Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh toàn bộ đời sống xã hội. Mỗi một bản hiến pháp ra đời trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể mang theo dấu ấn đặc thù của mỗi quốc gia. Lịch sử lập hiến Việt Nam đã trải qua những bước ngoặt to lớn cùng với sự ra đời của các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001. Nó đánh dấu bước phát triển trong lịch sử lập hiến Việt Nam cũng như sự tác động của hoàn cảnh lịch sử tới nội dung và tính chất của các bản hiến pháp.
Trước cách mạng tháng 8/ 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với chính thể quân chủ chuyên chế, nhưng thực chất là bộ máy tay sai của thực dân Pháp. Bởi vậy, nước ta là một nước thuộc địa không có hiến pháp.
15 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1872 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoàn cảnh ra đời và sự tác động của nó tới nội dung và tính chất của các bản Hiến pháp Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI:
Hoàn cảnh ra đời và sự tác động của nó tới nội dung và tính chất của các bản Hiến pháp Việt Nam.
-----o0o-----
TRẢ LỜI:
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh toàn bộ đời sống xã hội. Mỗi một bản hiến pháp ra đời trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể mang theo dấu ấn đặc thù của mỗi quốc gia. Lịch sử lập hiến Việt Nam đã trải qua những bước ngoặt to lớn cùng với sự ra đời của các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001. Nó đánh dấu bước phát triển trong lịch sử lập hiến Việt Nam cũng như sự tác động của hoàn cảnh lịch sử tới nội dung và tính chất của các bản hiến pháp.
Trước cách mạng tháng 8/ 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với chính thể quân chủ chuyên chế, nhưng thực chất là bộ máy tay sai của thực dân Pháp. Bởi vậy, nước ta là một nước thuộc địa không có hiến pháp.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng tư tưởng cách mạng của các nước trên thế giới trong giới trí thức Việt Nam đã xuất hiện tư tưởng lập hiến. Có hai khuynh hướng chính trị chủ yếu trong thời gian này. khuynh hướng thứ nhất của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Bùi Quang Chiêu chủ trương xây dựng Nhà nước quân chủ lập hiến trong sự thừa nhận sự bảo hộ của Chính phủ Pháp. khuynh hướng thứ hai của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc chủ trương giành độc lập, tự do cho dân tộc sau đó xây dựng hiến pháp của nhà nước độc lập vì không có độc lập, tự do thì không thể có hiến pháp thực sự. Đây cũng là khuynh hướng tiến bộ và đúng đắn nhất. Bằng những hoạt động tích cực Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hoá tư tưởng lập hiến của mình và tư tưởng ấy được thể hiện trong hiến pháp 1946 – hiến pháp đầu tiên của nước nhà.
1/ Hoàn cảnh ra đời và sự tác động của nó tới nội dung và tính chất hiến pháp 1946.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một ngày sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Hồ Chủ tịch đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, một trong những nhiệm vụ đó là: “chúng ta phải có một bản hiến pháp dân chủ”.
Ngày 9/11/1946, sau một thời gian dài làm việc, Quốc hội đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên với 240 phiếu thuận, 2 phiếu trống.
Vào thời điểm Quốc hội thông qua hiến pháp, thực dân Pháp đã phản bội các hiệp định đã kí kết với Chính phủ ta, chúng không ngừng khiêu khích và tấn công chúng ta bằng vũ lực, hòng lặp lại ách thống trị của chúng tại Việt Nam. Do hoàn cảnh chiến tranh mà hiến pháp 1946 không được chính thức công bố. Tuy nhiên Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban thường vụ Quốc hội luôn luôn dựa vào tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 để điều hành mọi hoạt động của Nhà nước. Với hoàn cảnh lịch sử như vậy, nội dung và tính chất của Hiến pháp 1946 mang những đặc thù riêng.
