Phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị

Nghiên cứu nhằm đánh giá sự phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế ở mỗi dạng sống tại các sinh cảnh khác nhau thuộc vùng đất cát tỉnh Quảng Trị. Phân tích DCA được sử dụng để xác định sự phân bố ưu thế của các loài này trên các sinh cảnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy vùng đất cát tỉnh Quảng Trị gồm 59 loài thực vật thân gỗ, bụi và thân thảo ưu thế. Thực vật có dạng sống Mesophanerophytes và Microphanerophytes gồm 13 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát cố định và 3 loài ở vùng đất cát ngập nước. Thực vật thân bụi có dạng sống Nanophanrophytes có 2 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát di động ven biển, 6 loài ở vùng đất cát cố định và 4 loài ở vùng đất cát ngập nước định kỳ. Thực vật thân thảo có 5 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát di động, 5 loài ở vùng đất cát cố định và 21 loài ở vùng đất ngập nước. Tính chất di động và tính chất ngập nước của đất cát có ảnh hưởng đến sự phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị

pdf8 trang | Chia sẻ: thuyduongbt11 | Ngày: 18/06/2022 | Lượt xem: 94 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 4 DOI: 10.15625/vap.2020.00045 PHÂN BỐ CỦA CÁC LOÀI THỰC VẬT CÓ HOA ƯU THẾ Ở VÙNG ĐẤT CÁT TỈNH QUẢNG TRỊ Hoàng Xuân Thảo* Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm đánh giá sự phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế ở mỗi dạng sống tại các sinh cảnh khác nhau thuộc vùng đất cát tỉnh Quảng Trị. Phân tích DCA được sử dụng để xác định sự phân bố ưu thế của các loài này trên các sinh cảnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy vùng đất cát tỉnh Quảng Trị gồm 59 loài thực vật thân gỗ, bụi và thân thảo ưu thế. Thực vật có dạng sống Mesophanerophytes và Microphanerophytes gồm 13 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát cố định và 3 loài ở vùng đất cát ngập nước. Thực vật thân bụi có dạng sống Nanophanrophytes có 2 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát di động ven biển, 6 loài ở vùng đất cát cố định và 4 loài ở vùng đất cát ngập nước định kỳ. Thực vật thân thảo có 5 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát di động, 5 loài ở vùng đất cát cố định và 21 loài ở vùng đất ngập nước. Tính chất di động và tính chất ngập nước của đất cát có ảnh hưởng đến sự phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị. Từ khóa: DCA, phân bố, thực vật có hoa, vùng đất cát, Quảng Trị. 1. MỞ ĐẦU Đất cát ở miền Trung Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng là một tiểu vùng sinh thái khắc nghiệt. Loại đất này có thành phần cơ giới chủ yếu là cát nên khả năng trữ nước kém, thoát nước nhanh vì thế thường gây ra sự khô hạn trong đất. Bên cạnh đó, đất cát lại có khả năng bị thoái hóa lớn do gió gây ra (Nguyễn Đình Kỳ và nnk., 2006). Nhờ có sự hiện diện của hệ thực vật nơi đây đã góp phần giảm thiểu tính khắc nghiệt của khí hậu, ngăn cản sự sa mạc hóa do hiện tượng di động của cát, đồng thời đó là một trong những nguồn lợi kinh tế của dân địa phương như cung cấp chất đốt, cây thuốc, mật ong,... Vùng đất cát tỉnh Quảng Trị bao gồm những cồn cát tiếp giáp với biển và một số nơi lấn sâu vào trong đất liền. Các kiểu sinh cảnh ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị khá đa dạng như: đất cát di động ven biển (liền kề với bờ biển), đất cát di động sâu trong nội địa, đất cát cố định khô hay ẩm, đất cát ngập nước định kỳ và thường xuyên thường. Giữa sinh cảnh và thực vật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau (Criddle et. al, 1995), vì thế nghiên cứu đặc điểm phân bố của thực vật giúp xác định được các loài phân bố ưu thế trong từng sinh cảnh. Tuy vậy, vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể về sự phân bố của các loài thực vật nơi đây. