Đề tài Nghiên cứu thích ứng chủng virút Cúm mùa trên các dòng tế bào khác nhau
Virút Cúm là tác nhân quan trọng gây bệnh Cúm cho người trên toàn cầu và lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Trong các dịch Cúm hàng năm, 5-15% dân số bị ảnh hưởng do lây nhiễm bằng đường hô hấp trên. Các trường hợp nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở những nhóm có nguy cơ cao , như người cao tuổi và người ốm mạn tính. Mặc dù khó có thể đánh giá đầy đủ, nhưng các số liệu thống kê cho thấy những dịch Cúm này gây ra từ 3 đến 5 triệu ca bệnh và khoảng 250.000 đến 500.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất trong số các bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, và những người có nguy cơ mắc thêm các biến chứng từ Cúm. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và dự phòng (The Center for Disease Control and Prevention - CDC, Atlanta, Mỹ) mỗi năm ở Mỹ có hơn 200.000 ca nhập viện vì biến chứng của Cúm và 36.000 trường hợp chết. Bệnh Cúm lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới trong những mùa dịch và gây ra gánh nặng đáng kể cho kinh tế và y học. Biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất đối với dịch Cúm là tiêm phòng vắc xin. Vắc xin Cúm có hiệu quả bảo vệ 70-90% trên người trẻ tuổi mạnh khỏe nếu kháng nguyên vắc xin phù hợp với chủng virút Cúm đang lưu hành. Dựa trên thông tin thu thập được từ mạng lưới giám sát bệnh Cúm toàn cầu của WHO, hàng năm WHO đưa ra khuyến cáo thành phần kháng nguyên của vắc xin tập trung vào 3 chủng phổ biến nhất đang lưu hành. Hiện tại các virút Cúm đang lưu hành gây bệnh cho người được phân chia thành hai nhóm A và B. Cúm A có 2 phân týp quan trọng nhất đối với người là A/H3N2 và A/H1N1, liên quan đến những đại dịch có số người tử vong nhiều nhất. Hiện nay, tất cả các nhà sản xuất vắc xin Cúm trên thế giới đã và đang sử dụng công nghệ truyền thống là sản xuất trên trứng gà có phôi không mang các tác nhân gây bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, đây là một hệ thống cồng kềnh với nhiều điểm bất lợi như: chi phí cao, có thể lẫn các tạp chất gây dị ứng. Virút Cúm người sinh trưởng trên trứng có thể dẫn đến sự chọn lọc những biến đổi trong các kháng nguyên đặc hiệu từ chủng virút gốc (14) và nguồn cung cấp trứng không đảm bảo được thời gian, ảnh hưởng đến tính sẵn sàng cho việc đối phó với bệnh dịch (29). Việc nuôi cấy virút Cúm trên tế bào là rất khả thi trong việc sản xuất vắc xin với những lợi thế so với trên trứng gà có phôi như: cho năng suất cao và sạch do không lẫn những tạp chất như trên trứng, virút nhân lên trên tế bào vẫn giữ đặc tính kháng nguyên như ở chủng virút gốc. Xuất phát từ thực tế đó, nhằm nghiên cứu sản xuất vắc xin Cúm mùa bất hoạt có hiệu lực cao với giá thành hạ, chúng tôi tiến hành đề tài: "Nghiên cứu thích ứng chủng virút Cúm mùa trên các dòng tế bào khác nhau". Đề tài được thực hiện nhằm 2 mục tiêu: 1. Đánh giá khả năng thích ứng của 3 chủng virút Cúm mùa H1N1, H3N2 và B trên các dòng tế bào thận khỉ tiên phát (PMKc), thận khỉ xanh châu Phi thường trực (Vero) và thận chó Madin-Darby thường trực (MDCK). 2. Nghiên cứu cấy truyền các chủng virút Cúm mùa trên dòng tế bào thích hợp nhằm nâng cao hiệu giá.