Những đặc trưng của thời kỳ “Golden age” – Thời kỳ vàng

Với gần năm thế kỉ tồn tại, Chủ nghĩa tư bản đã trải qua bao bước thăng trầm để rồi trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất quyết định tiến trình lịch sử nhân loại. Giữa thế kỉ XVI, cuộc cách mạng tư sản Hà Lan đã mở ra thời kỳ của Chủ nghĩa tư bản. Sau cuộc cách mạng tư sản Hà Lan một loạt các cuộc cách mạng tư sản khác nổ ra ở châu Âu và Bắc Mỹ

doc15 trang | Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 2792 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những đặc trưng của thời kỳ “Golden age” – Thời kỳ vàng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Với gần năm thế kỉ tồn tại, Chủ nghĩa tư bản đã trải qua bao bước thăng trầm để rồi trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất quyết định tiến trình lịch sử nhân loại. Giữa thế kỉ XVI, cuộc cách mạng tư sản Hà Lan đã mở ra thời kỳ của Chủ nghĩa tư bản. Sau cuộc cách mạng tư sản Hà Lan một loạt các cuộc cách mạng tư sản khác nổ ra ở châu Âu và Bắc Mỹ, Chủ nghĩa tư bản được xác lập mang tính thế giới khi nó chi phối toàn bộ nền kinh tế thế giới không loại trừ một quốc gia nào. Trong chặng đường phát triển của mình, Chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hình thái kinh tế xã hội có vai trò ngày càng lớn đối với lịch sử nhân loại đặc biệt là quan hệ quốc tế. Sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản được biểu hiện bằng đường hình sin biểu hiện cho những thời kỳ phát triển và suy thoái. Có thể nói khủng hoảng là căn bệnh kinh niên của Chủ nghĩa tư bản, là nguyên nhân sủa sự suy thoái và trong lòng Chủ nghĩa tư bản chứa đựng đầy mâu thuẫn. Song điều chúng ta khâm phục, điều chúng ta không thể phủ nhận được chính là Chủ nghĩa tư bản có thể sống lại từ “bước đường cùng”, cải cách thể chế và điều chỉnh khi khủng hoảng đã khiến cho Chủ nghĩa tư bản có thể “kéo dài tuổi thọ”. Trong những năm 1950 đến 1973, Chủ nghĩa tư bản bước vào thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử của mình, thời kỳ mà sự phát triển đạt đến đỉnh cao. Thời kỳ này được gọi là thời kỳ hoàng kim – Golden age của Chủ nghĩa tư bản. Cho đến ngày nay, cả thế giới tư bản không thể lặp lại thời quá khứ vàng son này một lần nào nữa. 1. Những đặc trưng của thời kỳ “Golden age” – Thời kỳ vàng Đặc trưng của giai đoạn này đã được thể hiện khá rõ ràng trong tên gọi của nó “Golden age” – Thời kỳ vàng. Trải qua thời kỳ tái thiết sau chiến tranh thế giới, từ những năm 50 của thế kỉ XX người ta chứng kiến sự tăng trưởng nổi bật và gần như liên tục của tất cả các nước tư bản, chưa bao giờ người ta biết tới một sự gia tăng về sản xuất công nghiệp và thương mại thế giới như thế. Bất kể quy mô tàn phá của chiến tranh thế giới thứ hai đến thế nào, việc huy động người lao động vì sản xuất, việc hệ thống hóa những phương thức tổ chức lao động và những bước tiến về năng suất đã mở ra một thời kỳ tăng trưởng đặc biệt trong gần 1/3 thế kỉ.[1] Chủ nghĩa tư bản đã dần hình thành một thể chế Tư bản chủ nghĩa hiện đại khá kiện toàn và bước vào thời kỳ “phồn vinh đặc biệt” với sự tăng trưởng dài của nền kinh tế, chính trị – xã hội ổn định, và bắt đầu của những hình thái ý thức văn hóa mới. 1.1. Kinh tế Không ai ngờ được rằng sau những hậu quả xấu của cuộc chiến tàn khốc, các nước tư bản có thể làm được điều kì diệu ấy, mà điều kì diệu trước hết là trong lĩnh vực kinh tế. Thời kỳ này hầu hết tất cả các nước tư bản đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp thấp. Tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh. Từ năm 1950 đến 1970 tốc độ tăng trưởng kinh tế của 24 nước công nghiệp là 3,2% trong đó Đức là 6%, Ý là 5,1%, Pháp là 4,6%, Mĩ do vướng vào cuộc chiến tranh Triều Tiên nên không có sự đột phá song tăng trưởng vẫn đạt được mức cao 2%.