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá sự phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế tại các sinh cảnh khác nhau thuộc vùng đất cát tỉnh Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho công tác quản lý, bảo tồn, phục hồi phát triển bền vững hệ sinh thái này. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Email: hoangxuanthao@dhsphue.edu.vn 362 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng và địa điểm nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: các loài thực vật có hoa ưu thế, phân bố ở các quần xã thực vật tự nhiên tại vùng cát tỉnh Quảng Trị. Địa điểm nghiên cứu: Đất cát tỉnh Quảng Trị chủ yếu phân bố trên 4 huyện ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Ngoài dải đất tiếp giáp với biển phân bố trên 4 huyện được gọi là vùng đất cát ven biển, đất cát tỉnh Quảng Trị còn có các vùng nằm sâu trong nội địa và cách biệt với vùng ven biển bởi loại đất khác được gọi là đất cát nội đồng. Đất cát nội đồng phân bố trên 3 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng. Vùng đất cát tỉnh Quảng Trị gồm 6 phân vùng khác nhau, có 3 phân vùng đất cát ven biển (phân vùng đất cát ven biển ở 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng, phân vùng đất cát ven biển ở huyện Gio Linh, phân vùng đất cát ven biển ở huyện Vĩnh Linh) và 3 phân vùng đất cát nội đồng (phân vùng đất cát nội đồng ở huyện Hải Lăng, phân vùng đất cát nội đồng ở huyện Gio Linh và phân vùng đất cát nội đồng ở huyện Vĩnh Linh) (Hình 1). Hình 1. Bản đồ phân vùng đất cát tỉnh Quảng Trị và vị trí các ô tiêu chuẩn PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 363 2.2. Phương pháp nghiên cứu Xác định các kiểu sinh cảnh: Chúng tôi tiến hành phân loại các kiểu sinh cảnh của vùng đất cát tỉnh Quảng Trị dựa trên tính chất di động của cát và tính chất ngập nước bằng quan sát trong quá trình nghiên cứu theo Moreno-Casasolal và Espejel (1986). Dựa trên tính di dộng của cát, đất cát tỉnh Quảng Trị có thể chia thành đất cát cố định và đất cát di động. Bên cạnh đó, dựa vào vị trí của đất cát di động đối với đường bờ biển, chúng tôi chia vùng đất cát di động thành làm 2 nhóm: đất cát di động ven biển (đất cát di động liền kề với bờ biển) và đất cát di động nằm sâu trong nội địa. Dựa trên tính chất ngập nước trong năm, đất cát được chia thành: đất cát khô, ẩm, ngập nước định kỳ và ngập nước thường xuyên. Vùng đất cát tỉnh Quảng Trị bao gồm 6 phân vùng khác nhau (Hình 1), do vậy chúng tôi tách các sinh cảnh ở mỗi phân vùng có cùng tính chất di động và ngập nước của cát thành những kiểu sinh cảnh riêng. Điều tra thành phần loài bằng ô tiêu chuẩn được thiết kế ngẫu nhiên. Từ bản đồ đất tỉnh Quảng Trị, chúng tôi tiến hành số hóa bản đồ đất cát bằng phần mềm Mapinfo 15 theo hệ tọa độ WGS_1984, các ô tiêu chuẩn được thiết kế ngẫu nhiên trên bản đồ. Tọa độ các ô tiêu chuẩn trên bản đồ được sử dụng để xác định vị trí của các ô ngoài tự nhiên bằng máy định vị GPS Garmin etrex 10. Điều tra thành phần loài