Quốc hội và Chính phủ là hai cơ quan quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay.Từ khi ra đời cho đến nay, Quốc hội và Chính phủ có những thay đổi về tên gọi và cơ cấu tổ chức nhưng bản chất và tầm quan trọng của hai cơ quan này không thay đổi và được khẳng định qua các bản Hiến pháp. Phân tích mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ theo pháp luật hiện hành giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về hoạt động của Quốc hội và Chính phủ
7 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 6544 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ theo pháp luật hiện hành, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I/LỜI MỞ ĐẦU.
Quốc hội và Chính phủ là hai cơ quan quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay.Từ khi ra đời cho đến nay, Quốc hội và Chính phủ có những thay đổi về tên gọi và cơ cấu tổ chức nhưng bản chất và tầm quan trọng của hai cơ quan này không thay đổi và được khẳng định qua các bản Hiến pháp. Phân tích mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ theo pháp luật hiện hành giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về hoạt động của Quốc hội và Chính phủ.
II/NỘI DUNG
1.Quan hệ giữa quốc hội và chính phủ.
Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ vị trí và tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam(điều 83). Mọi quyền lực nhà nước tập trung thống nhất vào Quốc hội. Theo pháp luật hiên hành,cụ thể là Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001,trong mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ, Quốc hội có những quyền hạn và trách nhiệm đối với Chính phủ được thể hiện ở những phương diện sau đây:
1.1.Trong lĩnh vực quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước
Với thẩm quyền của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất,Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch, ngân sách, các loại thuế, ban hành Hiến pháp và luật…Để triển khai được các nghị quyết đó, Chính phủ phải tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật, Chính phủ đề ra biện pháp thích hợp, phân công, chỉ đạo thực hiện các văn bản đó trên thực tế.
1.2.Trong lĩnh vực tổ chức nhà nước
Quốc hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và phát triển bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Căn cứ vào điều 84 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001: Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ; Quốc hội bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hôi. Căn cứ điều 98 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001: đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Thủ tướng Chính phủ.
1.3.Trong lĩnh vực giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước, giám sát tuân theo Hiến pháp và pháp luật
Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp,luật và nghị quyết của Quốc hội đối với Chính phủ.Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ,đình chỉ thi hành các văn bản của Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ trái với Hiến pháp, luât, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc hủy bỏ các văn bản đó.Mọi hoạt đông của Chính phủ nằm dưới sự giám sát của Quốc hội.Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với Chính phủ nhằm đảm bảo cho những quy định của Hiến pháp, pháp luật được thi hành triệt để,nghiêm minh và thống nhất,đảm bảo việc Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định, từ đó hoạt động của Chính phủ đạt hiệu quả cao,phát huy tốt vai trò của mình.Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua việc xem xét báo cáo hoạt động của Chính phủ,hoạt động chất vấn tại các kì họp của Quốc hội.
2.Quan hệ giữa Chính phủ đối với Quốc hội
Chính phủ do Quốc hội thành lập ra,cơ cấu tổ chức,hoạt động và tính chất của Chính phủ được thể hiên thông qua mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội.Mối quan hệ này được thể hiện ở các phương diện sau đây:
2.1.Điều 109 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001:“Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.Khẳng định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội nhưng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm chỉ rõ tính chất của Chính phủ và mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội. Chính phủ do Quốc hội thành lập ra, nhiệm kì theo nhiệm kì của Quốc hội, khi Quốc hội hết nhiệm kì Chính phủ tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu ra Chính phủ mới. Thành viên của Chính phủ hoạt động dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Thành viên của Chính phủ có thể bị Quốc hội bãi nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật. Chính phủ có nhiệm vụ chấp hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội,chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiên các văn bản nói trên.Chính phủ có thể ban hành các văn bản quan trọng để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, văn bản của Chính phủ không được trái với văn bản của Quốc hội,Ủy ban thường vụ Quốc hôi, thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chính phủ có nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước về tất cả các lĩnh vực trên phạm vi cả nước, Chính phủ đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước lãnh đạo ủy ban nhân dân các cấp. Về mặt quản lý hành chính, các quyết định của Chính phủ là quyết đinh cao nhất,quyết định cuối cùng.
2.2.Trong kì họp thứ nhất của mỗi khóa: Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho phù hợp trên cơ sở căn cứ vào quy định của Hiến pháp, luật tổ chức Chính phủ hiện hành.Trên cơ sở quy định Hiến pháp năm 1992 và luật tổ chức Chính phủ năm 2001, tại kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XI bầu ra Thủ tướng, bổ nhiệm 3 phó Thủ tướng, thành lập 20 bộ và 6 cơ quan ngang bộ. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm có bộ và cơ quan ngang bộ, Quốc hội quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ và cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và từ chức đối với phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thành viên Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội trừ Thủ tướng, quy định này nhằm thể hiện quan điểm phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động cho thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội.
2.3.Trong hình thức hoạt động của Chính phủ
Tại phiên họp Chính phủ thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng thuộc nhiệm vụ, quyền hạn như: chương trình hoạt động hành năm của Chính phủ, các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trình Quốc hội và ủy ban thường vụ Quốc hội; các đề án trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, các báo cáo trình Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ,trước Quốc hội về lĩnh vực,ngành mình phụ trách.