[3] Mức độ tăng trưởng hàng năm của Tây Âu đạt mức kỉ lục là 4,6% trong những năm 1950 – 1973, so với 1,4% trong những năm 1913 – 1950, cao hơn hẳn bất kỳ một thời kỳ nào trước đó. Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng “thần kỳ” chưa từng có 11,6% trong nửa cuối thập niên 60.[12] Cùng với tốc độ tăng trưởng kỉ lục là những thay đổi trong cơ cấu kinh tế với sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt là công nghiệp ô tô và sự bùng nổ của các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Ở Mỹ, công nghiệp ô tô tăng 4 lần trong những năm 1946 – 1955 và là một trong những ngành sản xuất có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế. Năm 1950 ở Mĩ có 40 triệu ô tô lưu hành gấp 7 lần châu Âu. Số lượng ô tô được sử dụng ở Tây Âu tăng gấp 10 lần trong vòng 20 năm (1950 – 1970). Trong đó, số lượng ô tô sử dụng ở Tây Đức tăng nhanh nhất, từ gần nửa triệu tăng lên 17 triệu, ở Pháp từ 1,5 triệu lên đến 14,5 triệu, năm 1949 khoảng 7,2% người dân Anh có xe hơi đến năm 1966 tỷ lệ này là 50%.[12] Ngoài ra trong cơ cấu các ngành kinh tế và vùng kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ trọng trong nông nghiệp giảm, trong khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh chóng. Các ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất, điện tử, đóng tàu,… có sự phát triển vượt bậc. Ngoài ra, Thời kỳ vàng cũng là những năm chứng kiến sự tập trung sản xuất và tư bản cao độ. Ở Mĩ đầu thế kỉ XX, quá trình Conglomerat hóa – liên kết các công ty theo chiều dọc – đã dẫn đến sự hình thành của các công ty xuyên quốc gia – hình thức của các tổ chức độc quyền hiện đại. Các nước châu Âu liên kết trong một tổ chức chung Cộng đồng kinh tế châu Âu EEC thành lập năm 1957. Nguyên nhân đưa các nước tư bản bước vào thời kỳ vàng là nhờ cuộc cuộc Cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ hai đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Sau chiến tranh, cuộc Cách mạng khoa học công nghệ đã thực sự bắt đầu ở nước Mỹ và lan ra các nước trên thế giới. Đặc biệt trong sản xuất, sự áp dụng Phương pháp Taylor – phương pháp sản xuất dây chuyền (Taylor system) mà thành công nhất và đầu tiên và Hãng ô tô Ford đã tạo ra một “chế độ tăng trưởng kiểu Ford”. Trải qua 5 năm, một năng suất lao động tăng vọt kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Năm 1948, giá trị sản xuất công nghiệp của các nước tư bản phát triển cộng lại là 3,7 nghìn tỷ USD, đến 1973 là 12,1 nghìn tỷ. Trong gần ¼ thế kỉ, mức độ tăng trưởng đạt tới 5,6% mỗi năm về sản xuất công nghiệp.[1] Sự tự động hóa trong sản xuất đem đến một nền kinh tế phát triển theo bề rộng, với các công ty quy mô khổng lồ sản xuất ra hàng hóa hàng loạt là nền tảng cho bước tăng trưởng dài và nhanh của thế giới tư bản giai đoạn 1950 – 1973. Một nguyên nhân nữa đó là thời kỳ này các nước tư bản thực thi đường lối phát triển kinh tế hợp lý, chú trọng đến vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Học thuyết Keynes – tăng cường sự điều tiết của Nhà nước – được áp dụng có hiệu quả trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển như vũ bão ở các nước tư bản. 1.2. Tài chính – thương mại Thể chế về thương mại và tài chính toàn cầu bắt đầu phát huy tác dụng, thúc đẩy tự do hóa thương mại và tài chính, Hệ thống Bretton Woods với 44 nước Tư bản chủ nghĩa tham gia đã thiết lập