Thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là yêu cầu cấp thiết
trong bối cảnh gia tăng về qui mô và tốc độ BĐKH trên toàn cầu, trong đó giảm nhẹ BĐKH
được coi là cách bảo hiểm tốt nhất cho một tương lai không chắc chắn và thích ứng với
BĐKH đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại và tận dụng các cơ hội có lợi
từ BĐKH. Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp của các
hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và BĐKH. Trong bối cảnh các cam kết về giảm nhẹ
và thích ứng với BĐKH trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu sẽ được thực hiện từ năm 2020
và các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu hành động khẩn cấp để ứng phó
với BĐKH và các tác động của BĐKH phải đạt được vào năm 2030, Việt Nam cần tăng
cường hơn nữa các chính sách ứng phó với BĐKH để tuân thủ các cam kết quốc tế và phù
hợp với thực tiễn trong nước; đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững đất
nước. Bài viết này trình bày tổng quan về chính sách ứng phó với BĐKH, rà soát các chính
sách ứng phó với BĐKH đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, phân tích các cơ hội và
thách thức về ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong bối cảnh mới của BĐKH toàn cầu, từ
đó đưa ra một số khuyến nghị về những ưu tiên trong chính sách ứng phó với BĐKH ở
Việt Nam trong thời gian tới.
17 trang |
Chia sẻ: thanhuyen291 | Ngày: 13/06/2022 | Lượt xem: 269 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong bối cảnh mới của biến đổi khí hậu toàn cầu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
285
CHÍNH SÁCH ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VIỆT NAM
TRONG BỐI CẢNH MỚI CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU
PGS.TS. Hoàng Văn Cường
TS. Vũ Thị Hoài Thu
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tóm tắt
Thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là yêu cầu cấp thiết
trong bối cảnh gia tăng về qui mô và tốc độ BĐKH trên toàn cầu, trong đó giảm nhẹ BĐKH
được coi là cách bảo hiểm tốt nhất cho một tương lai không chắc chắn và thích ứng với
BĐKH đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại và tận dụng các cơ hội có lợi
từ BĐKH. Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp của các
hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và BĐKH. Trong bối cảnh các cam kết về giảm nhẹ
và thích ứng với BĐKH trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu sẽ được thực hiện từ năm 2020
và các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu hành động khẩn cấp để ứng phó
với BĐKH và các tác động của BĐKH phải đạt được vào năm 2030, Việt Nam cần tăng
cường hơn nữa các chính sách ứng phó với BĐKH để tuân thủ các cam kết quốc tế và phù
hợp với thực tiễn trong nước; đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững đất
nước. Bài viết này trình bày tổng quan về chính sách ứng phó với BĐKH, rà soát các chính
sách ứng phó với BĐKH đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, phân tích các cơ hội và
thách thức về ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong bối cảnh mới của BĐKH toàn cầu, từ
đó đưa ra một số khuyến nghị về những ưu tiên trong chính sách ứng phó với BĐKH ở
Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về
Khí hậu, giảm nhẹ, thích ứng
1. Giới thiệu
Các nghiên cứu gần đây về biến đổi khí hậu (BĐKH) củng cố thêm một
thực tế là BĐKH là một trong những vấn đề nghiêm trọng và cấp bách nhất mà
thế giới đang phải đối mặt. Theo IPCC (2014), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã
tăng 0,85°C trong giai đoạn 1880-2012; mực nước biển toàn cầu đã dâng 0,19m
trong giai đoạn 1901-2010. IPCC (2014) dự đoán rằng nhiệt độ trung bình toàn
cầu có thể tăng từ 1,5-1,7°C vào năm 2100 so với giai đoạn 1850-1900 theo kịch
bản phát thải thấp nhất và tăng từ 3,7-4,8°C vào năm 2100 theo kịch bản phát
thải cao nhất. BĐKH đã, đang và sẽ gây ra các tác động ngày càng thường xuyên
và nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới trên mọi phương diện, đòi
286
hỏi tăng cường hơn nữa các hành động ứng phó khẩn cấp với BĐKH trên phạm
vi toàn cầu.
