Dưới chính sách tự do hóa thương mại ở nước ta, các hàng rào thương mại như thuế, hạn ngạch xuất nhập khẩu nông sản đang từng bước được cắt giảm. Hơn thế nữa, sau nhiều năm thực hiện sự độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương, giờ đây các thành phần kinh tế phi quốc doanh được khuyến khích tham gia các hoạt động xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái từng bước được xác định theo quy luật cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Kết quả là thị trường nông sản trong nước nói chung và thị trường cà phê nói riêng ngày càng chịu ảnh hưởng của thị trường khu vực và thị trường quốc tế.
Thực tế thừa nhận rằng các chính sách tự do hóa thương mại ban hành những năm qua được xem như là nhân tố quan trọng đứng đằng sau sự phát triển của nông nghiệp ở nước ta (IMF, 1998; Minot et al, 1997). Tự do hóa thương mại đã có tác động đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng (Nguyễn Trung Quế, 1998). Sau hơn mười năm thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, sản xuất cà phê nước ta đã có những bước thay đổi quan trọng về mặt diện tích, sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Điều đó đã làm cho nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất khẩu cà phê thường xuyên chiếm vị trí quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản trong những năm vừa qua. Tuy vậy, quá trình tự do hóa thương mại cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành sản xuất cà phê nước ta. Hai câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là:
1. Tại sao thị trường cà phê ở nước ta trong những năm qua biến động rất lớn và giá cà phê có xu hướng giảm xuống?
2. Những giải pháp nào có thể thực hiện để ổn định thị trường cà phê nước ta?
Xuất phát từ những vấn đề đó, việc nghiên cứu tác động của thị trường cà phê quốc tế đến thị trường cà phê trong nước trong quá trình tự do hóa thương mại ở nước ta, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách nông nghiệp nhằm phát huy những lợi thế và hạn chế những tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập kinh tế của nước ta hiện nay là một việc làm hết sức cần thiết - đây chính là mục đích của nghiên cứu này.
8 trang |
Chia sẻ: thuylinhqn23 | Ngày: 08/06/2022 | Lượt xem: 649 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình hình dao động giá cà phê thị trường thế giới trong những năm qua và những tác động của nó đến thị trường cà phê ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 28, 2005
TÌNH HÌNH DAO ĐỘNG GIÁ CÀ PHÊ THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
TRONG NHỮNG NĂM QUA VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN
THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ Ở VIỆT NAM
Nguyễn Đăng Hào
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Dưới chính sách tự do hóa thương mại ở nước ta, các hàng rào thương mại như thuế, hạn ngạch xuất nhập khẩu nông sản đang từng bước được cắt giảm. Hơn thế nữa, sau nhiều năm thực hiện sự độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương, giờ đây các thành phần kinh tế phi quốc doanh được khuyến khích tham gia các hoạt động xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái từng bước được xác định theo quy luật cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Kết quả là thị trường nông sản trong nước nói chung và thị trường cà phê nói riêng ngày càng chịu ảnh hưởng của thị trường khu vực và thị trường quốc tế.
Thực tế thừa nhận rằng các chính sách tự do hóa thương mại ban hành những năm qua được xem như là nhân tố quan trọng đứng đằng sau sự phát triển của nông nghiệp ở nước ta (IMF, 1998; Minot et al, 1997). Tự do hóa thương mại đã có tác động đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng (Nguyễn Trung Quế, 1998). Sau hơn mười năm thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, sản xuất cà phê nước ta đã có những bước thay đổi quan trọng về mặt diện tích, sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Điều đó đã làm cho nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất khẩu cà phê thường xuyên chiếm vị trí quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản trong những năm vừa qua. Tuy vậy, quá trình tự do hóa thương mại cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành sản xuất cà phê nước ta. Hai câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là:
1. Tại sao thị trường cà phê ở nước ta trong những năm qua biến động rất lớn và giá cà phê có xu hướng giảm xuống?
2. Những giải pháp nào có thể thực hiện để ổn định thị trường cà phê nước ta?
Xuất phát từ những vấn đề đó, việc nghiên cứu tác động của thị trường cà phê quốc tế đến thị trường cà phê trong nước trong quá trình tự do hóa thương mại ở nước ta, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách nông nghiệp nhằm phát huy những lợi thế và hạn chế những tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập kinh tế của nước ta hiện nay là một việc làm hết sức cần thiết - đây chính là mục đích của nghiên cứu này.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để phân tích giá cà phê trên thị trường trong nghiên cứu này chúng tôi đã sử dụng số liệu thống kê hàng năm của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE), bản tin thị trường của Bộ NNPTNT, Bộ Thương mại.
