Trang phục bao gồm hai thành tố: y phục và đồ trang sức. Trong y phục hay trang sức lại bao gồm những thành tố và bộ phận khác nhau. Trong đó, y phục là những thứ dùng để che đậy, bảo vệ cơ thể, góp phần làm đẹp cho con người. Đồ trang sức là những vật dụng mang theo trên mình với mục đích làm đẹp cho con người hoặc các mục đích khác theo quan niệm truyền thống hay đương đại của từng tộc người. Đồ trang sức bao giờ cũng mang tính thẩm mĩ và tính biểu trưng. Ngoài yếu tố cộng đồng, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân sử dụng nó với vị thế, khả năng và quan niệm của chính cá nhân đó.
Với tư cách là một thành tố cả văn hoá tộc người, bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát là một nguồn tư liệu quý để góp phần tìm hiểu về lịch sử, văn hoá và điều kiện môi sinh (tự nhiên và xã hội) của người Mông nơi đây. Nhiều kết quả nghiên cứu về người Mông trước đây đã cho thấy sự đóng góp quan trọng của văn hoá Mông trong quá trình giao thoa, hội nhập làm phong phú và phát triển văn hoá của cộng đồng các dân tộc anh em.
Hiện nay, khi giao lưu và hội nhập trên nhiều bình diện của đời sống xã hội diễn ra mạnh mẽ, đời sống xã hội của người Mông ở Cát Cát trong đó có trang phục đang biến đổi không ngừng. Việc nghiên cứu trang phục của người Mông nói chung, người Mông ở Cát Cát nói riêng sẽ góp phần vào quá trình nghiên cứu để bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chuyên đề Bộ trang phục truyền thống của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm mục đích đó. Chuyên đề nằm trong đề tài Bảo tồn nghề dệt cổ truyền, thuộc dự án Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông – làng Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề áp dụng các phương pháp dân tộc học truyền thống để phân tích và xử lý tư liệu. Nguồn tài liệu được chúng tôi sử dụng là nguồn tư liệu thu được trong quá trình điền dã tại địa bàn nghiên cứu.
28 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1901 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Đề Bộ trang phục truyền thống của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DẪN LUẬN
Trang phục bao gồm hai thành tố: y phục và đồ trang sức. Trong y phục hay trang sức lại bao gồm những thành tố và bộ phận khác nhau. Trong đó, y phục là những thứ dùng để che đậy, bảo vệ cơ thể, góp phần làm đẹp cho con người. Đồ trang sức là những vật dụng mang theo trên mình với mục đích làm đẹp cho con người hoặc các mục đích khác theo quan niệm truyền thống hay đương đại của từng tộc người. Đồ trang sức bao giờ cũng mang tính thẩm mĩ và tính biểu trưng. Ngoài yếu tố cộng đồng, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân sử dụng nó với vị thế, khả năng và quan niệm của chính cá nhân đó.
Với tư cách là một thành tố cả văn hoá tộc người, bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát là một nguồn tư liệu quý để góp phần tìm hiểu về lịch sử, văn hoá và điều kiện môi sinh (tự nhiên và xã hội) của người Mông nơi đây. Nhiều kết quả nghiên cứu về người Mông trước đây đã cho thấy sự đóng góp quan trọng của văn hoá Mông trong quá trình giao thoa, hội nhập làm phong phú và phát triển văn hoá của cộng đồng các dân tộc anh em.
Hiện nay, khi giao lưu và hội nhập trên nhiều bình diện của đời sống xã hội diễn ra mạnh mẽ, đời sống xã hội của người Mông ở Cát Cát trong đó có trang phục đang biến đổi không ngừng. Việc nghiên cứu trang phục của người Mông nói chung, người Mông ở Cát Cát nói riêng sẽ góp phần vào quá trình nghiên cứu để bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chuyên đề Bộ trang phục truyền thống của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm mục đích đó. Chuyên đề nằm trong đề tài Bảo tồn nghề dệt cổ truyền, thuộc dự án Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông – làng Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề áp dụng các phương pháp dân tộc học truyền thống để phân tích và xử lý tư liệu. Nguồn tài liệu được chúng tôi sử dụng là nguồn tư liệu thu được trong quá trình điền dã tại địa bàn nghiên cứu.
