So sánh Stratus OCT và Cirrus OCT trong đánh giá phù hoàng điểm do đái tháo đường

Mục tiêu: So sánh hai máy OCT trong đánh giá độ dày hoàng điểm trong bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường để tìm hiểu tương quan cũng như sự khác biệt giữa thế hệ máy tiêu chuẩn Stratus OCT và thế hệ máy mới Cirrus OCT. Phương pháp: Thiết kế nghiên cứu quan sát cắt ngang. Có 35 bệnh nhân (35 mắt) phù hoàng điểm có ý nghĩa trên lâm sàng do đái tháo đường (CSME) theo tiêu chuẩn của ETDRS đến khám tại Khoa Đáy Mắt Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh tham gia nghiên cứu. Tất cả các bệnh nhân đều được nhỏ dãn đồng tử và được tiến hành đo bởi một kỹ thuật viên duy nhất giàu kinh nghiệm với hai loại máy Stratus OCT (Carl Zeiss Meditec) và Cirrus OCT (Carl Zeiss Meditec). Các thông số được phân tích bao gồm độ dày võng mạc theo 9 vùng của ETDRS, hệ số tương quan trong một lượt đo (intraclass correlation coefficient – ICC), hệ số tương quan giữa hai lượt khám (inter visit correlation coefficient – ICC), phân tích hồi qui, đánh giá sự đồng thuận giữa hai máy và biểu đồ Bland Altman. Kết quả: Độ dày võng mạc các vùng đo được của hai máy có giá trị thay đổi từ 281,89±67,28µm tới 420,23±110,89µm. Hệ số tương quan hồi qui là 0,8. Hệ số tương quan trong một lượt đo (intraclass correlation coefficient – ICC), hệ số tương quan giữa hai lượt khám (inter visit correlation coefficient – ICC) đều >0,9. Kết quả phân tích độ dày võng mạc trung tâm theo Bland Altman cho thấy sự khác biệt trung bình là 68,67µm (p<0,001). Giới hạn đồng thuận là từ -25,73 tới 135,2µm. Khoảng thay đổi là 160,93µm Kết luận: Cả hai máy Stratus OCT và Cirrus OCT đều đáng tin cậy khi sử dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, kết quả đo được của hai máy không thể dùng thay thế cho nhau. Sai biệt giữa hai máy có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do cài đặt giới hạn ngoài của lớp võng mạc khác nhau.

pdf6 trang | Chia sẻ: thuyduongbt11 | Lượt xem: 287 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu So sánh Stratus OCT và Cirrus OCT trong đánh giá phù hoàng điểm do đái tháo đường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 16 * Phụ bản của Số 1 * 2012 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Mắt – Tai Mũi Họng 103 SO SÁNH STRATUS OCT VÀ CIRRUS OCT TRONG ĐÁNH GIÁ PHÙ HOÀNG ĐIỂM DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Nguyễn Như Quân*, Trần Anh Tuấn**, Nguyễn Trọng Lộc* TÓM TẮT Mục tiêu: So sánh hai máy OCT trong đánh giá độ dày hoàng điểm trong bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường để tìm hiểu tương quan cũng như sự khác biệt giữa thế hệ máy tiêu chuẩn Stratus OCT và thế hệ máy mới Cirrus OCT. Phương pháp: Thiết kế nghiên cứu quan sát cắt ngang. Có 35 bệnh nhân (35 mắt) phù hoàng điểm có ý nghĩa trên lâm sàng do đái tháo đường (CSME) theo tiêu chuẩn của ETDRS đến khám tại Khoa Đáy Mắt Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh tham gia nghiên cứu. Tất cả các bệnh nhân đều được nhỏ dãn đồng tử và được tiến hành đo bởi một kỹ thuật viên duy nhất giàu kinh nghiệm với hai loại máy Stratus OCT (Carl Zeiss Meditec) và Cirrus OCT (Carl Zeiss Meditec). Các thông số được phân tích bao gồm độ dày võng mạc theo 9 vùng của ETDRS, hệ số tương quan trong một lượt đo (intraclass correlation coefficient – ICC), hệ số tương quan giữa hai lượt khám (inter visit correlation coefficient – ICC), phân tích hồi qui, đánh giá sự đồng thuận giữa hai máy và biểu đồ Bland Altman. Kết quả: Độ dày võng mạc các vùng đo được của hai máy có giá trị thay đổi từ 281,89±67,28µm tới 