Hiến pháp 1946 bao gồm 70 điều chia làm 7 chương. Do đất nước có chiến tranh nên lời nói đầu của bản hiến pháp xác định nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là: bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn, kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân tộc. Đồng thời xác định ba nguyên tắc cơ bản của hiến pháp là: đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ của toàn dân. Toàn bộ 7 chương của hiến pháp đều được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản, chính ba nguyên tắc này đã thể hiện ba đặc điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1946: dân tộc, dân chủ, nhân dân.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, hình thức nhà nước là hình thức cộng hoà. Nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân thể hiện sự phát triển của tư tưởng dân chủ, đề cao tính dân tộc của Nhà nước. Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do khai sinh ra nhà nước dân chủ cộng hoà đã có sự đóng góp của bao giai tầng trong xã hội. Bởi thế Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của ta là Nhà nước đoàn kết toàn dân không biệt giống nòi, trai gái, giàu nghèo, tôn giáo (Điều 1).
Tuân thủ nguyên tắc “ Đảm bảo các quyền tự do, dân chủ”, Hiến pháp 1946 rất chú trọng đến chế độ công dân (chương II). Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân được đảm bảo các quyền tự do, dân chủ (Điều 70); quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 6,7); phụ nữ được ngang quyền với nam giới về mọi phương diện; công dân được hưởng các quyền bầu cử, ứng cử, có quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra khi họ không còn xứng đáng với danh hiệu đó nữa; quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo vệ…
Dựa trên nguyên tắc: “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”, hình thức Nhà nước theo Hiến pháp 1946 có nhiều nét độc đáo đáng chú ý. Đứng đầu Chính phủ là Chủ tịch nước có quyền phủ quyết (Điều 31 và 54). Hình thức chính thể của nước ta là sự kết hợp giữa cộng hoà tổng thống và cộng hoà đại nghị.
Mặc dù là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta, nhưng Hiến pháp 1946 tiến bộ không kém bất cứ một bant hiến pháp nào trên thế giới. Là một bản hiến pháp cô đúc, khúc chiết, mạch lạc và dễ hiểu, là một bản hiến pháp mẫu mực trên mọi phương diện.
2/ Hoàn cảnh ra đời và sự tác động của nó tới nội dung và tính chất Hiến pháp 1959.
Tính đến thời điểm năm 1959, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời và phát triển được14 năm. Hiến pháp 1946 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tuy nhiên với tình hình đất nước và nhiệm vụ cách mạng mới nó cần được bổ sung và điều chỉnh.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 Hiệp định Giơnevơ được kí kết buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời vẫn dưới sự thống trị của Mĩ và tay sai.Vì vậy đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền và việc thống nhất đất nước theo hiệp định sẽ được thực hiện sau hai năm bằng cuộc tổng tuyển cử trong cả nước do chính quyền hai miền hiệp thương tổ chức.
Ngay sau khi hất cẳng Pháp đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ từ chối hiệp thương thống nhất đất nước. Vì vậy nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là miền Bắc đi lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân – thống nhất đất nước. Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng mới, trong kì họp thứ 6 nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946 và thành lập ban dự thảo hiến pháp sửa đổi. Sau một thời gian bản dự thảo được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến xây dựng ngày 1/1/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh công bố hiến pháp.
Hiến pháp 1959 gồm lời nói đầu và 112 điều chia làm 10 chương. Hiến pháp 1959 được xem là bản hiến pháp XHCN đầu tiên của nước ta trong đó qui định về chế độ kinh tế, chính trị, văn hoá- xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của Bộ máy Nhà nước.
Để phù hợp với hoàn cảnh đất nước bị chia cắt thì Hiến pháp 1959 không thể chỉ mang tính chất dân tộc dân chủ nhân dân như Hiến pháp 1946 mà còn phải mang tính chất XHCN. Nội dung Hiến pháp 1959 là sự thể chế hoá nhiệm vụ ở nước ta thời kì này: xây dựng CNXH ở miền Bắc và làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ỏ miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà . Tình trạng chia cắt đất nước chỉ là tạm thời, dù sớm hay muộn thì “ Đất nước Việt Nam là một khối Bắc Nam thống nhất không thể chia cắt”. Sự thể hiện đó bao trùm lên tất cả các lĩnh vực mà hiến pháp qui định:
Về mặt chính trị: Bộ máy Nhà nước ta đựơc tổ chức theo mô hình tổ chức của Nhà nước XHCN. Trong tổ chức bộ máy Nhà nước lúc này đã áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ và mô hình xây dựng CNXH ở các nước khác.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi nhận trong lời nói đầu của hiến pháp mà lúc này là Đảng Lao động Việt Nam.