Tình hình dao động của giá cà phê được xác định thông qua việc xác định mức giá bình quân, mức giá cao nhất, mức giá thấp nhất, phương sai giá và độ lệch tiêu chuẩn. Trong đó phương sai giá là tổng bình phương các độ lệch giữa mức giá cà phê ở năm t với giá cà phê bình quân trong một thời kỳ nào đó, phương sai giá được xác định như sau:
σ2 = ∑ (pt - pμ )2 /n
Trong đó:
σ2 là phương sai giá cà phê trong thời kỳ nghiên cứu
pt là giá cà phê ở năm t, để loại trừ ảnh hưởng của yếu tố lạm phát, trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng giá thực tế (real coffee prices).
pμ là giá bình quân cà phê trong thời kỳ nghiên cứu
n là số năm trong thời kỳ nghiên cứu
Trong khi đó độ lệch tiêu chuẩn (σ) là căn bậc hai của phương sai giá. Phương sai giá cho phép đánh giá mức độ dao động của giá cà phê hàng năm so với giá cà phê bình quân, nếu phương sai giá càng lớn thì mức độ dao động giá cà phê càng lớn và rủi ro thị trường càng cao và ngược lại.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1 Thị trường nông sản với quá trình tự do hóa thương mại:
Sự dao động lớn của giá cả hàng hóa nông sản là nét đặc trưng lớn nhất của thị trường nông sản thế giới trong những năm vừa qua (Thorbecke, 1998), trong lúc đó người sản xuất lại mù quáng chạy theo thị trường với một hệ thống thông tin thị trường không đối xứng (Joseph Stiglitz), điều đó có thể làm cho thị trường càng dao động lớn hơn. Do đặc điểm nội tại của thị trường hàng hóa nông sản, nhìn chung độ co giãn cầu với giá thấp, trong khi đó phản ứng cung sản phẩm nông nghiệp lại trễ (Nguyễn Đăng Hào, 2002), một sự tăng giá nông sản tạm thời có thể làm cho người sản xuất đổ xô vào sản xuất, kết quả là làm cho cung hàng hóa nông sản ở những năm sau tăng nhanh. Hậu quả là giá nông sản bị sụp đổ và nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp. Tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi khả năng điều tiết của chính phủ vào thị trường nông sản còn yếu và chưa có hiệu quả. Điều này có thể được minh chứng qua tình hình sản xuất cà phê ở nước ta trong những năm vừa qua.
Hơn thế nữa, xu hướng vận động của thị trường nông sản có thể dẫn đến những bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nước ta. Theo một số kết quả nghiên cứu, theo sau quá trình tự do hóa thương mại, giá cả hàng hóa nông sản có xu hướng giảm xuống trong dài hạn, và tình hình này còn tiếp tục trong những năm sắp đến (Mamingi, 1997).
Nhìn chung sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản nước ta còn thấp. Dẫn đến một mặt khả năng xâm nhập thị trường thế giới rất yếu, mặt khác sức cạnh tranh của các hàng hóa nông sản nhập khẩu có thể làm cho sản xuất nông nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Trong nỗ lực phấn đấu trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như Khu mậu dịch tự do Asean (AFTA), kết quả của các vòng đàm phán thương mại quốc tế và khu vực, đặc biệt là vòng đàm phán Urugoay, vòng đàm phán Doha có thể ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp nước ta khi các hàng rào thương mại như hạn ngạch từng bước phải dỡ bỏ, thuế nhập khẩu phải giảm thấp tới mức chỉ còn 0 đến 5%. Mặc dầu những cam kết của các vòng đàm phán thương mại có thể đưa lại những lợi ích cho các nước đang phát triển, nhưng kết quả đạt được giữa các nước là rất khác nhau. Những xu hướng thay đổi trong cung, cầu, kho đệm và sự dao động lớn của giá hàng hóa nông sản đang là những mối quan tâm hàng đầu của các nước đang phát triển dưới tác động của chính sách tự do hóa thương mại hiện nay (Goldin và Knudsen) - được xem như là một bước tiến và một bước lùi đối với sản xuất nông nghiệp.