được một hệ thống thanh toán quốc tế và đã tạo ra một hệ thống tự do hóa thương mại và tài chính quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Hệ thống Bretton Woods được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai gồm ba cơ quan chức năng quan trọng là Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới WB, Tổ chức thương mại quốc tế ITO. Với hệ thống này đồng Đôla Mĩ đã thay thế vàng, “good as gold” (35 USD = 1 ounce vàng) làm gốc cho tiền tệ và thanh toán quốc tế. Thị trường tiền tệ Euro phát triển từ những năm 1950 và nó cơ bản là một thị trường tiền tệ bên ngoài hệ thống thế giới chủ yếu sử dụng đô la. Các ngân hàng sử dụng đồng Euro có thể cho vay với giá rẻ hơn, trả lãi suất cao hơn và làm cho lợi nhuận nhiều hơn nữa.[11] Đồng thời, các nước tư bản có sự đầu tư vốn ra nước ngoài. Mĩ đầu tư cho Nhật và Tây Âu, các nước này lại đầu tư sang các nước tư bản đang phát triển. Có thể nói, sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước và đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy thương mại toàn cầu phát triển. 1.3. Chính trị Từ năm 1950 đến năm 1973 là giai đoạn đánh dấu sự tiếp tục phát triển của nền dân chủ tư sản ở các nước tư bản, là thời kì khá ổn định. Phần lớn các nước đã gạt các thành phần vô sản ra khỏi chính phủ, củng cố bộ máy của nhà nước tư sản. Các nước tư bản mở rộng dân chủ tư sản, kiện toàn hệ thống pháp luật Tư bản chủ nghĩa, làm cho xã hội thực hiện được trạng thái “vừa có trật tự lại vừa có tự do”. Ở Pháp năm 1958, nền Cộng hòa thứ năm được xác lập mở ra một thời kỳ phát triển ổn định và vững mạnh hơn nền Cộng hòa thứ tư. Chính phủ mới đã thực hiện những chính sách đối ngoại độc lập, thoát ra khỏi những ảnh hưởng của Mỹ và NATO. Năm 1955, Đức gia nhập khối quân sự NATO, khôi phục lại địa vị chính trị của mình, năm 1957 trở thành thành viên của EEC và kí hiệp ước Hữu nghị với Pháp năm 1963. Nhật Bản năm 1956 nhờ sự giúp đỡ của Mỹ gia nhập Liên hợp quốc và dần dần khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế với tư cách là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Tự do dân chủ tư sản còn cung cấp kênh bộc lộ thông thoáng những bất mãn xã hội nhằm tránh ấp ủ hình thành tình thế tổng bùng nổ kiểu “núi lửa”. [2] 1.4. Xã hội Tỷ lệ thất nghiệp giảm và mức sống của người dân ngày càng cao. Mức tiêu dùng của người dân Tây Âu tăng trên 50% trong thập niên 1950 và 80% trong thập niên 1960, Thu nhập trung bình của người lao động ở Mỹ tăng gấp hai lần trong những năm 1950 – 1975, thu nhập quốc dân của Pháp tăng gấp 2 lần trong thập niên 50 và tăng gần 3 lần trong những thập niên tiếp theo. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7,5% năm 1957 xuống 5,7% năm 1963. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Đức giảm dưới 0,5%; Anh giảm còn 1 – 1,9%.[12] Ở các nước tư bản, sự bùng nổ dân số “baby boom” và quá trình đô thị hóa tăng tốc đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt châu Âu. Chủ nghĩa tư bản đã xây dựng được một hệ thống bảo hiểm phúc lợi xã hội tuy độ chênh lệch tiêu chuẩn không đồng nhất nhưng tương đối đầy đủ. Sự điều chỉnh của Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra môi trường xã hội ổn định cho kinh tế phồn vinh, giảm bớt phong trào công nhân và những mâu thuẫn xã hội. Đời sống nhân dân đặc biệt là công nhân đã được cải thiện, sự ra đời của những ngành kinh tế mới đã giải quyết việc làm cho hàng triệu người. Tiền lương của người lao động tăng 7,9% ở Nhật Bản, 6% ở Cộng hòa liên bang Đức trong những năm 1950 và 2,8% ở Anh từ 1948 đến 1970. Ford – một hãng sản xuất ô tô được xem là có những đối đãi hậu hĩnh nhất đối với công nhân của mình. Hobart Foote – thợ chữa hỏng hóc ở hãng Ford nói: “Chính công ty đã cho tôi bánh mỳ và bơ để trên bàn kia. Tôi có thể nuôi cả gia đình, vợ và con trai, thế là được”.