420,23±110,89µm. Hệ số tương quan hồi qui là 0,8. Hệ số tương quan trong một lượt đo (intraclass correlation coefficient – ICC), hệ số tương quan giữa hai lượt khám (inter visit correlation coefficient – ICC) đều >0,9. Kết quả phân tích độ dày võng mạc trung tâm theo Bland Altman cho thấy sự khác biệt trung bình là 68,67µm (p<0,001). Giới hạn đồng thuận là từ -25,73 tới 135,2µm. Khoảng thay đổi là 160,93µm Kết luận: Cả hai máy Stratus OCT và Cirrus OCT đều đáng tin cậy khi sử dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, kết quả đo được của hai máy không thể dùng thay thế cho nhau. Sai biệt giữa hai máy có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do cài đặt giới hạn ngoài của lớp võng mạc khác nhau. Từ khoá: Cirrus, Stratus, độ dày hoàng điểm, phù hoàng điểm, đái tháo đường, lỗi phân đoạn. ABSTRACT COMPARISON OF STRATUS OCT AND CIRRUS OCT IN THE DIABETIC MACULAR EDEMA Nguyen Nhu Quan, Tran Anh Tuan, Nguyen Trong Loc * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 16 - Supplement of No 1 - 2012: 103 - 108 Purpose: To compare Cirrus OCT with Stratus OCT regarding retinal thickness in patients with diabetic macular edema and to correlate the results with standard time domain Stratus OCT. Method: This was a cross – sectional, observational study. 35 eyes of 35 consecutive patients with CSME according to ETDRS critera who visited Vitreo – retinal department of Eye Hospital of Ho Chi Minh City were included into this study. All patients were dilated and the procedure’s sequence was performed randomly by a single experienced technician with the two OCT devices: Stratus and Cirrus (Carl Zeiss Meditec). In each eye, retinal thickness in 9 regions according to ETDRS criteria, intraclass correlation coefficient, intervisit correlation coefficient, regression and Bland Altman plots were calculated. * Bệnh viện Mắt TP.HCM, ** Bộ môn Mắt, Đại học Y Dược TP.HCM. Tác giả liên lạc: BS. Nguyễn Như Quân ĐT: 0906996368 Email: nhuquan1976@yahoo.com Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 16 * Phụ bản của Số 1 * 2012 Chuyên Đề Mắt – Tai Mũi Họng 104 Results: Retinal thickness’ values ranged from 281.89±67.28µm to 420.23±110.89µm. Regression coefficient was 0.8. Both intraclass correlation coefficient and intervisit correlation coefficient were >0.9. Mean difference of central retinal thickness was 68.67µm (p<0.001). Limit of agreement was evaluated and ranging from -25.73 to 135.2µm (Range: 160.93µm). Conclusions: Both Stratus and Cirrus OCT are reliable in clinical practice. However, retinal thickness values should not be used interchangeably. The reason of the difference was mainly due to the different retinal outer border setting of each device. Keywords: Cirrus, Stratus, macular thickness, diabetic macular edema, segmentation error. ĐẶT VẤN ĐỀ Mô hình bệnh tật của Việt Nam ngày nay có nhiều thay đổi so với những thập kỷ trước, trong đó có sự gia tăng đáng kể của bệnh đái tháo đường kèm theo đó là bệnh võng mạc đái tháo đường. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người bị bệnh tiểu đường ở Việt Nam năm 2000 là 792.000 và sẽ tăng tới 2.300.000 người vào năm 2030. Chúng tôi không có số liệu cụ thể về tỷ lệ bệnh võng mạc đái tháo đường trong dân số Việt Nam, tuy nhiên, số lượng bệnh nhân bị bệnh võng mạc đái tháo đường đến BV Mắt TP. Hồ Chí Minh, một cơ sở y tế đảm nhận vai trò chủ yếu trong việc khám và điều trị nhãn khoa tại miền Nam Việt Nam, ngày càng gia tăng đáng kể. Trong đó, phù hoàng điểm do đái tháo đường vẫn luôn là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực. Việc đánh