1. KHÁI QUÁT VỀ NGHỀ TRỒNG LANH DỆT VẢI CỦA NGƯỜI MÔNG Ở THÔN CÁT CÁT
Trong các nghề thủ công truyền thống của người Mông ở làng Cát Cát, nếu như rèn đúc và đan lát là việc của nam giới thì nghề dệt là việc của phụ nữ. Trong xã hội truyền thống trước đây, khi còn sống trong môi trường biệt lập, khép kín, bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải biết trồng lanh, xe lanh, dệt vải, biết kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong, biết ghép màu bằng các loại vải và biết thêu hoa văn bằng các loại chỉ màu… và họ phải học tất cả những điều đó ngay từ khi còn bé để đến khi trở thành thiếu nữ, họ có đủ khả năng tạo nên các tấm vải lanh, làm nên các bộ váy áo cho bản thân và cả gia đình, nhất là cho người chồng và gia đình bên chồng sau này.
Lanh thường được gieo trồng trên những mảnh đất tương đối màu mỡ, đó là khoảnh đất mà bố mẹ đẻ ưu tiên dành cho người con gái để họ thực hiện thiên chức của mình. Thời vụ trồng lanh chỉ kéo dài 3 tháng và bắt đầu từ khoảng tháng 2, nửa đầu tháng 3 âm lịch hàng năm. Khi cây lanh mọc tốt nhất cũng là lúc người ta chặt cây tước vỏ lấy sợi.
Quá trình xe vỏ cây lanh làm sợi là một không việc không quá phức tạp nhưng đòi hỏi rất nhiều thời gian và người phụ nữ Mông phải tranh thủ làm công việc này mọi lúc, mọi nơi có thể - khi đôi tay của họ được rảnh rỗi. Hình ảnh người phụ nữ Mông tay xe sợi thoăn thoắt trên đường lên nương, đi chợ… là một hình đẹp đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng không chỉ của người phụ nữ Mông ở Cát Cát mà còn là một trong những biểu tượng đẹp của vùng đất này.
Khi việc xe lanh bằng tay đã hoàn thành, người ta cho sợi lanh vào guồng quay bằng gỗ và trúc để xe cho sợi nhỏ và săn chắc hơn. Cuối cùng, sợi lanh được lắp vào khung cửi để dệt thành vải.
Quá trình in hoa văn bằng sáp ong và thêu ghép những mảnh vải màu trên váy, áo là phần kỹ thuật cuối cùng thể hiện đôi tay khéo léo của người phụ nữ Mông, để tạo nên những bộ váy áo sặc sỡ với những hoa văn hình con ốc, con chó, chân gà… mang đậm dấu ấn văn hoá của dân tộc này.
Mỗi người con gái Mông nơi đây cho đến nay vẫn đều làm cho mình một bộ váy áo đẹp nhất dành cho ngày cưới và cũng là để mặc khi trút hơi hơi thở cuối cùng.
Có thể nói, những mảnh vải lanh với những hoa văn được in bằng kỹ thuật ba tít qua sáp ong hay được thêu ghép từ những miếng vải màu là những sản phẩm được nhiều ngời ưa thích. Nó được làm ra nhằm phục vụ cho nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi thành viên và một phần nhỏ dùng để trao đổi, mua bán.
2. BỘ TRANG PHỤC CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI MÔNG Ở CÁT CÁT, SA PA, LÀO CAI
Trang phục có mặt trong mọi hoạt động của người Mông ở Cát Cát, mỗi hoạt động trang phục lại có những nét riêng. Với cuộc sống xưa kia thường xuyên phải di chuyển, đồ dệt trong đó có trang phục của người Mông được coi là một tài sản quý, vượt ra ngoài giá trị vật chất thuần tuý, trang phục thể hiện một cách sâu sắc những giá trị văn hoá, xã hội truyền thống của người Mông, cách ứng xử văn hoá với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội mà ở đó đồng bào sinh sống.
