Đề tài Vài nét về thị trường cà phê thế giới và tình hình sản xuất, chế biến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam những năm gần đây
rong những năm qua, cà phê luôn giữ vai trò là một trong số ít những mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế quốc dân. Hàng năm, cà phê đóng góp tới 10% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với tầm quan trọng của mình, cà phê được xếp vào danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được chọn là một trong những mặt hàng trọng điểm cần phát huy trong giai đoạn 2005-2010. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu và sự bấp bênh, không ổn định luôn là đặc tính cố hữu của thị trường này. Chỉ trong một thập kỷ qua, thị trường cà phê thế giới đã trải qua tới ba đợt biến động mạnh, đấy là cuộc khủng hoảng thừa niên vụ 1994/1995, cơn sốt cà phê niên vụ 1997/1998 và cuộc khủng hoảng vừa qua, trong đó đợt biến động mới đây được coi là nghiêm trọng nhất. Đến nay, trải qua những ngày giá cà phê xuống tới mức kỷ lục, thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, chúng ta mới thực sự cảm thấy được sự tàn phá dữ dội của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại đối với mỗi nước là khác nhau tuỳ thuộc vào sự chủ động của nước đó vào thị trường cà phê thế giới. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất do tính phụ thuộc của ngành cà phê Việt Nam vào thị trường thế giới rất cao, có tới 98% sản lượng là dành cho xuất khẩu. Bên cạnh đó còn do những yếu kém trong hoạt động của ngành vốn tồn tại từ trước tới nay: cà phê phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, khâu chất lượng và chế biến chưa được chú trọng, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc quảng bá cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam. Đây mới chính là nguyên nhân sâu xa của vấn đề và những biến động của thị trường cà phê thế giới vừa qua chỉ là một nguyên nhân khách quan và là giọt nước đầy làm tràn ly. Với những lí do nêu trên, tác giả chọn viết Khoá luận tốt nghiệp với đề tài “Vài nét về thị trường cà phê thế giới và tình hình sản xuất, chế biến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam những năm gần đây”. Nội dung khoá luận tốt nghiệp gồm 3 chương sau : Chương I: Khái quát về thị trường cà phê thế giới. Chương II: Tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng cà phê trong những năm gần đây. Chương III: Phương hướng và những biện pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới. Để thực hiện khoá luận với nội dung trên, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau để giải quyết các yêu cầu mà đề tài đặt ra : - Phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử - Phương pháp phân tích, tổng hợp. - Phương pháp thống kê, đối chiếu, so sánh. Tác giả xin trân trọng cảm ơn các cô chú, anh chị trong Vụ Kế hoạch thống kê - Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm thông tin Thương mại - Bộ Thương mại, thư viện quốc gia, phòng thư viện - Viện kinh tế thế giới cũng như các thầy cô và anh chị trong khoa Kinh tế Ngoại thương, thư viện trường Đại học Ngoại Thương đã nhiệt tình cung cấp tài liệu và số liệu liên quan, và xin đặc biệt cảm ơn thầy giáo Tô Trọng Nghiệp, người đã trực tiếp hướng dẫn tác giả trong quá trình chọn đề tài, định hướng tài liệu và hoàn thiện khoá luận./.