[1] Đây cũng là thời kỳ đột khởi mới về đô thị hóa với sự phát triển của đường sá và xa lộ, mở rộng việc đi nghỉ cuối tuần, những chuyến đi xa trong các kỳ nghỉ hàng năm, việc phổ biến sở hữu nhà ở, mua ô tô,… Hệ thống giao thông vận tải của tất cả các nước đều được hiện đại hóa. Luật về đường cao tốc của Mỹ năm 1956 giành kinh phí 26 tỉ USD, lớn nhất trong lịch sử ngân sách liên bang cho tới thời điểm đó, cho việc xây dựng trên 64.000 km đường cao tốc nối liền các bang trên toàn nước Mỹ. Hệ thống giao thông vận tải của Pháp cũng được hiện đại hóa và trở thành một trong những hệ thống giao thông tốt nhất thế giới. Quá trình đô thị hóa tăng tốc đã đưa số lượng các trung tâm công nghiệp và mua sắm lớn ở Mỹ tăng từ 8 năm 1945 lên 3.840 năm 1960. Nhật Bản diễn ra quá trình đô thị hóa tăng tốc, ¾ dân số Nhật tập trung vào các thành phố, năm 1965 Tokyo trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới và là biểu tượng của sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản. [12] 1.5. Hình thái ý thức văn hóa Dòng chính là có lợi cho Chủ nghĩa tư bản phát triển ổn định. Thời kỳ này người ta đề cao chủ nghĩa cá nhân tự do, quan niệm tôn giáo “nhân quả báo ứng” có lợi cho việc bảo đảm an toàn cho chính phủ khi cá nhân công dân sai sót là do cá nhân không nên oán trách chính phủ và xin sự giải thoát ở Chúa. Thêm vào đó là sự nghiêm ngặt của xã hội cũng góp phần làm trong sạch xã hội. Sự đề xướng văn hóa truyền thống kết hợp với văn minh hiện đại đã hình thành tinh thần doanh nghiệp, tư tưởng kinh doanh và quan niệm xã hội hiện đại, thích ứng với tiến bộ khoa học kĩ thuật và yêu cầu phát triển. 2. Các nước tư bản thời kỳ “Golden Age” Tuy mặt nhấn mạnh và điểm tập trung ở các nước là khác nhau, vào các thời kỳ khác nhau và hình thức áp dụng cụ thể cũng không hoàn toàn giống nhau, nhưng về tổng thể đều được thực hiện trên nguyên tắc kết hợp giữa cơ chế thị trường và sự điều tiết của Nhà nước theo học thuyết Keynes. Mô hình Mỹ được gọi là mô hình kinh tế thị trường tự do, sự khác biệt của Mỹ thời kỳ này so với các nước khác là Mỹ rất tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và tính cạnh tranh thị trường, chính phủ quản lý lỏng đối với các doanh nghiệp tư nhân, để cho các doanh nghiệp tự hoạt động, vai trò chủ yếu của chính phủ là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân này phát triển bằng các điều tiết vĩ mô. Khác với Mỹ, nước Đức lại đòi hỏi kết hợp cá nhân tự do và nghĩa vụ xã hội. Vì thế mô hình Đức được gọi là mô hình kinh tế thị trường xã hội, theo đuổi lợi nhuận nhưng vẫn cung cấp bảo hiểm xã hội tương đối phổ biến cho công nhân. Với chế độ “cùng quyết sách” công nhân Đức có thể tham gia vào hội đồng quản trị các doanh nghiệp lớn. Nét đặc trưng nhất của mô hình Đức là nguyên tắc “hiệp thương nhất trí”, dung hòa giữa đông đảo tập đoàn lợi ích xã hội và trung tâm quyền lợi của Đức, khiến cho các bên đều nhất trí và thực hiện nghiêm túc. Không thể bỏ qua đất nước này khi nghiên cứu về thời đại hoàng kim của Chủ nghĩa tư bản, nước này đã đạt được một sự phát triển thần kì khiến thế giới vừa ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ. Mô hình Nhật Bản mang đậm truyền thống văn hóa phương Đông nhưng có áp dụng những bài học của kinh tế hiện đại phương Tây. Khác với châu Âu, Nhật không thực hiện