan sát, phân loại, thu thập và xử lý thông tin. - Về thái độ: + Giáo dục ý thức học tập, yêu thích môn học. + Giáo dục ý thức bảo vệ tim, tránh tác động mạnh vào tim. - Các năng lực hướng tới: + Năng lực tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề. * Bước 2: Xác định mạch nội dung của chủ đề 1. Cấu tạo tim và hệ mạch. 2. Chu kì co dãn của tim. 3. Vận chuyển máu qua hệ mạch. 4. Bảo vệ tim mạch. * Bước 3: Thiết kế các hoạt động dạy học theo PCHT và NLNT Ở chủ đề Tim và mạch máu, GV thiết kế các nhiệm vụ học tập tương ứng với các nhóm PCHT khác nhau ở hoạt động như sau: PHẦN III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 1221 ➢ Hoạt động khởi động Thời gian Hoạt động của GV Hoạt động của HS 3 phút - GV tổ chức trò chơi: “Tay ai khỏe hơn?”. - Thi bóp bóng tennis liên tục trong vòng 3 phút (ghi lại kết quả số lần bóp bóng/phút của từng đội. Nhận xét và kết quả. => Giảm dần theo thời gian. - HS chia thành 4 nhóm (kỹ thuật quân bài). - Thực hiện trò chơi. ➢ Hoạt động hình thành kiến thức mới: 1. Nhóm có PCHT kiểu thị giác: Quan sát hình ảnh, mô hình và tìm hiểu thêm một số tranh hình liên quan, hoàn thành Phiếu học tập số 1. (https://www.ted.com/talks/edmond_hui_how_the_heart_actually_pumps_blood/tra nscript?language=vi#t-76722) Phiếu học tập số 1: Quan sát hình ảnh, mô hình, video và hoàn thành bảng sau (Thời gian 10 phút) Hình ảnh học tập Câu hỏi Câu 1: Trình bày cấu tạo của tim. Trong các ngăn tim, ngăn nào có lớp cơ dày nhất? Câu 2: Trình bày đường đi của máu. Tại sao máu chỉ truyền theo 1 chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất rồi tới động mạch mà không có chiều ngược lại? Câu 3: Hãy nêu vai trò của van nhĩ – thất. Câu 4: Tại sao tim làm việc cả đời không mệt mỏi? 1222 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 2. Nhóm có PCHT kiểu đọc/ viết: HS đọc thông tin trang 55-56 sách giáo khoa Sinh học 8 và tìm thêm tài liệu internet, sách bồi dưỡng học sinh giỏi, thực hiện Phiếu học tập số 2. (https://hoc24.vn/ly-thuyet/bai-17-tim-va-mach-mau.1830/) Phiếu học tập số 2: Hãy hoàn thành bảng sau (Thời gian 10 phút) Hình ảnh học tập Yêu cầu - Hãy sử dụng các từ sau để điền vào các số chú thích cấu tạo của tim: tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải, tâm thất trái, tâm thất phải, van động mạch chủ, van động mạch phổi, van 2 lá, van 3 lá, tĩnh mạch chủ, động mạch chủ. - Trình bày cấu tạo của tim. Trong các ngăn tim, ngăn nào có lớp cơ dày nhất? - Quan sát hình dựa vào các số thứ tự đã có sẵn và nội dung SGK, hãy mô tả đường đi của máu từ đâu tới đâu? - Tại sao máu chỉ truyền theo 1 chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất rồi tới động mạch mà không có chiều ngược lại? - Chỉ ra sự khác biệt giữa 2 loại mạch máu: động mạch và tĩnh mạch? - Vì sao có sự khác biệt đó? - Tính thời gian co nghỉ của từng pha trong chu kì hoạt động của tim? - Tính xem trung bình mỗi phút diễn ra bao nhiêu chu kì co dãn tim? 3. Nhóm có PHT kiểu thính giác: Hãy nghe file audio bài 17, vận dụng những kiến thức về tim và mạch máu, thảo luận và hoàn thành Phiếu học tập số 3. Phiếu học tập số 3: Hãy trả lời các câu hỏi sau (thời gian 10 phút): Câu 1: Trình bày cấu tạo của tim? Trong các ngăn tim, ngăn nào có lớp cơ dày nhất? Câu 2: Hãy trình bày con đường đi của máu? Tại sao máu chỉ truyền theo 1 chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất rồi tới động mạch mà không có chiều ngược lại? Câu 3: Hãy phân biệt 2 loại mạch máu. Vì sao có sự khác biệt giữa 2 loại máu đó? Nêu vai trò của van tâm nhĩ? Câu 4: Tại sao tim làm việc cả đời không mệt mỏi? PHẦN III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 1223 4. Nhóm có PHT kiểu vận động: Thực hiện các nhiệm vụ ở Phiếu học tập số 4 Phiếu học tập số 4 (thời gian 10 phút) - Sưu tầm tranh hình/tài liệu, chụp ảnh hoặc quay video về cấu tạo của tim và mạch máu; Phân biệt sự khác biệt giữa các mạch máu. - Hãy tìm cách xác định động mạch và tĩnh mạch trên cổ tay của mình và nêu ra những