giá hoàng điểm trong thăm khám lâm sàng vẫn dựa chủ yếu vào đèn khe, soi đáy mắt gián tiếp, chụp đáy mắt hình nổi, chụp mạch huỳnh quang. Trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của OCT (Optical Coherence Tomography) chụp bản đồ bằng phương pháp giao thoa quang học đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong việc định lượng việc thăm khám hoàng điểm trong đó có bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường(11,7). OCT là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn sử dụng một chùm tia hồng ngoại quét lên võng mạc và dựa vào thời gian quay trở về của tia phản xạ mà tạo ra hình ảnh cắt ngang của võng mạc với độ phân giải cao. Sự ra đời của máy Stratus OCT vào khoảng năm 2002 đã khiến máy này trở thành “tiêu chuẩn vàng” cho các máy OCT nhãn khoa(4). Máy Stratus OCT hoạt động dựa trên nguyên lý “time-domain” cho hình ảnh có độ phân giải trục từ 8 – 10µm, tốc độ quét là 400 A-scans/giây, với 6 lát cắt theo trục hình nan hoa tại hoàng điểm và từ đó tính ra độ dày của hoàng điểm và ước lượng thể tích của hoàng điểm. Ngày nay, kỹ thuật OCT đã sang trang mới khi ứng dụng nguyên lý “spectral domain” đã cho phép các máy thế hệ mới tạo ảnh có độ phân giải trục từ 5 – 7µm, tốc độ quét lên tới 29.000 A-scans/giây và khả năng tạo ra hình ảnh 3 chiều sống động. Sự tiến bộ này khiến cho việc đánh giá hình thái học của các bệnh lý ở giai đoạn sớm trở nên chính xác hơn, việc theo dõi sự tiến triển của bệnh cũng như phân tích định lượng độ dày và thể tích của hoàng điểm chính xác hơn(2,8). Năm 2010, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng máy Cirrus OCT thuộc thế hệ “spectral domain” phục vụ bệnh nhân trong đó có những bệnh nhân phù hoàng điểm do đái tháo đường. Ngoài những điểm thuận lợi và ưu việt nói trên của thế hệ máy mới, sự thay đổi về công nghệ cũng dẫn tới sự khác biệt nhất định giữa kết quả đo của các máy với nhau và điều này đã được đề cập đến trong y văn trong thời gian gần đây. Việc này sẽ khiến việc theo dõi và lập phác đồ điều trị cho người bệnh khó khăn hơn khi người bệnh có kết quả thu được ở một máy trong một thời điểm lại có khả năng không cùng giá trị khi đo được đo lại trên một máy khác. Các thử nghiệm đa trung tâm nếu sử dụng các máy khác nhau vì thế cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Trong nghiên cứu này, chúng tôi so sánh trực tiếp giữa hai máy Stratus OCT và Cirrus OCT trên cùng một mắt của người bệnh phù Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 16 * Phụ bản của Số 1 * 2012 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Mắt – Tai Mũi Họng 105 hoàng điểm do đái tháo đường để đánh giá sự khác biệt có thể có giữa hai máy khi đo bề dày của hoàng điểm. ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Thiết kế nghiên cứu Chúng tôi sử dụng thiết kế quan sát cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu Chúng tôi nhận vào nghiên cứu 35 bệnh nhân có phù hoàng điểm có ý nghĩa trên lâm sàng do đái tháo đường (CSME) theo tiêu chuẩn của ETDRS(5) đến khám tại khoa Đáy Mắt, BV Mắt TP.Hồ Chí Minh. Đánh giá phù hoàng điểm dựa vào quan sát bằng kính Volk Wide Field và độ dày võng mạc trung tâm tối thiểu 225µm (Stratus OCT). Nếu bệnh nhân bị phù hoàng điểm ở cả hai mắt thì mắt nào ít bị đục môi trường trong suốt hơn sẽ được lựa chọn (ví dụ: đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, xuất huyết dịch kính,...). Bệnh nhân sẽ không được chọn vào nghiên cứu nếu như có bất cứ một nguyên nhân nào khác đi kèm gây tăng độ dày hoàng điểm (ví dụ: bệnh lý hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, bệnh lý