3.2 Tình hình dao động giá cà phê quốc tế:
Biểu đồ 1 cho thấy rằng giá cà phê trên thị trường quốc tế thường xuyên dao động lớn, đặc biệt là trong những năm gần đây. Trước năm 1994, giá cà phê thế giới ở mức thấp, giá cà phê đã giảm từ mức 150,67 cent/pound ở năm 1980 xuống mức 50 cent/pound vào năm 1992. Tuy vậy, giá cà phê đã dần hồi phục vào nửa cuối năm 1993, và tăng nhanh đến mức 202 cent/pound vào tháng 12 năm 1994 mà nguyên nhân chính là do tình hình thời tiết bất lợi (sương muối) đã làm giảm sản lượng cà phê của Brazil - nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Những tháng đầu năm 1995, giá cà phê tiếp tục đứng ở mức cao, nhưng đến tháng 12 năm này đã giảm xuống còn 90 cent/pound. Sau đó giá cà phê lại được khôi phục vào năm 1996 và đầu năm 1997 trước khi giảm xuống dần dần. Giá cà phê đã hoàn toàn sụp đổ tính từ tháng 3 năm 1998, có lúc đã giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử của ngành cà phê thế giới trong những thập kỷ gần đây. Chẳng hạn năm 2002, giá cà phê bình quân trên thị trường thế giới chỉ đạt 44,3 cent/pound, đặc biệt giá cà phê Robusta ở mức rất thấp (24,37 cent/pound). Bước sang năm 2003-2004, đặc biệt là những tháng đầu năm 2005 giá cà phê trên thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Biểu đồ 1: Tình hình giá cà phê thế giới trong những năm qua
Số liệu ở bảng 1 chỉ rõ tình hình dao động của giá cà phê trên thị trường thế giới qua các thời kỳ khác nhau. Trong thời kỳ 1980-1985, giá cà phê tương đối ổn định, trong khi đó giá cả cà phê dao động lớn nhất trong thời kỳ 1986-1994, Giá cà phê đạt mức cao nhất vào năm 1986 với hơn 170 US cent/ pound, và thấp nhất là 53 US cent/pound vào năm 1992. Kết quả là phương sai và độ lệch tiêu chuẩn giá cà phê cũng đạt cao nhất trong thời kỳ này với giá trị tương ứng là 1343,32 và 36,65. Trong thời kỳ 1995-1998 và 1999-2002, giá cà phê tiếp tục dao động ở mức độ lớn, dẫn đến phương sai và độ lệch tiêu chuẩn giá trong hai thời kỳ này cũng khá cao.
Bảng 1: Một số chỉ báo về tình hình dao động giá cà phê
trên thị trường thế giới, thời kỳ 1980 - 2002
Thời kỳ
Giá thấp nhất
Giá cao nhất
Giá bình quân
Phương sai giá
Độ lệch tiêu chuẩn
1980 - 1985
115.42
150.67
132.23
128.99
11.36
1986 -1994
53.35
170.93
92.46
1343.32
36.65
1995 - 1998
85.72
138.42
113.81
242.37
15.56
1999-2004
44.30
85.72
59.97
243.39
15.60
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của ICO.
Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân chính làm cho giá cà phê biến động trong những năm qua. Trước hết là do những đặc điểm nội tại của thị trường cà phê. Về khía cạnh cầu, nhìn chung độ co giãn cầu cà phê với giá rất thấp, hay nói cách khác cầu cà phê ít co giãn, FAO ước tính độ co giãn giá cả đối với nhu cầu tiêu dùng cà phê ở các nước công nghiệp phát triển là -0,34, có nghĩa là giá bán tăng lên 1% thì khối lượng cà phê tiêu thụ giảm 0,34% và ngược lại, đặc biệt là mức tăng cầu cà phê chỉ có tính chất thời điểm, trong khi đó phản ứng cung cà phê trước việc tăng giá cà phê lại rất “trễ” (lagged response), do đặc tính sinh học của ngành sản xuất cà phê từ khi trồng mới cho đến khi có thu hoạch cây cà phê cần ít nhất 4 năm. Hơn nữa, theo quy luật sinh học thì thường sau một năm được mùa, năm tiếp theo năng suất cà phê sẽ bị giảm thấp, tình hình này thậm chí có thể trầm trọng hơn nếu thời tiết bất lợi. Chẳng hạn, tình hình sương muối năm 1994 đã làm cho sản lượng cà phê của Brazil giảm 50%, dẫn đến tình hình thiếu hụt cà phê và giá của nó tăng nhanh trên thị trường. Kết quả là hàng loạt nước sản xuất cà phê mở rộng diện tích trồng mới cà phê và theo quy luật sinh học thì sau 4 đến 5 năm những cây cà phê này sẽ cho thu hoạch vào những năm 1998 và kéo dài đến nay. Khi khối lượng cung cà phê tăng đột biến, khối lượng cầu tiêu thụ hầu như thay đổi không đáng kể dẫn đến tình trạng dư thừa lớn cà phê và hậu quả là giá cà phê sụp đổ hoàn toàn. Tình hình đó sẽ kéo dài cho đến khi các nước sản xuất cà phê hàng đầu có những sự điều chỉnh diện tích cà phê, và một chu kỳ mới của thị trường cà phê lại hình thành. Nguyên nhân khác là sự thất bại trong những thỏa thuận quốc tế của ICO về kiểm soát diện tích sản xuất, khối lượng dự trữ và xuất khẩu cà phê của các nước thành viên ICO.
3.3 Tình hình dao động giá cà phê ở Việt Nam:
Tình hình giá cà phê ở thị trường trong nước được phản ánh thông qua sơ đồ 2. Nhìn chung giá cà phê trong nước vận động theo cùng xu hướng với giá cà phê trên thị trường quốc tế. Xu hướng này ngày càng chặt chẽ hơn khi mà Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta, đặc biệt là sau chính sách tự do hóa thị trường cà phê xuất khẩu từ những năm đầu thập kỷ 90, tiếp theo đó những biến động lớn trên thị trường cà phê quốc tế ngay lập tức tác động đến thị trường cà phê trong nước.
Biểu đồ 2: Tình hình giá cà phê ở thị trường Việt Nam trong những năm qua
Các chỉ báo đo lường tình hình dao động của giá cà phê ở thị trường trong nước được phản ánh ở bảng 2. Trong thời kỳ 1990-2002, nhìn chung, giá cả cà phê ở thị trường trong nước cũng dao động rất lớn, mức giá cà phê cao nhất là năm 1994, với mức bình quân 22 ngàn đồng/kg, trong khi đó mức giá thấp nhất là 3,23 ngàn đồng trong năm 2002. Trong thời kỳ 1998-2002, giá cà phê có xu hướng giảm xuống mức kỷ lục trong lịch sử ngành cà phê nước ta. Giá bình quân cho cả thời kỳ này chỉ đạt 6,63 ngàn đồng/kg. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất cà phê hiện nay, dẫn đến tình trạng thua lỗ trầm trọng cho người sản xuất cà phê.
Phương sai giá và độ lệch tiêu chuẩn giá cũng đạt giá trị cao trong thời gian qua. Thời kỳ 1990-1994, phương sai và độ lệch tiêu chuẩn giá cà phê đạt giá trị cao nhất. Thời kỳ 1995-1998 và 1999-2004 phương sai và độ lệch tiêu chuẩn giá mặc dù có giảm xuống nhưng vẫn đạt giá trị rất cao. Điều này chứng tỏ rằng người sản xuất cà phê gặp rất nhiều rủi ro do sự dao động của thị trường cà phê tạo nên.
Bảng 2: Một số chỉ báo về tình hình dao động giá cà phê
ở thị trường Việt Nam, thời kỳ 1990 - 2002
Thời kỳ
Giá thấp nhất
(1000đ/kg)
Giá cao nhất
(1000đ/kg)
Giá bình quân
(1000đ/kg)
Phương sai giá
Độ lệch tiêu chuẩn
1990–1994
7.14
22.00
10.763
39.79
6.30
1995 –1998
12.96
21.12
15.61
14.12
3.75
1999–2004
3.23
8.72
6.63
4.07
2.02
Nguồn:Tính toán từ số liệu thống kê của VINACAFE, VICOFA, Thống kê thương mại.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Từ kết quả nghiên cứu này chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
Giá cả cà phê trên thị trường thế giới trong những năm qua dao động rất lớn, đặc biệt giá cà phê có xu hướng giảm xuống mức rất thấp trong những năm qua.