Những nỗ lực giải quyết BĐKH trên phạm vi toàn cầu trong hơn hai thập
kỷ qua đã được thể hiện thông qua việc thực hiện các hiệp ước quốc tế về BĐKH
mà gần đây nhất là Thỏa thuận Paris về Khí hậu, được thông qua tại Hội nghị các
bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH - COP 21 tại Paris,
Pháp năm 2015. Cũng trong năm 2015, 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs –
Sustainable Development Goals) và 169 chỉ tiêu đã được thông qua để thế giới
cùng nhau nỗ lực đạt được trong 15 năm tới (2016-2030), trong đó mục tiêu số
13 trong 17 SDGs là hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với BĐKH và những tác
động của BĐKH. Thỏa thuận Paris về Khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền
vững đến năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới và được coi là một
bước ngoặt cho cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu cũng như là cách thức duy
nhất để cứu Trái Đất. Trong bối cảnh mới của BĐKH toàn cầu, các quốc gia cần
thể hiện quyết tâm, nỗ lực và tham vọng hơn nữa thông qua các cam kết chính trị
và hành động mạnh mẽ ở cấp quốc gia.
Thực hiện các chính sách ứng phó với BĐKH là yêu cầu cấp thiết, trong đó
giảm nhẹ BĐKH được coi là cách bảo hiểm tốt nhất cho một tương lai không
chắc chắn và thích ứng với BĐKH đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu
thiệt hại và tận dụng các cơ hội có lợi từ BĐKH, đặc biệt đối với các nước đang
phát triển. Trong báo cáo có tên “Global Risks” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
công bố vào năm 2016, kết quả từ cuộc khảo sát 750 chuyên gia về dự đoán 29
rủi ro toàn cầu có thể xảy ra trong những năm tới đã chỉ ra rằng thất bại trong
việc thực hiện các chính sách ứng phó với BĐKH (giảm nhẹ và thích ứng) là rủi
ro đứng thứ 3 trong 10 rủi ro toàn cầu có khả năng xảy ra nhất và là rủi ro có tác
động nghiêm trọng nhất đối với thế giới trong những năm tới (World Economic
Forum, 2016). Do đó, việc thực hiện hiệu quả các chính sách BĐKH đóng vai trò
rất quan trọng cho một tương lai an toàn và bền vững của thế giới.
Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp của
các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và BĐKH, đặc biệt là rét đậm và rét
hại trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc, mưa lũ và ngập lụt ở miền Trung, hạn hán
ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn nghiêm trọng
ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016. Là một trong những quốc gia trên
287
thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi những tác động bất lợi của BĐKH,
Việt Nam đã có những cam kết chính trị và hành động mạnh mẽ ở cấp quốc tế và
quốc gia nhằm ứng phó với những thách thức của BĐKH, được thể hiện thông
qua việc xây dựng và thực hiện các luật, chiến lược, kế hoạch hành động quốc
gia liên quan đến BĐKH. Trong bối cảnh các cam kết về giảm nhẹ và thích ứng
với BĐKH trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu sẽ được thực hiện từ năm 2020 và
các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu hành động khẩn cấp để
ứng phó với BĐKH và các tác động của BĐKH phải đạt được vào năm 2030,
những thách thức mới trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu đòi hỏi Việt Nam
cần tăng cường hơn nữa các chính sách ứng phó với BĐKH để tuân thủ các cam
kết quốc tế và phù hợp với thực tiễn trong nước; đồng thời tận dụng các cơ hội
để phát triển bền vững đất nước.
2. Tổng quan về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu
Ứng phó với BĐKH là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và
giảm nhẹ BĐKH (Điều 3, Điểm 26, Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam, được
Quốc hội Khóa 13, kỳ họp thứ 7 thông qua vào ngày 23/06/2014 và có hiệu lực
từ ngày 01/01/2015). Nhìn chung, để ứng phó với BĐKH, thế giới đang thực
hiện cùng một lúc hai chiến lược: giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH. Các
thách thức đối với giảm nhẹ và thích ứng đều rất lớn. Tuy nhiên, những thách
thức này có thể được giải quyết thông qua những biện pháp chủ động và phù hợp
về khí hậu.