Xuất phát từ chức năng của Quốc hội và Chính phủ trong bộ máy nhà nước thông qua mối quan hệ giữa hai hoạt động lập pháp và hành pháp ở Việt Nam,Chính phủ xem như chủ thể chính trong việc soạn thảo,trình các dự án luật,pháp lệnh trước Quốc hội,Ủy ban thường vụ Quốc hội,hay nói cách khác,sáng kiến lập pháp hiện nay chủ yếu là từ phía Chính phủ(trên 90% các dự án luật,pháp lệnh do Chính phủ trình).Điều đó khẳng định chính sách cũng như xây dựng, ban hành các dự án luật, pháp lệnh không phải chỉ có một cơ quan duy nhất, mà là sản phẩm của mối quan hệ mang tính chất “cộng đồng trách nhiệm”giữa các chủ thể trình (trong đó có Chính phủ) và chủ thể ban hành là Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2.4.Mối quan hệ giữa các thành viên Chính phủ với Quốc hội (các ủy ban của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội)
Các thành viên Chính phủ do Quốc hội phê chuẩn, giới thiệu cuả Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội (trách nhiệm chính trị) và trách nhiệm trước bộ, ngành mình với tư cách là bộ trưởng trước Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, thành viên Chính phủ phải thực hiên thẩm quyền theo luật định,ngoài ra còn phải chịu trách nhiêm về các hoạt động chỉ đạo, điều hành cụ thể của mình trong bộ, ngành trước Quốc hội (Quốc hội có thể chất vấn những vấn đề cụ thể trong điều hành của bộ trưởng…kể cả quá trình xây dựng pháp luật). Thành viên Chính phủ hiện nay được chia thành hai loại chủ thể (thành viên Chính phủ là đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ không là đại biểu Quốc hội). Trong mối quan hệ với Quốc hội, các thành viên Chính phủ đều có trách nhiệm như nhau về ngành, lĩnh vực mình phụ trách,nhưng thẩm quyền đầy đủ sẽ thuộc về các thành viên Chính phủ là đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ, họ có thể phát biểu trước Quốc hội với hai tư cách: thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội.
Từ cách khai thác thẩm quyền trên,trong thực tế cho thấy các bộ trưởng đều có trách nhiệm chính trị cao, làm tốt nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao.Trong công tác lập pháp, thì trách nhiệm này cũng được thể hiện đầy đủ thông qua các hoạt động như thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm về các dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hôi, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, về tiến bộ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh. Các thành viên Chính phủ là người thực thi pháp luật,chỉ đạo,điều hành để đưa các dự án luật, pháp lệnh vào đời sống thực tiễn thông qua sự chấp hành của Chính phủ,mà cụ thể là các bộ, ngành.
3.Những hạn chế trong quan hệ giữa Quốc hội và chính phủ hiên nay
Chất lượng lập pháp của chúng ta hiên nay là thấp, chất lượng không cao, nhiều dự án luật, pháp lệnh không khả thi, thiếu thực tiễn. Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là sự phối kết hợp giữa Chính phủ (các cơ quan của Chính phủ) với Quốc hội (các cơ quan của Quốc hội) trong quá trình xây dựng chưa đạt yêu cầu của một chu trình lập pháp khoa học, khách quan và mang tính sáng tạo.
Về mặt pháp lý, chúng ta chưa có quy chế ràng buộc lẫn nhau giữa các cơ quan của Chính phủ với Quốc hội (thông qua chế tài cụ thể) để quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong mối quan hệ này.Chúng ta có các đạo luật về tổ chức (luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ) nhưng các đạo luật này chỉ quy định thẩm quyền mang tính chất nội dung chứ không phải quy định thể hiện mối quan hệ trình tự thủ tục trong việc phối hợp để tăng cường công tác lập pháp.
4.Phương hướng hoàn thiện mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ
Phát huy, nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong tình hình mới, sự tương tác giữa Quốc hội và Chính phủ trong quá trình lập pháp để tạo ra sự năng động cho hệ thống , khắc phục tình trạng luật chờ nghị định. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất, kết hợp hài hòa quá trình hoạt đông của Chính phủ và Quốc hội để đất nước phát triển, vững mạnh hơn.
Tăng cường năng lực cho hoạt động lập pháp thông qua các mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ (đặc biệt là giữa cơ quan của Quốc hội với các Bộ, ngành thuộc Chính phủ). Tăng cường hoạt động thông tin pháp luật giữa các cơ quan của Quốc hội với các Bộ, Ban ngành của Chính phủ. Những thông tin lập pháp của Quốc hội đã có truyền thống qua nhiều khóa Quốc hội sẽ là bài học kinh nghiệm cho công tác lập pháp nói chung và các ban soạn thảo nói riêng.
Đổi mới hoạt động của Chính phủ trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh sao cho có chất lượng bằng các hình thức hội thảo, phản biện, lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân .
III/KẾT LUẬN
Thông qua các phân tích trên, có thể thấy hiện nay quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ có những tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Hy vọng rằng các nhà lãnh đạo đứng đầu Quốc hội và Chính phủ có những biện pháp, chiến lược đúng đắn để quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ chặt chẽ hơn, khi đó đất nước ta sẽ phát triển hơn,vững mạnh hơn để hội nhập với thế giới.