Tình hình sụp đổ của giá cả cà phê trước hết là do những nhân tố nội tại của thị trường này qui định. Trong khi độ co giãn giá của cầu cà phê rất thấp, phản ứng cung cà phê lại rất trễ. Điều này dẫn đến một sự thiếu hụt tạm thời cung cà phê - thường là do tình hình sản xuất không thuận lợi ở một số nước sản xuất cà phê hàng đầu - dẫn đến giá cà phê tăng cao ở một thời điểm nào đó có thể làm cho người sản xuất mù quáng mở rộng diện tích cà phê. Kết quả là khối lượng cung cà phê tăng đột biến sau một số năm nào đó và hậu quả là giá cà phê sẽ hoàn toàn sụp đổ. Hơn nữa, sự thất bại của trong việc thực hiện các cam kết của Tổ chức Cà phê quốc tế cũng là một yếu tố làm tăng sự dao động của thị trường cà phê.
Tình hình dao động giá cà phê ở thị trường nước ta trong những năm qua cũng rất lớn và chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình hình thị trường cà phê quốc tế. Tình hình này ngày càng trở nên quan trọng vì từ khi có sự tăng giá cà phê vào năm 1994, các nông hộ đã mở rộng diện tích cà phê Robusta và nước ta trở thành nước hàng đầu về xuất khẩu cà phê này. Trong khi đó, thị trường cà phê quốc tế lại chủ yếu tiêu thụ cà phê Arabica. Hậu quả là áp lực giảm giá đối với cà phê Robusta càng lớn, gây nên tình trạng thua lỗ lớn cho người sản xuất.
Rõ ràng rằng khi tham gia và trở thành một nước sản xuất cà phê lớn trên thị trường quốc tế đòi hỏi cần phải có một sự nghiên cứu thị trường cà phê một cách cẩn thận. Từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách cho ngành cà phê mà trước hết là việc qui hoạch, xác định qui mô diện tích cà phê tối ưu. Bên cạnh đó, việc hoạch định chính sách thị trường, cung cấp thông tin và đa dạng hóa các hình thức giao dịch trên thị trường cà phê cũng như tham gia và thực hiện các cam kết với ICO để giải quyết các vấn đề thị trường cũng rất cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Mamingi, N. The impact of prices and macroeconomic policies on agricultural supply: A synthesis of available results. Agr. Econ. 16 (1997) 17-34
Minot, N., and F. Goletti. Rice Markets, Agricultural Growth, and Policy Option in Vietnam. MSSD Discussion Paper No.14, IFPRI (April 1997).
Nguyễn Đăng Hào. Tác động của chính sách tự do hoá thương mại đến cung cà phê ở Việt Nam - Sự áp dụng mô hình cung Nerlove, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, số 13 (2002).
Nguyen Trung Que. Effects of Trade Liberalization on Agriculture in Vietnam, Institutional and Structural Aspects. The CGPRT center, working paper No 40 (1998).
Thoberke, E. Agricultural Market Beyond Liberalization: The Role of the State, Kluwer Academic Publishers (2000).
FLUCTUATION OF COFFEE PRICES IN THE WORLD MARKET
IN THE PAST YEARS AND ITS IMPACTS UPON
VIETNAM COFFEE MARKET
Nguyen Dang Hao
College of Economics, Hue University
SUMMARY
The economic reforms implemented since the end of 1980s have accelerated the trade liberalization initiatives in Vietnam. The overall impacts of this liberalization on agricultural production growth are widely acknowledged. In this study, we focus on the relationship between the fluctuation of coffee prices in the world market and it’s impacts on coffee prices in Vietnam following the liberalization of coffee market. Based on the time-series data from 1990 to 2004, the indicators used to measure the fluctuation of coffee prices are applied.
The results of the study indicate that in the past decades, the coffee prices in the world market have been wide volatility due to its own characteristics, especially its delayed supply response. Consequently, the low price elasticity of demand, together with the delayed response of supply to price, causes the long-run coffee cycle; small shortages lead to large price increases in the short-run, inducing large-scale expansion of production. But after a maturation lag of about five years, this results in excess supply, leading to price decreases. Following the trade liberalization, Vietnam has become one of the biggest Robusta producers, and the fluctuation in the world coffee market is immediately transferred to Vietnam coffee market. As a result, coffee planting households in the central region are very vulnerable to coffee price collapse because most of their coffees are Robusta.