2.1. Bộ nữ phục
2.1.1. Thường phục
- Khăn đội đầu
Khăn đội đầu của người phụ nữ Mông ở Cát Cát gọi là pzul. Chiếc khăn này được cấu tạo bởi hai bộ phận chính là lõi khăn và vải khăn. Lõi khăn vốn là một tấm cót đan bằng lạt giang cuốn vòng tròn. Chiều cao của tấm cót là 10 cm, chu vi tuỳ thuộc vòng đầu người đội. Thông thường, chu vi của nó từ 50 – 60 cm. Phía ngoài tấm cót, người ta cuốn 2 lớp vải chàm đen (có người cuốn bằng vải bông đen, phin đen…). Mỗi miếng vải dài 1,6 – 1,8 m, khổ 20 cm. Trước khi cuốn lên lõi khăn, người ta gập lật 2 cạnh miếng vải vào trong làm cho bề ngang của miếng vải chỉ còn 10 cm (bằng chiều cao của lõi khăn). Người Mông ở Cát Cát hiện không làm loại khăn này. Đồng bào thường mua nó ở chợ do những người đồng tộc ở Tả Phìn mang ra bán với giá 10.000 đồng/chiếc
- Áo: tiếng Mông gọi là yao pux. Áo nữ Mông có hai loại là áo dài tay và áo khoác cộc tay.
+ Áo dài tay: thường được mặc phủ ra bên ngoài quần (xưa là váy), bên trong áo khoác. Vào những ngày tương đối nóng, phụ nữ Mông không mặc áo khoác mà chỉ mặc áo dài tay. Áo dài tay cũng có hai loại: Áo dài tay không trang trí hoa văn và áo dài tay in hoa văn bằng sáp ong. Trong đó, áo dài tay trang trí hoa văn bằng sáp ong được dùng để mặc cả trong ngày thường và trong lễ hội, đám cưới còn áo dài tay không trang trí hoa văn chỉ được mặc trong sinh hoạt hàng ngày (chủ yếu cho phụ nữ tuổi trung niên trở lên).
Áo nữ dài tay (yao tôx hâur):
Đây là loại áo dài được may hai lớp. Lớp ngoài có màu đen chàm, lớp trong màu trắng. Áo xẻ ngực, không có khuy, được may từ bốn mảnh vải khổ 30 – 40 cm, chiều dài gấp đôi chiều dài thân áo, gập đôi lại thành thân trước và thân sau. Chiều dài của thân áo thường được tính từ ngang vai đến giữa đùi, thường khoảng 70 – 80 cm (kích thước này có thể thay đổi tuỳ theo chiều cao người mặc). Cũng như các nhóm Mông ở các địa phương khác, người Mông ở Cát Cát không dùng bất kỳ một công cụ phụ trợ nào để đo hình thể người mặc. Nếu người được may là những người có hình thể đã ổn định (người trưởng thành), người may chỉ cần ước lượng theo kinh nghiệm. Nếu người mặc là người thường xuyên biến đổi các chỉ số cơ thể (trẻ em, người già) thì khi may, người ta dùng ngay miếng vải định may ướm lên cơ thể người mặc rồi đánh dấu lên đó những vị trí nào cần khoét cổ, vị trí nào cần xẻ tà… là xong.
Sau khi đã cắt miếng vải theo kích cỡ và hình hài chiếc áo, người ta bắt đầu may. Trước đây, khi may đồng bào hoàn bằng kỹ thuật khâu tay (với các kỹ thuật khâu luồn, khâu vắt, khâu đột) thì nay người ta thực hiện công đoạn may hoàn toàn bằng máy khâu.
Trên tấm thân sau của áo (lưng áo), hai mép vải được can ghép vào nhau chạy dài từ cổ áo xuống tới gấu áo tạo thành đường ghép ở giữa sống lưng. Trên tấm thân trước của áo, hai miếng vải để rời nhau tạo dáng cho áo có dạng áo xẻ ngực. Hai tấm thân trước được can ghép với thân sau chạy dài từ nách áo tới chỗ xẻ tà cách gấu áo từ 10 đến 15 cm.