kế hoạch phúc lợi rộng rãi mà một mặt tạo môi trường thuận lợi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động có kết quả, mặt khác cũng đưa ra những biện pháp hướng doanh nghiệp đi và bảo hộ cho các doanh nghiệp này. Vì đặc điểm này người ta gọi mô hình Nhật là mô hình kinh tế thị trường định hướng hành chính. Trong các doanh nghiệp Nhật xuất hiện “khối cùng chung vân mệnh”, doanh nghiệp thực hiện chế độ thuê công nhân trọn đời và chế độ công đoàn doanh nghiệp làm cho cả chủ tư bản và công nhân đều coi sự phát triển của cả doanh nghiệp là sự nghiệp chung. Nếu Mỹ đề xướng chủ nghĩa cá nhân tự do thì Nhật Bản tôn sùng tập thể chí thượng, dân tộc chí thượng, quốc gia chí thượng, hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước. Điều này mang đậm dấu ấn phương Đông. Ngoài ra còn nhiều những mô hình khác nhau như mô hình Bắc Âu, mô hình Rhine, mô hình AngloSaxon,…[2] 3. Những hạn chế của Chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ “Golden Age” Phát triển mọi mặt là đặc trưng tiêu biểu của Chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn này nhưng trong lòng của sự phát triển bắt đầu nhen nhóm những mầm mống của sự khủng hoảng. Ở Mỹ, nền kinh tế trải qua những đợt suy thoái điển hình là vào các năm 1953, 1958. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng trưởng suy giảm vào đầu thập niên 70. Mặt khác, sự phát triển nhanh của nền sản xuất đã đưa các nước tư bản trở thành một xã hội tiêu dùng thái quá dẫn đến sự thâm hụt của cán cân thanh toán và tình trạng nợ nước ngoài tăng. Văn hóa cũng có sự thay đổi chóng mặt có cả những nét tiêu cực. Nhật Bản đã không còn tôn thờ tính độc nhất văn hóa, khiến họ khó hòa nhập với những nền văn hóa khác trong bối cảnh mới. Hạn chế lớn nhất mà thời kì này Chủ nghĩa tư bản mắc phải chính là việc khai thác bừa bãi và ào ạt các tài nguyên thiên nhiên. Con người đủ thông minh để hiểu được tài nguyên thiên nhiên không phải là thứ vĩnh hằng nhưng không đủ vững vàng để vượt qua được cám dỗ của lợi nhuận. Đặc biệt là Chủ nghĩa tư bản. Vì sao thời kì này Chủ nghĩa tư bản khai thác ào ạt đến vậy? Lý do là sản xuất, các công ty mọc lên với tốc độ chóng mặt, họ cần nguyên nhiên liệu. Vì thế đây là giai đoạn các nước ở thế giới thứ ba vươn lên nhanh chóng. Đó là những nước giàu tài nguyên, nhờ tài nguyên sẵn có mà họ giàu lên. Song “chơi đùa” với thiên nhiên sẽ nhận được những hậu quả khôn lường. Nền kinh tế “vàng son” khiến giới tư bản giàu lên nhanh chóng đã kéo theo sự mở rộng của khoảng cách xã hội, sự phân biệt giàu nghèo ngày càng lớn, những vấn đề mới nảy sinh khiến nhân loại đáng lưu tâm. Những mâu thuẫn trong lòng Chủ nghĩa tư bản vẫn không thể giải quyết được mặc dù giới tư bản đã có nhiều biện pháp nhằm xoa dịu mâu thuẫn xã hội. Công nhân Phill Stallings – thợ hàn hãng Ford nói: “Tôi đứng một chỗ trên một diện tích một mét nhân một mét. Chúng tôi chỉ ngừng đứng vào khi dây chuyền ngừng lại và sản phẩm, tức là một chiếc xe, chúng tôi phải làm gần ba mươi thao tác như vậy… Tiếng ồn thật khủng khiếp. Nếu anh mở dây chuyền ra sẽ bị rất nhiều tia lửa từ bên trong bắn vào mình. Đó là một vết bỏng, không thể nào chống lại tiếng ồn”. [1] Có thể thấy dù phát triển phồn vinh đến thần kỳ thì trong lòng Chủ nghĩa tư bản cũng không thể giải quyết được những mâu thuẫn vốn có tồn tại trong lòng nó. Tuy nhiên, với sự phát triển đó, cũng đã đóng góp một diện mạo mới, một giai đoạn đặc sắc trong lịch sử nhân loại, là một kỳ tích khiến người chứng kiến phải ngỡ ngàng. KẾT LUẬN Thế giới đang đổi thay từng ngày thậm chí từng giờ, chúng