Giảm nhẹ BĐKH là sự can thiệp của con người nhằm giảm thiểu các nguồn
gây ra khí nhà kính hoặc tăng cường các bể hấp thụ khí nhà kính (IPCC, 2014).
Nhìn chung, các chính sách giảm nhẹ BĐKH gồm 2 nhóm: (i) các chính sách
giảm thiểu các nguồn gây ra khí nhà kính từ các ngành như năng lượng, công
nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất, giao thông, thương mại, chủ
yếu bằng cách tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển các công
nghệ mới nhằm làm cho nền kinh tế thế giới không bị gắn nhiều với các bon và
các khí nhà kính khác và (ii) các chính sách tăng cường các bể hấp thụ khí nhà
kính, chủ yếu từ các hoạt động sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp
và từ các hệ sinh thái biển, ven biển và đại dương.
288
Thích ứng với BĐKH là quá trình điều chỉnh của hệ thống tự nhiên hoặc
con người trước BĐKH dự kiến hoặc thực tế và những tác động của BĐKH
nhằm làm giảm hoặc tránh những tác động bất lợi và tận dụng các cơ hội có lợi
do BĐKH mang lại (IPCC, 2014). Các chính sách thích ứng với BĐKH gồm 2
nhóm: (i) các chính sách giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương/ thiệt hại từ
BĐKH (ví dụ như các chính sách về quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường mạng
lưới an sinh xã hội, bảo hiểm BĐKH, xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với
BĐKH, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học,) và (ii)
các chính sách khai thác, tận dụng những cơ hội có lợi từ BĐKH (ví dụ như các
chính sách phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh BĐKH).
3. Thực trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của
thiên tai trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do vị trí địa lý và địa hình.
Trong các loại thiên tai thì bão và lũ lụt là thường xuyên và nguy hiểm nhất.
Trung bình mỗi năm Việt Nam phải gánh chịu từ 6-7 cơn bão; có 74 trận lũ đã
xảy ra trong giai đoạn 1990-2010. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt
lở đất và các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn (Viện Khoa
học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu và Chương trình Phát triển Liên
Hiệp Quốc, 2015). Hầu hết dân số Việt Nam sinh sống ở các lưu vực sông,
vùng đất thấp và khu vực ven biển nên hơn 70% dân số có nguy cơ gặp phải
thiên tai (UNDP, 2012).
BĐKH đang ngày càng được biểu hiện rõ nét ở Việt Nam. Trong 50 năm
qua (1958-2007), nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 2-3oC; mực nước biển
tại trạm Hòn Dáu đã dâng khoảng 20 cm; lượng mưa tính trung bình trên cả nước
đã giảm khoảng 2%/năm; và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, đặc biệt
là bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn và mùa bão kết thúc muộn hơn,
các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại có xu hướng kéo dài (Bộ Tài nguyên
và Môi trường, 2012).
Trong năm 2016, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng và diễn biến ngày
càng phức tạp của các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai . Theo Báo cáo
của Văn phòng chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài
nguyên và Môi trường, năm 2016 là năm có nhiều thiên tai khá đặc biệt và xuất
hiện nhiều kỷ lục về thiên tai, bao gồm:
289
(i) Có 18 đợt gió mùa Đông Bắc và 05 đợt không khí lạnh gây ra rét đậm,
rét hại trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc.
(ii) Hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử đã làm cho nền
nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm mạnh so với nhiều năm qua, gây ra tình trạng
hạn hán gay gắt tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đặc biệt
ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc.