Mỗi ống tay áo được may từ một miếng vải khổ 40, dài 48 cm gấp đôi theo chiều dọc rồi khâu thành một cái ống. Một đầu của cái ống ấy được đấu vào thân áo tạo thành ống tay. Trên ống tay áo, người ta tạo ra các mảng, khối hoa văn suốt từ quãng khuỷu tay đến tận ống tay bằng các kỹ thuật thêu chỉ màu và ghép vải màu với đồ án hoa văn là các dải băng ngang, các đường tiếp tuyến, móng chân gà, cây thông, hoa bí, lá cây bao quanh mô típ hoa văn chính thường là hoa văn hình chữ thập, hoa văn hình xoắn ốc cách điệu vuông góc, hình chó nằm ngủ, hình sao tám cánh… Đây là những mô típ hoa văn cổ đã xuất hiện trên các cổ vật được tìm thấy từ thời Thương – Chu (Trung Quốc) và Bắc Sơn, Hoà Bình (Việt Nam). Bao quanh dải hoa văn chính này là các hoa văn hình hạt mạch sèo, hoa văn hình lá cây, hoa bí, đường rích rắc…
Cổ áo là hai miếng vải hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 10 – 15 cm, chiều dài bằng chiều rộng của áo. Hai miếng vải này được khâu đè úp hai mặt trái vào nhau rồi đấu vào đường khoét cổ trên cả thân trước và thân sau của áo. Mặt ngoài của cổ áo được trang trí hoa văn bằng kỹ thuật thêu chỉ mầu với đồ án hoa văn gồm các hình hoa văn như hình ốc, hình chữ thập, các đường rẻ quạt gấp khúc… tạo thành một tổ hợp hoa văn đẹp mắt.
+ Áo khoác nữ cộc tay (yao khôl):được đo ướm, cắt, may với kỹ thuật và trình tự hoàn toàn giống với loại áo dài tay. Chỉ khác là áo khoác thì không có tay áo. Áo được dùng cho cả đàn ông và đàn bà mặc trong lao động và sinh hoạt hàng ngày; đặc biệt là được dùng để mặc trong những ngày đông giá rét.
- Váy (taz):
Đã từ lâu, người phụ nữ Mông ở Cát Cát không còn mặc váy trong những ngày thường mà đã chuyển sang mặc loại quần ngắn đến đầu gối. Theo ông Má A Chư, sinh năm 1927, trú tại đội III, thôn Cát Cát thì vai trò của chiếc quần ngắn của phụ nữ đã thay thế cho chiếc váy từ lâu lắm rồi. Khi ông còn nhỏ (khoảng cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ trước) ông đã thấy những người phụ nữ mặc quần nhiều hơn mặc váy. Chiếc váy cho đến nay hầu như chỉ còn được người con gái mặc trong ngày cưới rồi sau đó cất đi để mặc lúc chết. Váy của phụ nữ Mông ở Cát Cát được chia làm 3 phần chính là: cạp váy, thân váy và gấu váy.
+ Cạp váy (đôr taz): là một mảnh vải màu trắng vốn được cắt ra từ một đoạn vải lanh trắng không nhuộm chàm. Cạp váy có chiều dài gấp 3 vòng eo người mặc, chiều rộng từ 2 – 3 cm.
+ Thân váy (chêr taz): căn cứ vào kỹ thuật trang trí hoa văn mà chúng ta cũng có thể chia thành 3 phần như sau:
Phần thân sát cạp váy mầu trắng, không nhuộm màu cũng không trang trí hoa văn. Phần này, tiếng Mông gọi là sư taz có bề rộng khoảng 10 – 15 cm. Ở phần này, mầu trắng hoàn toàn giữ vị trí độc tôn. Kỹ thuật may là triết nếp, các nếp được khâu đính lại bằng kỹ thuật khâu đột bằng loại chỉ to, chắc chắn.