dấu hiệu nhận biết chúng. - Sử dụng tai nghe y tế để đo chu kì co dãn của tim và ghi chép lại các thông tin đo được. => Thảo luận, hoàn thành nhiệm vụ, trình chiếu và thuyết trình kết quả sau sưu tầm, làm việc nhóm trước lớp. ➢ Hoạt động luyện tập, vận dụng Tất cả các nhóm thực hiện Phiếu học tập số 5. Phiếu học tập số 5 (thời gian 5 phút) Câu 1: Trình bày cơ sở khoa học của biện pháp rèn luyện tim. Câu 2: Rèn luyện tim nhằm mục đích gì? Hãy nêu các biện pháp rèn luyện tim? Câu 3: Hãy xác định chu kì tim (nhịp tim) và lưu lượng oxi cung cấp cho tế bào người trong 6 phút (biết rằng mỗi nhịp tim cung cấp cho tế bào 30ml oxi)? * Bước 4: Dự kiến đánh giá HS Đánh giá kết quả học tập của HS không chỉ cho thấy mức độ thu nhận kiến thức, kĩ năng của HS mà GV dựa vào đó làm cơ sở để điều chỉnh kế hoạch và các hoạt động học tập cho phù hợp với mỗi HS về PCHT và NLNT. - Về năng lực chung: GV yêu cầu HS hoàn thành bảng hỏi hoặc bảng kiểm quan sát để đánh giá cá nhân và đánh giá nhóm. GV dựa vào kết quả đánh giá để nhận xét các năng lực HS thu nhận được và điều chỉnh, rút kinh nghiệm. - Về NLNT: GV xây dựng các tiêu chí đánh giá về kĩ năng của NLNT được chia thành bốn thành tố: Xác định mục tiêu; Lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ; Phân tích, tổng hợp nội dung; Đánh giá, điều chỉnh cách học. Mỗi thành tố được xem xét trên ba mức độ: Chưa có các thao tác thực hiện kĩ năng (Mức độ 1); Có các thao tác thực hiện kĩ năng nhưng kết quả chưa cao (Mức độ 2); Sử dụng thành thạo kĩ năng và đạt hiệu quả cao (Mức độ 3). Bộ công cụ đánh giá các kĩ năng của NLNT sử dụng câu hỏi tự luận, câu hỏi trắc nghiệm khách quan, phiếu khảo sát để đánh giá các kĩ năng: Xác định nhiệm vụ học tập; Xác định, lựa chọn các sản phẩm liên quan đến nhiệm vụ học tập theo nhóm PCHT; Phân tích, tổng hợp kết quả học tập; Viết báo cáo, bài thuyết trình và hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ngoài ra thiết kế bảng hỏi là công cụ đánh giá năng lực bao gồm các câu hỏi, chỉ báo được đưa ra để HS tự đánh giá, nhằm khai thác, thu thập thông tin về thái độ của người học trên cơ sở các giả thuyết và mục đích của người dạy. Có thể sử dụng bảng hỏi trước hoặc sau bài học, HS thực hiện trên lớp hoặc ở nhà. Từ kết quả đánh giá HS suy nghĩ và xác định được mức độ nhận thức của mình để từ đó rút ra kinh nghiệm và điều chỉnh cách học. GV dựa vào kết quả đánh giá để điều chỉnh phương pháp và thiết kế các hoạt động học tập phù hợp. 1224 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 4. KẾT LUẬN DHPH có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự hứng thú, sự tích cực của mỗi HS trong quá trình học tập. Sau khi phân hóa HS thành các nhóm học tập phù hợp với mỗi cá nhân người học, GV có thể thiết kế và hướng dẫn HS học tập theo các nhóm PCHT đã phân hóa và nội dung kiến thức tương ứng với NLNT của mỗi em HS. Trong bài viết, chúng tôi đã khái quát một số định nghĩa về DHPH, đưa ra định nghĩa phù hợp và thiết kế quy trình tổ chức và phân tích quy trình tổ chức dạy học vận dụng DHPH, cụ thể trong dạy học chương Tuần hoàn như ví dụ minh họa cho quy trình này. Nghiên cứu này có thể là một tài liệu tham khảo giúp GV có thể vận dụng DHPH trong bài dạy của mình. TÀI LIỆU THAM KHẢO Nguyễn Thị Thu Anh, 2017. Tổ chức dạy học phân hóa trong môn Địa lí 10 ở trường trung học phổ thông. Luận án tiến sĩ Giáo dục học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phan Thị Thanh Hội, Võ Thị Thúy Loan, 2019. Vận dụng dạy học phân hóa để thiết kế và tổ chức các hoạt động học tập chương Cảm ứng - Sinh học 11. Tạp chí Giáo dục, số 462 (Kì 2 - 9/2019), tr. 59 - bìa 3; 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tr. 31. Lê Thị Thu Hương, 2016. Phát triển năng lực dạy học phân hóa - Nội dung quan trọng trong đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tạp chí Giáo dục, 377: 13-15. Đặng Thành Hưng, 2008. Cơ sở sư phạm của dạy học phân hoá, Tạp chí Khoa học Giáo dục, 38: 30-32.
Tài liệu liên quan