mạch máu võng mạc, phù hoàng điểm dạng nang sau phẫu thuật đục thủy tinh thể). Tất cả bệnh nhân đều xác nhận vào văn bản đồng ý tham gia nghiên cứu. Phương thức quét Hình 1: Bản đồ hoàng điểm theo EDTRS Đối với máy Stratus OCT chúng tôi sử dụng phương thức quét “Fast macular thickness” là phương thức thường được sử dụng nhất trên lâm sàng. Phương thức này bao gồm 6 lát cắt qua tâm dài 6mm, mỗi lát cắt bao gồm 128 điểm đi qua đúng tâm của hoàng điểm (nếu bệnh nhân định thị chính xác). Đối với máy Cirrus OCT chúng tôi sử dụng phương thức Macular Cube bao gồm 1 vùng quét có diện tích 6 x6 mm với 128 lát cắt, mỗi lát cắt có 512 điểm.Thông tin ghi nhận được từ các lần đo được đưa lên bản đồ hoàng điểm gồm 9 vùng theo EDTRS (Xem Hình 1). Tín hiệu của tất cả các lần quét đều phải từ 7 trở lên. Qui trình tiến hành Tất cả các bệnh nhân đều được nhỏ dãn đồng tử và được tiến hành đo bởi một kỹ thuật viên duy nhất giàu kinh nghiệm với hai loại máy Stratus OCT (Carl Zeiss Meditec) và Cirrus OCT (Carl Zeiss Meditec). Mỗi mắt được đo 2 lượt (tương ứng với lượt thăm khám), mỗi lượt được quét 3 lần. Như vậy một mắt được quét 6 lần. Để tránh hiện tượng mỏi mệt có thể ảnh hưởng đến kết quả đo, thời gian nghỉ giữa hai lượt đo là 15 phút. Trình tự đo của 2 máy OCT trên được thực hiện ngẫu nhiên theo phương pháp chẵn lẻ (chẵn thì đo bằng máy Stratus OCT trước, lẻ thì đo bằng máy Cirrus OCT trước). Trước khi lấy dữ liệu phân tích, tất cả các lát cắt đều được kiểm tra để xác nhận không bị nhiễu hay lỗi (ví dụ bệnh nhân nháy mắt trong khi đo). Phân tích thống kê Số lần quét trong mỗi lượt đo sẽ được phân tích “hệ số tương quan trong một lượt đo” (intraclass correlation coefficient – ICC). Trị số trung bình của mỗi lượt đo sẽ được phân tích “hệ số tương quan giữa hai lượt đo” (inter visit correlation coefficient – ICC) hay còn gọi là “hệ số tương quan giữa hai lượt khám”. ICC được tính dựa trên mô hình hiệu ứng hai chiều hỗn hợp đánh giá sự đồng thuận tuyệt đối (two-way mixed effects model for measures of absolute agreement). Sự khác biệt giữa hai máy được đánh giá bởi sự khác biệt giữa lần quét đầu tiên/ lượt đo đầu tiên của mỗi máy. Dữ liệu nói trên được phân tích và vẽ biểu đồ để đánh giá sự đồng thuận giữa hai máy theo Bland Altman(1). Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 16 * Phụ bản của Số 1 * 2012 Chuyên Đề Mắt – Tai Mũi Họng 106 Ngoài ra, chúng tôi còn phân tích hồi qui để tìm công thức qui đổi giá trị giữa hai loại máy. Tất cả các phân tích được thực hiện trên phần mềm IBM SPSS Statistics 19.0 với chức năng Repeatability analysis đối với ICC và bằng lệnh (commands) với Bland Altman vì phần mềm không có sẵn chức năng này. KẾT QUẢ Chúng tôi có 35 bệnh nhân (11 nam và 24 nữ) với 35 mắt (22 mắt phải và 13 mắt trái) được đưa vào nghiên cứu. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 53,6±7,3 tuổi. Giá trị trung bình của 6 lần đo ở các vị trí khác nhau tương đương với 9 vùng của ETDRS được thể hiện trên Bảng 1. Sự khác biệt về độ dày trung bình giữa hai máy xảy ra ở tất cả các vùng có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Máy Cirrus có khuynh hướng đo bề dày cao hơn so với máy Stratus. Bảng 1: Độ dày võng mạc trung bình theo vùng của ETDRS. TB: Trung bình, ĐLC: Độ lệch chuẩn Độ dày của các vùng (µm) Cirrus (TB±ĐLC, µm) Stratus (TB±ĐLC, µm) Trung tâm 420,23±110,89 351,56±103,14 Trên trong 398,17±103,35 369,49±98,87 Thái dương trong 408,56±117,12 370,18±102,42 Dưới trong 401,25±92,63 355,11±91,10 Mũi trong 402,57±88,26 354,10±85,29 Trên ngoài 323,98±75,45 298,34±83,43 Thái dương ngoài 332,48±75,51 298,81±88,72 