Về mặt kinh tế: kinh tế Nhà nước được xác định là giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước ưu tiên phát triển, cải tạo nền kinh tế quốc dân theo định hướng XHCN, xây dựng và phát triển nhiều thành phần kinh tế.
Về các mặt khác như: văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ được Nhà nước khuyến khích phát triển.
Hiến pháp 1959 là bản hiến pháp mở đầu cho thời kì nước ta bước những bước đầu tiên trên con đường tiến lên CNXH. Nó đã đáp ứng một cách tốt nhất những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra trong điều kiện hoàn cảnh đất nước bị chia cắt. Với những định hướng của mình Hiến pháp 1959 đã tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi miền thực hiện tốt nhiệm vụ riêng và cùng thực hiện nhiệm vụ chung: thống nhất tổ quốc.
3/ Hoàn cảnh ra đời và sự tác động của nó tới nội dung và tính chất Hiến pháp 1980.
Sau 21 năm ra đời và phát triển, Hiến pháp năm 1959 đã hoàn thành xứ mệnh lịch sử của mình, tạo điều kiện rất lớn cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công trong cả nước. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do, thống nhất. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa cả nước ta quá độ đi lên XHCN. Với hoàn cảnh đất nước không còn bị chia cắt, non sông đã thu về một mối thì yêu cầu sửa đổi hiến pháp là điều tất yếu. Trước tình hình đó, tháng 9/1975 hội nghị lần thứ XXIV của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định triệu tập hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Hội nghị đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Ngày 25/4/1976 cuộc tổng tuyển cử được tiến hành trong cả nước. Ngày 2/7/1976 Quốc hội đã thông qua các nghị quyết quan trọng và thành lập Uỷ ban dự thảo hiến pháp. Sau một thời gian thảo luận và đóng góp ý kiến ngày 18/12/1980 Quốc hội khoá VI đã nhất trí thông qua hiến pháp.
Hiến pháp 1980 bao gồm lời nói đầu, 147 điều chia lam 12 chương.
Về chế độ chính trị: Hiến pháp 1980 qui định về quyền dân tộc cơ bản bao gồm bốn yếu tố: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là điều hoàn toàn mới so với Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 do nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do, thống nhất. Đồng thời, Hiến pháp tiếp tục ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng (lời nói đầu và Điều 4)
Về chế độ kinh tế: điểm khác biệt so với hai bản Hiến phap trước đây là: qui định toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân ( Điều 19). Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi XHCN, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu XHCN về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động.
Về văn hoá- giáo dục- khoa học-công nghệ : đây là một chương hoàn toàn mới so với các bản Hiến pháp trước. Nó mang nội dung XHCN, tích chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân, xây dựng con người mới có ý thức làm chủ tập thể …
Về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Hiến pháp 1980 đã qui định thêm một số quyền và nghĩa vụ mới phù hợp với giai đoạn mới của nền dân chủ XHCN.
4/ Hoàn cảnh ra đời và sự tác động của nó tới nội dung và tính chất Hiến pháp 1992 .
Vào những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 tình hình thế giới có những biến động lớn. Chiến tranh lạnh kết thúc kéo theo sự sụp đổ của một loạt các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu khiến Việt Nam mất đi một chỗ dựa vững chắc. Hơn nữa, sau một thời gian phát huy hiệu lực nhiều qui định của Hiến pháp năm 1980 tỏ ra không phù hợp với điều kiệm kinh tế xã hội của đất nước. Trước tình hình đó Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI-1986 đã mở ra thời kì đổi mới ở đất nước ta. Đảng chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện những sai lầm, mở rộng dân chủ XHCN, phát huy tư duy độc lập, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân lao động. Trên cơ sở đó, để có những nhận thức mới, đúng đắn về CNXH và vạch ra những chủ trương, chính sách mới nhằm xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Sau nhiều ngày thảo luận sôi nổi với những chỉnh lí, bổ sung nhất định ngày 15/4/1992 Quốc hội đã nhất trí thông qua hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 là: “sản phẩm của trí tuệ toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của cả nước”.