Phần thân váy ở giữa gọi là nthu taz được trang trí hoa văn bằng kỹ thuật in sáp ong (kỹ thuật ba tít) có chiều rộng bằng chiều rộng khổ vải dệt (khoảng 30 cm). Ở phần này, người phụ nữ Mông thường dùng sáp ong vẽ lên đó các đường kẻ và các chấm tròn nhỏ song song. Theo cách giải thích của bà Thào Thị Sung, sinh năm 1960, trú tại đội III, thôn Cát Cát thì đó là hình ảnh bờ ruộng bao quanh và hạt lúa. Bà Sùng Thị Sớ, sinh năm 1965, trú tại đội I, thôn Cát Cát thì lại cho rằng các chấm nhỏ đó là hạt đậu tương. Tuy có sự khác nhau về cách giải thích nhưng chúng đều đồng nhất ở điểm các hoa văn đó đều lấy ý tưởng từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trồng trọt. Ngoài ra, ở phần này, người phụ nữ Mông còn trang trí các hình xoắn ốc được bố trí dọc theo chiều ngang váy hay xếp nếp thành hình chữ T trong các đường kẻ nhỏ hoặc xếp chéo xen kẽ với hoa văn hình lá dương xỉ và hoa bí bằng kỹ thuật in sáp ong với gam màu chủ yếu là màu trắng. Xen kẽ với các mảng hoa văn in sáp ong là 3 dải hoa văn ghép vải màu đỏ vừa có tác dụng tạo ra những điểm nhấn về màu sắc, vừa có tác dụng tạo thành các dải phân cách khiến cho hoa văn và màu sắc ở phần thân giữa váy thêm sinh động, sặc sỡ.
Phần thân sát gấu váy gọi là tangz taz (chân váy) được trang trí hoa văn bằng kỹ thuật thêu chỉ mầu và ghép vải. Phần này có chiều rộng từ 15 đến 20 cm. Chân váy thường được trang trí hoa văn thêu chủ yếu là hoa văn hình học, bố trí thành các dải ô vuông hoặc hình chữ nhật, hoặc tản ra trong các dải vải mầu. Các hoa văn thêu chủ yếu là hoa văn hình con tằm, cái cuốc móng chân trâu, móng chân gà… Đặc biệt, các hình kỷ hà phong phú với nhiều biến dạng khác nhau. Theo bà Thào thị Sung, trước đây, khi còn có người dùng váy để mặc trong lao động sản xuất, thay vì thêu hoa văn, người ta lại dùng sáp ong để in hoa văn lên chân váy cho đỡ tốn công hơn. Khi ấy, hoa văn chủ yếu là hình các dấu nhân mà bà Sung giải thích là hình hoa bí. Hoa văn loại này thường được để trắng hoặc cũng có khi tô vàng. Cách ghép vải trên phần thân sát gấu váy là tạo nên những đường viên bao quanh các hoa văn thêu.
+ Gấu váy (tơư taz): có chiều rộng khoảng 3 – 5 cm, thường được may bằng vải đen hoặc đỏ.
- Tạp dề: tiếng Mông gọi là paor tưv. Cùng với sự “thoái trào” của chiếc váy trong cuộc sống hàng ngày, chiếc tạp dề hiện nay chỉ xuất hiện trong đời sống văn hoá của người Mông ở Cát Cát trong tang lễ - dùng để mặc cho người chết. Người chết bất kể là nam hay nữ đều được mặc tạp dề?. Đây cũng là một bộ phận của trang phục biểu hiện cho giới tính nữ, sự màu mỡ và khả năng sinh sôi nảy nở của người phụ nữ Mông. Tạp dề thường được may hai lớp, có hình chữ nhật, rộng từ 45 – 50 cm, dài khoảng 75 – 80 cm, màu đen, không trang trí hoa văn, dùng để mặc phủ ra ngoài phía trước chiếc váy, che chỗ chắp nối giữa hai vạt váy.
- Dây lưng: tiếng Mông gọi là hlangz paor tưv, được dùng để buộc ra bên ngoài váy. Dây lưng của người Mông ở Cát Cát được may bằng một dải vải lanh nhuộm chàm. Đây là một dải vải dài khoảng 120 – 200 cm, rộng khoảng 8 – 12 cm, mầu đen không trang trí hoa văn, hai đầu tết các sợi tua rua trang trí bằng sợi lanh nhuộm chàm (con gái trẻ chưa chồng có thể thay thế bằng sợi len các mầu). Dây lưng được dùng để thắt (buộc) ra bên ngoài váy.