Dưới ngoài 330,29±70,29 281,89±67,28 Mũi ngoài 341,81±49,39 301,64±72,14 Hệ số tương quan trong mỗi lượt đo và giữa hai lượt đo (giữa hai lần khám) được thể hiện trong bảng 2. Kết quả cho thấy khả năng tái lập kết quả (reproducibility) của cả hai máy là rất cao (ICC>0,9). Bảng 2: Các hệ số tương quan trong mỗi lượt đo và giữa 2 lượt đo. KTC: Khoảng tin cậy Cirrus Stratus ICC đo lượt 1 (95%KTC) 0,982 (0,965- 0,989) 0,983 (0,975- 0,994) ICC đo lượt 2 (95%KTC) 0,979 (0,962- 0,991) 0,980 (0,970- 0,991) ICC giữa 2 lượt (95%KTC) 0,989 (0,973- 0,999) 0,987 (0,982- 0,993) Phân tích hồi qui cho thấy giá trị đo được của hai máy có hệ số tương quan hồi qui tốt và công thức qui đổi là: Cirrus (µm)=0,8xStratus+8,1. Kết quả phân tích độ dày võng mạc trung tâm theo Bland Altman cho thấy sự khác biệt trung bình là 68,67µm (p<0,001). Giới hạn đồng thuận là từ -25,73 tới 135,2µm. Khoảng thay đổi là 160,93µm. Biểu đồ Bland Altman được thể hiện ở Hình 2. Hình 2: Biểu đồ Bland Altman đánh giá sự khác biệt giữa hai máy ở lần đo đầu tiên. Hai đường liền nét thể hiện 95% khoảng tin cậy BÀN LUẬN Nghiên cứu của chúng tôi đánh giá độ dày võng mạc ở người bị phù hoàng điểm do đái tháo đường trên hai loại máy OCT là Stratus và Cirrus so sánh trên cùng một mắt của người bệnh. Kết quả cho thấy khả năng tái lập kết quả (reproducibility) của cả hai máy là rất cao, hệ số tương quan hồi qui tốt, tuy nhiên không thể sử dụng thay thế cho nhau được vì sai biệt về đo độ dày giữa hai máy là quá cao. Có rất nhiều nghiên cứu trong y văn đã cho kết quả tương tự về khả năng tái lập kết quả của hai máy nói trên. Ví dụ, với máy Stratus OCT sai số giới hạn nằm trong khoảng 5% đối với người bình thường và 6% ở người bị phù hoàng điểm do đái tháo đường với hệ số tương quan giữa các lần đo (ICC) nằm trong khoảng 0,8 – 1,00. Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 16 * Phụ bản của Số 1 * 2012 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Mắt – Tai Mũi Họng 107 Tương tự, với máy Cirrus OCT(10) có sai số nằm trong khoảng 0,6% tới 2,9% ở người bình thường và ICC ở những người phù hoàng điểm thay đổi từ 0,84 tới 1,00 (nghiên cứu của chúng tôi ICC>0,9). Tương tự với các nghiên cứu khác trong y văn, hệ số tương quan hồi qui giữa hai máy là tốt (0,8) nhưng không thể sử dụng kết quả của hai máy này thay cho nhau được. Phân tích Bland Altman cho thấy sai biệt trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 68,67µm và thậm chí trong một trường hợp sai biệt lên đến 135,2µm. Tất nhiên, sai biệt này không thể được chấp nhận được trên lâm sàng. Sai biệt này cũng gặp trong các nghiên cứu so sánh giữa nhiều loại OCT của nhiều hãng sản xuất với nhau. Có giả thuyết cho rằng sự khác nhau về thuật toán xử lý dữ liệu thô (raw data) và hiện tượng lệch tâm ở hoàng điểm sẽ dẫn đến sai biệt nói trên. Thực ra, nếu có hiện tượng lệch tâm thì sự thay đổi lớn nhất sẽ ở vùng trung tâm và khi ra các vùng phía ngoài sự thay đổi này sẽ ít đi vì độ dày võng mạc ở các vùng phía ngoài thay đổi không nhiều. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự sai biệt này là không khác biệt nhiều từ trung tâm ra ngoại vi. Chính vì vậy, nếu có sự lệch tâm thì hiện tượng này không đáng kể và không giải thích được sự sai biệt về độ dày đo được. Mặt khác, máy Cirrus và Stratus là do cùng một hãng chế tạo (Carl Zeiss Meditec) do đó có thể giả định rằng thuật toán xử lý dữ liệu thô và định tâm là không khác biệt. Hình 3: Giới hạn ngoài của máy Stratus là IS/OS trong khi đó máy Cirrus là giữa lớp biểu mô sắc tố. Mũi tên đỏ là độ dày võng mạc trung tâm Đa số các tác giả đều đồng ý về