Hiến pháp 1992 gồm 147 điều chia làm 12 chương. Từ chương I đến chương III qui định về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá-giáo dục- khoa học và công nghệ; chương IV bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; chương Vquy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; từ chương VI đến chương X quy định về tổ chức Bộ máy Nhà nước; chương XI về biểu tượng Nhà nước; chương XII về việc hiệu lực pháp lí và việc sửa đổi hiến pháp.
Về chế độ chính trị: tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Mọi tổ chức của Đảng làm việc trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Qui định nội dung cơ bản như: Quyền dân tộc cơ bản; Quyền chủ quyền Quốc gia; Quyền tự quyết của dân tộc về tính nhân dân của Nhà nước. Nhà nước XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân với quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về Bộ máy Nhà nước: được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc Đảng lãnh đạo; Hiến pháp phát huy rộng rãi việc quần chúng nhân dân tham gia quản lí Nhà nước; nguyên tắc pháp chế XHCN. Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Bộ máy Nhà nước tiếp tục được củng cố và có nhiều cải cách mới so với Hiến pháp năm 1980.
Về chế độ kinh tế: Hiến pháp năm 1992 khẳng định chính sách kịnh tế ở nước ta là nhất quán, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Các thành phần kinh tế được sản xuất kinh doanh những nghành nghề mà pháp luật không cấm, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.
Về văn hoá-giáo dục-khoa học và công nghệ: Tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng được chú trọng trong đó xác định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.(Điều 35)
Về chính sách đối ngoại: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc trên cở sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Đặc biệt, đến Hiến pháp năm 1992 vấn đề quyền con người lần đầu tiên được đề cập trong Hiến pháp. Sở dĩ có điều này là do: từ năm 1946 đến năm 1959 đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh cả nước tập trung cho công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, do đó quyền con người không được chú ý đề cập đến. Năm 1980 khi CNXH chưa sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là giai đoạn mà cả nước tập trung xây dựng CNXH với chủ trương cộng sản mọi thứ trong xã hội đều là của chung. Do đó quyền con người được nói đến còn chung chung và dường như nó hoà lẫn vào trong cộng đồng. Đến năm 1992, sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc trước sức ép của quốc tế đồng thời với những thành tựu rực rỡ mà chúng ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới thì vai trò của con người ngày càng được khẳng định. Do đó mà vấn đề quyền con người cũng được đề cập đến và phát triển trong các qui định của hiến pháp.
Sau 10 năm có hiệu lực Hiến pháp 1992 đã phát huy được hiệu quả một đạo luật cơ bản của Nhà nước. Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hoá những quan điểm của Đảng, đổi mới mạnh mẽ nền kinh tế đồng thời đổi mới vững chắc về chính trị, khẳng định mục tiêu XHCN.
Tuy nhiên sau một thập kỉ tình hình kinh tế- chính trị- xã hội có những biến động nhất định đòi hỏi Hiến pháp phải được sửa đổi, bổ sung nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trải qua một thời gian làm việc khẩn trương với sự bàn bạc, thảo luận dân chủ và công khai ngày 25/12/2001 Quốc hội khoá X kì họp thứ IX đã nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Điều này đã góp phần thể hiện đường lối linh hoạt, mềm dẻo của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với lợi ích của nhân dân đồng thời đưa đất nước bước vào xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá để hoà nhập chứ không bị hoà tan.
KẾT LUẬN CHUNG:
Như vậy, hoàn cảnh lịch sử có sự tác động nhất định tới nội dung và tính chất của các bản hiến pháp Việt Nam. Lịch sử lập hiến Việt Nam là tấm gương phản chiếu những đổi mới trong tư tưởng lập hiến và lập pháp của con người Việt Nam. Đó là các bản hiến pháp thể hiện sự độc lập và sự tự chủ trên tiến trình phát triển nền triết học pháp quyền Việt Nam- một nền triết học pháp quyền mang bản sắc dân tộc đồng thời thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc với tính quốc tế và hiện đại. trên cơ sở đó phát triển những tinh hoa của nền pháp lí Việt Nam có sự tiếp thu những tinh hoa văn hoá thế giới.
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO VIẾT BÀI:
Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội,2007.
Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2005.
lịch sử lập hiến Việt Nam-PGS. TS Thái Vĩnh Thắng, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1998.
Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Hiến pháp năm 1980 của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Một số tài liệu tham khảo khác.