- Xà cạp: tiếng Mông gọi là nrôngz. Xà cạp của người Mông ở Cát Cát là một mảnh vải hình tam giác xưa được may bằng vải lanh nhuộm chàm, nay nhiều người dùng vải bông. Chiếc xà cạp có một đầu rộng từ 8 – 12 cm, đầu kia khoảng 1 – 2 cm. Nối với đầu nhỏ là một sợi dây rộng 1 cm, dài khoảng 45 – 60 cm, được dệt bằng các sợi chỉ mầu.
- Xà cạp được dùng để cuốn quanh bắp chân, giữ cho bắp chân được thon, đẹp, không bị nở to khi đi bộ, leo núi, không bị rung, căng các thớ thịt khi đi và bảo vệ đôi chân, ngăn gai cào, côn trùng, rắn cắn…
- Dép: tiếng Mông gọi là khâu. Trước đây, người Mông ở Cát Cát đi một loại dép đan bằng vỏ cây lanh nhưng đã từ lâu họ không còn dùng loại dép này nữa. Ngay cả những người già nhất trong thôn Cát Cát hiện nay cũng không thể nhớ nổi hình dáng của loại dép này. Họ chỉ có thể nói rằng trước đây cũng đã từng nghe cha ông nói về loại dép truyền thống của người Mông còn trên thực tế thì họ chưa bao giờ nhìn thấy. Ngày nay, người Mông ở Cát Cát chủ yếu đi loại dép đúc quai hậu bằng nhựa mầu nâu do Trung Quốc sản xuất được bán sẵn trên thị trường với giá 30.000 đồng/đôi dành cho người trưởng thành và khoảng 10.000 – 15.000 đồng/đôi dành cho trẻ em.
2.1.2. Lễ phục:
- Lễ phục mặc trong đám cưới:
Trong đám cưới, cô dâu người Mông ở Cát Cát vẫn ăn vận giống như ngày thường gồm có: áo dài tay, tạp dề, xà cạp, dây lưng nhuộm chàm có trang trí hoa văn ở phía sau lưng, đeo đồ trang sức. Chỉ khác là, chiếc áo này được thêu thùa và ghép vải rất công phu và thường chỉ được mặc 2 lần trong đời là trong đám cưới (mặc về nhà chông) và trong đám tang (mặc về với tổ tiên). Ngoài ra, cô dâu Mông ở Cát Cát trong ngày cưới còn váy và mặc thêm áo khoác ra bên ngoài, đầu cuốn thêm khăn đen. Vòng cổ ngoài những vòng cổ vẫn đeo thường ngày còn phải đeo thêm loại vòng có nhiều mắt xích và tua toòng teng. Khuyên tai và vòng tay cũng được đeo nhiều hơn ngày thường.
Hoa văn được thêu trên áo trong ngày cưới cầu kỳ và tốn nhiều công sức hơn thêu hoa văn trên váy. Hoa văn thêu trên cổ, vai và tay áo thường giống nhau. Trong các hoạ tiết, nổi bật là hoa văn xoáy vuông góc từng cặp đôi, cặp bốn. Các hình xoáy này kết hợp với nhau trong một ô vuông tạo thành mô típ trang trí có 4 hoặc 8 hình xoắn vuông góc với nhiều biến dạng khác nhau mà người Mông ở Cát Cát gọi là câuv jiv.
Ngoài ra, trên áo cô dâu của người Mông ở Cát Cát còn xuất hiện hoa văn hình đồng tiền làm nền cho hoa văn hình xoáy ốc nói trên.
Xen kẽ các mảng hoa văn hính xoắn ốc, trên chiếc áo cưới của cô dâu người Mông ở Cát Cát thường thêu các hình chữ thập mà theo họ là cái guồng thu sợi hoặc những ô hình chữ nhật nhỏ được giải nghĩa là con tằm… Vải được cắt thành những đường nhỏ ghép bao quanh các mảng hoa văn này và cắt thành những ô hình vuông hoặc tam giác nhỏ khâu đè lên nhau, tạo thành hoa văn hình học.
