Khóa luận Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: Thực trạng và giải pháp
Trong thời đại mà công nghệ thông tin và giao thông khiến cho thế giới có vẻ nhỏ đi, các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và thậm chí các Chính phủ cũng phải học để có thể cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Việt Nam là một quốc gia còn nhiều hạn chế về tiềm lực kinh tế song Việt Nam xác định không thể đứng ngoài xu thế tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề đặt ra là hội nhập với lộ trình như thế nào và mức độ ra sao để các ngành có quy mô, trình độ khác nhau, có năng lực cạnh tranh và lợi thế so sánh khác nhau vẫn có thể vượt qua những thách thức và tận dụng được những cơ hội do hội nhập đem lại. Ngành mía đường Việt Nam đã thực sự phát triển sau khi Chương trình mía đường ra đời vào năm 1995 với mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường thay thế nhập khẩu. Từ đó tới nay, mục tiêu về sản lượng đã hoàn thành. Song một nghịch lý đang tồn tại là ngành mía đường tuy có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn lực vậy mà giá đường sản xuất trong nước vẫn quá cao, năng suất công nghiệp thấp, chất lượng hạn chế, mía nguyên liệu lúc thiếu lúc thừa, các nhà máy lỗ nhiều hơn lãi, đường nhập lậu tràn lan trên thị trường Trong khi đó, lộ trình cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan theo cam kết hội nhập AFTA đang đến rất gần. Nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực và thế giới đã hiển hiện. Vậy thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam hiện nay ra sao? Ngành mía đường cần làm gì để có thể tự cứu sống mình và vươn lên cạnh tranh thắng lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ? Trước những câu hỏi bức súc đó, tác giả đã mạnh dạn chọn đề tài khóa luận của mình là: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: Thực trạng và giải pháp” Kết cấu khóa luận được chia thành 3 phần lớn: Chương 1: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Chương 2: Đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam bằng mô hình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Chương 3: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Đối tượng và phạm vi nghiên cứu xuyên suốt khóa luận là Năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành mía đường Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay. Với nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu bước đầu của mình, tác giả hy vọng có thể làm sáng tỏ những câu hỏi lớn đang đặt ra về năng lực cạnh tranh của ngành cũng như góp một tiếng nói nhỏ vào yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trước quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tác giả xin trân trọng cảm ơn Thầy giáo – Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phúc Khanh về sự hướng dẫn hết sức tận tình và quý báu đối với tác giả trong suốt quá trình hoàn thành khóa luận. Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn các thầy giáo, cô giáo Trường Đại học Ngoại Thương, gia đình và những người bạn đã giúp đỡ tác giả trong thời gian qua.