(iii) Từ tháng 11/2015 đến tháng 05/2016, mùa mưa kết thúc sớm, dòng
chảy sông từ thượng lưu sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ
đầu mùa khô đã xuống mức thấp nhất trong gần một thế kỷ qua, làm cho xâm
nhập mặn diễn ra sớm hơn và lấn sâu hơn (trên 100 km ở khu vực sông Vàm Cỏ;
65km ở các cửa sông Tiền) so với cùng kỳ năm 2015. Xâm nhập mặn ở các tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long đạt kỷ lục trong gần 90 năm trở lại đây. Nhiều tỉnh đã
phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trong giai đoạn này là Kiên Giang,
Long n, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh.
(iv) Từ tháng 6-12/2016, đã có 15 đợt lũ lớn trên các các sông Trung Bộ và
khu vực Tây Nguyên gây ra lũ đặc biệt lớn, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính
mạng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên.
Trong bối cảnh BĐKH, thiên tai ngày càng gia tăng về qui mô và chu kỳ
lặp lại đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo Bộ Tài nguyên và Môi
trường (2015), trong 30 năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng 500 người chết
và mất tích và hàng nghìn người bị thương do thiên tai. UNDP (2012) cho rằng
thiệt hại kinh tế hàng năm do thiên tai ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng
1,3-1,5% GDP mặc dù thiệt hại thực tế có thể cao hơn nhiều. Trong năm 2016,
thiên tai đã gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của dân cư. Theo
Tổng cục Thống kê (2016), thiên tai đã làm 248 người chết và mất tích; 470
người bị thương; giá trị thiệt hại do thiên tai trong năm 2016 (chưa kể thiệt hại do
tình trạng hạn hán tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và
xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long) ước tính khoảng 18,3
nghìn tỷ đồng, trong đó một số địa phương bị thiệt hại nhiều là Quảng Bình (thiệt
hại 2,9 nghìn tỷ đồng) và Thái Bình (thiệt hại 2,6 nghìn tỷ đồng).
Dưới tác động của hạn hán tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và
Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời
gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2016, có 18 tỉnh bị ảnh hưởng, khoảng 2 triệu
290
người đã không được tiếp cận nước sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng, 180.000
người có nguy cơ bị nhiễm các bệnh do hạn hán và xâm nhập mặn, 27.500 trẻ em
dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ mức trung bình đến cấp tính, 39.000 phụ nữ mang
thai và cho con bú bị thiếu vi chất dinh dưỡng và 1,75 triệu người đã bị mất sinh kế
trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng lúa, cây ăn quả, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi
trồng thủy sản) do hạn hán. Uớc tính thiệt hại kinh tế là 15,032 nghìn tỷ đồng (tương
đương 674 triệu Đô la Mỹ hoặc khoảng 0.35% GDP của Việt Nam) (United Nations
in Vietnam, 2016). Như vậy, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ước
tính khoảng 33,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,8% GDP.
4. Thực tiễn về xây dựng và thực hiện chính sách biến đổi khí hậu
ở Việt Nam
4.1. Quan điểm và định hướng về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Nhận thức được những mối nguy hại do BĐKH cũng như những thách thức
và lợi ích của việc ứng phó với BĐKH một cách hệ thống trong công cuộc phát
triển đất nước, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng và thực hiện một loạt cải
cách về thể chế và chính sách liên quan đến BĐKH. Để giám sát và điều phối
việc thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, Chính phủ đã
thành lập Uỷ ban Quốc gia về BĐKH (năm 2012) và Hội đồng Tư vấn Quốc gia
về BĐKH (năm 2015).
Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực xây dựng và thực hiện các luật, chiến
lược và kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy con đường phát triển phát
thải các bon thấp, giảm khả năng dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai và
BĐKH, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đáng chú ý là Luật Phòng,
chống thiên tai (năm 2013), luật Bảo vệ môi trường (2014), Nghị quyết 24/NQ-
TW ngày 03/06/2013 về Ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 về Chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XI, Chiến lược và Kế hoạch quốc gia lần thứ hai về quản lý và
giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2001-2020, Chiến lược quốc gia về BĐKH năm
2011 và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020, Chiến
lược quốc gia về Tăng trưởng xanh năm 2012 và Kế hoạch hành động quốc gia
về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng
phó với BĐKH (2008, 2012).