ở những ô tiêu chuẩn tại các thảm thực vật tự nhiên ít có tác động của con người. Số ô tiêu chuẩn ở thảm thực vật tự nhiên này gồm 455 ô (hình 1), kích thước mỗi ô là 10 × 10 m. Đối với thảm thực vật thân gỗ và thân bụi tiến hành điều tra toàn bộ ô tiêu chuẩn. Trên các thảm cỏ không có cây gỗ hoặc cây bụi, 5 ô nhỏ được thiết kế có kích thước 1 × 1 m với 1 ô ở trung tâm và 4 ô ở 4 góc của ô tiêu chuẩn lớn. Trong trường hợp thảm cỏ có cây gỗ và cây bụi, các ô nhỏ được thiết kế gồm 1 ô có kích thước 4 × 4 m ở trung tâm và 4 ô tiêu chuẩn có kích thước 1 × 1 m ở 4 góc của ô tiêu chuẩn lớn (Dangol, 2009). Tùy vào mỗi dạng sống khác nhau theo Raunkiaer (1934), chúng tôi thống nhất đếm số lượng cá thể như sau: Cây gỗ (dạng sống Me - Mesophanerophytes và Mi - Microphanerophytes) đếm số lượng cá thể theo số thân. Những cây bụi hai lá mầm lớn (dạng sống Mi) đếm số cá thể bằng số gốc, số cành phân nhánh từ gốc đối với dạng sống Na (Nanophanrophytes). Cây bụi một lá mầm đếm số cá thể bằng số thân khí sinh. Cây thân thảo hai lá mầm đếm số gốc, cây thân thảo một lá mầm đếm theo số thân khí sinh. Cây thân leo, ký sinh hoặc bán ký sinh, cây thủy sinh có gốc bám bùn đếm theo số gốc có trong ô tiêu chuẩn. Cây sống trôi nổi đếm theo số đỉnh ngọn cành vươn lên ngang mặt nước hoặc cao hơn mặt nước. Cây thân bò sát mặt đất, cây bì sinh đếm theo số đỉnh cành có hiện diện trong ô tiêu chuẩn. Xác định loài ưu thế theo số lượng cá thể (Simpson, 1949) ở mỗi dạng sống khác nhau. Loài ưu thế được xác định theo mật độ trung bình trên 1000 m2 ở mỗi kiểu sinh cảnh và mật độ lớn hơn 5 cá thể đối với dạng sống Me, 10 cá thể ở dạng sống Mi. Dạng sống Na, các loài thân leo bụi, ký sinh hoặc bán ký sinh có dạng thân bụi thì mật độ lớn hơn 20 cá thể, lớn hơn 1000 cá thể đối với cây thân thảo. 364 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM Định loại thực vật bằng phương pháp so sánh hình thái dựa vào các tài liệu của Nguyễn Tiến Bân (1997), Phạm Hoàng Hộ (1999), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2007). Xử lý số liệu: để thể hiện xu hướng phân bố của các loài ở sinh cảnh chúng tôi tiến hành phân tích DCA (Detrended correspondence analysis) (Hill & Gauch, 1980) theo mật độ trung bình của các loài ưu thế ở mỗi dạng sống bằng phần mềm PAST v.3. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN Thực vật có hoa ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị gồm 59 loài cây gỗ (dạng sống Me và Mi), cây bụi (dạng sống Mi và Na) và cây thân thảo (cây thảo một năm - Th - Therophytes, cây chồi ẩn - Cr - Cryptophytes, cây chồi nửa ẩn - He - Hemicryptophytes và cây chồi sát đất - Ch - Chamaephytes) phân bố trên 19 kiểu sinh cảnh khác nhau. Các kiểu sinh cảnh này gồm: Đất cát di động ven biển (liền kề bờ biển) thuộc phân vùng ven biển Hải Lăng và Triệu Phong (DD_VB_HL_TP); đất cát di động ven biển thuộc phân vùng ven biển Gio Linh (DD_VB_GL); đất cát di động ven biển thuộc phân vùng ven biển Vĩnh Linh (DD_VB_VL); đất cát di động nằm sâu trong nội địa thuộc phân vùng ven biển Hải Lăng và Triệu Phong (DD_ND_VB_HL_TP); đất cát di động nằm sâu trong nội địa thuộc phân vùng ven biển Vĩnh Linh (DD_ND_VB_VL); đất cát cố định, ẩm, không ngập nước, thuộc phân vùng ven biển Hải Lăng và Triệu Phong (VB_HL_ẨM); Đất cát cố định, ẩm, không ngập nước, thuộc phân vùng nội đồng Hải Lăng (ND_HL_ẨM); Đất cát cố định, ẩm, không ngập nước, thuộc phân vùng nội đồng Gio