Trong một lần xô xát, anh A làm anh B bị thiệt hại. Ngày 23/5/2007 anh B kiện anh A ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án mặc dù các đương sự không yêu cầu nhưng để đảmbảo giải quyết đúng đắn vụ án Tòa án đã tiến hành trưng cầu giám định mức độ thiệt hại sức khỏe của B. Anh A đã kiếu nại quyết định trưng cầu giám định của Tòa án vì cho rằng Tòa án không được tự mình ra quyết định trưng cầu giám định. Hỏi:
a) Lý do khiếu nại này của A có cơ sở để chấp nhận không? Tại sao?
b) Giả sử A có nơi cư trú tại quận 1 thành phố H, B cư trú tại quận K thành phố Đ và xô xát xảy ra tại thành phố TH thuộc tỉnh T. Hãy xác định những Tòa án có thẩm quyền mà B có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ án?
4 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1756 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập cá nhân tố tụng dân sự - Đề 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ SỐ 02:
Trong một lần xô xát, anh A làm anh B bị thiệt hại. Ngày 23/5/2007 anh B kiện anh A ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án mặc dù các đương sự không yêu cầu nhưng để đảmbảo giải quyết đúng đắn vụ án Tòa án đã tiến hành trưng cầu giám định mức độ thiệt hại sức khỏe của B. Anh A đã kiếu nại quyết định trưng cầu giám định của Tòa án vì cho rằng Tòa án không được tự mình ra quyết định trưng cầu giám định. Hỏi:
a) Lý do khiếu nại này của A có cơ sở để chấp nhận không? Tại sao?
b) Giả sử A có nơi cư trú tại quận 1 thành phố H, B cư trú tại quận K thành phố Đ và xô xát xảy ra tại thành phố TH thuộc tỉnh T. Hãy xác định những Tòa án có thẩm quyền mà B có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ án?
BÀI LÀM
a) Lý do khiếu nại này của A có cơ sở để chấp nhận không? Tại sao?
Trước hết, em xin khẳng định: Lý do khiếu nại này của A có cơ sở để chấp nhận.
Căn cứ vào điểm b khoản 2 điều 85 Bộ Luật TTDS có quy định như sau:
“2. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập chứng cứ:
…..
b) Trưng cầu giám định.”
Như vậy, theo quy định của Luật thì Tòa án chỉ có thể tiến hành trưng cầu giám định khi có đủ hai điều kiện sau:
+ Thứ nhất là khi đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ. Điều này được hiểu là đương sự chứng mình được rằng họ đã làm hết sức mình nhưng do những khó khăn khách quan mà họ không thể tự mình thu thập được chứng cứ. Ví dụ như: cá nhân, tổ chức, cơ quan.. đang giữ tài liệu chứng cứ đó không cung cấp cho họ.
+ Thứ hai là khi đương sự có yêu cầu. Theo quy định tại Nghị quyết 04/2005/NQ-HĐTP thì yêu cầu này phải được thể hiện bằng văn bản.
Trong tình huống trên, ta thấy rằng: “Mặc dù các đương sự không có yêu cầu nhưng để đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án Tòa án đã tiến hành trưng cầu giám định mức độ thiệt hại sức khỏe của B”. Như vậy, trong trường hợp này đương sự chưa hề có yêu cầu, do vậy Tòa án tự mình trưng cầu giám định là không đúng pháp luật và lý do khiều nại của anh A là có cơ sở để chấp nhận.
Nhận xét: Sở dĩ pháp luật có quy định như trên là vì: Quan hệ dân sự là quan hệ riêng tư của các bên, do các bên tự quyết định, tự giải quyết là chủ yếu. Khi không thể tự giải quyết được thì họ mới yêu cầu Tòa án hỗ trợ. Do vậy Tòa án chỉ là trọng tài, giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách khách quan và đúng pháp luật chứ Tòa án không thể làm thay, không thể tự theo ý mình đi chứng minh là bên nguyên đơn đúng hay bên bị đơn đúng được. Quyền và nghĩa vụ chứng mình thuộc về đương sự, chỉ khi họ không thể tự tìm được chứng cứ vì những lý do khách quan và có yêu cầu thì lúc đó Tòa án mới giúp họ tìm chứng cứ.
b) Giả sử A có nơi cư trú tại quận 1 thành phố H, B cư trú tại quận K thành phố Đ và xô xát xảy ra tại thành phố TH thuộc tỉnh T. Hãy xác định những Tòa án có thẩm quyền mà B có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ án?
Trong tình huống trên anh B có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ án đến một trong 3 Tòa án sau:
+ Tòa án nhân dân quận 1 thành phố H.
+ Tòa án nhân dân quận K thành phố Đ.
+ Tòa án nhân dân thành phố TH tỉnh T.
Căn cứ pháp luật để anh B có thể gửi đơn đến các Tòa trên là:
+ Thứ nhất: xét thẩm quyền của Tòa án theo cấp, ta thấy rằng đây là trường hợp “tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại khoản 6 điều 25 Bộ Luật TTDS. Mà điểm a khoản 1 điều 33 quy định như sau:
“Điều 33. Thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;”
Như vậy, qua những quy định trên của pháp luật ta có thể khẳng định rằng: thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong tình huống trên chỉ có thể thuộc về Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà không thuộc về Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy anh B không thể gửi đơn yêu cầu của mình đến Tòa án nhân dân thành phố H, thành phố Đ hoặc tỉnh H được.
+ Thứ hai: xét thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, tại điểm a khoản 1 điều 35 Bộ Luật TTDS quy định: “Toà án nơi bị đơn cư trú…nếu bị đơn là cá nhân…có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này”. Như vậy, áp dụng điều Luật này ta có thể xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân quận 1 thành phố H – là nơi bị đơn A cư trú.
Tại điểm d khoản 1 điều 36 Bộ Luật TTDS có quy định:
“Điều 36. Thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu
1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
….
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;”
Như vậy theo quy định của điều này thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân quận K thành phố Đ (nơi nguyên đơn cư trú) và Tòa án nhân dân thành phố TH thuộc tỉnh T (nơi xảy ra việc gây thiệt hại).
Kết luận: Anh B có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ án đến một trong 3 Tòa án sau:
+ Tòa án nhân dân quận 1 thành phố H.
+ Tòa án nhân dân quận K thành phố Đ.
+ Tòa án nhân dân thành phố TH tỉnh T.
Nhận xét: Việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo các cấp và theo lãnh thổ nhằm bảo đảm thuận lợi cho việc tham gia tố tụng của đương sự cũng như hiệu quả thực tế cho việc bảo vệ quyền lợi cho họ, giải quyết vụ việc một cách chính xác nhất.
DANH MỤC CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
Nghị quyết của HĐTPTANDTC số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về “Chứng minh và chứng cứ”.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Câu hỏi và bài tập về luật tố tụng dân sự, Nxb. CAND, Hà Nội, 2003.
Hoàng Ngọc Thỉnh, “Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự”, Tạp chí luật học, Đặc san góp ý Dự thảo BLTTDS, 2004, tr. 65 - 69
Tưởng Duy Lượng, “Thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết các vụ việc dân sự”, Tạp chí TAND, số 15/2007, tr. 19 - 35; số 16/2007, tr. 23 - 30