ta cần bắt kịp với nó, đặc biệt là khoa học giáo dục, cần có những đổi mới trong công tác giảng dạy về Chủ nghĩa tư bản trong các trường đại học, cao đẳng và trường Trung học phổ thông, cần đổi mới trong quan niệm của một số người về Chủ nghĩa tư bản. Cách tiếp cận giáo điều, duy ý chí sẽ khiến chúng ta đi lạc hướng vấn đề. Có những điều đã ăn sâu vào trí não của học sinh như Chủ nghĩa tư bản “mục ruỗng thối nát”, Chủ nghĩa tư bản là khủng hoảng và tổng khủng hoảng, Chủ nghĩa tư bản đang “giẫy chết”, Chủ nghĩa tư bản là “đêm trước của Cách mạng Cộng sản”. Nhưng với sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản người ta bắt đầu băn khoăn về “cơn giẫy chết” đó “sao giẫy mãi chưa chết?” và “đêm trước còn kéo dài đến bao giờ?”. Chủ nghĩa tư bản với khủng hoảng như một quy luật, khủng hoảng là căn bệnh kinh niên của Chủ nghĩa tư bản song có thể thấy khả năng tự điều chỉnh cực kì mạnh mẽ đã giúp nó thoát qua được “bước đường cùng” mà thời kì Hoàng kim trên đây là một minh chứng mạnh mẽ nhất. Tự điều chỉnh sau chiến tranh, Nhà nước đóng vai trò như một tác nhân kinh tế – chứ không đơn thuần là người điều tiết hay người đảm bảo trật tự luật pháp – đã được chấp nhận như một yếu tố cần thiết để duy trì cả sự cân bằng kinh tế lẫn cân bằng xã hội. Sau này khi đối đầu với khủng hoảng, Chủ nghĩa tư bản cũng nhanh chóng tìm được cách thích ứng. Vì thế trong quá trình dạy và học về Chủ nghĩa tư bản cần có cái nhìn khách quan và toàn diện. Chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản, nó không rơi vào “cơn hấp hối” mà người ta vẫn nói mà ngày nay nó đã trở thành Chủ nghĩa tư bản toàn cầu, nhưng xã hội tư bản cũng không phải mô hình lý tưởng mà loài người hướng đến bởi trong lòng nó còn chứa đựng nhiều bất công trong xã hội. Sau khoảng hơn 50 năm, Việt Nam hiện nay có lẽ đang trải qua những gì mà Chủ nghĩa tư bản đã trải qua trong những năm 50 của thế kỉ trước. Thời hoàng kim của Chủ nghĩa tư bản cho chúng ta không ít những bài học. Chỉ có điều chúng ta có nắm bắt được hay không. Nếu hiểu được những nét đặc trưng của thời kỳ này, Việt Nam có thể có những bước tiến vững chắc hơn. Việt Nam hiện nay đang có mức tăng trưởng khá cao và được đánh giá là một trong số ít những nước ở châu Á sẽ có mức tăng trưởng 2011 cao hơn năm ngoái. Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng yên tâm với nền kinh tế hiện giờ, chỉ số kinh doanh đo mức độ hài lòng tăng từ 75 điểm lên 79 điểm.[8] Song điều đáng quan tâm là các nước tư bản thời Hoàng kim cũng phát triển như vậy thậm chí mạnh mẽ hơn nhưng hậu quả lớn nhất của sự tăng trưởng là việc khai thác tài nguyên quá bừa bãi, nguồn tài nguyên nhanh chóng cạn kiệt, môi trường ngày càng ô nhiễm. Việt Nam cần rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm giá trị từ những hậu quả mà Chủ nghĩa tư bản gặp phải năm 1973 sau một thời kỳ phát triển theo bề rộng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Michel Beand, (Người dịch: Hương Giang), Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 đến 2002, NXB Thế giới, 2002. 2. Tiêu Phong, (Người dịch: Nguyễn Vinh Quang, Hoàng Văn Tuấn; Nguyễn Vinh Quang), Hai chủ nghĩa một trăm năm, NXB Chính trị Quốc gia, 2004. 3. Đỗ Thanh Bình (cb), Nguyễn Công Khanh, Ngô Minh Oanh, Đặng Thanh Toán, Lịch sử thế giới hiện đại, quyển 1, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008. 4. Nguyễn Anh Thái (cb), Đỗ Thanh Bình, Đặng Thanh Toán, Trần Thị Vinh, Lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến 1995, NXB Đại học quốc gia, Tập 3, 1996. 5. E. Vaga, Chủ
Tài liệu liên quan