Linh (ND_GL_ẨM); Đất cát cố định, khô thuộc phân vùng ven biển Hải Lăng và Triệu Phong (VB_HL_TP_K); đất cát cố định, khô thuộc phân vùng ven biển Gio Linh (VB_GL_K); Đất cát cố định, khô thuộc phân vùng ven biển Vĩnh Linh (VB_VL_K); đất cát cố định, khô, thuộc phân vùng nội đồng Hải Lăng và Triệu Phong (ND_HL_TP_K); đất cát cố định, khô, thuộc phân vùng nội đồng Gio Linh (ND_GL_K); đất cát cố định, khô, thuộc phân vùng nội đồng Vĩnh Linh (ND_VL_K); đất cát cố định, ngập nước định kỳ, thuộc phân vùng ven biển Hải Lăng và Triệu Phong (NNDK_VB_HL_TP); đất cát cố định, ngập nước định kỳ thuộc phân vùng ven biển Gio Linh (NNDK_VB_GL); đất cát cố định, ngập nước định kỳ thuộc phân vùng nội đồng Hải Lăng (NNDK_ND_HL); đất cát cố định, ngập nước thường xuyên thuộc phân vùng ven biển Vĩnh Linh (NN_VB _VL); đất cát cố định, ngập nước thường xuyên thuộc phân vùng ven biển Vĩnh Linh (NN_ND _HL). 3.1. Phân bố của các loài thực vật thân gỗ và bụi lớn Kết quả nghiên cứu cho thấy, các loài thân gỗ và bụi lớn (có dạng sống Me và Mi) ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị gồm 16 loài. Chúng chủ yếu phân bố ở vùng đất cát cố định không ngập nước (đất cát cố định ẩm và đất cát cố định khô) và ngập nước định kỳ, không hiện diện ở vùng đất cát di động. Chúng cũng có phân bố ở đất cát ngập nước thường xuyên nhưng với số lượng cá thể ít. Kết quả phân tích DCA (Hình 2) thể hiện xu hướng phân bố ưu thế của hầu hết các loài là ở các kiểu sinh cảnh đất cát cố định không ngập nước như: L133 (Syzygium corticosum - Trâm bù), L177 (Gluta wrayi - Sơn quả), L22 (Castanopsis indica - Dẻ gai), L24 (Lithocarpus concentricus - Dẻ cát), L23 (Lithocarpus sabulicolus - Dẻ lá bóng), L2 PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 365 (Meiogyne hainanensis - Thiểu nhụy hải nam), L170 (Acronychia pedunculata - Bí bái), L135 (Syzygium zeylanicum - Trâm vỏ đỏ), L58 (Rapanea linearis - Ma ca), L15 (Cinnamomum melastomaceum - Rè muôi), L88 (Cleistanthus pierrei - Cách hoa Pierre), L97 (Alchornea rugosa - Sói dại), L165 (Mischocarpus poilane - Nây). Hình 2. Kết quả phân tích DCA của các loài thân gỗ và bụi lớn Loài L128 (Melaleuca cajuputi - Tràm dầu), L171 (Euodia lepta - Ba chạc) và L230 (Gardenia angusta - Dành dành) có xu hướng phân bố ở các vùng đất ngập nước, trong đó ưu thế ở vùng đất cát ngập nước định kỳ (Hình 2). Các loài này có mật độ trung bình rất thấp ở vùng đất cát không ngập nước. L128 phân bố ưu thế hơn ở vùng đất cát ngập nước định kỳ ven biển, L171 và L230 lại ưu thế cả ở vùng đất ngập nước định kỳ ven biển và nội đồng. 3.2. Phân bố của các loài thực vật thân bụi thấp hơn 2 m Các loài thực vật ưu thế có dạng sống Na gồm 12 loài, chúng phân bố ở hầu hết các sinh cảnh ngoại trừ sinh cảnh đất cát di động sâu trong nội địa và sinh cảnh đất cát ngập nước thường xuyên thuộc phân vùng ven biển Vĩnh Linh. Kết quả phân tích DCA được thể hiện ở Hình 3. Loài L294 (Vitex rotundiflora - Từ bi biển), L292 (Clerodendrum inerme - Ngọc nữ biển) thể hiện xu hướng phân bố ở vùng đất cát di động ven biển. Đây cũng là loài cây bụi ưu thế ở vùng này, qua đó cho thấy L294 và L292 là loài đặc trưng của vùng đất cát di động ven biển tỉnh Quảng Trị. L122 (Melastoma affine - Mua đa hùng), L123 (Osbeckia stellata - An bích lông khoằm), L315 (Pandanus tectorius - Dứa dại) và L127 (Baeckea fru- tescens - Chổi sể) phân bố hầu hết ở các sinh cảnh đất cát cố định, trong đó