Đề tài Thực trạng và giải pháp huy động và sử dụng vốn ODA tại thành phố Hà Nội
Từ sau khi chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ra đời năm 1986, Việt Nam đã gặt hái không ít những thành công trong thời gian qua (tốc độ tăng trưởng nhanh, công nghiệp khởi sắc, cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng cao ). Đóng góp đáng kể cho những thành tựu này có vai trò không nhỏ của hoạt động kinh tế đối ngoại, trong đó bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Nếu vai trò của FDI thể hiện rõ nhất qua các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ thì những cải thiện đáng kể về kết cấu hạ tầng của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung trong những năm gần đây in đậm dấu ấn của nguồn vốn ODA. Kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 cùng với chính sách đổi mới kinh tế, đa phương hoá chính sách đối ngoại, Việt Nam đã nhận được nhiều ODA từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) , từ các quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, Đan Mạch, Trong tổng giá trị ODA thì có khoảng 85% là vốn vay ưu đãi để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị-kinh tế- văn hoá của cả nước đã nhận được sự ưu tiên đáng kể của các nhà tài trợ quốc tế. Những thành tựu về kinh tế xã hội và cải thiện kết cấu hạ tầng mà Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của ODA. Đặc biệt những thay đổi trong kết cấu hạ tầng được tài trợ bởi nguồn vốn ODA đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, thúc đẩy chương trình huy động vốn trong và ngoài nước của thành phố Hà Nội. Trong kế hoạch kinh tế-xã hội của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2001-2005 cũng như các chương trình phát triển đến các giai đoạn 2010 và 2020, chiến lược thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA đã được nhấn mạnh và thể hiện vai trò là nguồn vốn quan trọng đối với hình thành cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Thành phố. Những năm vừa qua công tác thu hút và sử dụng vốn ODA của Hà Nội đã có những kết quả đáng mừng, tuy nhiên vấn đề quản lý và triển khai thực hiện các dự án ODA cũng không tránh khỏi những vướng mắc đặc biệt là vấn đề giải ngân. Chính vì vậy xem xét, tổng kết, đánh giá lại hoạt động ODA trong thời gian qua là vô cùng cần thiết để có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục phát huy những mặt mạnh và kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc với mong muốn có thể tận dụng được mọi cơ hội thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA một cách hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển Thủ đô trong tương lai. Đây cũng chính là mục đích nghiên cứu của bài khoá luận của em với đề tài: : “Thực trạng và giải pháp huy động và sử dụng vốn ODA tại thành phố Hà Nội” Kết cấu đề tài bao gồm 3 chương: Chương I. Một số vấn đề chung về ODA và tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam từ năm 1993 đến nay Chương II. Tình hình thu hút và sử dụng vống ODA trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 1993 đến nay Chương III. Các giải pháp nâng cao khả năng thu hút và sử dụng vốn ODA trên địa bàn Hà Nội Khoá luận của em được hoàn thành với sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Nguyễn Thị Việt Hoa, chú Nguyễn Huy Anh cũng tập thể chuyên viên phòng Viện trợ và Vay vốn – Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Qua đây em cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới cô giáo và các cán bộ, chuyên viên Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội đã giúp em thực hiện đề tài này.