291
Trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách ứng phó với
BĐKH trên cả 2 phương diện giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH như đã
được đề ra trong các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong những năm gần
đây; đồng thời đã có những chính sách kịp thời và quyết liệt để giải quyết những
thách thức mới về BĐKH ở trong nước cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế về
BĐKH. Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ,
Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long,
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 về
Việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn; Chỉ thị
số 09/CT-TTg ngày 12/03/2016 về Việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng
phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hạn chế thấp nhất thiệt
hại, ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Ngày 14/03/2016, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 819/QĐ-BNN-KHCN phê
duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và phát triển
nông thôn giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu
mới về ứng phó với BĐKH và góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông
nghiệp. Ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh là một trong 21 Chương trình
mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị
quyết số 73/NQ-CP ngày 26/08/2016.
Đối với cam kết quốc tế về BĐKH, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham
gia vào các quá trình đàm phán khí hậu quốc tế và xây dựng các chính sách về
giảm nhẹ và thích ứng theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã phê
chuẩn Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH vào năm 1994 và Nghị
định thư Kyoto vào năm 2002. Việt Nam đã trình Thông báo Quốc gia lần thứ
nhất (năm 2003) và lần thứ hai (năm 2010) cho Ban Thư ký của Công ước.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã trình Báo cáo cập nhật hai năm một
lần (BUR1) cho Ban Thư ký Công ước về tình hình kiểm kê khí nhà kính của
Việt Nam vào năm 2014. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các nhà
tài trợ, các bộ/ngành liên quan xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết
định (INDC) và nộp cho Ban Thư ký công ước vào năm 2015. Trong năm 2016,
Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên
Hiệp Quốc về BĐKH tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016. Thủ tướng
Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tại
Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 với 5 nhiệm vụ chính là (i) giảm
292
nhẹ phát thải khí nhà kính, (ii) thích ứng với BĐKH, (iii) chuẩn bị nguồn lực con
người, công nghệ và tài chính, (iv) thiết lập hệ thống giám sát công khai và minh
bạch, và (v) xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về BĐKH.
Chiến lược quốc gia về BĐKH (năm 2011) thể hiện quan điểm Việt Nam
coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn; ứng phó với BĐKH của
Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các bon thấp,
tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và
sức mạnh quốc gia; tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát
thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng
là trọng tâm. Đi kèm với Chiến lược là Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai
đoạn 2012-2020 được ban hành năm 2012. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng
xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 với quan điểm cho rằng tăng
trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển
kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược
quốc gia về BĐKH, tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát
triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải
thiện chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch hành
động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 được ban hành năm 2014
để thực hiện Chiến lược. Ngoài ra, Chiến lược và Kế hoạch Quốc gia lần thứ hai về
Quản lý và Giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2001-2020 cũng góp phần quan trọng trong
việc thực hiện mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát thải các bon thấp và có khả
năng chống chịu với BĐKH.
Nhiều chương trình và sáng kiến khác cũng được ban hành để hỗ trợ việc
thực hiện các chiến lược, bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với
BĐKH giai đoạn 2012-2015, Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH, Chương
trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương
trình hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn
chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và
nâng cao trữ lượng các bon rừng (gọi tắt là Chương trình REDD+) giai đoạn
2011-2020, Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và Chương
trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó
với BĐKH.
293
4.2. Chính sách giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Nhận thức được tính chất tiềm tàng, tác động lâu dài và trên diện rộng của
BĐKH, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện đồng thời các chính sách giảm
nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH bằng cách chú trọng lồng ghép các giải pháp
ứng phó với BĐKH vào chiến lược, kế hoạch và các chính sách phát triển kinh
tế-xã hội cấp quốc gia, ngành và địa phương để phát triển bền vững đất nước.
4.2.1. Chính sách giảm nhẹ
Mặc dù là nước phát thải thấp khí nhà kính, chỉ chiếm 0,6% tổng lượng
phát thải khí nhà kính của thế giới, nhưng Việt Nam đã