ưu thế rõ rệt ở vùng đất ngập nước định kỳ. Các loài còn lại có xu hướng phân bố ưu thế ở vùng đất cát cố định không ngập nước như: L243 (Psychotria rubra - Lấu), L17 (Neolitsea merrilliana - Tân bời Merrill), L91 (Phyllanthus thaii - Diệp hạc châu thái), L109 (Croton heteocarpus - Cù đèn), L94 (Phyllanthus fasciculatus - Me chụm), L283 (Ixora coccinea - Trang son). Trong số những loài này, L94 phân bố ưu thế hơn ở vùng đất cát cố định, khô phân vùng đất cát nội đồng 366 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM huyện Gio Linh. Hình 3. Kết quả phân tích DCA của các loài cây bụi (Na) 3.3. Phân bố của các loài thực vật thân thảo Các loài thực vật thân thảo ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị gồm 31 loài phân bố ở tất cả các sinh cảnh. Dạng sống của các loài thực vật thân thảo ưu thế là Th, Cr, He và Ch. Xu hướng phân bố của các loài thực vật thân thảo tại mỗi sinh cảnh được thể hiện bằng phân tích DCA ở Hình 4. Hình 4. Kết quả phân tích DCA của các loài thực vật thân thảo Các loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát di động ven biển và di động trong nội địa gồm: L356 (Fimbristylis sericea - Cói quăn lông tơ), L341 (Cyperus stolonoferus - Củ gấu biển), L391 (Spinifex littoreus - Cỏ chông), L266 (Impomoea imperati - Rau muống biển) và L35 (Polycarpaea arenaria - Sài hồ nam). Qua quá trình điều tra chúng tôi thấy rằng các loài L266, L391, L341 chỉ phân bố ở vùng đất cát di động ven biển. PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 367 Các loài có xu hướng phân bố ưu thế ở vùng đất cát cố định không ngập nước gồm: L309 (Chlorophytum laxum - Lục thảo thưa), L310 (Dianella nemorosa - Hương lâu), L371 (Chrysopogon aciculartus - Cỏ may), L379 (Sphaerocaryum malaccense - Cầu bản) và L351 (Fimbristylis ferruginea - Cói quăn nâu). Các loài còn lại phân bố ưu thế trong nhóm sinh cảnh đất ngập nước (đất ngập nước định kỳ và thường xuyên) như: L139 (Rolata wallichii - Luân thảo wallichii), L286 (Utricularia aurea - Nhĩ cán vàng), L299 (Pogostemon stellatus - Hồng vĩ hình sao), L306 (Lemma minor - Bèo cám), L330 (Eichhornia crassipes - Bèo lục bình), L352 (Fim- bristylis globulosa - Cói quăn bông tròn), L344 (Cyperus pumilus - Cú nhỏ), L346 (Eleo- charis atropurpurea - Năng nâu), L348 (Eleocharis dulcis - Năng ngọt), L353 (Fim- bristylis insignis - Cói quăn có dấu), L354 (Fimbristylis nutans - Cói quăn nghiêng), L367 (Leptocarpus disjunctus - Chanh lương), L43 (Drosera burmanii - Bắt ruồi), L288 (Utric- ularia bifida - Nhĩ cán chẻ hai), L338 (Eriocaulon sexangulare - Cốc tinh thảo), L349 (Fimbristylis aphylla - Mao thư không lá), L359 (Pycreus polystachyos - Cói trục dai nhiều bông), L368 (Centrolepis banksii - Trung lân á) và L376 (Eremochloa ciliaris - Cỏ đuôi chồn). Trong số đó, L139, L286, L299, L306, L330 chỉ phân bố ở vùng đất ngập nước thường xuyên. L349 và L352 lại ưu thế nhất ở vùng đất cát ngập nước thường xuyên phân vùng đất cát Vĩnh Linh. L376 phân bố cả ở vùng đất cát không ngập nước nhưng ưu thế hơn ở vùng đất cát ngập nước định kỳ. L377 (Eriachne pallescens - Mao tái), L378 (Ischaemum barbatum var. lodiculare - Mồm nốt) phân bố ưu thế ở cả vùng đất cát cố định ngập nước và không ngập nước nhưng ưu thế hơn ở vùng đất ngập nước. 4. KẾT LUẬN Thực vật cây gỗ, cây bụi cây thân thảo ưu thế ở vùng đất cát gồm 59 loài. Có 13 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát cố định và 