nguyên nhân chủ yếu về sự sai biệt giữa các loại máy OCT khác nhau là do máy cài đặt giới hạn ngoài của võng mạc khác nhau. Giới hạn ngoài lớp võng mạc của máy Stratus là mặt giao tiếp giữa đoạn ngoài và trong của tế bào cảm thụ quang (IS/OS interface) trong khi đó máy Cirrus đặt giới hạn ngoài là ở giữa lớp biểu mô sắc tố (Hình 3). Điều này cũng lý giải kết quả đo của Cirrus có trị số cao hơn (dày hơn) so với máy Stratus. KẾT LUẬN Tóm lại, Cả hai máy Stratus OCT và Cirrus OCT đều đáng tin cậy khi sử dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, kết quả đo được của hai máy không thể dùng thay thế cho nhau được, do đó khi theo dõi một bệnh nhân cụ thể thì nên cho bệnh nhân sử dụng cùng một máy trong quá trình theo dõi. Sai biệt giữa hai máy có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do cài đặt giới hạn ngoài của lớp võng mạc khác nhau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bland JM, Altman DG (1986). “Statistical methods of assessing agreement between two methods of clinical measurement”. Lancet, 1: 307 – 310. 2. Chen TC, Cense B, Pierce MC, et al. (2005). “Spectral domain optical coherence tomography: ultra-high speed, ultra-high resolution ophthalmic imaging”. Arch Ophthalmol, 123: 1715 – 1720. 3. Diabetic Retinopathy Clinical Research Network, Krzystolik MG, Strauber SF, Aiello LP, Beck RW, Berger BB, Bressler NM, Browning DJ, Chambers RB, Danis RP, Davis MD, Glassman AR, Gonzalez VH, Greenberg PB, Gross JG, Kim JE, Kollman C. (2007). “Reproducibility of macular thickness and volume using Zeiss OCT in patients with DME”. Ophthalmology, 114(8): 1520 – 1525. Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 16 * Phụ bản của Số 1 * 2012 Chuyên Đề Mắt – Tai Mũi Họng 108 4. Drexler W, Sattmann H, Hermann B, et al. (2003). “Enhanced visualization of macular pathology with the use of ultrahigh- resolution optical coherence tomography”. Arch Ophthalmol, 121: 695 – 706. 5. Early Treatment Diabetic Retinopathy Study Research Group (1985). “Photocoagulation for diabetic macular edema. ETDRS report number 1”. Arch Ophthalmology, 103: 1796 – 1806. 6. Forooghian F, Cukras C, Meyerle CB, Chew EY, Wong WT (2010). “Evaluation of time domain and spectral domain optical coherence tomography in the measurement of diabetic macular edema”. Invest Ophthalmol Vis Sci, 49: 4290 – 4296. 7. Hee MR, Puliafito CA, Duker JS, et al. (1998). “Topography of diabetic macular edema with optical coherence tomography”. Ophthalmology, 105: 360 – 370. 8. Kakinoki M, Sawada O, Sawada T, Kawamura H, Ohji M (2008). “Comparison of macular thickness between Cirrus HD-OCT and Stratus OCT”. Ophthalmic Surg Lasers, 39: 37 – 42. 9. Kiernan DF, Hariprasad SM, Chin EK, Kiernan CL, Rago J, Mieler WF (2009). “Prospective comparison of Cirrus and Stratus optical coherence tomography for quantifying retinal thickness”. Am J Ophthalmol, 147: 267 – 275. 10. Leung CK, Cheung CY, Weinreb RN, et al. (2008). “Comparison of macular thickness measurements between time domain and spectral domain optical coherence tomography”. Invest Ophthalmol Vis Sci, 49: 4893 – 4897. 11. Richard JA, Miles RS, Devinder SC, et al. (2000). “Comparison between optical coherence tomography and fundus fluorescein angiography for the detection of cystoid macular edema in patients with uveitis”. Ophthalmology, 107: 593 – 599. 12. Weojtkowski M, Srinivasan V, Ko T, Fujimoto J, Kowalczyk A, Duker J (2004). “Ultrahigh-resolution, high-speed, Fourier domain optical coherence tomography and methods for dispersion compensation”. Opt Express, 12: 2404 – 2422.
Tài liệu liên quan