Dây lưng thêu hoa văn (hlangz sôngx): là loại dây lưng may bằng vải lanh nhuộm chàm, dây lưng này có tiết diện dài 70 – 100 cm (tuỳ theo kích cỡ vòng eo của người đeo), rộng khoảng 10 – 15 cm, thêu hoa văn chủ yếu bằng chỉ trắng có điểm xuyết chỉ mầu. Kỹ thuật trang trí chủ yếu là thêu xoắn mũi và chéo mũi. Ngoài ra ở mép dưới của dây lưng còn có thể được đính những tua hạt cườm nhỏ dài khoảng 10 cm. Loại dây lưng này thường dùng để thắt ra bên ngoài váy và tạp dề trong những dịp lễ tết, hội hè hoặc trong đám cưới, ngoại trừ lúc chết. Hoa văn trên dây lưng giống như hoa văn trang trí trên vai và tay áo dài tay.
Theo tập quán truyền thống của người Mông ở Cát Cát, bộ váy áo cưới đã được cô gái chuẩn bị từ trước. Người Mông ở Cát Cát đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu thùa thể hiện trên bộ trang phục mặc trong lễ cưới, nên các thiếu nữ Mông dành hết thời gian, tâm sức cho bộ váy áo cưới của mình. Mức độ thành thạo trong việc dệt vải, thêu thùa cũng là một phần thước đo giá trị của người phụ nữ. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng mà trước hết là gia đình nhà chồng đề cao, coi trọng. Vì vậy, nếu trang phục mặc trong những ngày bình thường được may, thêu đơn giản bao nhiêu thì bộ trang phục mặc trong ngày cưới lại được may, thêu hết sức cầu kỳ với nhiều loại hoa văn bấy nhiêu. Ngoài ra, cô dâu người Mông ở Cát Cát còn phải cầm thêm chiếc ô đen. Chiếc ô đen ấy không chỉ tượng trưng cho người con gái mà còn tạo nên sự hài hoà với bộ y phục. Loại ô này có thể do người Mông ở Cát Cát tự làm lấy từ giấy, nan tre, trúc hoặc mua ô vải có gọng và cán sắt được bán sẵn trên thị trường với giá 50.000 đồng/cái.
- Lễ phục mặc trong đám tang (trang phục mặc cho người chết):
Nếu người chết là đàn bà thì vẫn mặc váy, áo, tạp dề, dây lưng như ngày thường nhưng phải may bằng vải lanh. Nếu là áo dài tay thì phải là áo dài tay thêu hoặc in sáp ong (không mặc áo khoác), chân váy phải có mầu đỏ. Nếu là người chết trẻ thì có thể mặc chân váy mầu đen với ý nghĩa là cuộc đời chưa được trọn vẹn nên chưa thể mặc váy có chân váy mầu đỏ được.
Khác với lúc sống mặc xà cạp mầu đen, người Mông ở Cát Cát có tục khi chết thì phải cuốn xà cạp màu trắng và đi giầy may bằng vải lanh, đế giầy lót bằng mo cau giống như hình cái thuyền, trên đầu có trang trí và thêu biểu tượng mào gà. Đầu cuốn khăn đen hoặc khăn đen bên trong, khăn kẻ sọc bên ngoài (tuỳ từng dòng họ). Mặt đắp khăn đen, đỏ hoặc trắng, có khi không đắp khăn (tuỳ từng dòng họ), đầu gối lên khăn gối đầu.
Khăn gối đầu dành cho người chết của người Mông ở Cát Cát là một miếng vải vuông rộng từ 25 – 30 cm may 2 lớp, lớp ngoài viền vải đỏ khoảng 3 – 5 cm; lớp trong thêu, ghép vải hoặc in hoa văn bằng sáp ong. Hoa văn trên khăn gối đầu cho người chết nếu thêu thì chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, guồng thu sợi, con tằm. Nếu in hoa văn bằng sáp ong thì thường là các đường kỷ hà. Vải được ghép thành các đường viền bao quanh hoặc chồng lên nhau thành các hình vuông hay tam giác. Xen kẽ là các hoa văn thêu hoặc in sáp ong.
2.2. Bộ nam phục:
2.2.1. Thường phục:
Bộ thường phục của nam giới người Mông ở Cát Cát gồm có: khăn đội đầu, áo ngắn dài tay, áo khoác cộc tay, quần, dây lưng và dép.
- Khăn đội đầu: tiếng Mông gọi là fuav: là một m