3 loài ở vùng đất cát ngập nước của thực vật có dạng sống Me và Mi. Thực vật thân bụi có dạng sống Na có 2 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát di động ven biển, 6 loài ở vùng đất cát cố định và 4 loài ở vùng đất cát ngập nước định kỳ. Thực vật thân thảo có 5 loài phân bố ưu thế ở vùng đất cát di động, 5 loài ở vùng đất cát cố định và 21 loài ở vùng đất ngập nước. Tính chất di động và tính chất ngập nước của đất cát có ảnh hưởng đến sự phân bố của các loài thực vật có hoa ưu thế ở vùng đất cát tỉnh Quảng Trị. TÀI LIỆU THAM KHẢO Nguyễn Tiến Bân, 1997. Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam. Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 532 trang. Criddle R. S., Hopkin M. S., McArthur E. D., & Hansen, L. D., 1994. Plant distribution and the temperature coefficient of metabolism. Plant, Cell & Environment, 17(3), 233-243. Dangol D. R., 2009. Reciprocal Relation Between Population and Environment: Innovations on Flora Data Collection. Journal of the Institute of Agriculture and Animal Science, 30, 143. Hill M. O., Gauch H. G., 1980. Detrended correspondence analysis: An improved ordination tech- nique. Vegetatio, 42(1-3): 47-58. Phạm Hoàng Hộ, 2003. Cây cỏ Việt Nam, quyển I, II, III. Nxb. Trẻ, Hồ Chí Minh. 368 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Anh Hoàng, Nguyễn Mạnh Hà, Lưu Thế Anh, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Võ Linh, 2006. Nghiên cứu đánh giá thoái hóa đất tỉnh Quảng Trị phục vụ quy hoạch phát triển bền vững, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Báo cáo Tổng kết đề tài Viện Khoa học và Công Nghệ Việt Nam, Hà Nội. Moreno-Casasolal P., Espejel I., 1986. Classification and ordination of coastal sand dune vege- tation along the Gulf and Caribbean Sea of Mexico. Vegetatio 66: 147-182. Raunkiær C., 1934, Gilbert-Carter H. (trans.). Plants Life Forms. Oxford University Press, Oxford, Great Britan, 105 pages. Simpson E. H., 1949. Measurement of diversity. Nature, 163(4148), 688-688. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007. Thực vật chí Việt Nam, tập 1 đến tập 11. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. DISTRIBUTION OF DOMINANT FLOWERING PLANT SPECIES IN SANDY REGION OF QUANG TRI PROVINCE *Hoang Xuan Thao Abstract: The study aimed to evaluate the distribution of dominant flowering plants in each life-form among different habitats in sandy region of Quang Tri province. DCA was used to determine the dominant distribution of these species among different habitats. The result revealed that there were 59 dominant spe- cies of trees, shrubs and herbaceous plants in sandy region of Quang Tri prov- ince. Mesophanerophytes and Microphanerophytes included 13 species distrib- uted predominantly in fixed sandy areas and 3 species in the sandy wet lands. Shrubs of Nanophanrophytes had 2 species distributed largely on mobile coastal sand dunes, 6 species in fixed sandy areas and 4 species in periodic wetlands. Herbaceous plants consisted of 5 species distributed mainly on mobile dunes, 5 species in fixed sandy areas and 21 species in wetlands. The mobile and flooded properties of sandy soil had an influence on the distribution of the dominant flowering plants in the sandy region of Quang Tri province. Keywords: DCA, distribution, flowering plant, sandy region. University of Education, Hue University Email: hoangxuanthao@dhsphue.edu.vn